Giải mã 5 điều kiêng kỵ trong ngày Tết qua lăng kính Nhân - Quả của đạo Phật

Người Việt cho rằng, những ngày đầu năm mới nếu gặp nhiều điều tốt thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại. Xuất phát bởi quan niệm đó nên từ xưa trong dân gian có rất nhiều kiêng kỵ trong ngày Tết Nguyên Đán. Cùng Vuonhoaphatgiao.com tìm hiểu về các tập tục kiêng kỵ trong ngày Tết theo quan điểm Phật giáo.


Dâng cúng quả có tên đẹp để được phước báu?

Theo phong tục truyền thống lâu đời của Việt Nam, trong ngày Tết cổ truyền không thể thiếu mâm ngũ quả. Các loại quả thường được lựa chọn có tên ghép lại thành câu mang ý nghĩa may mắn như: cầu (mãng cầu) – vừa (quả dừa) – đủ (đu đủ) – xài (xoài) – sung (quả sung) với ý nghĩa là “cầu vừa đủ xài, sung túc cả năm”. Cũng có người lựa chọn các quả có màu đỏ, vàng để được may mắn. Ngược lại, có quan niệm cho rằng không nên cúng những quả như sầu riêng bởi sầu riêng có gai là gai góc, sầu khổ.

Về vấn đề này, chúng ta dâng cúng Phật, dâng cúng gia tiên thì chúng ta có phước báu. Phúc báu lớn hay nhỏ phụ thuộc vào tâm người cúng, tâm thành kính hay tâm hời hợt? Người thọ nhận ra sao, thì quả phúc cũng khác nhau. Chúng ta khi có cúng dường, có bố thí là có phước báu. Phước báu còn tùy thuộc vào các nhân duyên không phải cứ đủ mấy loại quả đó là năm đó mình sẽ đủ.

Chúng ta thấy rằng tên hoặc màu sắc của các loại quả không quyết định gia đình mình có may mắn hay không. Mà may mắn phúc lành hay không thì phụ thuộc vào vật phẩm cúng dường, tâm của người cúng và người được cúng dường.

Chọn tuổi xông nhà để mong may mắn?

Xông nhà ngày Tết đã trở thành một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam và một số nước phương Đông. Nhiều người quan niệm phải chọn người hợp tuổi để xông nhà, để mang lại may mắn tài lộc cho gia chủ.

Chúng ta chỉ có mười hai cái tuổi là mười hai con giáp, gồm Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Xét cho cùng thì mười hai con này, con nào cũng có giá trị cả. Con nào cũng đến nhà mình được. Phật dạy tất cả từ mình mà ra, xui xẻo hay may mắn nằm ở phước của mình.

Theo quan điểm Đạo Phật, không phải người xông nhà đầu năm mang lại điều tốt hay xấu, mà do phước báo của chính gia đình. Mình phải xem nhà mình năm nay hay năm trước đã làm được những điều gì tốt đẹp chưa? Mình đã làm được những việc thiện và đã giúp đỡ được những ai? Mình đã học hiểu giáo lý như thế nào?.

Vấn đề mượn người hợp tuổi để xông nhà, nếu người này hợp tuổi, tốt với mình, thì năm nào cũng mời người ta xông nhà cho như vậy cả đời sẽ luôn may mắn. Nhưng thực tế là không có ai luôn luôn may mắn. Như vậy việc chọn tuổi xông nhà thật sự không có lợi ích mà là mê tín. Người Phật tử không nên đặt nặng chuyện xông nhà mà đầu xuân năm mới ai đến nhà mình cũng hoan hỷ. Khi tâm được tự tại chúng ta mới được an lạc. Do vậy, việc xem tuổi xông nhà, là một lý thuyết không đúng với tinh thần đạo Phật, không những không mang lại lợi ích mà còn làm cho chúng ta bất an. Cho nên người đệ tử Phật thì phải dũng cảm bỏ quan điểm này.

Quét nhà đầu năm là mất lộc?

“Ngày Tết quét nhà mất lộc” đó là một quan niệm trong dân gian. Người Việt ta quan niệm rằng, việc quét nhà, đổ rác sẽ đuổi Thần Tài đi, đồng nghĩa với việc đổ hết lộc lá ra khỏi nhà. Chính vì vậy mà trong 3 ngày đầu năm không quét nhà, đổ rác vì sợ mang điều không may đến cho nhà mình.

Đây chỉ là một tập tục, không đúng với tinh thần đạo Phật. Vì Tết là dịp người thân, bạn bè gặp gỡ, chúc Tết, thăm hỏi nhau. Nếu nhà cửa bẩn thỉu, bề bộn rác sẽ khiến cho khách đến nhà mất thiện cảm. Đồng thời, gia chủ cũng cảm thấy không thoải mái trong chính căn nhà của mình. Chính vì thế, để căn nhà luôn sạch sẽ trong dịp Tết, chúng ta nên dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc trong nhà gọn gàng, quét nhà cửa thật sạch sẽ từ những ngày trước Tết để sáng mùng Một vui vẻ đón khách đến nhà.

Gia đình có tang sự nên đi chúc Tết hay không?

Theo quan niệm dân gian, gia đình có tang sự là điều không may mắn. Trong gia đình có người thân qua đời thì cả nhà phải để tang trong một thời gian nhất định. Trong thời gian đó, gia đình sẽ không đi dự các lễ cưới, không đi chúc Tết để tránh mang điều xui xẻo cho gia chủ.

Với quan niệm này, theo quan điểm của đạo Phật ai sinh ra cũng phải chết. Cho nên cái chết không phải là xấu, là đen đủi. Nhà có tang, chúng ta đi thăm nom, chúc Tết nhà khác cũng là bình thường. Các Phật tử phải hình thành cho mình một quan niệm như thế. Nhà huynh đệ có tang sự mà sang chúc Tết đầu năm thì mình vẫn hoan hỷ, đừng buồn, đừng lo.

Tết đi chùa – chụp ảnh rước ma về nhà?

Người xưa có câu: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, là tháng du xuân, đi chùa, lễ Phật. Mỗi khi đi đến từng địa điểm, chắc hẳn nhiều người sẽ chụp lại những bức ảnh để ghi lại những kỷ niệm cùng gia đình và người thân của mình. Thế nhưng, có một số quan niệm cho rằng đến chùa không nên chụp ảnh, bởi ở chùa có vong linh; khi chụp ảnh thì vong linh sẽ theo về nhà.

Nếu mình mê tín thì cái gì cũng làm mình sợ. Đầu năm đi du xuân thì dân ta đi chùa là chính. Vậy đi lễ mà không chụp ảnh ở chùa thì đi đâu để chụp. Quan điểm này hoàn toàn là không đúng. Không phải do chụp ảnh mà vong linh theo. Vong linh theo ai là có duyên nghiệp với người đấy. Cho nên chúng ta không nên tin điều này, mà ta vẫn chụp ảnh bình thường”.

Quan điểm này là mê tín, tà kiến. Đức Phật dạy: “Y Pháp bất y nhân”, người đệ tử Phật học hiểu và tin sâu nhân quả. Thực hành theo lời dạy của Phật, không theo tập tục không phù hợp với nhân quả, để tránh rơi vào tà kiến, mất đạo tâm.

Là người đệ tử Phật, chúng ta phải luôn tin sâu nhân quả, tin vào những điều Phật dạy để mình có tri kiến đúng đắn. Phước báu phải do mình tự tạo bằng cách làm các việc thiện lành, giúp đỡ người khác, từ tâm bố thí, cúng dường chứ không phải đến từ ai đó ban tặng cho mình hay do một số quan điểm mê tín trên. Bởi chỉ khi tâm có tự tại, thì chúng ta mới thấy hạnh phúc!

Bài viết: "Giải mã 5 điều kiêng kỵ trong ngày Tết qua lăng kính Nhân – Quả của đạo Phật"
Đại đức Thích Trúc Thái Minh/ Vườn hoa Phật giáo