Bình Sơn tự và nhà sư yêu nước

Núi Cấm là quần thể du lịch tâm linh của tỉnh An Giang. Trong đó, chùa Bình Sơn là địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi hành hương tìm về vùng Bảy Núi. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bình Sơn tự là điểm tựa hoạt động cách mạng của nhiều chiến sỹ và người nuôi chứa, bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ Đảng viên bám trụ lúc bấy giờ là nhà sư Thích Thiện Huệ.

 Chân dung nhà sư Thích Thiện Huệ
 
Mặc dù đã viên tịch vào ngày 19/06/Đinh Dậu 2017, nhưng mỗi khi nhắc về nhà sư Thích Thiện Huệ, các nhân chứng lịch sử ở An Giang đều bùi ngùi xúc động, hồi tưởng về thành tích to lớn của người đã đến đây khai sơn phá thạch, làm nơi cho chiến sĩ cách mạng bám trụ hoạt động. Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thành Cư - nhân chứng lịch sử ở An Giang, người được nhà sư Thích Thiện Huệ nuôi dưỡng trong những năm kháng chiến khốc liệt kể: “Phải nói rằng sự đóng góp của ông rất là lớn, thời ấy địch càn quét đuổi dân xuống núi nhưng ông vẫn chen vô cho người ta không đi được và ngày ấy ông vẫn lên xuống núi tiếp tế gạo thóc. Thứ hai là nhà sư có tinh thần yêu nước nồng nàn, đặc biệt là biết chăm lo hậu cần thuốc men cho cán bộ bám trụ nhất là chiến sĩ cách mạng bị bệnh sốt”.

 
Đại đức Thích Minh Tân, đệ tử của Ngài dâng hương tưởng niệm
 
Cố Đại lão Hoà thượng Thích Thiện Huệ, thế danh là Nguyễn Văn Ứng, sinh năm 1927, người xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, trên một vùng quê, nơi sớm ra đời các tổ chức cách mạng nên khi còn tuổi vị thành niên, Hoà thượng tích cực tham gia chống thực dân Pháp rồi đến chống Mỹ cứu nước. Khoảng năm 1955, ông đến vùng Bảy Núi, chọn núi Cấm làm điểm đầu tiên tạo dựng chùa Bình Sơn để tiếp tục tu học và hoạt động. Tại đây, ông nuôi chứa bảo vệ an toàn nhiều cán bộ cách mạng. Không những vậy, ông còn là người có kinh nghiệm sử dụng cây thuốc quý vùng Bảy Núi để phòng và trị bệnh, hướng dẫn phật tử, giúp đỡ người nghèo. Ông Phạm Việt Trung, Hội viên Hội Khoa học lịch sử An Giang nói: “Công lao của nhà sư rất lớn bởi trong cuộc đời làm cách mạng, nhà sư đã dùng vườn thuốc Nam cạnh nơi tu hành che giấu cán bộ chiến sỹ hoạt động cách mạng mà sau này khi thống nhất đất nước có nhiều vị trở thành lãnh đạo cao nhất của tỉnh”.


 Vườn thuốc nam trên núi Cấm cạnh chùa Bình Sơn
 
Với tinh thần vì đạo Pháp dân tộc, nay ông đã được truy phong Giáo phẩm Hoà thượng, là tấm gương đạo cao đức trọng để hàng hậu thế noi theo. “Cố Hòa thượng đã để lại một di sản vô cùng quý báo, từ tâm linh đến việc giảng dạy. Cái nào khó thì Hòa thượng luôn sẵn lòng giúp đỡ nên là hàng hậu học chúng tôi nguyện làm theo đức hạnh của Ngài” Đại đức Thích Minh Tân, đệ tử của Ngài bộc bạch.

Có thể nói rằng, từ buổi ban đầu lên non dựng chùa tu học, nuôi chứa cách mạng đến hành thiện giúp đời rồi đến ngày Hoà thượng Thích Thiện Huệ an nhiên thị tịch về nơi cõi Phật đáng là tấm gương sáng bởi chính ông là người để lại tinh thần yêu nước và ý chí tu học vô cùng quý báu mà hàng hậu học ngày nay nguyện tiếp bước  và hành thiện theo ước nguyện của ngài truyền trao.

Bài viết: "Bình Sơn tự và nhà sư yêu nước"
Bảo Phong - Vườn hoa Phật giáo
Nguồn: http://phatgiao.org.vn