“TRỪ PHIỀN NÃO” Hay “CHƯ PHIỀN NÃO” Trong Đoạn Văn Hồi Hướng

“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu, phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ, thế thế thường hành Bồ tát đạo” (Nguyện diệt trừ ba chướng cùng phiền não, nguyện được trí huệ trong sáng nhất, tất cả tội chướng đều tiêu hết, đời đời thường làm đạo Bồ tát)

Hồi hướng là một trong những tính chất đặc thù của Phật giáo. Hàng Phật tử, luôn phát nguyện và hồi hướng những điều an vui, tốt đẹp đến vạn loài, nguyện cầu cả thảy đồng thoát khổ đau, đồng chứng giải thoát. Chính vì lý do đó, nên các vị Thánh Nhân, Tổ Đức dĩ văn tải đạo, soạn ra những lời cầu nguyện cho chúng ta thực hành mỗi ngày.

Tuy nhiên, trải qua thời gian truyền thừa, cũng như trong quá trình phiên dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, thiết tưởng ít nhiều đã có sự lệch lạc. Nơi đây, tác giả chỉ xin nêu một bài văn hồi hướng nhỏ mà chúng ta thường tụng trong các khóa lễ, để thấy được sự khác biệt hoặc là nhầm lẫn trong cách phiên âm hay dùng từ, từ Hán sang Việt.
 


 

Văn bản chữ Hán                           Văn bản chữ  Việt (phiên âm Hán Việt):

“ 願消三障諸煩惱。                         “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,

  願得智慧證明了。                          Nguyện đắc trí huệ chứng (chơn)[1] minh liễu.

 普願災[2]障悉消除。                          Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ

 世世常行菩薩道。”                          Thế thế thường hành Bồ Tát Đạo.” [3]

Trên đây là bài kệ được ghi lại trong “Bách Trượng Thanh Quy Chứng Nghĩa Ký ” quyển số 3.[4] Trong  hai văn bản Hán văn và Việt văn chúng ta nhận thấy có điểm khác biệt như : Văn bản Hán  dùng từ  “Chư”(諸), nhưng trong các văn bản chữ Việt mà chúng tôi khảo sát thì hầu hết dùng chữ  “Trừ ”( 除) (Xem chú thích số 2) , so với chữ “Chư ”[5].

Trước khi đi vào thẩm định giá trị của văn bản, ở đây chúng ta thử bàn về cách dùng chữ“Chư” (諸).  Chữ “Chư ” (諸) có rất nhiều nghĩa, như : chúng, sở hữu, tất cả …[6] Nhưng trong đó, ý nghĩa thứ nhất “ Chúng Đa” (眾多) tức là nhiều và ý nghĩa thứ hai “Tất cả”(一切) là thích hợp trong văn cảnh này nhất. Điều này được chứng minh qua hai bản Hán tạng.  

Bản thứ nhất:  “Tăng tu giáo phạm thanh quy ” quyển 1 : “Nguyện diệt tam chướng chưphiền não, nguyện đắc trí tuệ chân minh liễu; phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ, thế thế thường hành Bồ Tát đạo” (願滅三障諸煩惱  , 願得智慧真明了; 普願罪障悉消除,  世世常行菩薩道 。」[7]

Bản thứ hai:  “Thiền môn chư tổ sư kệ tụng” quyển 2: 「願滅三障諸煩惱,願得智慧真明了;普願罪障悉消除,世世常行菩薩道。」[8]

Ngoài ra , trong Hán ngữ , ngữ từ giải thích nếu dùng “諸煩惱”- “Chư phiền não” thì ở đây“chư” (諸) là lượng từ bổ sung cho danh từ “phiền não” (煩惱), tức là chỉ các loại phiền não, chứ không thể dùng động từ “trừ” (除). Như vậy “chư phiền não” sẽ hợp lý hơn. Bởi ngoài việc tiêu trừ ba chướng ra (nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng) chúng ta cũng cần phát nguyện dứt trừ các loại phiền não khác nữa ( 願消三障諸煩惱).

Đồng thời, về mặt tần số xuất hiện của “chư phiền não” và “trừ phiền não” trong các văn bản  Hán tạng thì, cụm từ “chư Phiền não” ( 諸煩惱) có tần số sử dụng rất nhiều [9], so với cụm từ “trừ phiền não” chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong văn bản kinh Đại Bát Niết Bàn, Quyển số 2, phẩm Thọ mạng.[10] theo chú thích của bản kinh này chữ “chư ” được dùng như “trừ” theo bản dịch đời Tống, Nguyên, Minh và Cung. Nhưng đối với lập luận này, tác giả không đồng quan điểm (xem thêm chú thích số 6 trong bài viết).

Bên cạnh đó, cũng cần biết rằng nếu dùng cụm từ “Trừ phiền não”, thì theo sự khảo sát của chúng tôi,  trong văn bản chữ Hán, trước chữ “ trừ ” phải có một phụ tố đứng trước như  “ Đoạn trừ” [11]; “ Xả trừ” [12];  “ Tức trừ”[13] v.v…

Từ những dẫn chứng và phân tích trên, tác giả cho rằng nên dùng “ Nguyện tiêu tam chướng chư phiền não” sẽ hợp lý hơn “ Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não ”.

Không những thế, nếu sử dụng “chư phiền não” sẽ dễ dàng hơn trong việc dịch bài văn này sang tiếng Việt. Bởi vì theo sự khảo sát sơ bộ của chúng tôi thì hầu hết các dịch giả đều lúng túng khi dịch câu văn này. Xin nêu một số cách dịch như sau:“Trừ phiền não”được dịch là“ cùng phiền não”[14]. Hoặc là chỉ dịch các từ khác trong câu mà giữ nguyên “trừ phiền não”.[15]

Trên đây là một vài ý nghĩ thô thiển của chúng tôi, mong được chia sẻ và đón nhận ý kiến đóng góp của Chư Tôn Đức, chư thiện hữu tri thức và bạn đọc xa gần.

                                                                                                Virginia Beach 01-02-2012

                                                                                                     Chúc Đại – Chúc Độ

[1] Có thể dùng chứng hoặc chơn. Xin xem các dẫn chứng trong các văn bản chữ Hán trong bài viết.

[2] Chúng tôi không bàn đến những từ khác trong bài kệ trên

[3] Hầu hết các nghi thức tụng niệm đang lưu hành hiện nay đều dùng “ trừ phiền não” như :

  ❶Phần hồi hướng trong Kinh địa tạng bổn nguyện , Việt dịch Hòa Thượng Thích Trí Tịnh.p 193

  ❷Nghi thức tụng niệm âm nghĩa, lưu hành tại Hoa Kỳ năm 1998, p.84;180.

  ❸Nghi thức tụng niệm, do ban nghi lễ thực hiện, GHPGVNTNHN-Hoa Kỳ, năm 1993.p 50.

  ❹http://daitangkinhvietnam.org/tieu-bo-kinh-bac-truyen/kinh-tap/683-kinh-nht-tng.html?start=7

  ❺http://www.quangduc.com/Nghile/08nhattung1.html

  ❻http://hoibongsen.com/diendan//showthread.php?t=9834

[4]《百丈清規證義記》卷3; (CBETA, X63, p. 393b22)。

[5]

 ❶Nghi thức tụng niệm, Chùa Đông Hưng, Hoa Kỳ. năm 2008,p.32

 ❷KHAI THỊ QUYỂN 4 (by Hòa Thượng Tuyên Hóa) - Ban Phiên Dịch Việt Ngữ-Trường Ðại Học Pháp Giới Vạn Phật Thánh Thành-Talmage, California)http://hoibongsen.com/diendan//showthread.php?t=9834

[6] “汉语大字典”:“諸” zhū  ; ㄓㄨ Có nghĩa sau : 1. 眾多、各個。如:“諸事”、“諸子百家”、“諸善男子,善女人”。2. 所有、一切。《後漢書•卷三•肅宗孝章帝紀》:“諸以前妖惡禁錮者,一皆蠲除之,以明棄咎之路。”《明史•卷二•太祖本紀》:“諸遭亂為人奴隸者復為民。3. 之於二字的合音。“之”是代詞,“於”是介詞。如:“付諸行動”。《論語•衛靈公》:“子張書諸紳。”4. 之乎二字的合音。“之”是代詞,“乎”是助詞。《論語•子罕》:“有美玉於斯,韞而藏諸?求善賈而沽諸?” 5. 於。《禮記•祭義》:“是故君子合諸天道,春禘秋嘗。” 6. 他、之。《論語•學而》:“告諸往而知來者。” 7. 姓。如明代有諸茂卿。

[7]《增修教苑清規》卷1; (CBETA, X57p. 304, b12-13)。

[8]《禪門諸祖師偈頌》卷2; (CBETA, X66, p. 751, c15-16)。

[9]

❶  《長阿含經》卷17;(CBETA,T01,p.113b4-16):「佛告露遮:…… 露遮!彼諸弟子語師言:師今剃除鬚髮,服三法衣,出家修道,   於現法中可得除眾煩惱,得上人勝法。而今於現法中不能除煩惱,不得上人勝法。己業未成而為弟子說法,使諸弟子不復恭敬承事供養,但共依止同住而已。」Việt dịch & hiệu-chú: Tuệ Sỹ ; “KINH TRƯỜNG A HÀM -SỐ 1., 29. KINH LỘ GIÀ”

Phật bảo Lộ-già:….. “ Nầy Lộ-già! Các đệ tử ấy nói với thầy rằng: ‘Nay thầy cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, ở trong đời này đã có thể trừ được các phiền não, được pháp thượng nhân; nhưng nay ở trong đời này mà không thể trừ các phiền não, không chứng đắc pháp thượng nhân; đạo nghiệp của mình chưa thành tựu mà lại nói pháp cho đệ tử, khiến các đệ tử chẳng cung kính, thờ phụng, cúng dường, mà chỉ cùng sống chung, nương tựa nhau mà thôi.’”

❷《大般涅槃經》卷9〈16 菩薩品〉;(CBETA,T12,p.658c11-12)  :「又如佛言:若有眾生,聞大涅槃一經於耳,則得斷除諸煩惱者。」 ( Lại như Đức Phật dạy  rằng, nếu có chúng sinh nghe kinh Ðại Niết Bàn, dù chỉ một lần nghe đến tai thôi thì được đoạn trừ các phiền não .)

❸ Ngoài ra có thể tham khảo : 《大般涅槃經》卷25〈10光明遍照高貴德王菩薩品〉; (CBETA,T12,p.514c8-14);《大般涅槃經》卷9〈4 如來性品〉;(CBETA, T12, p.417c7-11).

[10] 《大般涅槃經》卷2〈1壽命品〉; (CBETA,T12,p.371,c14-p.372a2) Chú thích [14]除=諸【宋】【元】【明】【宮】。

[11]

❶《悲華經》卷9〈5 檀波羅蜜品〉;(CBETA, T03,p.227b14-16):「善男子!我於爾時尋復思惟:若我不能除眾生病,我則不成阿耨多羅三藐三菩提,為諸眾生斷除(Đoạn Trừ)煩惱。」

 ❷《別譯雜阿含經》卷16; (CBETA, T02,p.492a21-23):「時化天神說是偈已,即於其處隱沒不現。彼時比丘晝夜精勤,心不懈息,斷除(Đoạn trừ)煩惱,得成羅漢。」

[12]《雜阿含經》卷50; (CBETA,T02,p.368c3-4):「時,彼天子說偈覺悟彼比丘已,時,彼比丘專精思惟,捨除(Xã trừ)煩惱,得阿羅漢。」Có thể tham khảo Việt dịch: Thích Đức Thắng; Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ “TẠP A-HÀM QUYỂN 50;  KINH 1335. GIỮA TRƯA”

[13] 《菩薩本生鬘論》卷6; (CBETA,T03,p.351a22-26):「快樂一類有智之眾,根本冤對遷變遠離,所謂隨順聽聞菩薩根本時分調伏寂靜,德行廣大靜住有力,息除(Tức trừ) 煩惱增上智慧,彼彼災禍真實暗鈍,顛倒希求色相諍訟憎惡損德,隨順卒暴無調伏行。」

[14]

“Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu, phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ, thế thế thường hành Bồ tát đạo” (Nguyện diệt trừ ba chướng cùng phiền não, nguyện được trí huệ trong sáng nhất, tất cả tội chướng đều tiêu hết, đời đời thường làm đạo Bồ tát"