Thế giới quan của Phật Pháp

Nói đến vũ trụ quan là nói đến cách nhìn của chúng ta về sự cấu thành và hủy hoại của vũ trụ, cũng tức là nói đến sự hiểu biết của nhân loại về hiện tượng giới.


Như chúng ta đã biết, thế giới quan là một khái niệm triết học, tức là cá nhân đối với thế giới, cho đến cách nhìn rất căn bản về vũ trụ, từ năng lực tư duy của nhân loại hiện khởi, chứ không phải dừng lại ở sự nghiên cứu hay suy xét đối với một vấn đề nào đó. Như vậy, Phật giáo có cách nhìn ra sao về vấn đề trên?

Lúc còn tại thế, suốt bốn mươi chín năm thuyết giảng, khai mở hơn ba trăm pháp hội, đức Phật luôn luôn lấy hai phạm trù : phá ngã chấp[1] và phá pháp chấp[2] làm ý nghĩa trọn vẹn cho giáo pháp của mình. Ngã chấp chính là cái “ta” mang tính chủ quan, và pháp chấp chính là vũ trụ vạn hữu mang tính khách quan. Nói chung, nội dung của phật pháp không ngoài việc giải thích rõ thực tướng của nhân sinh tức “ngã” (cái ta) và vũ trụ tức là hoàn cảnh nơi mà chúng ta nương ghá để sinh tồn.

Phật pháp cho rằng nếu nhận thức được chân tướng của “ngã” “pháp”, thì chúng ta không bị tự ngã và hoàn cảnh khách quan gây bức bách. Nghĩa là chúng ta hân hoan chuyển mê khai ngộ, từ đó lìa khổ được vui và đạt đến giải thoát vĩnh cửu.

Do vậy, thực chất “pháp” được đức Phật thuyết giảng chính là nguyên tắc tự nhiên của vũ trụ, là bản hữu của vũ trụ, chứ không phải mơ hồ như một số tôn giáo khác nói “pháp là do thần linh sáng tạo ra”. Đức Phật luôn huấn thị: “pháp vốn như vậy”, nghĩa là vạn hữu vũ trụ xưa nay đều hiện tồn theo nguyên tắc tự nhiên và được đức Thích Ca Mâu Ni khám phá  nhờ vào trí tuệ vô thượng của Ngài. Đức Phật phát hiện sự bí áo của nhân sinh và vũ trụ để rồi tự tại an nhiên giải thoát trở thành bậc Giác Ngộ.

Tuy nhiên, đức Phật không hề lấy đó làm niềm hạnh phúc tuyệt đối cho chỉ riêng bản thân mình, ngược lại, Ngài vô cùng hoan hỷ đem sự bí áo ấy thuyết giảng cho chúng sanh khiến họ nương vào giáo pháp thâm diệu để học tập tu hành, đồng thời thấu triệt huyền cơ bí yếu và trở thành người giác ngộ như Ngài. Trong lịch sử nhân loại, chúng ta có thể nói rằng chưa có vị giáo chủ nào vĩ đại như thế, và điều ấy đã trở thành bản ý trong sự nghiệp thuyết pháp độ sanh của đức Phật.

Nói đến nhân sinh và vũ trụ, thực sự đây là một vấn đề hết sức nan giải khiến chúng ta khó mà nắm bắt hết được.

Ví dụ vấn đề được đặt ra: Vũ trụ do đâu sanh khởi? Nó nương vào đâu để hình thành? Thời gian tồn tại của nó là bao lâu? Phạm vi hay không gian chiếm hữu của nó rộng bao nhiêu? Với muôn hình vạn trạng hết sức phức tạp của nó rốt cuộc  liệu có hay không có quy luật? Hoặc nó có một chủ tể? Hơn nữa, vũ trụ nhân sinh do đâu mà có? Đến đi về đâu? Giá trị của sinh mạng nằm ở chỗ nào? Ý nghĩa của nó tồn tại ở đâu? Những vấn đề này, từ xưa đến nay, rất nhiều các nhà tư tưởng, các triết gia, các nhà khoa học đã hơn một lần tìm tòi nghiên cứu, nhưng thực chất không ai đưa ra lời giải đáp hoàn toàn thích đáng.

Vũ trụ này, theo Phật giáo, đó chính là thế giới. Duy Nam Tử nói: “bốn phương trên dưới là Vũ; xưa, nay và mai sau là Trụ”. Kinh Phật nói: “quá khứ, hiện tại và tương lai là Thế; Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới là Giới”. Như vậy, cả hai quan điểm này đều nói đến sự hợp xướng của thời gian và không gian vô lượng. Do đó, thế giới quan của phật giáo cũng chính là vũ trụ quan mà chúng ta thường gọi.

Nói đến vũ trụ quan là nói đến cách nhìn của chúng ta về sự cấu thành và hủy hoại của vũ trụ, cũng tức là nói đến sự hiểu biết của nhân loại về hiện tượng giới. Từ xưa đến nay, các học giả phương Đông cũng như phương Tây đã đưa ra nhiều quan điểm lý luận cho vấn đề này dưới nhiều phạm thức như duy tâm, duy vật.., và hiện tại chỉ lược nêu ra một số luận điểm của các trường phái như sau.

1.Duy Vật Luận

Vũ trụ quan của duy vật luận khẳng định vũ trụ chỉ là hình thái tồn tại của vật chất. Nếu loại trừ vật chất, thì không có thế giới. Do vậy, trường phái này đi đến quyết định rằng con người cũng do vật chất tạo ra. Các học giả của duy vật luận nói nếu con người không có buồng tim hay võ não, thì không thể suy nghỉ.

Do đó, họ cho rằng tư tưởng đều nương vào vật chất để tồn tại; con người sau khi chết, nhục thân sẽ biến mất và tinh thần theo đó cũng tiêu vong. Họ không thừa nhận có một tinh thần tồn tại trong vũ trụ. Trường phái này khẳng định bất cứ một hoạt động nào của vũ trụ, đều là hoạt động của vật chất.

Các phạm trù như không gian, thời gian, trật tự vv cũng đều trực thuộc đặc tính của vật lý, chứ con người không thể căn cứ vào hư không để sáng tạo ra quy luật vật lý. Do đó, nguyên lý của thế giới tự nhiên không lệ thuộc vào con người để tồn tại mà nó tồn tại độc lập. Họ vẫn công nhận rằng con người có tâm linh, nhưng tâm linh đều do vật chất tạo ra.

Nói chung, Duy vật luận  đã chứng minh rõ mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần qua ba luận cứ: tinh thần là thuộc tính của vật chất, tinh thần là sản phẩm của vật chất, tinh thần là một phần của vật chất. Thuyết duy vật luôn chú trọng vào yếu tố vật chất để hình thành nên thế giới hiện tượng cũng như nội tại nhằm lý giải sự xuất hiện của vũ trụ trong phạm trù duy vật biện chứng. Họ cho rằng xã hội là do con người quyết định và con người đều bắt nguồn từ vật chất, sau đó mới nảy sinh tinh thần để suy nghỉ hay định liệu.

Trên cơ sở này, họ chối bỏ khởi nguyên của tinh thần và đặt tinh thần vào bậc thứ yếu. Trong khi đó, mọi hiện tượng cũng được đúc khuôn theo một hệ thức không thay đổi “vật chất có trước, tinh thần có sau”. Do vậy, họ khẳng định tinh thần là sản phẩm của vật chất và đã phá những luận điểm của các tôn giáo có mặt trong thế giới này. Thế giới, theo họ, là sự đúc kết của một khối vật chất tạo nên.

2. Duy Tâm Luận

Duy tâm luận còn được gọi là Quan niệm luận. Trường phái này lấy tinh thần làm nền tảng căn bản của vũ trụ, đối lập với thuyết duy vật. Do vậy họ đưa ra quan điểm rằng bất cứ một sự vật nào tồn tại trong vũ trụ đều xuất phát từ tinh thần.

Tác dụng của loại tinh thần này được biểu hiện qua quan niệm của con người và ngay nơi năng lực của sự vật. Như vậy, vật chất là sản phẩm của tinh thần và chính tinh thần quyết định vật chất. Con người có quan niệm cũng như sự vật có năng lực. Con người hiểu rõ vũ trụ là nhờ vào quan niệm nắm bắt sự vật một cách thực sự. Nếu không có tinh thần, thì vũ rụ vạn hữu không thể hình thành và diệt vong ngay từ buổi đầu sơ khởi.

Do tinh thần vốn mang ý nghĩa như vậy nên nguồn gốc của vũ trụ có sự phát triển hợp lý để tạo thành. Có tinh thần thì có sự vật. Chính tinh thần là nền tảng làm phát sinh mọi thứ trong vũ trụ. Một sự vật tồn tại, nếu vắng bóng tinh thần, thì sự vật ấy chết cứng ngay khi chưa thể mường tượng. Tinh thần là nguyên nhân tạo ra vật thể, đồng thời tự thân của nó có đủ lý tánh để điều phối sự vật. Tất cả vạn vật trong vũ trụ đều bắt nguồn từ tinh thần, chịu sự chi phối của tinh thần, cho nên chúng mới hình thành có trật tự và không bị hổn loạn.

3. Nhị Nguyên Luận

Quan điểm của trường phái này chủ trương vũ trụ được tạo thành từ tính chất dung hợp của hai phạm trù vật chất và tinh thần. Tâm và vật hiện hữu trong vũ trụ là hai chủng tánh tương quan tương liên không thể tách rời. Nguồn gốc của tâm và vật là thuộc tính hòa hợp, bản thân của chúng là thực thể bất biến. T

rường phái này đem mối quan hệ tinh thần và vật chất chuyển biến thành mối quan hệ của thân và tâm, lấy quá trình bất đồng giữa tư tưởng và vật chất tổ chức thành nhất thể, đem thân tâm và vật chất tổng hợp làm một không thể tách rời. Thuyết nhị nguyên đem vật chất và tinh thần dung hợp ở đỉnh cáo của vạn hữu.

Sự chia chẻ hay phân biệt giữa tinh thần và vật chất, theo thuyết này, là một cách nhìn sai lầm không có tính thống nhất. Vạn hữu vũ trụ là sự dung hòa chặt chẻ của tinh thần và vật chất. Nếu tách rời tinh thần để tìm vật chất, thì hoàn toàn không thấy sự tồn tại của vật chất.

Ngược lại, nếu tách rời vật chất để nắm bắt tinh thần, thì tuyệt đối không có tinh thần tồn tại độc lập. Thế giới này là quá trình dung hợp của cả tinh thần lẫn vật chất.

Nếu vắng bóng sự hòa hợp của hai yếu tố này thì thế giới nhất định không thể hình thành và tồn tại. Như vậy, theo Nhất nguyên luận, vũ trụ vạn hữu được tạo nên nhờ vào sự kết hợp nhuần nhuyển và có thứ tự của hai lãnh vực vật chất và tinh thần.

4. Đa Nguyên Luận.

Tương phản với Nhất nguyên luận, Đa nguyên luận cho rằng yếu tố tạo nên vũ trụ không phải là một cá thể mà tổ hợp nhiều cá thể. Vì bản thể của vũ trụ vạn hữu mang nhiều yếu tố, cho nên vũ trụ mới có nhiều hiện tượng. Do đó, trong hiện tượng bất đồng này vốn đã chứa đựng nguồn gốc bất đồng, chứ không phải chỉ có một căn nguyên nào đó biến dịch ra hiện tượng.

Căn cứ vào tính chất của bản thể vũ trụ mà nói, thì vốn có sự hiện hữu của duy vật, duy tâm, nhị nguyên, đa nguyên bất đồng. Nhưng nếu dựa vào sự hình thành của bản thể vũ trụ để trình bày, thì vốn có nhiều phương pháp diễn thuyết như cơ giới luận, mục địa luận, điều hòa phái, siêu việt phái .v.v

Tuy nhiên, các học thuyết trên, mỗi học thuyết đều có khuyết điểm của nó. Thực chất của bản thể vũ trụ, nếu nói theo duy vật, thì sự sáng tạo của sinh mạng, tác dụng của tinh thần, chuyển biến của năng lực đơn thuần không thể chấp nhận được. Nếu căn cứ vào duy tâm mà nói, thì sự tồn tại của vật chất cũng là sự thực, và tinh thần không thể sáng tạo ra vật chất. Theo thuyết nhị nguyên, tâm và vật đều có đặc tính không tương quan của nó, nhưng tinh thần không thể tách rời nhục thể để tồn tại và hoạt động độc lập.

Đa nguyên luận cho rằng có nhiều yếu tố tạo thành vũ trụ chứ không phải chỉ một yếu tố, và các yếu tố này có tính mâu thuẩn thống nhất với căn nguyên của vũ trụ. Ngay cả sự lý giải về diễn biến hình thành vũ trụ của cơ giới luận, mục địa luận, điều hòa phái, siêu việt phái, mỗi thuyết cũng có sở trường và sở đoản của nó, nhưng không thể giải đáp được tính viên mãn của vũ trụ mà chúng ta đề cập đến.

Có một số tôn giáo cho rằng chính thần linh sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra nam nữ, sáng tạo ra vạn vật v.v. Tuy nhiên, cách lý giải này mang tính thần thoại chứ thực tế không thể biểu hiện được chân lý của nhơn sanh vũ trụ. Vậy, phật giáo có cách gì giải thích triệt để về chân lý của nhơn sanh vũ trụ? Trước hết, chúng ta nên căn cứ vào quan điểm “ngũ ấm thế gian’ mà trong kinh Phật thường nói đến để giải thích.

1.Ngũ ấm [3] thế gian

Nói đến vũ trụ hay thế giới là nói đến sự tổng hợp của tất cả hiện tượng sanh diệt biến dị qua không gian và thời gian. Theo phật giáo, các hiện tượng sanh diệt biến dị này đều chịu sự chi phối của nhân duyên, nghĩa là các pháp đều do nhân duyên sanh ra và cũng theo nhân duyên mà hoại diệt.

Nhưng nguồn gốc nhân duyên sanh diệt của vũ trụ vạn hữu được bắt nguồn từ “thức”“danh sắc”. Nói chung do chủ thể nhận thức (thức) và đối tượng nhận thức (vạn pháp) tương quan tương duyên với nhau trong phạm vi đối đãi để hình thành nên thế giới. Bởi vậy, trong kinh phật thường nói: “thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức”.

Vậy, danh sác này là gì? Xin trả lời rằng “danh sắc” chính là năm uẩn. Đức Phật dạy vũ trụ vạn hữa đều do năm uẩn với nhân duyên hòa hợp tạo thành. Năm uẩn này chính là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong năm uẩn này, sắc uẩn được gọi là “sắc”; còn thọ, tưởng, hành, thức được gọi là “danh”, cho nên mới có tên gọi chung là “danh sắc”.

Trong Đại Thừa Ngũ Luận nói: “sao gọi là uẩn, nghĩa là bốn đại và  sự tạo tác của bốn đại..”. Trong Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận nói: “ hỏi: sắc uẩn là tướng? đáp: biến ra hiện tượng là tướng. Có hai dạng: (1) xúc đối với biến hoại; (2) tướng hiện thấy…”. Như vậy, theo cách lý giải này, nếu nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì “sắc” tương đương với thể tích, nhĩa là một vật nào đó chiếm hữu không gian rồi biến hoại mà trong khoa học gọi đó là “vật chất”. Tuy nhên, hai chữ “vật chất” đôi lúc hoàn toàn không tương đồng với “sắc” vì nó không bao hàm toàn bộ ý nghĩa của sắc uẩn.

Sắc uẩn trong bốn đại  là chỉ cho đất, nước, gió, lửa thuộc tính của vật chất. Bốn đại này cũng chỉ cho bốn tính chất cứng, ướt, nóng và động. Sắc uẩn do bốn tính chất này tạo nên với sự vật muôn hình vạn trạng. Và trong đó được phân ra hai lãnh vực cơ bản: (1) sự vật có hình tướng tức chỉ cho “xúc đối với biến hoại”, nghĩa là thế giới tự nhiên như sông núi, cỏ cây, mắt tai mũi lưởi của con người, hay các vật dụng mà con người tạo nên v.v

Tất cả những vật này, tay của chúng ta có thể sờ mó và biết chúng tồn tại, mắt thấy được hình thể của chúng, nhưng vì sức con người hoặc các nhân tố khác tác động đến khến chúng biến hình hoặc hoại diệt. Như vậy, quá trình này được đúc kết trong một thành ngữ “xúc đối với biến hoại”. (2) Nếu có dấu vết, chúng ta có thể tìm thấy, được gọi là “tướng hiện thấy” như trên đã đề cập đến. Ví dụ mọi khía cạnh như vuông, tròn, dài, ngắn; hoặc các màu sắc như trắng, đen, hồng, tím v.v và nhiều khái niệm trừu tượng khác. Các lãnh vực này khi tiếp xúc, chúng ta sẽ có ấn tượng về tên gọi của chúng.

Thọ uẩn là sự lãnh thọ hay nhận lấy, nghĩa là đem tâm thọ nhận moi hiện tượng xảy ra xung quanh mình. Diều này chỉ cho hữu tình chúng sanh với tác dụng của tình thức cảm nhận láy mọi thứ trong vũ trụ vạn hữu. Ví dụ khi tâm mình cảm nhận những gì thích hợp thì sanh khởi trạng thái vui thích (lạc thọ), ngược lại thì sanh khởi trạng thái buồn khổ (khổ thọ). Theo tâm lý học, tình huống này được gọi là cảm tình.

Tưởng uẩn là sự nắm bắt tướng trạng, nghĩa là khi nhận thức về cảnh giới, chúng ta đem tâm nhiếp thủ mọi thứ để tạo thành khái niệm. Theo tâm lý học, tình huống này được gọi là ý thức.

Hành uẩn là sự tạo tác, nghĩa là đối cảnh sanh tâm hoặc suy xét và quyết đoán khi tiếp xúc hiện tượng giới. Sau đó, chúng ta phát khởi các hoạt  động qua ngôn ngữ và hành vi. Theo tâm lý học, tình huống này được gọi là ý chí.

Thức uẩn là sự phân biệt, nghĩa là khi mắt nhìn thấy sắc lại phân biệt trắng, đen, hồng, tím; tai nghe thấy tiếng lại phân biệt tốt, xấu; mũi ngưởi thấy mùi lại phân biệt thối, thơm; lưỡi nếm mùi vị lại phân biệt dở, ngon; thân tiếp xúc hiện tượng lại khởi phân biệt lạnh, nóng. Theo tâm lý học, tình huống này được gọi là nhận thức.

Như vậy, chính năm uẩn trên đã tạo thành vũ trụ vạn hữu theo quan điểm của phật giáo. Nghĩa là con người và tất cả các chúng sanh có tình thức nương ghá vào  sơn hà đại địa để sinh tồn. Cũng theo phật giáo, vũ trụ và con người đều thống nhất được gọi là thế gian; còn con người và tất cả chúng sanh có tình thức thì gọi là hữu tình thế gian; chúng sanh nương vào sơn hà đại địa để sanh tồn thì gọi là khí thế gian.

Năm uẩn này cũng được gọi là “danh sắc”, là nguồn gốc để tạo nên vũ trụ vạn hữu. Do đó, “thể thức nhận biết mang tính chủ quan”“sự vật được nhận biết mang tính khách quan” đều tồn tại trong năm uẩn này. Thức uẩn chính là thể thức nhận  biết mang tính chủ quan; bốn uẩn còn lại chính là sự vật được nhận biết mang tính khách quan.

Theo như đã trình bày ở trên, thì thọ, tưởng và hành vốn là hoạt động của tinh thần. Như vậy lại nảy sinh một vấn đề mà chúng ta cần giải quyết là tại sao sự vật được nhận biết mang tính khách quan hiện hữu trong đó, và hiện hữu như thế nào. Để giải đáp vấn đề này, chúng ta nên khảo cứu một đoạn dối thoại trong Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận, như sau:

“Hỏi: Sao uẩn chỉ có năm loại? Đáp: Vì chỉ hiển bày năm việc của ngã. Nghĩa là hiển bày thân tướng (sắc) của ngã, sự thọ dụng (thọ) của ngã, ngôn thuyết (tưởng) của ngã, sự tác tất cả pháp và phi pháp (hành) của ngã, nương gá vào tự thể (thức) của ngã.

Trong năm loại này, bốn loại trước là sự việc của ngã sở, loại thứ năm là sự việc của ngã tướng…Sao vậy? Vì hữu tình thế gian đa phần đều lệ thuộc vào thức uẩn, rồi chấp dó làm ngã; các uẩn khác chấp làm ngã sở”.


Đoạn hội thoại trên muốn nói con người thường lấy mắt, tai, mũi, lưỡi làm ngã; lấy sắc, thanh, hương, vị làm sự tiếp xúc của ngã,  cảm giác của ngã (thọ) làm sở hữu của ngã, ký ức của ngã (tưởng) làm sở hữu của ngã, hành động của ngã (hành) làm sở hữu của ngã. Bốn hiện tượng tâm lý và vật lý này do ngã quán sát và nhận thức cho nên đều thuộc về “ngã sở”.

Tuy nhiên cái ta hay ngã có khả năng quán sát mang tính chủ quan chỉ là thức thuộc trạng thái hoạt động thống nhất của tâm lý. Thức chính là cái tôi hay ngã mang tính chủ quan, còn sắc, thọ, tưởng, hành là sự vật mang tính khách quan. Do ngã của chủ quan và sự vật khách quan hổ tương đối đãi để tạo thành thế giới vạn hữu, cho nên trong kinh, đức Phật nói: “thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức”.

Hơn nữa, có một điểm quan trọng cần phải cú ý ở đây là thức và danh sắc tức chủ quan và điều kiện khách quan hoàn tòan không có sự tách biệt, ngược lại, thức là thức có mặt trong danh sắc và danh sắc là danh sắc có mặt trong thức.

Do đó, chủ quan là điều kiện tạo nên thế giới khách quan và khách quan cũng là điều kiện tạo nên thế giới chủ quan. Nếu loại bỏ chủ quan thì không có khách quan và ngoài thế giới khách quan, không có thế giới chủ quan tồn tại riêng biệt. Bởi vậy, trong kinh Phật nói, như trên đã trình bày: “thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức; cái này sanh thì cái kia sanh, cái này diệt thì cái kia diệt”.

Mối quan hệ của thức và danh sắc hay chủ quan và khách quan là mối quan hệ bền vững không thể tách rời. Nếu chúng ta đem khái niệm phân biệt để chia chẽ hai phạm trù này, thì vô hình dung chúng ta giết chết sự tồn tại của chính mình và thế giới hiện tượng.

2. Các pháp do nhân duyên[4] sanh.

Khi còn tại thế, đức Phật thường ở tinh xá Trúc Lâm, tọa lạc trong thành Vương Xá để thuyết pháp giảng kinh. Lúc ấy, có hai vị sa môn tu theo  ngoại đạo là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Hai vị này đều có trí tuệ siêu quần,  có đức độ cao cả nên được nhiều người kính trọng trong xã hộ Ấn Độ đương thời. Một ngày nọ, Xá Lợi Phất[5] đã gặp được tỳ kheo Mã Thắng[6], một trong các đệ tử của đức Phật. Khi nhìn thấy Tỳ kheo Mã Thắng với oai nghi thù thắng, cử chỉ đỉnh đạc, trong tâm Xá Lợi Phất rất mến mộ nên liền hỏi Tỳ kheo Mã Thắng rằng: “xin hỏi sư phụ của ngài là ai, tôi có thể nói chuyện về giáo pháp với ông ấy có được không?”

Mã Thắng liền đáp: “Thầy tôi là Thích Ca Thế Tôn, người có trí tuệ và thần thông không ai sánh kịp. Tuổi tôi còn nhỏ với lại tư chất thấp kém nên tuy học tập theo thầy tôi mỗi ngày, nhưng không sao hiểu hết pháp vi diệu của ngài”. Xá Lợi Phất lại hỏi tiếp: “xin ngài từ bi lược nói điểm chính yếu về diệu pháp mà sư phụ ngài đã ban dạy”. Tỳ kheo Mã Thắng liền nói kệ: “

Các pháp do duyên sanh

Các pháp do duyên diệt

Thầy tôi: Đại Sa Môn

Thường nói như thế đó
”.

Sau khi nghe qua bài kệ này, Xá Lợi Phất liền hốt nhiên đại ngộ và bảo Mục Kiền Liên[7] cùng đến gặp Phật và nương tựa theo Ngài để tu tập.

Qua đoạn hội thoại này, một vấn đề nảy sinh là tại sao Xá Lợi Phất khi nghe “các pháp do duyên sanh, các pháp do duyên diệt” lại tự bỏ hết sở học của mình để quy y với đức Thế Tôn? Để giải mã vấn đề này thực ra không khó. Vì chắc chắn rằng hai câu kệ trên chính là chân lý của vũ trụ và Xá Lợi Phất là người đã trực ngộ được chân lý ấy trở thành bậc đệ nhất trí tuệ trong hàng đệ tử của đức Phật.

Tuy trước đó ông ta chưa hề biết Thế Tôn, nhưng do đã có nhiều năm tu tập nghiền ngẩm về chân lý ấy, cho nên mới nghe qua lập tức khai ngộ và quy y Thế Tôn. Căn cứ vào phật pháp mà nói, thì sự hình thành và hoại diệt của vũ trụ đều do hai chữ “nhân duyên”. Cũng theo phật pháp, hai chữ “nhân” “duyên” này chưa hề tách rời nhau. Tuy nhiên, nếu đứng trên lập trường tương đối mà nói, thì “nhân” tức chỉ cho đặc tính của vạn hữu, còn “duyên” là chỉ cho những tác dụng thiết thực tạo nên vạn hữu. Nhân là chỉ cho điều kiện chủ yếu của sự vật sanh diệt, còn duyên là chỉ cho điều kiện hổ trợ cấu thành vạn hữu. Như vậy, hai chữ “nhân duyên”, nếu dùng ngôn ngữ hiện đại mà nói, thì đó chính là điều kiện và mối quan hệ của điều kiện.

Do dó, sự sanh diệt của một sự vật trong vũ trụ luôn luôn có đầy dủ các điều kiện nào đó; sự tồn tại của mỗi sự vật cũng cần phải có mối quan hệ hổ tương lẫn nhau. Điều kiện hay mối quan hệ tồn tại hoặc sanh diệt của một  sự vật được gọi là nhân duyên của sự vật ấy.

Hai chữ “nhân duyên” này, trong kinh A Hàm, đức Phật giải thích rằng: “vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh, vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt”. Đoạn kinh này nói lên tất cả sự vật trong vũ trụ đều không có sự tồn tại tuyệt đối mà tất cả chỉ là mối quan hệ nương ghá tồn tại mang tính tương dối.

Mối quan hệ tồn tại nương gá lẫn nhau này chứa đựng hai loại hiện tượng là đồng thời và khác thời. Hiện tượng đồng thời chính là “vì cái này có nên cái kia có, vì cái này không nên cái kia không”.  Hiện tượng này nêu rõ mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể.

Hiện tượng khác thời chính là “vì cái này sanh nên cái kia sanh, vì cái này diệt nên cái kia diệt”. Hiện tượng này nêu lên mối quan hệ giữa nhân và quả. Như vậy, cả hai hiện tượng đều phô diễn mối quan hệ phong phú của không gian và thời gian.

Nếu căn cứ vào thời gian mà bàn luận, thì vũ trụ chính là sự tương tục của nhân quả, đồng thời nhân và quả này nối tiếp nhau từ vô thủy đến vô chung. Nếu dựa vào không gian mà nói, thì vũ trụ này là mối tương liên giữa chủ thể và khách thể tác động qua lại với nhau liên tục nhưng không hề có trung tâm và biên tế tuyệt đối. Mối quan hệ nhân quả tương tục và sự tương liên của chủ thể và khách thể này tạo nên thế giới vạn hữu ràng buộc và tồn tại nương gá lẫn nhau.

Tuy nhiên, bất luận mối quan hệ nhân quả khác thời hay mối quan hệ giữa chủ thể và khách thể khác thời, thì điều kiện căn bản của nó đều không thoát ra ngoài năm uẩn. Do nhân duyên năm uẩn hòa hợp mà tạo thành khí thế gian[8] với sơn hà đại địa và hữu tình thế gian[9] với chúng sanh có tình thức.
Nhưng thế gian năm uẩn và xum la vạn tượng đều sanh diệt biến dị trong từng sát na không ngừng. Trong quá trình sanh diệt biến dị của vạn hữu hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc “luật nhân quả của các pháp”.

3. Luật nhân quả của vạn hữu.

Sự hình của vũ trụ không phải do thần linh sáng tạo ra; sự biến đổi của vạn hữu cũng không phải do thượng đế chi phối. Ngược lại, tất cả đều do vay mượn các duyên hòa hợp để hình thành nên. Sự sanh khởi từ “không” đến “có” này nếu căn cứ vào “nhân” mà nói, thì gọi là “duyên khởi”[10], còn đứng trên lập trường của kết quả mà nhìn nhận, thì gọi “duyên sanh”. Do vậy, phật giáo nói muôn sự vạn vật tồn tại trong vũ trụ là pháp được  nhân duyên sanh, và sự sanh khởi của vạn hữu là nhân duyên sanh của vạn pháp.

Vũ trụ vạn hữu vốn vay mượn các duyên để sanh khởi và hoại diệt, do đó, từ hữu tình thế gian  đến khí thế gian, từ hiện tượng tinh thần đến hiện tượng vật chất đều hiện tồn trong lưu chuyển biến động, sanh diệt biến hóa từng sát na[11] không ngừng. Sự sanh, già, bệnh, chết của hữu tình chúng sinh và bốn giai đoạn[12]: thành, trụ, hoại, không của khí thế gian đều biểu hiện qua vạn pháp lưu chuyển, sanh diệt vô thường. Trong quá trình sanh diệt lưu chuyển này bị chi phối bởi một quy luật cơ bẩn nhất định là luật nhân quả của các pháp, theo quan điểm của phật giáo. Luật nhân quả này chính là quy tắc nguyên nhân và kết quả để nghiên cứu sự vật. Khoa học hiện đại cũng có nói đến luật nhân quả, nhưng nhân quả của khoa học chỉ áp dụng dựa trên sự biến hóa của vật lý.

Luật nhân quả của phật giáo ứng dụng cho cả sự biến hóa của tinh thần lẫn vật chất và sự biến hóa tương liên của tâm và hiện tượng. Phật pháp lấy quy tắc này dể phân tích sự vật một cách hết sức cẩn mật rõ ràng, dựa vào quy tắc này để thiết lập nên nhân sinh quan của ba đời, đồng thời dùng mối liên của khái niệm nghiệp báo, luân hồi v.v để hổ tương sáng lập nên tư tưởng luan lý về nhân quả thiện ác trong ba đời.

Như vậy, nhân quả tức là nhân duyên và quả báo. Nhân là nguyên nhân; duyên là trợ duyên. Do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra sự vật được gọi là quả. Quả này lại tiếp tục tạo ra nhân nên gọi là “báo”. Thế gian và xuất thế gian, từ chúng sanh đến thành phật, từ căn thân đến khí giới, tất cả sanh diệt biến dị đều bị quy tắc này chi phối. Bất cứ sự vật nào tồn tại trên đời này đều có nguyên nhân của nó.

Tuy nhiên, có nhân nhưng không có duyên thì cũng không thể sanh khởi. Ví dụ hạt đậu là nhân nhưng nếu không có các trợ duyên như người gieo trồng chăm sóc bỏ nó vào đất, ánh sáng mặt trời, mưa v.v thì hạt đậu ấy không thể nảy mầm và sanh trưởng. Cũng vậy nếu không có nhân duyên hòa hợp, thì không thể hình thành nên quả báo. Không chỉ sự sanh thành của sự vật là thế mà ngay cả sự biến dị và hoại diệt của sự vật cũng vậy.

Phật giáo nói rõ mối liên hệ nhân quả của các pháp bao gồm có sáu nhân, bốn duyên và năm quả. Sáu nhân này được gọi là nhân năng tác, nhân câu hữu, nhân tương ưng, nhân đồng loại, nhân biến hành, nhân dị thục. Năm quả chính là quả tăng thượng, quả đồng thời, quả đẳng lưu, quả dị thục, quả ly hệ.

Bốn duyên chính là thân nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên. Tuy nhiên, đối với “nhân”, chúng ta đã trình bày khá rõ như trên đã bàn luận đến trong quá trình lý giải về  sự đắc thất của vạn pháp. Hơn nữa, điểm chính của tiêu đề này chúng ta chỉ nhấn mạnh vào sự thực của vũ trụ quan theo cách nhìn của phật giáo dựa trên học thyết duyên sanh mà trong đó yếu tố “duyên” là cốt lõi để thúc đẩy quá trình hình thành thế giới, nên không mổ xẻ rộng cũng như giải thích cặn kẻ các yếu tố khác. Bây giờ chúng ta tìm  hiểu rỏ bốn duyên này để thấu triệt vũ trụ vạn hữu.

Thân nhân duyên tức là nguyên nhân chủ chốt. Nếu căn cứ vào tâm pháp hay tinh thần mà nói, thì tất cả hành vi của thân miệng ý thuộc về ý niệm đều được gọi là nghiệp. Nếu dựa vào tâm pháp để giải thích, thì nghiệp chính là nguyên nhân của sự biến hóa lưu chuyển.

Nếu căn cứ vào sắc pháp tức vật chất mà nói, thì như đất đá là nguyên nhân chủ yếu của núi đồi.., hoặc hạt giống là nguyên nhân chủ yếu của cây cỏ..

Đẳng vô gián duyên chỉ thích ứng áp dụng cho tâm pháp (tinh thần) như vọng tâm của con người khởi lên từng giây từng phút không bao giờ dừng nghỉ, tuôn chảy trong từng sát na sanh diệt. Khi niệm trước diệt vong thì niệm sau liền sanh khởi với tác dụng sanh diệt tương tục không gián đoạn.

Sở duyên duyên là chỉ cho tâm phân biệt và dối tượng phân biệt trong mọi lúc mọi nơi mang tính cách tương đối. Đối tượng hay tướng bị duyên chính là trợ duyên khiến tâm phát khởi phân biệt.

Tăng thượng duyên là chỉ cho tất cả tâm pháp (tinh thần) và sắc pháp (vật chất). Đây chính là tác dụng của chiều thuận và chiều nghịch có ảnh hưởng sâu rộng đến thế giới nội tại và thế giới hiện tượng. Nếu căn cứ trên sắc pháp mà nói, thì chỉ cần có thân nhân duyên và tăng thượng duyên là có thể sanh kết quả đối với một sự vật nào đó.

Tuy nhiên, nếu kết hợp cả sắc pháp và tâm pháp để bàn luận, thì phải có đủ bốn duyên mới đem lại kết quả hiện hữu của sự vật. Như vậy, chúng ta có thể biết rõ luật nhân quả có ba nguyên tắc. (1) Quả do nhân sanh ra, nghĩa là không có nhân thì không có quả và nếu có nhân thì chắc chắn phải sanh ra kết quả. (2) Sự nương vào lý để biến hiện, nghĩa là sự sanh diệt của các pháp luôn luôn có sự chi phối của nhân quả, nhưng trong nhân quả vẫn có lý tánh tồn tại phổ biến. Nếu có nhân thì tất nhiên phải có quả, đó là nguyên lý bất dịch, cũng như có sanh thì phải có chết, có thành thì có diệt, đều là nguyên tắc tự nhiên. (3) Cái có nương vào cái không để thiết lập, nghĩa là tất cả các pháp đều nương vào bản tính của thực tại phủ định để hình thành.

Cũng như nói hể có tồn tại thì điều đó đều bắt nguồn từ không tồn tại. Cái có được thiết lập từ cái không. Trong  luật nhân quả, còn có các điểm quan trọng cần phải chú ý như sau. (1) Trong luật nhân quả không có nhân đầu tiên và không có quả sau cùng. Vì nhân trước đã hàm chứa nhân nên nó là nhân vô thủy, và vì quả sau lại có quả nên nó trở thành vô chung.

Điều này cũng giống như cha là nhân của con, tuy nhiên, vì cha lại có cha cho nên cha cha có sự kết nối từ vô thủy, con lại có con nên con con tiếp nối vô chung. (2) Trong luật nhân quả, có sự tương đối giữa nhân và quả chứ chẳng phải mối quan hệ tuyệt đối. Giống như hạt bông là nhân của bông hoa, và bông hoa chính là quả của hạt bông. Khi bông hoa hiện hình tức là nhân của y báo. Điều này như dịch học của Trung Quốc trên lãnh vực thiên can vì có nhân “giáp” nên có quả “ất”, và “ất” trở thành quả của “giáp”. Từ “ất” lại sản sanh ra “bính” tức “ất” trở thành nhân của “bính”. (3) Nhân quả thông cả ba đời: ba đời ở đây không phải chỉ cho kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, mà ba đời chính là chỉ cho thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Bởi vì nhân không tự diệt mất, cho nên bất luận thời gian dài hay ngắn, nếu gặp duyên thì sẽ khởi hiện hành. (4)

Bản chất của nhân quả vốn là một: nếu có nhân năng sanh thì phải có quả sở sanh; nếu có quả năng sanh thì phải có nhân sở sanh. Nếu căn cứ vào sắc pháp mà bàn luận, thì trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Hạt đậu không thể trưởng thành sinh ra mầm dưa, và ngược lại, hạt dưa không thể sinh trưởng thành mầm đậu.

Còn căn cứ vào tâm pháp để nói, thì tự tạo nhân, nhất định phải nhận lấy quả. Nhân thiện không sanh ra quả ác và quả ác không xuất phát từ nhân thiện, chúng hoàn toàn không vay mượn lẫn nhau.

Trong kinh Phật, có một bài kệ nói rõ nguyên tắc căn bản của nhân quả như sau:

Giả sử trăm ngàn kiếp

Chổ tạo nghiệp không mất

 Khi nhân duyên hội tụ

Tự nhận lấy quả báo


Bài kệ trên nêu lên ý nghĩa nghiệp nhân không diệt; bất luận thời gian lâu hay mau, một khi gặp duyên thì sanh khởi hiện hành; tự tạo nghiệp thì tự nhận lấy quả báo.

Trong vũ trụ vạn hữu, mọi sự vật đều có nhân quả rõ ràng. Nhân quả của tâm và vật đều được phân định rõ rệt.

Giống như hoàn cảnh vật chất khiến con người có cảm thọ khổ vui. Nếu sống trong môi trường với điều kiện đầy đủ thì thân tâm vui thích, còn thiếu thốn đói khát thì thân tâm sanh khởi bệnh khổ, nhưng nhân quả của tâm và vật chất không phải dể dàng nhận biết. Tuy nhiên, tâm làm nhân gây ảnh hưởng đến vật chất là điều đã hình thành trong quy luật nhân quả. Nhân quả của tâm pháp thực sự rất khó hiểu, nhưng nếu khởi tâm động niệm, thì tất cả đều trở thành nghiệp nhân.

Chính tâm là nguyên nhân gây ra nghiệp quả trong vạn hữu vũ trụ này. Một khi tâm dấy khởi thì mọi hiện tượng theo biến động mà hình thành. Địa ngục hay cực lạc cũng do tâm tạo tác. Tâm sanh khởi khiến thân hoạt động để tạo ra nghiệp quả. Nghiệp này được phân thành hai lãnh vực là thiện và ác, nhưng đều hiện hữu trong tám thức.

Chính nghiệp thiện và nghiệp ác  chi phối tất cả chúng sanh thăng trầm trong sáu nẻo luân hồi. Nhân quả này tuy người đời không dể gì hiểu hết, nhưng quả do nhân sanh, sự đợi lý thành, tự nhân tự thọ nhận, rốt cuộc hoàn toàn không sai khác. Cũng như trong nhân gian có câu: “thiện có thiện báo, ác có ác báo, chứ không phải không có báo ứng, mà vì thời gian chưa đến đó thôi”. Câu nói này tuy mang tính thông tục nhưng rất là chí lý.

4. Tâm và vật không hai trong duyên sanh.

Chúng ta dựa vào năm uẩn thế gian mà nói đến các pháp do duyên sanh, dựa vào các pháp do duyên sanh mà nói đến luật nhân quả của vạn hữu. Nói một cách rốt ráo, thế giới quan của phật giáo nếu căn cứ trên mặt bản chất để trình bày, thì chẳng phải duy tâm luận, cũng chẳng phải duy vật luận, mà cả hai đều hợp nhất không thể chia chẻ, tâm và vật không hai, năm uẩn thế gian đều đồng nhất thể viên dung, như nói: “thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức”.

Thức là thức có mặt trong danh sắc, và danh sắc là danh sắc có mặt trong thức. Thức và danh sắc luôn luôn dung hòa chuyển hoán cho nhau trong một trình tự hợp lý. Chúng thường liên hệ mật thiết không thể tách rời và giao biện với nhau trên bề mặt hiện tượng cũng như trong sâu thẳm của thế giới nội tại.

Nếu căn cứ trên sự hình thành của các pháp mà nói, thì đó chẳng phải là cơ giới luận, cũng chẳng phải mục đích luận, mà là nhân quả tương tục; chủ và tớ tương quan, trùng trùng hiện khởi, tương quan tương duyên. Nếu đứng trên kết quả để nhìn nhận, thì đó là “nhân duyên sanh các pháp”, còn dựa vào nguyên nhân để quán sát, thì đó là “vạn pháp do nhân duyên sanh”, nghĩa là do nhân duyên hòa hợp mà có thế giới. Nếu căn cứ vào nguyên tắc vận hành của vũ trụ vạn hữu mà nói, thì hoàn toàn không có chủ tể hay thượng đế, cũng không có qủy thần chi phối, mà là quả do duyên sanh, sự đợi lý thành, nghiệp nhân không diệt, tức là các pháp phải tuân theo luật nhân quả với phương châm tự tạo nghiệp thì tự nhận lấy quả báo.

Nói chung, thế giới quan của phật giáo có thể nói là tâm vật không hai, nhất thể viên dung, trực tiếp từ nhận thức luận làm phát sinh nhân duyên sanh quan.

5. Ba ngàn đại thiên thế giới[13].

Theo phật pháp, thế giới được chia làm hai loại, đó là hữu tình thế gian và khí thế gian. Hữu tình thế gian được gọi là chánh báo, tức là do nghiệp nhân mà cảm lấy chánh quả. Hữu tình là chỉ cho các chúng sanh có tình thức qua sự kết hợp của nhục thể và tinh thần. Khí thế gian còn được gọi là y báo, tức nơi chốn để hữu tình chúng sanh nương ghá sinh sống. Khí thế gian là chỉ cho sông núi, đất đai, cây cỏ hoa lá v.v

Hữu tình thế gian bao gồm sáu nẻo[14], đó là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cỏi trời, cỏi người và A-tu-la. Chúng sanh trong sáu nẻo này, theo phật giáo, tồn tại ở ba cỏi[15] là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

Dục giới giới là cảnh giới mà trong đó các chúng sanh thường có những ham muốn về ăn uống, ngủ nghỉ và quan hệ nam nữ. Sắc giới là cảnh giới mà trong đó các chúng sanh chỉ có hình sắc thù thắng chứ không ham muốn ô nhiểm. Vô sắc giới là cảnh giới mà trong đó chúng sanh tồn tại với tinh thần thuần túy, chứ không vướng vào hình sắc cũng như mọi ham muốn.

Trong kinh Phật nói ba cõi lấy núi Tu Di làm trung tâm, nên gọi chung là cảnh giới Tu Di. Do lấy núi Tu Di làm trung tâm, nên chẳng phải chỉ riêng cho một thế giới nhỏ bé nào đó, mà là biến khắp cả hư không. Nếu gom một ngàn thế giới nhỏ lại, như vậy, được gọi là “tiểu thiên thế giới”. Nếu gom một ngàn tiểu thiên thế giới lại, thì gọi đó là “trung thiên thế giới”. Nếu gom một ngàn trung thế thế giới lại, thì gọi đó là “đại thiên thế giới”.

Vì trong ba luân chuyển với con số ba ngàn, cho nên gọi là ba ngàn đại thiên thế giới. Ba ngàn đại thiên thế giới vốn chẳng phải một, mà là vô biên vô số cảnh giới tồn tại trong không gian của vũ trụ. Do đó, trong kinh Phật nói “mười phương vi trần thế giới”, hoặc “mười phương hằng sa thế giới”. Sự phát triển của thiên văn học trong thời cận đại đã chứng minh rằng trong hư không có nhiều hành tinh khác biệt không thể tính hết, nhờ đó, chúng ta biết chắc trong kinh phật nói không có sai lầm. Từ đây, chúng ta xây dựng niềm tin vững bền vào phật pháp.

Nếu căn cứ vào không gian mà nói, thì thế giới là hư không vô tận, thế giới vô tận; nếu dựa vào thời gian để bàn luận, thì thế giới là một chuổi dài từ vô thủy đến vô chung. Tuy nhiên, nếu đứng trên luật nhân quả để nhìn về, thì thế giới là một chuổi nhân quả tương tục, nghĩa là nhân trước tiếp nối nhân sau, quả sau lại tiếp nối quả kéo dài từ vô thủy đến vô chung trong thời gian của vô tiền khoáng hậu.

Nhưng nếu căn cứ vào một phương diện khác mà nói, thì thế giới có sanh tức có diệt, có thành tức có hoại, do vậy, thế giới này mới có bốn thời kỳ: thành, trụ, hoại và không. Thành, trụ, hoại, không này là một vòng tuần hoàn vô tận trên mặt thời gian, là vòng xoáy từ vô thủy đến vô chung. Bốn phạm trù này cũng được gọi là bốn kiếp, tức là kiếp thành, kiếp trụ, kiếp hoại và kiếp không.

Kiếp thành chính là thời kỳ mà thế giới được tạo thành khi nhân duyên kết tụ đầy đủ. Kiếp trụ là thời kỳ hữu tình chúng sanh an trú. Kiếp hoại là thời kỳ hoại diệt của thế giới chúng sanh. Kiếp không là thời kỳ tan rả hoàn toàn của thế giới. Sau khi tan rả, thế giới lại đi vào kiếp thành trở về điểm ban đầu, và cứ thế xoay vần vô cùng vô tận.

Theo quan điểm của phật giáo, thời gian một kiếp chính là quá trình thành, trụ, hoại, không của thế giới, tức một chu kỳ như vậy là một đại kiếp. Đây là một thời gian lâu dài trong đời sống của chúng sanh. Từ đại kiếp trở xuống tạo nên vòng xoáy của thành, trụ, hoại, không là một trung kiếp. Mỗi một trung kiếp bao hàm mười hai tiểu kiếp. Thời gian của một tiểu kiếp là tám vạn bốn nghìn năm.

Như vậy, không gian vô biên vô cùng, thời gian vô thủy vô chung, chúng sanh vô lượng vô số đều nương vào luật nhân quả để tồn tại. Sự sanh diệt biến dị vô cùng vô tận chính là thế giới mà trong kinh đức Phật đã nói tới. Thế giới này tuy bao la vô cùng, nhưng nó bị chi phối bởi luật sanh diệt tương tục trong hệ thức nhân quả.

Hệ thức nhân quả bao trùm lên cả không gian và thời gian trong thế giới chúng sanh. Mọi khái niệm về hiện tượng giới cũng bị luật nhân quả chi phối một cách có thứ tự. Thế giới mà chúng ta đang sống cũng không ngoại lệ, nó biến hoại theo từng sát na sanh diệt dưới sự chiếu soi của luật nhân quả.