Bài học không lời từ Covid-19

Chúng ta là những người đệ tử Phật hãy biết quán chiếu, biết sống đúng đạo lý và học được những bài học giá trị từ cuộc sống. Hãy sống yêu thương, bình đẳng, đoàn kết, hi sinh, tương thân tương ái. Hãy sống chậm lại để lắng nghe những niềm vui nỗi buồn, những tiếng lòng mà quả địa cầu đang thì thầm với chúng ta…

Đại đức Thích Khải Thành
 
Hàng ngày, chúng ta tất bật với cơm áo gạo tiền nên lao xao trong đời sống và tâm thức, ít ai biết lắng lòng để nghe những âm thanh từ cuộc sống, học những bài học quý giá từ ngay trong chính đời sống thường nhật. Nếu chúng ta thực sự lắng tâm lại sẽ nhận thấy: mỗi một sự việc, hiện tượng trong cuộc sống đều dạy cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá. Gần đây, nhà nhà, người người xôn xao với một dịch bệnh trên toàn cầu đó là dịch do Covid-19 gây ra.

Đứng trên cương vị của một người Phật tử, chúng ta luôn học tập và thực hành theo những lời Phật dạy. Vậy chúng ta hãy suy tư những giáo lý của Phật rồi liên kết với những gì đang diễn ra để rút ra những bài học hữu ích cho bản thân mình.

1. Bài Học Về Vô Thường

Vô thường là một giáo lý rất cơ bản và quan trọng trong Đạo Phật. Nhắc đến vô thường chúng ta cảm thấy rất quen thuộc và có vẻ như đơn giản. Nhưng đây là một nhân tố khách quan tồn tại thường trực trong đời sống. Mọi sự vật, hiện tượng đều thay đổi trong từng sát na sanh diệt. Không có gì là trường tồn mãi mãi. Đại nạn do Covid 19 gây ra lại một lần nữa nhắc chúng ta nhớ đến cuộc sống đầy mong manh, ngắn ngủi, sống nay, chết mai.

- Những con phố sầm uất bỗng chốc phủ màu tang tóc…

- Những con đường hoa lệ bỗng chốc trở nên lạnh lẽo, không bóng người…

- Những khu du lịch ồn ào, điểm đến thiên đường của những người ưa hưởng thụ bỗng trở thành nơi lan tràn bệnh tật một cách đáng sợ…

Mọi thứ dường như bị đảo lộn, những quốc gia tưởng chừng như hùng mạnh vô cùng, đời sống văn minh, tự do, thuận tiện thì trong vòng chưa đầy 1 tuần đã sụp đổ, gục ngã hoàn toàn…

Người ta chế tạo ra rất nhiều vũ khí lợi hại với sức công phá lớn và chỉ cần một sự kích động nhỏ thì những quả bom đó có thể nổ gây hủy diệt hàng loạt. Nhiều nước tự hào về điều đó. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến không một tiếng nổ, một cuộc chiến mà người ta khóc lóc đau thương vì muốn cứu người mà bất lực…

Chúng ta mở cửa toàn cầu để giao thương với nhau nhưng để giữ gìn đường biên giới thì bất kỳ quốc gia nào cũng cần có một đội quân thật hùng mạnh. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, con virus nhỏ bé đã vượt qua tất cả các biên giới mà xuất hiện gần như tất cả các quốc gia trên thế giới. Không cần lực lượng quân đội, vô số quốc gia tự mình đóng cửa biên giới để cô lập, hạn chế dịch bệnh lây lan. Chúng ta chợt hiểu ra một điều rằng không phải mở mang bờ cõi là một niềm tự hào mà giữ gìn bờ cõi hiện tại được ổn định, an bình mới là điều đáng khâm phục.

Covid 19 là sứ giả nhắc nhở chúng ta về chân lý vô thường của cuộc sống để chúng ta biết sống sao cho tốt từng ngày. Đừng để mọi thứ trôi qua rồi phải ân hận…

2. Bài Học Về Sự Khổ

Nhiều người cho rằng Đức Phật dạy “cuộc đời là đau khổ” khiến cho Đạo Phật trở nên bi quan yếm thế. Nhưng trên thực tế đại dịch do Covid 19 gây ra đã minh chứng cho điều đó. Cái già, bệnh, chết khổ là điều dễ thấy. Nhưng trong đại dịch này cái khổ lại rõ ràng hơn nhiều. Xưa nay chúng ta nghĩ nghèo đói là khổ nhưng trên thực tế giàu có mà không thể đi đâu về đâu vì bị cấm vận cũng là một cái khổ trần ai. Người ta có tiền, xếp hàng dài ở sân bay, chỉ mong được đi đến 1 nơi an toàn, nhưng bất lực vì các quốc gia an toàn hơn đã đóng cửa. Người ta có rất nhiều tiền nhưng phải ném qua cửa sổ, vì ngân phiếu không mua được sức khỏe cho họ trong lúc này. Khi ấy họ mới thấy sức khỏe là điều quan trọng nhất, nhưng tiếc thay lúc còn khỏe họ chẳng giúp được ai, mà thậm chí phung phí sức khỏe cho những cuộc thác loạn thâu đêm suốt sáng. Tiếng khổ rền vang khắp chốn…

Một lần nữa Covid 19 nhắc chúng ta hiểu hơn về bản chất của cuộc đời. Biết rõ cuộc đời có rất nhiều đau khổ để ta trân trọng tất cả vì chẳng biết cái khổ sẽ đến với mình lúc nào. Khi thấy người khổ thì hãy san sẻ, sống với đôi bàn tay không nắm lại. Biết sống phụng sự, hi sinh, đôi khi phải biết gánh cái khổ giùm người khác, chia xớt bớt nỗi đau với họ…

3. Bài học về vô ngã

Cả cuộc đời chúng ta đi tìm kiếm hạnh phúc và với nhiều người khi có tài sản, vật chất, danh vọng… làm chúng ta hạnh phúc. Người ta mải miết đi tìm, bất chấp đúng sai, phải quấy, lừa gạt, hại người… tích trữ mọi thứ. “Dầu cho mưa xuống bạc vàng, không sao thỏa mãn lòng tham con người”. Nhưng khi Covid tới, tiền tài không giải quyết được vấn đề, khi đã cận kề cái chết, người ta không thể đem theo bất cứ cái gì dù chỉ là cây kim, cọng chỉ. Người ta nhận ra rằng chẳng có gì là ta và của ta cả. Nếu như trước đây ta dễ dàng cáu gắt hoặc sừng sộ vì một người làm sai ý mình, thì giờ đây những điều đó chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nếu như trước đây ta bất chấp để hơn thua, tranh quyền đoạt lợi để tô điểm cho bản ngã của mình, thậm chí có thể mưu hại người khác, thì giờ đây nghĩ lại điều đó thật ngu ngốc vì tất cả những gì ta tranh giành không thể đi theo ta. Người thân bên cạnh đang bị bệnh, giá như có thể sống lại thì có cãi vã với mình thế nào cũng được.

Nhờ Covid 19, con người biết lắng tâm lại, bớt đòi hỏi cho mình nhiều, biết kìm nén cảm xúc bản thân, vì họ nhận ra rằng tất cả những thứ đó chẳng có gì là quan trọng nếu sau 1 giấc ngủ mà mình không thể tỉnh dậy.

4. Bài học về nhân duyên

Nhiều người nghĩ rằng mình là một cá thể độc lập và họ tự tạo cho mình hàng rào bảo vệ, cách biệt với mọi người. Nhưng trên thực tế, hàng rào biên giới còn không tồn tại trong dịch Covid thì chúng ta làm sao có thể sống độc lập được. Nhiều người không nghĩ rằng, một con muỗi nhỏ ở Việt Nam có thể ảnh hưởng tới cái chết của con Bò Tót ở Tây Ban Nha. Nhưng giờ đây họ đã tin như vậy. Một con Virus nhỏ bé ở Vũ Hán lại có thể khiến cả bầu trời Phương Tây u ám, khiến cả thế giới phải bất an, hỗn loạn.

Nhờ Covid 19 chúng ta biết ý thức hơn về từng hành động, lời nói và suy nghĩ của mình, bởi bất kỳ điều gì cũng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh thậm chí là cả nhân loại…

5. Bài học về tính bình đẳng

Đức Phật từng dạy “không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn”. Tuy nhiên, con người ta tự tạo đẳng cấp cho mình từ sự giàu có, quyền lực xã hội. Covid 19 đã san bằng quan niệm ấy. Không có sự khác biệt trong việc nhiễm dịch bệnh dù là người giàu hay nghèo, người giai cấp cao hay thấp, người thượng tầng xã hội hay người nông dân thuần túy. Người lao động, công nhân, hay hoàng tử, lãnh sự quán… khả năng lây nhiễm là như nhau. Và thậm chí ở một số nơi có đời sống sa hoa, thượng đẳng, nơi được coi là thiên đường thì việc lây nhiễm trong cộng đồng còn mạnh hơn. Khái niệm đẳng cấp không tồn tại khi bạn nằm trên giường bệnh hoặc trong quan tài.

Covid 19 dạy ta biết hạ mình để có thể hòa đồng với tất cả mọi người. Dạy ta không nên nghĩ mình ở đẳng cấp trên rồi đòi hỏi hoặc có thái độ trịch tượng với đồng loại. Nên nhớ mỗi chúng ta đều là một cá thể trong cộng đồng, có chăng bạn hơn người khác bởi cái phước bạn đang được hưởng. Nếu được như vậy thì hãy san sẻ với mọi người bằng cả trái tim yêu thương.

6. Bài học về sự biết ơn

Chúng ta chỉ là một cá thể tồn tại trong vũ trụ và chúng ta mang ơn rất nhiều người.

Mang ơn các cấp chính quyền, lãnh đạo đã lo cho nước, cho dân, không chỉ trên mặt trận chống giặc ngoại xâm mà còn bảo toàn tính mạng và sức khỏe của mỗi người dân. Nếu không có những chính sách kịp thời thì có thể giờ đây chúng ta cũng đang phủ một màu trắng tang thương.

Mang ơn những người luôn thầm lặng hi sinh, có thể họ không cầm súng oai hùng như những chiến sĩ trên mặt trận, nhưng hàng ngày hàng giờ họ vẫn lao mình bảo vệ sự an nguy của chúng ta. Rất nhiều chiến sĩ đã phải hi sinh hạnh phúc cá nhân để ngày đêm trực chiến trên mặt trận chống Covid. Ngủ ngoài trời các anh không ngại, trực thâu đêm các bác chẳng nản lòng, ăn kém ngon, mặc không đẹp nhưng trong ánh mắt luôn sáng lên hi vọng tất cả sẽ vượt qua và muôn dân sẽ bình an trở lại. Trong khi chúng ta được ở yên một chỗ để tránh bị nhiễm dịch thì họ ở tuyến đầu nguồn bệnh, có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, và… đã có nhiều chiến sĩ mắc bệnh và tử trận trên chiến trường chống Covid…

Covid 19 dạy chúng ta bớt than thở mà nên biết tri ân với tất cả những gì mà chúng ta đang thọ nhận.

7. Bài học về sự đoàn kết

Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. thành công, thành công, đại thành công. Nếu ai hỏi tôi đây có phải khoảng thời gian u ám không thì tôi lại nghĩ ngược lại. Với tôi đây là khoảng thời gian rất hạnh phúc. Bởi lẽ, lịch sử mấy ngàn năm chúng ta chiến thắng, giành độc lập trước bao quân thù cũng bởi 2 chữ “đoàn kết”. Một người nói vạn người nghe. Nhưng sau khi chống giặc ngoại xâm, người người bắt tay vào sản xuất, nhà nhà làm giàu thì dường như người ta đã quên cái khẩu hiệu trên.

Khi Covid xuất hiện, hình ảnh một dân tộc đoàn kết chống dịch bệnh lại hào hùng như xưa. Thế mới thấy được giá trị của hai chữ “Tổ Quốc”. Hàng chục chuyến bay được tổ chức để đón con em từ các vùng dịch trở về tránh nạn. những chiếc khẩu trang, những chai nước rửa tay, những bữa cơm, những phác đồ điều trị… tất cả đều miễn phí. Khi chính phủ lên tiếng, từ những mạnh thường quân đến những người công nhân, kẻ ít người nhiều, nhà nhà, người người đều chung tay chống dịch. Hào khí năm xưa lại quay trở về.

Thế giới đã trải qua 2 cuộc chiến tranh và trong những cuộc chiến đó người ta chia phe nọ phe kia để tiêu diệt nhau, để tranh giành từng tấc đất, để chia xé quyền lợi. Nhưng Covid 19 lại khiến cả thế giới nằm trên cùng một trận chiến không có phe đảng, không có súng ống. Tất cả các quốc gia đều đoàn kết, đồng lòng và hỗ trợ nhau chống dịch. Phải chăng chúng ta cũng nên đoàn kết như lúc này để giữ mãi màu xanh, sự sống và nền hòa bình trên quả địa cầu xinh tươi này.

8. Bài học về sống chánh niệm

Do quá lo toan về cơm áo gạo tiền nên chúng ta bộn bề với công việc, tất bật với cuộc sống mà quên đi bổn phận, trách nhiệm với người thân, gia đình, thậm chí là chính bản thân mình. Covid 19 khiến chúng ta có cơ hội lại gần nhau hơn, hiểu thấu nhau hơn, và quan trọng nhất là có thời gian để lắng tâm mình lại hơn. Giữa khi đại dịch chúng ta có thể chọn thái độ hoảng loạn hay bình tĩnh đó đều là do sự có tu hay không của mỗi người. Nếu biết tu chúng ta sẽ nhận thấy đây là cơ hội để nhìn lại mình, để trân trọng cuộc sống, để đoàn viên với gia đình, để chăm sóc người thân… Và nếu biết tu hơn nữa bạn sẽ thấy “ở yên 1 chỗ” là cơ hội tuyệt vời cho một người thực hành đời sống chánh niệm.

Bạn sẽ biết mình đang nghĩ gì, đang nói gi và đang làm gì. Những điều đó có lợi hay có hại cho bạn và những người xung quanh ở hiện tại và vị lai hay không để từ đó điều chỉnh sao cho hợp với nhân quả nghiệp báo. Bạn có cơ hội lắng nghe hơi thở của mình, lắng nghe cảm xúc của mình và bạn nhận ra rằng phút giây này là tuyệt vời nhất.

Như vậy qua dịch Covid 19 mỗi người có một cách nhìn khác nhau. Chúng ta là những người đệ tử Phật hãy biết quán chiếu, biết sống đúng đạo lý và học được những bài học giá trị từ cuộc sống. Hãy sống yêu thương, bình đẳng, đoàn kết, hi sinh, tương thân tương ái. Hãy sống chậm lại để lắng nghe những niềm vui nỗi buồn, những tiếng lòng mà quả địa cầu đang thì thầm với chúng ta.

 

Thích Khải Thành - Vườn hoa Phật giáo