Tại sao có người cả đời vất vả lam lũ mà vẫn nghèo, có người làm chơi mà ăn thật?

Trong cuộc đời có những người sinh ra đã sung sướng, ở trong nhung lụa, cũng có người chịu cảnh khổ hèn, đói rách… Tất cả là vì nhân quả tiền kiếp để lại. Muốn thay đổi vận mệnh, thay đổi quả khổ thì cần phải tu học chân chính, phải tự sửa mình.


Trong đời cũng có những người sinh ra đã là con vua cháu chúa, nhung lụa sung sướng, nhưng cũng có người sinh ra làm con ăn mày, ăn xin rất khổ từ bé, lang thang, khổ cả đời cũng khổ, rồi cũng có những người nửa đời trước thì khổ, nửa đời sau lại sướng tức là người có hậu, cũng có người nửa đời trước thì sướng, nửa đời sau thì khổ, tức là người không có hậu.

Thân của chúng ta được sinh ra trong kiếp này, chịu ảnh hưởng của nghiệp báo từ tiền kiếp rất nhiều. Trong Phật giáo, chúng ta có kiếp trước và nhiều kiếp về trước của chính mình. Trước khi mình nhập thai mẹ tức là mình đã có một kiếp sống trước đó rồi. chúng ta không ai thể nhớ được. Trí nhớ của con người ít người có được tốt như cụ Lê Quý Đôn. Tuy nhiên nhờ vào công phu tu hành thì sẽ khai thông mở trí thì sẽ nhớ lại được kiếp trước. Đức Phật đã thấy được vô số kiếp về trước. Các bậc thánh nhân cũng vậy.

Kiếp trước chúng ta sống biết tu nhân tích đức, sống đúng như lời Đức Phật dạy, thì kiếp này tự nhiên ta sinh ra được vào gia đình giàu có, và ta lớn lên có được sống rất may mắn và tốt lành, đó được gọi là thọ hưởng phước báu từ kiếp trước.

Nếu kiếp trước ta không biết tu dưỡng, ta sống ác, thất nhân, bất hiếu, trộm cắp thì kiếp này ta sinh ra sẽ và gia đình nghèo khổ, lớn lên thì cuộc đời lận đận, long đong, không thành đạt điều gì cả, cuộc đời toàn chông gai, không có ai giúp đỡ. Vì kiếp trước mình gây khổ cho nhiều người quá cho nên đến kiếp này không nhận được sự giúp đỡ từ người khác, cho nên cuộc đời đau khổ.
Nếu chúng ta bị quả khổ như vậy thì ngay trong kiếp này, chúng ta có duyên được gặp Phật pháp thì cần phải tự xét bản thân và bắt đầu cố gắng tu dưỡng, sống tốt, thay đổi chính mình, tự kiểm điểm mình, bỏ hết tật xấu thì chúng ta sẽ thay đổi được quả báo.

Thời đức Phật còn tại thế, có vợ chồng già nghèo, khổ đi ăn mày, hai vợ chồng chỉ có 1 cái khố, chồng mà đi ăn xin thì vợ ở nhà, vợ đi ăn xin thì chồng ở nhà. Khi đến nghe Đức Phật thuyết pháp thì người chồng nhận ra rằng, mình nghèo như thế là do kiếp trước mình không biết cúng dường, bố thí, làm phước. Và về bảo vợ, quyết định sẽ cúng dường cái khố duy nhất cho sư thầy nào khất thực đi qua. Tới một ngày, ngài A Nan đi khất thực và đi qua đúng cái lều nhỏ của vợ chồng già và ông bà già quyết định gửi chiếc khố ra để cúng dường. Song vì có mỗi một chiếc khố thôi cho nên không dám đi ra ngoài, cho nên đành phải lấy chiếc gậy đưa chiếc khố từ bên trong nhà ra để cúng dường và xin ngài A Nan nhận để cho cả hai vợ chồng tiêu thoát được nhân quả khổ này.

Ngài A Nan nhận chiếc khố và mang chiếc khố về bạch với Đức Phật, và Đức Phật đã nhận chiếc khố. Trong khi đó thì ông vua Ba Tư Lặc đứng ngay bên cạnh, Đức Phật nói với ông vua rằng, trong đất nước của Đại vương mà vẫn còn những người nghèo khổ như vậy sao? Ông vua mới giật mình và ra lệnh cho quân lính mang của cải đến biếu cho vợ chồng già. 

Cho nên trong cuộc đời này, nếu chúng ta đã nghèo khổ, bất hạnh thì chúng ta phải tu ngay, phải sửa mình ngay, cần phải kiểm điểm lại bản thân. Hàng ngày phải tự kiểm điểm bản thân để mình sửa. Có như thế mới cuộc đời mình mới thoát khổ.

Đó là con đường duy nhất, chân chính để cải thiện số mệnh của mình, nếu kiếp này mình đang đau khổ và bất hạnh thì mình chỉ còn duy nhất một con đường đó là tự tu, tự sửa. Chính vì nhân quả nghiệp báo mà tạo lên cuộc đời mỗi con người một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai cả, người sướng, kẻ khổ. Chúng ta cũng phải dựa vào nhân quả để tu tập và chuyển hóa.

Bài viết: "Tại sao có người cả đời vất vả lam lũ mà vẫn nghèo, có người làm chơi mà ăn thật”?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh/ Vườn hoa Phật giáo