Sẽ ra sao, nếu chúng ta thiếu họ?

Chúng ta hãy thử hình dung, mọi thứ trên đời đều được chúng ta đưa hết xuống cống. Xây nhà cao tầng, nhà đẹp, người ta đổ những dư thừa như hợp chất trộn bê tông xuống cống, nơi người công nhân đang ngâm mình làm việc. Anh Hùng đã không nén được cảm xúc khi kể lại chính anh cũng không ít lần bị bỏng, bị lở loét. Bị, nhưng hôm sau vẫn đi làm vì chén cơm manh áo, vì thành phố này.


Cơn mưa ở Hà Nội ngày càng nặng hạt, ào ào trút xuống sau khi chịu ảnh hưởng của một cơn áp thấp nhiệt đới. Mưa dày đến nỗi nước không kịp rút, nước từ cống dềnh lên kèm theo một mùi hôi thối khó chịu. Con ngõ nhỏ giờ đây ngập trong biển nước. Hai vợ chồng tuổi teen nhà bên nhón chân ném toẹt túi rác ra cửa, hậm hực mắng cô công nhân quét rác: “Mấy bà nhận lương mà không dọn cống à? Nước tràn hết vào nhà rồi kia kìa…”. Cô công nhân có lẽ cũng trạc tuổi bố mẹ họ, trong bộ quần áo ướt nhẹp chỉ lặng lẽ cúi đầu, lấy tay quệt vội ngang mặt, nhặt túi rác họ vừa ném ra và quay lưng lầm lũi bước đi… Nước mưa hay là giọt nước mắt tủi phận của cô? 

Công nhân thoát nước - người hùng thầm lặng đang bị lãng quên

Công nhân vệ sinh môi trường vốn là một công việc rất vất vả. Và sự vất vả còn nhân lên gấp bội với những người công nhân thoát nước đô thị, nhất là trong những ngày mưa bão. Nếu có thời gian, bạn hãy dành ra chỉ 8 phút để xem trọn vẹn đoạn clip về một ngày làm việc của người công nhân thoát nước (link: http://vietnamnet.vn/vn/cong-dong/song-cham/lang-nguoi-xem-canh-lam-viec-cua-nhung-nguoi-cong-nhan-don-rac-430687.html). Tôi tin bạn sẽ có rất nhiều suy nghĩ cho riêng mình. Không màu mè hay nhiều kĩ xảo, bức tranh về cuộc sống của họ hiện lên quá đỗi bình dị và chân thực. Nỗi niềm thầm kín cùng những tâm sự đều được gửi trao qua những thước hình đắt giá.

Một ngày của những người công nhân thoát nước thuộc chi nhánh thoát nước số 5, Công ty Thoát nước Đô thị Tp.HCM thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào chiều tối. Đều đặn những công việc thường nhật của họ lần lượt được hoàn thành: nạo vét cống rãnh, kiểm tra van đăng triều, trực mưa... Chỉ một đoạn đường ngắn thôi mà có đến hàng ngàn khối bùn đất được nạo vét để đảm bảo hệ thống thoát nước được thông thoáng. Các anh tâm sự, cực nhất là làm việc dưới trời mưa, lấm lem bùn đất nhưng cũng không được tắm. Hễ trời mưa là phải chạy đi liền, bởi nếu không vét rác cho nước chảy, lỡ xảy ra ngập, người dân đi lại sẽ khó khăn.

Công việc dọn vệ sinh chưa bao giờ dễ dàng, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng để làm được. Vậy mà có những người “anh hùng thầm lặng” đã dành cả cuộc đời để làm công việc gây tổn hại nhiều đến sức khỏe và tinh thần ấy. Kể đến mối nhân duyên đến với cái nghề mà “không phải ai cũng chọn”, hầu hết các anh đều có thâm niên hơn 20 năm. “Nghề nó chọn mình chứ mình không chọn công việc này, đến hiện tại cũng hơn 22 năm rồi. Công việc nó khó khăn, dơ bẩn thế đó, nhưng nếu mình không làm thì ai làm?”.


Anh Phạm Hồng Vinh (36 tuổi) có 7 năm trong nghề chia sẻ, anh gắn bó với nghề này vì nó nuôi sống mình và gia đình

Có lẽ cực nhọc nhất trong những chuỗi công việc kể trên của những người công nhân thoát nước chắc là khi các anh nhận nhiệm vụ ngâm mình trong lòng cống nước ngập tràn mớ bùn sình. Mùi hôi, rác thải, chất độc hại... bủa vây xung quanh, nhưng những người công nhân vẫn phải hàng ngày xuống dưới lòng cống từ 30 phút đến 1 tiếng, vớt nào những túi ni lông, hộp xốp, thậm chí là tảng mỡ bò do một cơ sở nào đó tiện tay vứt xuống. Các anh kể, những lúc ngạt không thể chịu nổi cũng chỉ được ngoi lên mặt đất nghỉ ngơi tầm 10 - 15 phút rồi lại tiếp tục công việc. 


 Một công nhân trèo lên uống vội hớp cà phê rồi lại chui xuống tiếp tục xử lý rác thải

Mức thu nhập của công nhân nạo vét cống là 11,5 triệu đồng/tháng gồm lương, bồi dưỡng độc hại. Nhưng ai cũng có thể thấy rõ, mức thu nhập đó hoàn toàn không tương xứng với công việc quá khổ cực và nguy hiểm cho sức khỏe của mỗi người công nhân. 

Nếu không biết hay chưa hiểu hết về nỗi vất vả của người công nhân vệ sinh, hoặc biết nhưng vẫn thờ ơ, đã và đang tiếp tục xả rác thải bẩn ra cống rãnh, chúng ta hãy xem đoạn clip ngắn chỉ vỏn vẹn 1 phút 42 giây (link: http://yeah1.com/doi-song/nguoi-ta-do-rac-len-dau-co-tui-nay-loi-chia-se-cua-anh-cong-nhan-khien-trieu-nguoi-hoang-hot.html). Chúng ta hãy xem để thấm thía nỗi nhọc nhằn, đầy khổ cực của họ.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau một ngày làm việc trong môi trường ô nhiễm và đầy dịch bệnh

Dù vô cảm đến mấy, chúng ta cũng sẽ lặng người đi sau khi lắng nghe những lời chia sẻ ứa nước mắt của anh Ngô Chí Hùng - nhân viên thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị Tp.HCM: “Nói đến đây tui cảm xúc, tui rớt nước mắt vì nó rất nguy hiểm đến sức khỏe của người công nhân chúng tôi. Nhiều khi xuống bỏng cả toàn thân, nó đau lắm!”. “Nhiều khi đang làm mà chất dơ rơi vô đầu cổ” - anh Hùng kể tiếp khiến cả khán phòng im lặng. Và nỗi sợ lớn nhất của công nhân vệ sinh chính là đâm phải kim tiêm: “Có kim tiêm, có dao nữa, mấy cái vật nhọn cũng nguy hiểm lắm!”.

Cống ngập là do ai?

Mỗi khi trời mưa to, đường phố ngập lụt trong biển nước, chúng ta chỉ biết than phiền, lên án về năng lực giảm ngập của thành phố, đổ lỗi cho những người công nhân thoát nước đô thị vô trách nhiệm, không làm việc hiệu quả. Nhưng đâu biết nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của chính chúng ta. Dù biết rằng hệ thống thoát nước không được đầu tư cũng là một phần lý do khiến thành phố bị ngập. Đây là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu có trang bị máy móc hiện đại, đắt tiền đến đâu đi chăng nữa mà người dân cứ vô tư vứt rác xuống cống thì việc đầu tư này cũng chỉ là vô ích, mong “nấu cát thành cơm” mà thôi.

Rác thải bịt kín cống thoát nước
 
Công nhân dọn vệ sinh vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn gấp bội khi phải dọn dẹp “sự thiếu ý thức” của nhiều cá nhân và tập thể trong xã hội. Cống rãnh là nơi thoát nước nhưng nay lại trở thành nơi xả rác tập trung. Nhà vệ sinh công cộng trực tiếp xả không qua xử lý, thậm chí khi công nhân đang làm bị chất dơ đổ ngay lên đầu, thêm vào đó là rác, xà bần ở công trình... Và đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cống tắc, đường ngập nặng hơn mỗi khi trời đổ mưa lớn.

Chúng ta hãy thử hình dung, mọi thứ trên đời đều được chúng ta đưa hết xuống cống. Xây nhà cao tầng, nhà đẹp, người ta đổ những dư thừa như hợp chất trộn bê tông xuống cống, nơi người công nhân đang ngâm mình làm việc. Anh Hùng đã không nén được cảm xúc khi kể lại chính anh cũng không ít lần bị bỏng, bị lở loét. Bị, nhưng hôm sau vẫn đi làm vì chén cơm manh áo, vì thành phố này. 


Rác do người dân vứt xuống cống phần lớn là chai nhựa, hộp xốp, bao ni lông 
 
Có thể thấy rằng hàng ngày, đôi khi chúng ta do vô ý hay cố tình vung tay vứt rác mà chả thèm quan tâm chúng sẽ đi về đâu. Rác trôi ra sông? Rồi sẽ ra biển? Hoặc đi đâu đó... Miễn rác không còn ở nhà mình là... sạch. Chính suy nghĩ đó đã đè nặng lên đôi vai của những người công nhân thoát nước.

Có một câu chuyện buồn mà đến giờ sau hơn 10 năm vẫn luôn làm tôi trăn trở suy nghĩ. Ngày ấy, trường cấp 2 tôi học gần hồ Ngọc Khánh. Năm đó, tôi nhớ thành phố phải trải qua một trận mưa giông do ảnh hưởng của một cơn bão lớn. Chỉ trong vài phút cả con đường rộng lớn đã biến thành một con sông. Dưới màn mưa trắng xóa là bóng áo phản quang của công nhân thoát nước, đang đứng mở hố ga để khơi thông dòng chảy. “Trông cẩn thận không học sinh đi xe đạp qua không nhìn thấy bị hút đó” - một chú công nhân cố hét lên thật to, át đi tiếng mưa lớn để người đồng nghiệp nghe thấy. 

Sau hai hôm được nghỉ học vì mưa lớn, khi đi qua đoạn đường ấy, tôi và mẹ có thấy một bát hương. Tò mò hỏi người dân quanh đó, tôi mới hay biết hung tin. Lo cho sự an toàn của mọi người là vậy, thế mà cuối cùng một trong hai người công nhân ấy đã bị cuốn theo dòng nước chảy siết, đục ngầu, vĩnh viễn ra đi. “Sinh nghề tử nghiệp”, không hiểu vì sao khi nghe tin ấy tôi thấy thật xót xa, cảm giác như họ là người thân của mình vậy. 

Từ đó trở đi, mỗi khi có ý định vứt rác xuống đường tôi đều khựng lại, nhớ về hình ảnh hai người công nhân lặng lẽ đứng dưới đêm mưa ấy và dừng ngay hành động xấu xí của mình.

Cần hơn những giọt nước mắt, hãy hành động!

Hai đoạn clip sau khi được đăng tải đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng. Tính đến thời điểm hiện tại, clip phỏng vấn anh Hùng đã thu hút hơn 1 triệu lượt xem, 17 nghìn lượt chia sẻ và rất nhiều bình luận bày tỏ sự xúc động. Nhiều người rơi nước mắt, lắng lòng suy ngẫm trước những lời tự sự nghẹn ngào của một người đàn ông làm công việc dọn chất thải nơi công cộng. Những đêm trời mưa lớn, giá rét ngày đông, chúng ta nằm trong chăn ấm đệm êm thì những người công nhân ấy lại phải dầm mình trong cống nước hôi thối, đạp phải kim tiêm, dọn những thứ rất dơ bẩn mà người khác không muốn nhìn thấy.

Họ đã phải làm việc trong môi trường độc hại như vậy, nhưng thật đáng buồn, khi có những thứ đúng ra họ không phải nhặt, nếu chúng ta có ý thức hơn, dù chỉ một chút thôi. Không ít người từ trước đến nay vẫn luôn xem cống là nơi chứa rác, họ thẳng tay đổ cả thùng rác xuống cống. Có lẽ họ cũng thừa biết rác sẽ gây ra tắc cống, nghẽn dòng chảy, sẽ hành hạ những người đi dọn cống... nhưng họ vẫn cứ làm.

Năm 2006, dự án “Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững” do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) là chủ với mức đầu tư gần 49,5 tỉ đồng từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản chính thức khởi động. Theo đánh giá, dự án 3R khi được triển khai tại Hà Nội bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan: giảm 30 - 40% lượng rác thải phải chôn lấp, có thể sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ nguồn rác đã phân loại, giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường,… Và đặc biệt, hiện tượng người dân vứt rác bừa bãi cũng giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, mô hình xử lý rác 3R với mục tiêu giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế rác thải dường như chỉ còn tồn tại trong… ký ức của người dân. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc “chết yếu” của dự án 3R là sự thiếu đồng bộ và chỉ đạo từ các cấp, các ngành. Thời gian đầu tuyên truyền rầm rộ qua phương tiện truyền thông để tạo được sự chú ý của công chúng, nhưng sau một thời gian chẳng còn ai quan tâm nữa. Thế rồi, đâu lại vào đó, rác vứt một đằng, thùng rác nằm một nẻo.

Những cảm thông, chia sẻ, nước mắt không làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, bớt đi sự khổ ải của công nhân nạo vét cống. Điều chúng ta cần làm ngay bây giờ chính là thay đổi suy nghĩ để có những hành động cụ thể, tích cực và hiệu quả. Mong ước lớn nhất của những người công nhân, đơn giản lắm, họ chỉ cần người dân có ý thức hơn để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Và trẻ em - thế hệ mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước cần được giáo dục về vệ sinh môi trường ngay từ khi còn nhỏ.

Trước khi dạy một đứa trẻ cách làm giàu, chúng ta hãy dạy chúng làm người đã. Tôi đã từng chứng kiến cảnh các vị phụ huynh hồn nhiên vứt rác trước cổng trường, trên phố đi bộ hay ở các khu vui chơi, địa điểm công cộng. Chính những hành động thiếu ý thức ấy đã trở thành một tấm gương xấu ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ em. Để rồi các em sẽ nghĩ: Rác vứt ở đâu cũng được! 

Chúng ta vẫn luôn tâm niệm: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, từ lâu vấn đề rác thải vẫn luôn bị xem nhẹ và mặc định đây là trách nhiệm của công nhân vệ sinh môi trường. Song “gieo hành vi, gặt thói quen” cũng là một bài học “nằm lòng”. Ý thức quả thực là thứ khó suy chuyển nhưng những hành động nhỏ khi được lặp lại liên tục vẫn có thể hình thành thói quen tốt và tạo nên sự thay đổi. Người dân Việt không hẳn là thiếu ý thức, chỉ là đôi khi ý thức đó chưa được khơi gợi đúng cách mà thôi.

Sẽ còn rất lâu nữa Việt Nam mới có thể xây dựng được văn hóa phân loại rác như các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc… Dẫu biết đây là một vấn đề khó khăn, gian nan nhưng nếu mỗi người dân tự nhận thức được hành vi của mình, từng bước thay đổi qua thời gian thì không có điều gì là không thể giải quyết. Điều mọi người cần làm lúc này là dừng ngay việc vứt rác bừa bãi xuống lòng đường, hè phố và đặc biệt là đổ rác xuống cống. 

Hãy tập thói quen vứt rác vào thùng, đúng nơi quy định, chỉ đổ rác khi nghe thấy kẻng, tránh vứt bừa ở ngoài ngõ. Nếu không tìm thấy thùng rác và đó là đồ ướt cần vứt gấp thì mong bạn cũng hãy để gọn vào lề đường, chứ đứng ném ra giữa đường, rất mất mĩ quan. Tuy nhiên, đây chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ nhất mà chúng ta nghĩ đến mà thôi. Bởi mỗi một thứ chúng ta vứt xuống lòng đường thì người công nhân sẽ phải chịu khổ gấp trăm lần. Vậy nên, nếu rác bạn cần vứt là đồ khô thì hãy chịu khó gập gọn, cất vào túi và vứt đi sau. 

Năm 2017, lần đầu tiên tại Việt Nam có một giải thưởng mang tên “Cây chổi vàng” nhằm góp phần tôn vinh những người lao động trực tiếp tham gia công việc quét rác, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chuyên nạo vét, khơi thông cống rãnh, kênh rạch… Giải thưởng nhỏ bé này cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của Nhà nước với những người công nhân làm việc liên quan tới môi trường. Bởi từ trước đến nay, chúng ta vẫn luôn có quan niệm sai lầm rằng công nhân vệ sinh là nghề tầm thường. Nhưng thực tế, bất kì ngành nghề nào, người lao động đã bỏ mồ hôi công sức làm việc chân chính đều đáng được xã hội coi trọng. 

Công nhân thoát nước đô thị và công nhân vệ sinh môi trường đang làm những công việc tưởng như đơn giản, nhưng ẩn chứa trong đó là bao nỗi nhọc nhằn, vất vả trăm bề và những hiểm nguy luôn cận kề. Mỗi khi đi qua xe chở rác, chúng ta lúc nào cũng phải bịt chặt mũi, cố đi thật nhanh vì mùi hôi thối khó chịu tỏa ra. 

Vậy thử hỏi những người công nhân đang làm “cái nghề tận cùng của xã hội” theo như lời giễu cợt của người đời, hàng ngày làm việc trong lòng cống đầy chất thải, nơi chứa đủ những thứ nhơ nhớp, bẩn thỉu nhất thì sẽ ra sao? Đó là chưa nói đến trang phục bảo hộ của họ như quần áo lao động, khẩu trang, găng tay, mũ bảo hiểm, giầy dép... cũng vô cùng sơ sài, thiếu sự đầu tư đúng mực. Đôi mắt của họ thường đỏ ngầu khi phải lặn ngụp nhiều giờ trong dòng nước mưa. Những giọt mồ hôi thấm đượm vạt áo, khuôn mặt hằn lên sự khắc khổ cùng làn da sạm đen vì sương gió, nắng trời.

Vượt qua bao khó khăn và định kiến của xã hội, những người công nhân nhỏ bé ấy vẫn luôn hạnh phúc vì công việc mình làm đã giúp đường phố sạch đẹp, cống nước thông thoáng. Họ không quản nắng mưa, sáng tối vẫn âm thầm lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Họ giống như những chú ong đang chăm chỉ hăng say làm sạch đẹp bộ mặt của phố phường.

“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dạy rất hay dành cho những công nhân vệ sinh môi trường: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kĩ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”. Người nhấn mạnh: “Dù làm công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kì công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bảo, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn…”.

Nếu một ngày thiếu họ, không biết cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao? Bởi vậy hãy trân quý và biết ơn họ nhiều hơn. Hành động ý nghĩa nhất đơn giản chỉ là đừng xả rác ra cống, đừng vứt rác bừa bãi, mà hãy đặt rác đúng nơi quy định. Từ đó từng bước hướng tới việc phân loại rác vì một thành phố văn minh, hiện đại; vì chúng ta là những con người có học thức và biết tư duy.

Hãy thử đổi vị trí cho nhau suy nghĩ, đổi vị trí cho nhau làm việc và đổi vị trí cho nhau làm người!
 
Bài viết: "Sẽ ra sao, nếu chúng ta thiếu họ?"
Tuệ An/ Vườn hoa Phật giáo
--------------

Tham khảo: 

http://vietnamnet.vn/vn/cong-dong/song-cham/lang-nguoi-xem-canh-lam-viec-cua-nhung-nguoi-cong-nhan-don-rac-430687.html

http://baoquocte.vn/ton-vinh-nhung-cong-nhan-ve-sinh-moi-truong-58636.html
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cong-nhan-nao-vet-cong-can-hon-nhung-giot-nuoc-mat-618070.ldo

http://songtre.tv/news/xa-hoi/phong-trao-phan-loai-rac-3r-tai-ha-noi-da-bi-lang-quen-39-12157.html

https://news.zing.vn/nghe-lan-ngup-trong-nuoc-thai-ong-cong-o-sai-gon-post659658.html