Đạo Phật thời 4.0 hay sự mong chờ những nhà nghiên cứu dấn thân

Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn, sinh năm 1979 tại Thanh Hóa, tên hiệu Thiền Phong, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Anh là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đồng thời đã sống nhiều năm sống trong các tự viện miền Bắc, và phía Nam.


Thư pháp là nghệ thuật của chữ

- Là một trong năm thành viên của nhóm Zenei Gang of Five, dẫn đầu là họa sĩ Lê Quốc Việt, cùng Nguyễn Quang Thắng, Trần Trọng Dương và Nguyễn Đức Dũng, anh có thể chia sẻ về quá trình thành lập nhóm và những chương trình các anh đã làm trong việc đóng góp vào sự phát triển thư pháp Việt Nam?

Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn đã bảo vệ Tiến sĩ tại Đài Loan, với nghiên cứu về mối quan hệ Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam. Anh đồng thời còn sáng tác nghệ thuật Thư pháp, với nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Từ đời sống thường nhật đến nghiên cứu Phật giáo cũng ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm nghệ thuật của Tiến sĩ.

Đầu những năm 2000, các hoạt động Thư pháp dần dần sôi nổi hơn. Nhiều triển lãm đơn lẻ bắt đầu xuất hiện. Năm 2005, các thư pháp gia ở Hà Nội nhóm họp và chuẩn bị cho triển lãm Nhị thập bát tú vào mùa xuân năm 2006 tại Văn Miếu Quốc Tử giám. Đây là triển lãm mang tính cột mốc, có ý nghĩa rất lớn cho sự phát triển của nghệ thuật thư pháp ỏ Việt Nam đến nay.

Sau triển lãm xuân năm 2006, Họa sĩ Lê Quốc Việt cùng mấy anh em học Hán Nôm nhóm họp và lập nên nhóm Zenei gang of five, gồm 5 thành viên, mà đứng đầu là Họa sĩ Lê Quốc Việt, sau tiếp là 4 anh em nghiên cứu, học từ ngành Hán Nôm gồm Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Đức Dũng, Phạm Văn Tuấn, Trần Trọng Dương. Nhóm hoạt động, sáng tác tác phẩm ở một trại cạnh Moon River bên làng Bắc Cầu nơi ven đầu sông Đuống. Nhóm thường ở luôn tại đấy, sáng tác và bình phẩm, dịch thuật các nguồn lý luận từ tiếng Trung, tiếng Anh về nghệ thuật đương đại.

Có thể nói, nhóm Thư pháp Tiền vệ được chuẩn bị khá chu đáo cả về Lý luận và Thực tiễn. Dịch thuật các bài viết, các trào lưu nghệ thuật mới đương đại là cơ sở căn bản cho sự phát triển của sáng tác, và các tác phẩm tốt đã ra đời trên sự cộng hưởng tư duy của 5 nhà thư pháp, nhà nghiên cứu.

Năm 2007, nhóm có triển lãm đầu tiên tại Thọ Studio phố Mã Mây, và nhiều tác phẩm của nhóm đã bay ra nước ngoài, kích lệ tinh thần anh em sáng tác nghệ thuật và đam mê trên hướng đi đã chọn. Về sau, các cuộc triển lãm chung riêng, rồi anh Việt, anh Thắng đi triển lãm ở Mỹ, ở Hồng Công, Đài Loan...  cho đến nay là kết quả của quá trình từ lý luận và thực tiễn của giai đoạn ban đầu đó.

- Trên thực tế về đời sống văn hóa của nhân dân ta, nghệ thuật thư pháp Tiền Vệ có ảnh hưởng như thế nào?

Thư pháp là nghệ thuật của chữ nghĩa, nó gắn liền với truyền thống của người Á đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Thưởng thức Thư pháp ngoài tính chất cái đẹp của thị giác còn cái đẹp của ngữ nghĩa, của văn hóa, dẫn đến, tính chất truyền thống và đương đại hiển hiện trong nghệ thuật thư pháp đương đại. Người Việt Nam trong giai đoạn phát triển văn hóa và kinh tế mạnh mẽ hiện nay, họ vẫn tìm thấy cái quá khứ trong truyền thống văn hóa cha ông và tính hiện đại trong cảm nhận xã hội trên các tác phẩm thư pháp đương đại. Điều đó, cho nghệ thuật Tiền vệ đất sống để tương tác không chỉ trong nước mà còn là sân chơi ra nghệ thuật giới ngoài biên giới.

Thư pháp, cũng như tranh vẽ, tranh khắc, trình diễn… của giới Họa sĩ ở nước ta đang tương tác với nghệ thuật thế giới đương đại. Thư pháp như thế thành nghệ thuật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam giai đoạn hiện nay. Các triển lãm lớn, nhiều gallery về Thư pháp nói riêng và nghệ thuật đương đại nói chung có ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn ra thế giới. Thị trường nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật đã thành nhu cầu của xã hội. Điều đó, dẫn đến đa diện trong các hình thức biểu hiện nghệ thuật. Đấy cũng chính là phần nào những giá trị của nhóm Thư pháp Tiền vệ cũng như các nhà làm nghệ thuật đến nay đã và đang cống hiến cho dòng chảy nghệ thuật của Việt Nam.

- Vì sao các anh đã muốn làm “đương đại” thư pháp?

Như trên đã nói, Thư pháp gắn liền với truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Đưa thư pháp từ việc viết tặng nhau của văn nhân sĩ phu nơi triều chính, trong làng xã, thành nghệ thuật thưởng ngoạn trong các Gallery là bước mới, nâng cấp hoàn toàn để tương thích với đời sống và xã hội đương đại. Thư pháp là nghệ thuật và như thế hiển nhiên nó xứng đáng với vị trí của nó đáng được nhận và điều đó dẫn đến Thư pháp được xã hội hiện đại, xã hội nghệ thuật đón nhận và tương tác để từng bước hòa vào nghệ thuật thế giới.

Sự cố gắng của Nhóm, cùng sự tương thích của xã hội dẫn đến Thư pháp Tiền vệ hiện nay được công nhận trong nghệ thuật đương đại ở Việt Nam và thế giới. Các tác phẩm của chúng tôi thường xuyên tương tác triển lãm ở trong nước và nước ngoài, bên cạnh các dòng tranh nghệ thuật khác, từ tranh treo, đến sắp đặt, trình diễn, video art …
 

Tính và tướng của tôi hợp duyên với văn hóa, triết lý đạo Phật

 
Tôi sống nhiều năm trong chùa

- Nhớ lại hai lần trình diễn thư pháp của anh, một lần là “Thư pháp thiền” ở Hà Nội, năm 2008, cùng với Nhà nghiên cứu Hán Nôm/ Thư pháp gia/ Tiến sĩ Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương, lần khác diễn ra một năm sau năm 2009, tại không gian New Space Arts Foundation (NSAF) Huế, màn trình diễn thư pháp “Vô ngôn” dưới mưa của anh, cũng thấm đẫm triết lý của Phật giáo?

Tôi nhiều năm sống trong chùa, nghiên cứu Lịch sử và văn hóa Phật giáo, phần nào ảnh hưởng không chỉ trong Thư pháp mà cả đời sống thường ngày của tôi cho đến tận ngày nay. Thư pháp, nó cũng tự nhiên như hơi thở của tôi trong tập Thiền, trong cuộc sống. Năm 2008, tôi kết hợp với Trần Trọng Dương làm trình diễn nghệ thuật Thư pháp lần đầu tiên. Đấy cũng là trình diễn mang tính cộng đồng và có ảnh hưởng lớn với giới thư pháp nói riêng và nghệ thuật đương đại khi đó.

Năm 2009, trong một lần Nghệ sĩ Thị giác Nguyễn Như Huy tương tác với tôi về Huế, cùng anh em nghệ sĩ 3 miền nói chuyện, sáng tác và trình diễn nghệ thuật, tôi đã có trình diễn thư pháp dưới mưa trong không gian nghệ thuật New Space.

Lần trình diễn đó, Trần Trọng Dương sau này nhận định: “Cuộc trình diễn của Phạm Tuấn tại Huế (14.5.2009) có thể coi là một biểu hiện thú vị về tính ngẫu hoặc và hồn nhiên của thư pháp đương đại. Không toan tính và không chủ đích, người trình diễn giải sáng tạo bằng cách thể nhập vào nhịp vận của thời tiết thất thường xứ Huế. Mưa đến bất chợt như cảm hứng cần được buông bỏ những vật chất bó bíu trên thân thể. Dụng cụ viết không quan trọng là bút hay là chổi. Đường nét không quan tâm là chữ hay là nghĩa, hay nữa là vô nghĩa. Mực đen đặc trên nền giấy tinh khiết, rồi dần loang tỏa theo cấp độ của cơn mưa miền Trung. Đến khi mưa tạnh, mực cũng trôi hết, chổi viết sạch tinh và khuông giấy lại trang trắng như trước lúc biểu diễn. Núi lại là núi - sau cả một quá trình bất thức, nhận thức và giũ bỏ nhận thức. Thế mới hay, tính đương đại có khi lại là một sự hoàn nguyên về tư tưởng và quan niệm thẩm mỹ.”

Trong khi đó, Họa sĩ Lê Quốc Việt viết: “cơ duyên Thư pháp Hành vi ngẫu hoặc có tính “Thiên nhân hợp nhất” trên, vừa đáng phỉ báng vì đã phỉ báng bản vị tính của Thư pháp, vừa đáng xếp vào một sự kiện không những tiêu biểu trong năm, mà trong ngàn năm qua cũng chưa có ai làm những điều tương tự như thế”.

 - Từ Thư pháp, đến nghiên cứu Phật giáo, nằm trong tiến trình tự nhiên hay có chủ đích của anh?

Tôi học ngành Hán Nôm, giao dung với chữ nghĩa của cổ nhân, dẫn đến thấm vào nguồn văn hóa cổ truyền. Quá trình học tập cũng là quá trình tương tác, tập luyện Thư pháp. Tính và tướng của tôi hợp duyên với văn hóa, triết lý đạo Phật. Cơ duyên mở cơ duyên, tôi về ở chùa cùng Họa sĩ Lê Quốc Việt, rồi làm Khóa luận về Phật giáo Huế, Thạc sĩ về văn học, sử học Phật giáo thời Lê, và tiếp cho đến khi Luận văn Tiến sĩ cũng vậy.

Quá trình nghiên cứu và thực hành văn hóa Phật giáo cũng là quá trình tôi thể nghiệm trong không gian thư pháp. Môi trường nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sự tương giao với chùa chiền trong nước và nguồn thư tịch Phật giáo, dẫn đến những trải nghiệm mang tính tương trưởng về nhận thức, về trí tuệ. Đấy là cả quá trình và là cơ duyên của tôi với Phật giáo và sau này vẫn thế!

Nghiên cứu Phật giáo thời 4.0

- Anh đã tiến hành điền dã, nghiên cứu về Phật giáo ở nước ta ra sao?

Ở chùa, nghiên cứu lịch sử, viết bài nghiên cứu, dạy ở Trung cấp Phật học, rồi Học viện Phật giáo Việt Nam … không chỉ đi thực tế, ngắm các di tích chùa chiền cổ, tháp, tượng, câu đối hoành phi, bia cổ… tôi cũng như nhiều nhà nghiên cứu ngày nay còn tương tác với tăng lữ, để hiểu cuộc sống và truyền thừa tại tự viện. Nguồn thư tịch tại tự viện cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều nhận thức về văn hóa chùa chiền trong văn hóa làng xã, tính chất liên chùa trong mandala về sơn môn tông phái, cũng tạo nên những khái cảm trong nghiên cứu, cho những dư vị sản sinh ra dư vị, tạo nên những thành quả và cống hiến cho học giới.

Đi qua nhiều chùa, nhiều vùng ở miền Bắc, kết nối mạng lưới qua các tuyến sông, tuyến núi, tuyến tu hành gắn liền đời sống làng xã, kinh tế và chính trị để hiểu hơn về văn hóa Việt Nam. Không chỉ miền bắc, tôi cũng đi nhiều chùa các vùng miền, điền dã, thu thập tư liệu để nghiên cứu được gần hơn với đời sống văn hóa của Phật giáo nước ta trong từng giai đoạn, từng vùng miền từ Bắc đến Nam.

Nghiên cứu Phật giáo như thế không chỉ kinh viện trong các thư viện, mà nguồn tư liệu cực kì quan trọng lại chính là điền dã đến điều tra tại các tự viện. Chính đi điền dã, ở chùa, nghiên cứu trực tiếp cho chúng tôi trải nghiệm và nhận thức tốt hơn về lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam.


Thiền Phong Phạm Văn Tuấn và bức thư pháp Lạc vô dư (tạm dịch Vui không chán)

-  Giá trị nhân văn mà Phật giáo đã mang đến cho nhân dân ta?

Phật giáo truyền vào Việt Nam đã gần 2000 năm qua, và luôn đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Văn hóa người Việt vì thế thấm đượm văn hóa Phật giáo. Từ giáo lý của Phật giáo mang lại, ảnh hưởng đến văn hóa người Việt, thấm nhuần và hòa đồng mang tính tự nhiên như nhiên.

Ngày nay, để phân rõ ảnh hưởng của lễ giáo Nho gia, hay nhân sinh quan Phật giáo thì thật khó, nhưng đạo Hiếu của Nho giáo, của Phật giáo cái chung, cái riêng, đời sống lương thiện, nhân nghĩa, từ bi, hỉ xả, nhẫn nhịn... đặc biệt, tôn sùng THIỆN, bài trừ ÁC là đặc trưng dễ nhận thấy của văn hóa Phật giáo với người Việt Nam, làm cho người Việt Nam sống nhẹ nhàng, an lành và lương thiện, cởi mở và hòa đồng vui vẻ. Đây là những giá trị nhân văn mà Phật giáo đã và đang mang tới cho người Việt Nam chúng ta.

- Những vấn đề còn tồn tại trong việc nghiên cứu Phật giáo, cũng như những nhận định mới của anh trong quá trình nghiên cứu?

Tính ra tôi cũng đã có thâm niên gần 20 năm nghiên cứu lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam, gọi là chuyên sâu cũng được, gọi là chạm vào bên ngoài cũng hay. Tôi, cũng ở chùa chiền, điền dã, đọc kinh sách, vì thế cũng hiểu phần nào sự phát triển, từng giai đoạn cũng như lịch sử nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam...  Tôi nhận thấy, nghiên cứu Phật giáo ở Việt Nam còn quá nhiều khoảng trống, như: Văn học sử Phật giáo, lịch sử truyền kinh Phật, kinh tế học Phật giáo, Tâm lí học Phật giáo Việt Nam, văn bản học Phật giáo Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Kiến Trúc Phật giáo Việt Nam, bia chí học trong Phật giáo Việt Nam, Khảo cổ học Phật giáo Việt Nam cho đến các nghiên cứu biểu tượng, tượng, tháp tổ với khoảng trống mênh mông còn chờ đợi các nhà nghiên cứu dấn thân.

Nhiều công trình đã nghiên cứu, nhưng nhiều công trình đã có thêm tài liệu mới, phương pháp mới như Văn bản học, xã hội học, tiểu sử học, Vi sử học lịch sử Phật giáo với bao cái nhìn mới đang cần đợi bổ sung. Ví dụ nghiên cứu văn bản học Phật giáo không chỉ còn trong thư viện, mà cần điền dã bổ sung; nghiên cứu văn khắc kinh Phật, không chỉ trên ván, mà cần đo trên giấy, vấn đề niên đại in ván và vấn đề niên đại giấy, niên đại của sách; nghiên cứu tượng Tam thế trong lịch đại ở Việt Nam là khoảng trống mênh mông còn chờ đợi thế hệ tương lai. Đương nhiên, mình tôi không thể biết hết được, cần người, chờ người và cần người tương tác.

- Theo anh, một dân tộc mộ đạo như dân Việt Nam ta thì có ảnh hưởng gì đến việc phát triển khoa học hiện đại trong thời kỳ 4.0?

 Đạo Phật, hay bất kì tôn giáo nào đều rất khoa học, đều hướng thiện và dẫn con người vào con đường tốt đẹp. Điều đó cho thấy, dù xã hội phát triển vào giai đoạn hiện đại 4.0 hay cao hơn nữa, thì tôn giáo không hề lạc hậu, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng thời đại, cùng sự phát triển 4.0 như giai đoạn hiện nay để định hướng, đưa dân tộc phát triển tốt hơn. Từ mộ đạo, niềm tin tôn giáo đến chính đạo trên sự phát triển thời đại 4.0, rất cần sự nhìn nhận đúng đắn của nhà quản lí, của giáo hội và tương tác của người dân để xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn.

Như trên tôi đã nói, người Việt Nam chuộng mê tín. Từ Mộ đạo dẫn đến Mê tín là khoảng cách rất gần. Niềm tin tôn giáo là tốt, nhưng tin mù quáng thì sẽ dẫn đến những thực hành, hành động không chuẩn xác. Người Việt Nam rất mộ đạo. Mộ đạo, niềm tin tôn giáo là tốt. (Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn)

Bài viết: "Đạo Phật thời 4.0 hay sự mong chờ những nhà nghiên cứu dấn thân"
Nguyễn Quỳnh Trang/ Vườn hoa Phật giáo