Phật ở trong tâm: Hiểu thế nào cho đúng?

Phật ở trong tâm, Phật tại tâm… là hai câu nói vô cùng nguy hiểm. Phật ở trong niết bàn, ở khắp chốn, mọi nơi, liệu Phật có ở trong tâm mình hay không? Hiểu thế nào cho đúng với chánh pháp.


Hiểu thế nào cho đúng câu “Phật ở trong tâm” để không mang tội.

Theo Thượng tọa Thích Chân Quang (Phó ban Kinh tế tài chính TW, GHPGVN, trụ trì chùa Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu), Phật ở trong niết bàn, Phật ở khắp chốn, mọi nơi nên Phật ở trong tâm cũng không phải sai. Nhưng tâm mình thì nhỏ bé, tầm thường, đầy phiền não, sân si, vô minh thì làm sao Phật ở trong đó được? Nên hiểu thế nào cho đúng với chánh pháp?

Câu chuyện nhà sư ăn thịt chó nhưng nói “Phật ở trong tâm chứ không phải ở dạ dày” và cô gái mặc áo tắm vào chùa lễ Phật cho ta thấy một quan niệm sai lầm. Thượng tọa cho rằng nhiều người đã hiểu lầm khi cho rằng Phật ở trong tâm chứ không phải trong thịt, quần áo, thánh tượng… Cứ vin vào câu Phật ở trong tâm, sống không có sự cung kính đúng mức sẽ mang tội.

"Phật ở trong tâm hiểu thế nào cho đúng? Khi trong tâm ta có lòng thành kính thì Phật chứng giám dù bất cứ nơi đâu, bất cứ hoàn cảnh nào. Trường hợp cô gái mặc đồ tắm vào lạy Phật không thể nói Phật ở trong tâm vì nếu đã chủ ý lạy Phật, cô gái phải ăn mặc rất nghiêm trang, thành kính…", Thượng tọa giải thích.

"Trong tâm có lòng thành kính, Phật chứng giám cho. Nhờ sự thành kính đó mà tâm ta từ từ khai mở, bỗng nhiên những ý tưởng tốt tuôn trào, dẫn dắt cuộc đời mình sống đúng hơn, tránh những điều sai lầm, đi dần về nơi giác ngộ. Nhưng để có lòng thành kính trong tâm không phải dễ. Phải hiểu đạo lý, thực hành đạo lý trong nhiều năm, nhiều kiếp thì lòng kính Phật mới tuôn trào, vô tận. Khi đó, lúc nào Phật cũng ở bên cạnh chúng ta".

Thượng tọa cũng nói thêm, tượng Phật là biểu tượng để ta nhớ đến Phật, hướng về Phật. Khi ta cung kính, lễ bái sẽ được Phật chứng giám. Nhưng phải hiểu đó là biểu tượng và không chấp. Cung kính nhưng nếu tượng hư thì làm tượng khác, không buồn. Có thể hiểu, Phật ở khắp pháp giới, nhiều phương nhưng cụ thể hơn là ở bức tượng. 

Cùng quan điểm trên, Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng nói rằng, Phật không thể ngự trong tâm ta được. Chúng ta phải tu tâm chứ không phải tu ở tâm. Tu tâm là thay đổi, sửa tính… Nhiều người tin vào câu nói Phật ở trong tâm mà lười biếng đi chùa, lười biếng tu học thì đó quan điểm sai lầm.

"Số lượng Phật tử tham gia các khóa tu, khóa thiền, bát quan trai so với số Phật tử Quy y là quá ít. Có những Phật tử Quy y rồi nhưng cũng rất ít đến chùa. Những vị này đã vô tình bỏ đói thực phẩm tâm linh cho mình và gia đình mình. Việc này cũng giống như việc chúng ta ăn, uống hàng ngày. Một năm nếu chỉ ăn thực phẩm tâm linh vài lần thì sẽ không có hiệu quả gì hết. Có thể gọi đó là những Phật tử ngoài cổng chùa. Những người lâu lâu mới tạt qua chùa, thắp hương, khấn lạy (chủ yếu cầu xin) thì không thể thấm nhuần tư tưởng Phật pháp, không có được giá trị lợi lạc cho bản thân mình".

"Muốn trở thành Phật tử thuần thành, phải siêng năng đi chùa, tham gia khóa lễ tụng kinh, các khóa tu do chùa tổ chức. Các Phật tử lớn tuổi phải hướng dẫn con cháu đến chùa sinh hoạt. Mỗi ngày, Phật tử tại gia cần có thời gian lễ Phật, tụng kinh. Chúng ta phải cố gắng học những gì Đức Phật đã dạy và thực hành để tìm thấy sự giải thoát cho mình", Thượng tọa nhắc nhở.