Tu hành không phát tâm bồ đề chẳng thể thành tựu

Người tu hành chẳng phát tâm bồ đề, thì vĩnh viễn là chúng sinh. Do đó, có thể thấy đây là sự khác biệt giữa chúng sinh và Bồ Tát, tức là quan hệ giữa sự phát tâm bồ đề. Nói tóm lại, phát tâm bồ đề là Bồ Tát, phát nghiệp tâm là chúng sinh.


Ðừng quên niệm nguyện lực thù thắng của các Bồ Tát đã phát ra. Như vậy thì nguyện lực của bạn cũng sẽ viên mãn. Nguyện của Bồ Tát phát, là nguyện độ tất cả chúng sinh, nguyện thành Phật đạo. Nguyện vì chúng sinh thọ khổ, nguyện thọ nhận sự chưởi mắng của chúng sinh, nguyện tiếp thọ sự phỉ báng của chúng sinh, đó là nguyện lực thù thắng của Bồ Tát. Bồ Tát là chúng sinh trong quá khứ phát tâm bồ đề.

Chúng ta là Bồ Tát hiện tại phát tâm bồ đề. Chúng sinh vị lai phát tâm bồ đề thì đều là Bồ Tát. Tóm lại, chúng sinh quá khứ phát tâm bồ đề là Bồ Tát, chúng sinh hiện tại phát tâm bồ đề là Bồ Tát, chúng sinh vị lai phát tâm bồ đề là Bồ Tát, cho nên ai ai cũng đều có thể làm Bồ Tát. Việc của Bồ Tát muốn làm thì phàm phu đều chẳng muốn làm. Tại sao ? Vì tư tưởng của Bồ Tát là lợi tha, tư tưởng của phàm phu là lợi mình, cho nên tương phản với nhau.

Phàm phu thì tham, Bồ Tát thì chẳng tham; phàm phu thì sân, Bồ Tát thì chẳng sân; phàm phu thì si, Bồ Tát thì chẳng si. Bồ Tát tiêu trừ tham sân si, tu hành viên mãn thành tựu giới định huệ, cho nên đây là nguyện lực thù thắng của Bồ Tát. Nguyện lực của Bồ Tát là muốn thọ khổ thay thế cho chúng sinh. Chúng ta chúng sinh có chịu vì chúng sinh thọ khổ như thế chăng? Ai có tinh thần hy sinh như thế, có thể nói là ‘’đuôi phụng sừng lân,’’ hiếm lại càng hiếm.

Bồ Tát là chúng sinh ngốc nhất. Tại sao lại nói như thế ? Vì Bồ Tát có tinh thần vì người mà chẳng vì mình, nơi nơi đều chịu thiệt thòi, chẳng muốn chiếm tiện nghi. Ðây là biểu hiện chẳng ích kỷ lợi mình. Bồ Tát muốn xả mình vì người, chẳng vì mình mà tính toán. Vì kẻ khác mà quên đi chính mình, ai làm được trình độ như thế, thì người đó là Bồ Tát. Người tu hành chẳng phát tâm bồ đề, thì vĩnh viễn là chúng sinh. Do đó, có thể thấy đây là sự khác biệt giữa chúng sinh và Bồ Tát, tức là quan hệ giữa sự phát tâm bồ đề. Nói tóm lại, phát tâm bồ đề là Bồ Tát, phát nghiệp tâm là chúng sinh.

Hòa thượng Tuyên Hóa