Có phải vô ngã, vô thường là vô cảm với nỗi đau của người khác?

Chúng ta không nên tu hành trong ích kỷ, thiếu tính cách lợi tha, làm cho băng hoại chánh pháp của ba đời chư Phật: “Phật độ đời, nếu không có cuộc đời thì cũng không có đức Phật và đạo Phật”, nên trong quá trình tu hành, chúng ta làm được điều gì lợi lạc quần sanh thì chúng ta thực hiện...


Hỏi: 

Con được nghe giảng để tâm mình được giữ chánh niệm, không loạn thì không nên vui quá cũng như không buồn quá, nên giữ mình ở trạng thái cân bằng. Thêm vào đó, không nên quá động tâm đến chuyện đời. Ngược lại, theo lời Phật dạy thì nên làm lành lánh dữ, ăn chay niệm Phật, giúp người. Vậy con nên dựa vào đâu để biết điều mình làm là đúng hay sai?

Nếu mình không động tâm suy nghĩ, không thương xót những cảnh đời bất hạnh thì làm thế nào con mới có thể giúp đỡ người khác? Nếu không giúp đỡ thì có phải là vô cảm không và nếu cứ nhìn cuộc đời với con mắt vô ngã vô thường, mọi người ai có nghiệp người ấy, không vui không buồn thì đó có phải là vô cảm không, còn đâu là cuộc sống. Con quả thật không biết mình nên nương như thế nào để đi vì khi giúp người thì con được bảo là không nên động tâm, xen vào nhân quả người khác còn nếu không quan tâm thì quá thờ ơ và nhẫn tâm? Xin thầy cho con biết con nên làm như thế nào cho đúng theo lời Phật dạy?


Đáp:

Trong quá trình tu hành, hay làm môn đệ đức Phật đã là một đại căn, có duyên sâu sắc với Phật từ trong muôn vạn kiếp.

Làm môn đệ đức Phật có hai thứ bậc: Một là tu sĩ xuất gia, xưa gọi là Thanh văn, A La hán, các bậc tôn giả đại đệ tử đức Phật. Hai là cư sĩ, là những người con đức Phật tu tại gia, lúc nào cũng được sự hướng dẫn của chư tôn đức Tăng ni trong chốn thiền lâm. Các vị đã quy y Tam bảo và thọ trì ngũ giới cấm.

Dù xuất gia hay tại gia cũng đều có hạnh lành, cứu giúp chúng sanh trầm nịch trong bể khổ, hoặc đói rách lầm than, dốt nát thế cô. Đấy mới đúng nghĩa người đệ tử đức Phật.

Năm 1967, thầy có đọc sách của giáo sư Trần Thạc Đức, nhan đề “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, nội dung chính là chỉnh đốn lại nếp sống thiền môn của chư Tăng ni, nhất là quý vị Trụ trì cần có những hướng đi mới, giáo hóa Phật tử, nuôi Tăng ni, giúp đỡ vật chất chư Tăng ni đi học đời hay đạo cho đến khi thành tài, để Tăng ni có cơ sở phụng sự cho đạo pháp. Tư tưởng đó cũng được nhiều bậc cao tăng tán đồng và trong đó có Phật học viện Huệ Nghiêm, Giác Sanh, Pháp Hội, Quan Âm tu viện… thực hiện trước. Các chùa Ni như chùa Từ Nghiêm, chùa Dược Sư, chùa Huê Lâm… nuôi ni chúng đi học, sau khi thành tài ra giúp công tác Giáo hội và Phật pháp.

Với ý tưởng trên cho chúng ta thấy làm Tăng ni không phải để sống trong thế giới u tịch nhàn nhã, sống trong thâm sơn cùng cốc, mà trong quá trình tu học, đại chúng Tăng ni được phân ra làm hai chúng, hai lãnh vực, hai hạnh nguyện:

“Thể nhập” và “Tiếp hiện”: Thể nhập là dòng tu dành cho chư Tăng ni tu hành giải thoát, phát khởi hạnh nguyện ra khỏi thế gian, không tham gia việc thế gian, xả bỏ nhu cầu vật chất đến mức tối đa, chỉ một số vật dụng pháp khí phục vụ cho đời tu sĩ sống giản dị, sống độc cư độc thiện. Tiếp hiện là chư Tăng ni bước chân vào đời, vừa tu hành vừa phổ hóa chúng sanh, giúp đời cứu đời bằng mọi hình thức theo hạnh nguyện của chư đại bồ tát, tâm không nhu cầu đòi hỏi nếp sống vật chất, vào cuộc đời phát khởi hạnh nguyện độ tha, hướng tới tha nhân, quên mình vì đại chúng, vào cuộc đời có kim chỉ nam, nên không bị ô nhiễm trong cuộc đời, với ý tưởng “đạo Phật hóa cuộc đời”, chứ không phải các “nhà Sư bị cuộc đời hóa”.

Hạnh lành của chư Tăng ni như thế, thì nam nữ Phật tử cũng như vậy thôi. Chúng ta không nên tu hành trong ích kỷ, thiếu tính cách lợi tha, làm cho băng hoại chánh pháp của ba đời chư Phật: “Phật độ đời, nếu không có cuộc đời thì cũng không có đức Phật và đạo Phật”, nên trong quá trình tu hành, chúng ta làm được điều gì lợi lạc quần sanh thì chúng ta thực hiện.

Một buổi nọ, bạn đang tụng kinh đại thừa trong nhà, đến nữa thời kinh rồi, tâm chánh niệm thanh tịnh, bỗng ngoài hiên nhà có “cô phụ nữ đẻ rớt”, bạn nghe được tiếng khóc la của trẻ con, tiếng rên rỉ của bà mẹ… bạn có ngồi tụng kinh được nữa không, hoặc bạn ngồi tụng kinh, hoặc bạn kêu xe chở “mẹ con người phụ nữ” đó vào Bảo sanh viện? Chắc chắn bạn không thể làm ngơ, làm ngơ thì “bất nhân”, giúp đỡ thì “động loạn” nhơ uế.

Theo bạn nên giúp hay nên không giúp? Theo thầy thì bạn nên giúp mà không cần phải nghĩ suy “tịnh hay uế” thì chính đó là “chánh niệm” rồi.

Chánh niệm không chỉ có ở nơi thời kinh tụng, hay thiền định, mà bạn giúp người, nhưng không nghĩ suy thân sơ phải quấy chính đó là “chánh niệm” đó bạn!

Đấy cũng chính là đạo Bồ tát lợi tha, đem “hạnh nguyện lợi tha” đi vào đời, là tinh hoa của giáo lý ba đời chư Phật, không phải như chúng ta suy nghĩ. Người Phật tử chúng ta nên làm hạnh Phật hơn là suy nghĩ đủ điều rốt rồi chẳng có tu hành gì cả. Hạnh Phật thì lúc nào cũng cứu giúp chúng sanh, giúp đỡ mọi người khi cần thiết. Gặp người hoạn nạn, đói rách nếu ta có đủ điều kiện thì giúp ngay đó là tiêu chí của Bồ tát. Trường hợp không có phương tiện vật chất thì chúng ta nên vận động trong họ hàng thân quyến, cháu con, tiếp đến xóm giềng đồng bào xã hội tập trung một mớ vật chất, tiền bạc để cứu giúp người qua cơn hoạn nạn, không có gì trở ngại trong quá trình tu tập thiền tụng.

Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, quý Phật tử phải đọc đi đọc lại cho nhiều lần thì chúng ta mới thấy đức Quán Thế âm Bồ tát lúc nào cũng khởi tâm thanh tịnh đến với chúng sanh và mọi người. Thanh tịnh mà đến thì mới đủ lực cứu chúng sanh như chư Bồ tát.

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, tôn giả An nan đà, vị thị giả của đức Phật có lời nguyện: “như nhứt chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn…” - nếu còn một chúng sanh nào không thành Phật, thì tôi không bao giờ nhập vào cõi niết bàn…

Làm người Phật tử, cần chọn lựa pháp tu viên dung “vừa tu cho mình và giúp người”. Suốt quá trình tu học Phật pháp, chúng ta nên thể hiện tinh thần từ bi tứ nhiếp pháp: - Bố thí nhiếp, Ái ngữ nhiếp, Lợi hành nhiếp và Đồng sự nhiếp, chắc chắn quý vị sẽ thành tựu đạo nghiệp, đừng nên bảo thủ trái với bản hoài đức Phật.

Bài viết: "Có phải vô ngã, vô thường là vô cảm với nỗi đau của người khác?"
HT. Thích Giác Quang/ Vườn hoa Phật giáo