Hạnh phúc từ tâm hoan hỷ

Chúng ta hãy tích cực, lạc quan như thiền sư Bạch Ẩn, tùy hỷ với cuộc đời như đức Phổ Hiền để chính tự thân và tha nhân cũng như tất cả muôn loài chúng sinh, đều hưởng được hương vị của hoa trái hạnh phúc. Hạnh phúc được phát xuất từ tâm hoan hỷ.


Từ ngàn xưa cho đến nay, đa phần trong chúng ta, có những vị cứ nghĩ rằng hạnh phúc ở một nơi nào xa lắm. Ta chưa nghĩ rằng hạnh phúc có được là từ nơi những điều nhỏ nhất, những điều bình dị, gần với ta nhất, đơn giản là nó nằm ngay trong tâm ta. Chúng ta có bao giờ suy nghĩ và nhận ra điều đó chưa? Chắc hẳn ít nhiều gì, mọi người đã nhận ra rồi đúng không? Thế nhưng, để hiểu và cảm nhận rõ hơn, chúng ta cùng nhau tìm hiểu một vài khía cạnh của hạnh phúc nhé! Hạnh phúc đó đến từ tâm hoan hỷ.

Như chúng ta đã biết, cuộc sống này vốn không được như ta mong muốn vì có quá nhiều những khó khăn, trở ngại và thử thách. Những vất vả, buồn phiền, lo toan đã làm chúng ta mệt mỏi, chán chường, thậm chí không còn chút hy vọng nào trong cuộc sống, dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, nhờ sự hoan hỷ mà chúng ta có thể lấy lại niềm tin và niềm hy vọng để an nhiên tự tại, hạnh phúc, trụ một cách vững chắc trong đời. Vậy thì hạnh phúc là gì? Và hoan hỷ là gì?

Mỗi người trong chúng ta đều có cách cảm nhận khác nhau về hạnh phúc. Chắc hẳn mọi người đồng ý rằng hạnh phúc là đích đến của mỗi chúng ta. Song điều mà không ít người chưa biết, đó là hạnh phúc lại phụ thuộc rất nhiều vào sự cảm nhận nội tại của từng người. Hạnh phúc là một thuật từ, nghĩa của nó rất trừu tượng, không phải như một định nghĩa của công thức toán học hay một cái gì đó rõ ràng. Chúng ta có thể giải thích với bất cứ một góc độ nào, một lĩnh vực nào cũng có thể đúng mà cũng có thể sai. Và trường hợp nào, người ta cũng có thể sử dụng được hai chữ hạnh phúc. Ví dụ chúng ta có được vợ chồng, con cháu, đó là hạnh phúc. Khi ta trúng số độc đắc, có phải là hạnh phúc không? Đấy là hạnh phúc của người trúng số. Khi ta có đủ tiền bạc để sinh sống; khi thân ta được khỏe mạnh hay một tâm hồn được nhẹ nhàng, thanh thản; và khi ta có sự hoan hỷ với chính mình và cho người khác, thì đó cũng là hạnh phúc.

“Hoan” là hân hoan, “hỷ” là vui mừng. “Hoan hỷ” nói đơn giản là vui mừng, vui vẻ. Nhưng vui như thế nào? Chúng ta vui nhưng với tâm trạng hân hoan mà an tịnh, nhẹ nhàng, thoải mái và thanh thoát. Niềm vui trong cuộc sống thì có nhiều nhưng không phải niềm vui nào cũng được gọi là hoan hỷ. Những sự vui thích do thu về nhiều nguồn lợi vật chất hay sự hả hê của men say chiến thắng hoặc hài lòng khi thấy đối phương thất bại v.v… đều không phải hỷ. Một niềm vui an tịnh, nhẹ nhàng và sâu lắng khi đã buông xả hết các vướng mắc, chấp thủ mới gọi là hoan hỷ đích thực.

Còn có một nghĩa khác. Hoan hỷ là chấp nhận và bằng lòng với mọi việc xảy đến, với mọi biến cố, mọi thay đổi, khó khăn xảy ra trong đời, và nhất là đối với đời sống tu tập của những người con Phật. Do đó, chúng ta tu nhưng rất cần đến sự hoan hỷ. Vậy, ta phải làm thế nào để hoan hỷ hữu hiệu nhất khi phải đối diện với những thăng trầm trong đời sống?

Trước tiên, ta phải tạo cho mình sinh khởi được tâm thái vui vẻ. Nhiều lúc chúng ta chưa hoan hỷ vì ta chưa thật sự vui vẻ. Phần lớn nguyên nhân cũng là do ngoại cảnh chi phối. Ví dụ như người thân, bạn bè hay đồng nghiệp của mình có những biểu hiện không được đẹp, thì mình không vui, không thích. Do vậy, các mối tương giao không được bền vững. Nếu chúng ta vui vẻ, hài lòng chân thật, thì kết quả sẽ rất khả quan.

Một yếu tố khác cũng rất cần thiết, đó là nụ cười. Ta hãy tập cười như đức Di-lặc Bồ-tát. Ngày xưa, bên Trung Hoa, có một vị Hòa thượng tên là Bố Đại. Ngài là hóa thân của đức Di-lặc. Người ta đánh, nhổ nước miếng vào Ngài, Ngài vẫn an nhiên vui cười một cách vô cùng tự tại. Vì Ngài có được tâm hoan hỷ, bao dung, hỷ xả, nên Ngài mới tự tại được như thế. Còn chúng ta thì…? Nụ cười có chất liệu bằng sự an tịnh là nụ cười xuất phát từ tâm hoan hỷ, từ sự thấu triệt được lẽ vô thường và không bị sanh diệt chi phối. Đó là nụ cười giải thoát mà ta vẫn thấy nơi tướng hảo của chư Phật, chư Bồ-tát, và rõ nét nhất là “nụ cười Di-lặc”. “Nụ cười của Ngài là nụ cười phát ra từ cái ‘bụng lớn’, có khả năng dung chứa những việc khó dung trong thiên hạ. Lòng từ thường xả, xả những điều khó xả của thế gian”. Vì sao Ngài có khả năng dung chứa ấy? Vì Ngài đã thấu triệt nhân quả, giải thoát khỏi những buộc ràng trong tâm thức. Nụ cười của Ngài được xem như bài học quý báu về đức hỷ và xả. Có hỷ, xả chúng ta mới nở nụ cười vui tươi chân thật, hạnh phúc. Có hạnh phúc thì cuộc sống mới có ý nghĩa và thật đáng sống.

Tại Nhật Bản, vào khoảng thế kỷ XV, XVI, có thiền sư Bạch Ẩn. Thiền sư nổi tiếng trong vùng là một người có đạo đức, sống một đời trong sạch. Gần nơi sư ở có một tiệm thực phẩm, trong đó có một cô gái trẻ đẹp. Bỗng một ngày, cha mẹ cô gái bất ngờ phát hiện ra là cô đang mang thai. Thế là họ tức giận vô cùng, tra hỏi thế nào cô cũng không nói cha của đứa bé là ai. Cuối cùng, bức bách quá cô nói tên của thiền sư Bạch Ẩn ra.

Tức giận điên cuồng, cha mẹ cô đi đến gặp sư, la mắng đủ điều. Sư chỉ hỏi: “Thế à?”. Sau khi đứa bé được sinh ra, nó được đem đến bỏ ngay nơi chỗ của sư. Lúc bấy giờ, bao nhiêu tiếng tốt đã mất hết, nhưng sư không cảm thấy phiền não, mà săn sóc đứa bé rất chu đáo.

Ngày ngày, sư đi khắp làng xóm xin sữa và những thứ cần thiết cho đứa bé. Một năm sau, cô gái không chịu nỗi nữa. Cô thú thật với cha mẹ rằng người cha thật của đứa bé là một thanh niên làm việc trong chợ cá. Thế là cha mẹ cô gái vội vàng đến gặp ngay thiền sư, lạy lục xin lỗi hết lời và xin phép được đem đứa bé về. Ngài cũng sẵn lòng hoan hỷ chiều ý. Trong khi trao đứa bé lại, trước sau Ngài chỉ nói một câu: “Thế à? ”. Chúng ta thử tập hoan hỷ như thiền sư Bạch Ẩn được không ạ?

Và tùy hỷ cũng là hoan hỷ. Trong kinh Từ Tâm, đức Phật có dạy: “Thấy người hạnh phúc thành công, lòng mình sung sướng như cùng vui theo. Thấy người lầm lỗi ít nhiều, lòng mình tha thứ mến trìu càng hơn…”. Chúng ta vui mừng với sự thành công của người khác, phước đức hai người sẽ bằng nhau.

Hạnh bố thí rất quan trọng nhưng hạnh hoan hỷ còn quan trọng hơn. Nếu ta bố thí với tâm hoan hỷ, quả phước sẽ lớn hơn rất nhiều. Trong trường hợp mình không có khả năng bố thí, nhìn người khác bố thí mà mình phát tâm hoan hỷ thì vẫn có phước như nhau. Ví dụ như người kia hành được pháp bố thí, thu hoạch được nhiều lợi ích. Nếu ta vui vẻ hiến cúng thì liền có được an lạc, hạnh phúc không khác gì nhau.

Những ai thực hành được hạnh tùy hỷ thì cũng như đã thực hành được lời nguyện của đức Phổ Hiền Bồ-tát. Hạnh tùy hỷ theo Phổ Hiền Bồ-tát là thấy người khác làm được, tu được hoặc thấy người khác được cung kính, ta đều sinh tâm vui mừng cho họ, không nên sinh tâm ganh tỵ. Người không biết tu, thấy người khác được khen thì ít vui, khi mình được khen thì vui hơn… Ta có thể tán thán công đức của người bằng lời ca tiếng hát. Ta được phước nói hay, hát hay, cũng là kết quả của nhân tán thán. Lời lẽ của ta sẽ mạnh mẽ, thanh tịnh như chư Phật, như tiếng hót của chim Ca Lăng Tần Già, hoặc như tiếng hót của chim Câu Thi…

Nói chung, những ý vừa qua cũng không ngoài hai điều quan trọng nhất, đó là ta hãy “tạo cho tâm mình hoan hỷ” và khi mình đã có tâm hoan hỷ rồi hãy “đem hoan hỷ đó đến cho tất cả”. Chúng ta hoan hỷ, vui vẻ mà biểu hiện, cần thiết nhất đó là nụ cười. Phải làm sao cười được, nhưng cười với tâm an tịnh, thoải mái. Ta mỉm cười với tất cả, với tâm thái yêu thương, với lòng bao dung độ lượng, hoan hỷ, hỷ xả như đức Di-lặc Bồ-tát. Chúng ta hãy tích cực, lạc quan như thiền sư Bạch Ẩn, tùy hỷ với cuộc đời như đức Phổ Hiền để chính tự thân và tha nhân cũng như tất cả muôn loài chúng sinh, đều hưởng được hương vị của hoa trái hạnh phúc. Hạnh phúc được phát xuất từ tâm hoan hỷ. Chính vì vậy, chúng ta hoan hỷ càng nhiều sẽ càng tốt.

Xuân sắp đến và Xuân Di-lặc cũng sắp đến! Xin chúc cho nhau một mùa Xuân an lạc miên viễn và tràn đầy năng lượng bình an, hạnh phúc từ nghìn mùa Xuân hoan hỷ tự tâm!

Bài viết: "Hạnh phúc từ tâm hoan hỷ"
Tâm Hóa/ Vườn hoa Phật giáo