Danh vọng, địa vị và sự thảnh thơi

Danh vọng, địa vị có mang đến cho chúng ta nhiều niềm vui trong cuộc sống và sự bình an của nội tâm, hay ẩn chứa sau vẻ hào nhoáng đó là sự lẫn lộn của niềm vui hạnh phúc, sự toan tính, lo lắng và bất an?

Xưa, vào thời đức Phật tại thế, có quan tổng trấn Bhaddiya, vì không muốn làm buồn lòng bạn thân mà vô tình tìm thấy được sự thanh thản, nhẹ nhõm trong thân tâm của mình.
 
 
Bhaddiya là người có chức vị cao, danh vọng, quyền hành lớn và hiện đang trấn thủ các tỉnh miền Bắc vương quốc Sakya. Dưới quyền chàng, có nhiều đội binh. Dinh thự của chàng có lính gác bốn phía. Kẻ hầu người hạ tấp nập. Vì mến mộ đức Phật, giáo lý của Ngài cộng thêm lời hứa với Anuruddha, Bhaddiya đã từ bỏ chức tước, danh vọng để cùng với năm vương tử dòng họ Thích-ca đi xuất gia theo Phật.

Sáu người đi bằng xe tứ mã đến sát biên giới xứ Malla thì xuống xe, cho xe trở về, rồi cùng nhau đi bộ đến Anupiya, cách biên giới không xa. Anuruddha đề nghị mọi người bỏ lại đồ trang sức quý giá, chuỗi ngọc và những chiếc vòng bằng vàng bằng bạc ra gói lại trong một cái áo, chỉ ăn mặc thật đơn giản trước khi qua biên giới. Mọi người tán thành. Khi đến một ngôi làng, họ gặp một anh thợ hớt tóc, mặt mày khôi ngô nhưng ăn mặc rách rưới. Anuruddha ghé vào quán hỏi thăm đường đi đến thành phố Anupiya. Anh thợ hớt tóc cho biết tên anh là Upali, và tình nguyện đưa sáu người đi một đoạn đường sang biên giới.

Upali đưa các vương tử qua khỏi biên giới xứ Malla, chỉ đường đi Anupiya rồi vái chào các vương tử để trở về. Anuruddha cảm ơn Upali và trao cho anh gói áo chứa đầy châu báu và nói rằng muốn theo Phật xuất gia, nên không cần dùng những thứ trang sức này nữa, sau đó từ giã Upali rồi lên đường.

Sau khi được xuất gia, Đại đức Bhaddiya thực tập nếp sống ở nơi vắng vẻ, tu tập thiền quán nhằm thanh tịnh tâm ý và trở về với chính mình. Một hôm, trong lúc ngồi thiền dưới một cội cây, bỗng ông cảm nhận được một niềm hỷ lạc khó tả. Ông thốt lên: "Ôi, hạnh phúc! Ôi, hạnh phúc!".

Lúc ấy, trời đã về khuya, tiếng của Đại đức Bhaddiya làm các vị sư đang tịnh tọa gần đó giật mình. Sáng hôm sau, các vị này tới gặp Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn, hồi khuya, trong lúc thiền tập, chúng con có nghe Thầy Bhaddiya thốt lên hai lần “ôi, hạnh phúc!”. Chúng con nghĩ là Thầy ấy chưa quên được quyền lợi và địa vị của đời sống thế tục.
Trưa hôm ấy, sau giờ thọ trai và thuyết pháp, đức Phật gọi Đại đức Bhaddiya đến hỏi:

- Này Bhaddiya, lúc hồi khuya này, trong lúc thiền tọa, Thầy có thốt lên “ôi, hạnh phúc, ôi, hạnh phúc!”. Có đúng thế không?

- Bạch Thế Tôn, quả thật con có nói lên những tiếng đó.

- Thầy hãy nói cho đại chúng nghe nguyên nhân tại sao.

- Bạch Thế Tôn, ngày trước khi làm tổng trấn, con sống trong giàu sang phú quý và có nhiều quyền lực. Ði đâu con cũng có một đội binh theo hầu cận và bảo vệ. Dinh phủ của con luôn luôn có binh lính canh gác ngày đêm, bên trong cũng như bên ngoài. Vậy mà lúc nào con cũng lo lắng, cảm thấy không an toàn. Còn bây giờ, con không còn là quan tổng trấn nữa, xung quanh không có người bảo vệ. Giờ đây, mang trên mình tấm y của đức Thế Tôn, sống tịnh cư trong rừng, ngồi thiền tập dưới cội cây, nhưng con lại không hề có cảm giác nghi ngờ, bất an và sợ hãi. Ngược lại, con cảm thấy có một nguồn năng lượng của sự thảnh thơi, an lạc mà trước nay con chưa từng có. Bạch đức Thế Tôn, đời sống xuất gia thật là thoải mái đối với con, không sợ ai hãm hại, không sợ mất mát điều gì và cũng không có tài sản gì quý giá để sợ bị mất. Theo sự hướng dẫn của đức Thế Tôn, con tập quán niệm hơi thở, trở về với chính mình và trong khi hành thiền, con nhận được một nguồn năng lượng làm cho con hoan hỷ, an lạc mà chưa bao giờ con trải qua nên bất giác kêu lên “ôi, hạnh phúc!” làm kinh động đến đức Thế Tôn và các bạn đồng phạm hạnh. Con xin thành tâm sám hối.

- Hay lắm, Bhaddiya. Thầy đang đi những bước vững chãi trên con đường tự tại, vô úy. Niềm an lạc của Thầy đến cả chư thiên còn mong ước, huống chi người đời.

Đa số trong chúng ta thường nghĩ rằng, có được địa vị cao hay có nhiều tài sản, tiền bạc thì sẽ hạnh phúc nhưng lại không biết rằng hạnh phúc đó không những mong manh, không bền chắc mà có khi còn chất chứa mầm mống khổ đau. Thành công đến từ sự nỗ lực, tài năng, trí tuệ. Nhờ nó, ta có thể làm ra nhiều của cải và đạt được những chức vụ cao trong xã hội. Nhờ sự tin tưởng của đại chúng mà mình được giao những trách nhiệm quan trọng, được gọi là ông này bà nọ. Thế nhưng, người đứng đầu thường phải chịu những dư luận xã hội, sự nhòm ngó, ganh ghét của đối thủ. Như Bhaddya, dù là một quan tổng trấn, cai quản các tỉnh miền Bắc vương quốc Sakya, xung quanh luôn có người hầu cận và bảo vệ, nhưng vẫn không cảm thấy có nhiều hạnh phúc trong cuộc sống và luôn cảm thấy có những sự bất an, lo lắng. Nhưng sau khi xuất gia theo Phật thì ông lại cảm thấy bình an, thảnh thơi với cuộc sống của người tu sĩ tam y, nhất bát.

Hầu hết, mọi nhu yếu của chúng ta trong đời sống đều cần dùng đến tiền, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống tiện nghi đầy đủ, quyền lực danh vọng có thể mang đến cho chúng ta những nguồn hạnh phúc nhất định. Thế nhưng, bản chất của cuộc đời là vô thường, vô ngã. Do đó, tiền bạc, danh vọng rồi cũng có ngày rời xa ta. Đức Phật dạy, tài sản của chúng ta sẽ rơi vào năm nhà: nước trôi, lửa cháy, trộm cướp, vua quan tịch thu, nếu không cũng do người thân mà bị tiêu tán. Tre già măng mọc, dù mình có giữ chức vụ gì thì sớm muộn cũng bị thay thế bởi những người trẻ tài năng, sự chuyển biến của thời thế hay sự già lão của định luật vô thường. Thế nên, bên cạnh việc xây dựng đời sống vật chất, hạnh phúc gia đình, chúng ta có thể học hỏi, tu tập Phật pháp để trở về với chính mình, thanh lọc, chuyển hóa những ô trược trong tâm và xây dựng một đời sống dựa trên trí tuệ, thương yêu, hiểu biết thì ta sẽ luôn có được niềm vui, sự hỷ lạc và thảnh thơi trong cuộc sống này.

Bài viết: "Danh vọng, địa vị và sự thảnh thơi"
Tâm Trí/ Vườn hoa Phật giáo