Tinh thần tôn sư trọng đạo của người con Phật

Trách nhiệm của một người thầy là không nhỏ và không đơn giản, vì nếu chúng ta vụng về trong cách giáo dục và dẫn dắt thì đức Phật nói trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) là: “Người khéo thuyết giảng thì mang lại an lạc cho chư Thiên và nhân loại, vụng thuyết thì chỉ mang đau khổ đến cho tất cả chúng sanh.”


Trong Phật giáo, ý nghĩa của “Tôn sư trọng đạo” được Đức Phật nhắc nhở nhiều hơn qua các bài giảng có liên quan về sự tri ân và báo ân mà một người con Phật phải thực hành để đưa đến phước báu an lạc và hạnh phúc tối thượng trong đời sống tu tập để có thể tự hoàn thiện và tiến hóa mình từ một con người phàm phu đầy dẫy tham ái và si mê trở nên những bậc Thánh hiền vô nhiễm, vô cấu, thuần tịnh và trong sáng nhất.
 
Nền tảng đạo đức hay nền tảng của giới luật của Phật giáo đa phần dựa trên tinh thần và tôn chỉ thiêng liêng ấy. Ngay cả trong kho tàng đạo đức và luân lý của người Việt Nam ta cũng có câu “tiên học lễ, hậu học văn” hay “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” v.v…do đó tinh thần tôn sư trọng đạo là một đạo đức căn bản không chỉ của người con Phật hay bất cứ tín đồ của tôn giáo nào mà còn là nền tảng chung cho toàn thể nhân loại khi bắt đầu tập tễnh bước chân vào con đường học vấn.
 
Như vậy chữ “Thầy” đã được biết đến như một vai trò thiêng liêng của một bậc thứ ba trong cuộc sống con người sau cha và mẹ. Nếu cha mẹ sanh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn thành người thì thầy cô chính là người đã vun đắp, xây dựng và truyền trao cũng như trang bị cho chúng ta những kiến thức căn bản và hữu dụng để làm hành trang bước vào cuộc đời.
 
Ngày nào em bé con con
 
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
 
Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
 
Nghĩ sao cho bõ những ngày ấu thơ
 
Người Thầy được xem như một người cha thứ hai trong cuộc sống của chúng ta qua hai từ ghép “sư phụ” vô cùng thiêng liêng mà chúng ta thường được nghe nhắc đến khi gọi một người thầy trong đạo giáo. Sư phụ, sư là thầy, phụ là cha theo từ ngữ Hán Việt. Vừa làm thầy mà lại vừa làm cha thật không dễ chút nào đối với một người mang trách nhiệm của một đấng mô phạm. Vì nó gắn liền cả hai trách nhiệm mà một đấng mô phạm phải mang đến cho học trò của mình, những đứa con tinh thần mà thầy phải hết lòng dạy dỗ, chăm sóc và ưu tư, trăn trở.
 
Chính bản thân đức Phật là một hình ảnh sống động về tư cách cũng như vai trò và trách nhiệm của một bậc sư phụ đối với đồ chúng, đệ tử ngài. Đức Phật không chỉ là một người thầy đã hướng dẫn cho đệ tử bước đi trên con đường Thánh thiện mà ngài còn vô cùng dịu dàng, ân cần trong việc chăm sóc và bảo bọc chúng đệ tử trong cuộc sống hằng ngày. Hình ảnh vô cùng sống động đó đã được thấy trong bài kinh Pháp Cú số 41 khi đức Phật đích thân đun nước nóng để tắm rửa lau chùi thân thể lở loét, hôi hám đầy mủ máu của đại đức Pūtigattatissa khi đại đức mang phải chứng bệnh phong cùi, lở loét hôi hám khiến cho mọi người sợ hãi và xa lánh đại đức. Đức Phật không những không hề ghê sợ hay xa lánh đệ tử của ngài mà ngài còn ân cần cởi y, tự tay lau chùi và vệ sinh thân thể cho đại đức Pūtigattatissa, sau đó cũng tự tay ngài đích thân thay y mới cho đại đức, thay tấm trải giường, mền gối mới trong khi các vị Tỳ khưu khác lo việc quét dọn và vệ sinh căn phòng thật sạch sẽ và thoáng mát.
 
Sau khi đại đức Pūtigattatissa đã hoàn toàn sạch sẽ đức Phật ân cần ngồi xuống cạnh bên, âu yếm nắm lấy bàn tay khẳng khiu, thô ráp và già nua của đệ tử và dạy cho đệ tử quán niệm về sự tiêu hoại của xác thân ngũ uẩn và dẫn dắt tâm của đại đức Pūtigattatissa bước vào con đường thanh tịnh và tinh khiết. Cuối cùng trước khi trút tàn hơi thở bên bậc đạo sư khả kính, đại đức Pūtigattatissa đã trở thành một bậc Thánh vô lậu, một bậc A La Hán hoàn toàn thanh tịnh và tinh khiết cả thân và tâm pháp. Đó chính là tấm lòng cũng như tình thương vô bờ vô bến của một người thầy, một người cha mà chúng ta thường gọi là sư phụ qua hình ảnh và tấm gương của một đấng pháp vương ba cõi, từ phụ bốn loài như đức Phật của chúng ta.
 
Trong kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc Trường Bộ Kinh (Dìgha Nikàya), đức Phật cũng dạy cho thanh niên Bà La Môn Thi Ca La Việt (Singàlaka) về tư cách của người thầy đối với học trò và học trò đối với thầy tương ứng với tư cách lễ bái phương Nam như sau: “Này gia chủ tử, có năm cách, đệ tử phụng dưỡng các bậc sư trưởng như phương Nam: Đứng dậy để chào, hầu hạ thầy, hăng hái học tập, tự phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp. Này Gia chủ tử, được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách như vậy, các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyện; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt. Này Gia chủ tử, như vậy là bậc sư trưởng được đệ tử phụng dưỡng như phương Nam theo năm cách và sư trưởng có lòng thương tưởng đến đệ tử theo năm cách. Như vậy phương Nam được che chở, được trở thành an ổn và thoát khỏi các sự sợ hãi.”
 
Như vậy theo tinh thần của bài kinh này, chúng ta thấy, đức Phật đã nêu lên năm phận sự của người thầy đối với học trò của mình và ngược lại, người học trò cũng phải có năm nghĩa vụ đối với bậc ân sư của mình một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất để có thể được xem là xứng đáng được đảnh lễ như đảnh lễ phương Nam.
 
Trong môi trường chùa chiền thì trách nhiệm của một người thầy lại càng nặng nề hơn một nhà giáo ngoài đời. Nhà giáo ngoài đời thì truyền trao kiến thức còn nhà giáo trong chùa thì phải dắt dẫn học trò của mình đi hết một quãng đường dài lê thê vô tận. Không những dắt dẫn và truyền trao những phương pháp tu tập để thanh lọc thân tâm mà thầy giáo trong chùa còn phải chăm sóc, bảo bọc, chở che và nuôi dưỡng đồ chúng đệ tử của mình với trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.
 
Đức Phật nói về bốn phương pháp giáo dục để tử của ngài với người chăn ngựa cho nhà vua như sau:
 
1. Dùng phương pháp mềm dẻo
 
2. Dùng phương pháp cứng rắn
 
3. Kết hợp mềm dẻo và cứng rắn
 
4. Giết chết
 
Ba phương pháp trên thì không cần phải bàn cãi nhiều vì chúng ta đều hiểu được dễ dàng vì nó là phương pháp giáo dục được áp dụng nhiều nhất trong các môi trường sư phạm. Nhưng riêng phương pháp cuối cùng thì đức Phật giải thích cho người chăn ngựa biết là đức Phật giết chết không giống như tư cách của một kẻ sát sanh mà ý đức Phật muốn nói chính là sự tùy duyên tùy nghiệp. Nếu đã áp dụng cả ba phương pháp trên là: Dạy về sự an của đời sống thiện lành; hai là dạy về quả báu đau khổ của đời sống tội lỗi; ba là dạy về đau khổ và hạnh phúc của nhân quả, nhưng cuối cùng đệ tử vẫn không chịu hiểu và thực hành theo những gì tốt đep thì buột lòng đức Phật đành phải tùy duyên tùy nghiệp của chúng sanh.

Vì hạng đệ tử đó, đức Phật ví như cái bình bát lật úp không thể chứa đựng bất cứ thứ gì hay hạt đậu tròn không thể nằm yên trên bắp vế trơn láng. Do đó không thể dạy dỗ được nữa thì để cho kẻ cứng đầu ương bướng đó tự sanh tự diệt. Lời dạy của đức Phật luôn hướng đến sự bất tử, nhưng nếu người nào không thực hành theo cũng đồng nghĩa là họ mặc nhiên chấp nhận sự chết và đồng ý lăn trôi trong vòng sanh tử luân hồi.
 
Nhưng thật ra, với tấm lòng khoan dung độ thứ của một người tu hành mà đặc biệt lại là đức Phật thì chúng tôi được biết là đệ tử Ngài mặc dù có rất nhiều những vị ương bướng, cứng cỏi và khó dạy dỗ, khó giáo dục nhưng cuối cùng thì ngay cả vị Tỳ Khưu nan giáo nhất như đại đức Channa (Xa Nặc) người hầu cận thân tín nhất của Thái tử Sỹ Đạt Ta (Siddhattha) vẫn có thể chứng đắc quả vị A La Hán sau khi đức Phật nhập Niết Bàn.
 
Trách nhiệm của một người thầy là không nhỏ và không đơn giản, vì nếu chúng ta vụng về trong cách giáo dục và dẫn dắt thì đức Phật nói trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) là: “Người khéo thuyết giảng thì mang lại an lạc cho chư Thiên và nhân loại, vụng thuyết thì chỉ mang đau khổ đến cho tất cả chúng sanh.” Trong bất cứ môi trường sư phạm nào thì cũng phải áp dụng những phương pháp giáo dục dựa trên tinh thần từ bi và trí tuệ. Là một người thầy thì càng phải trau dồi đức hạnh và sự nhiệt tâm với cái nghề cao quý là “làm thầy thiên hạ” của mình. Một người thầy có đức độ, có phẩm chất, có đạo hạnh chính là một tấm gương sáng cho hàng đệ tử học trò noi theo.
 
Nguồn: Tạp chí Phật giáo Nguyên Thuỷ (Số 2)