Nơi an trú niềm tin

Các cơ quan quản lý văn hóa dù có băn khoăn nhưng cũng tỏ ra bất lực. Người ta sợ phải ra những quyết định cấm đoán hành chính vội vàng dễ tạo ra hiệu ứng ngược.


Vì sao lễ hội lại đi cùng mê tín?

Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng người ta ước tính khoảng 8.000 lễ hội (hay nhiều hơn?) hàng năm trên cả nước, riêng thủ đô Hà Nội đã có hàng nghìn lễ hội. Có thể thấy hoạt động tâm linh người Việt “tích cực” trở lại đến thế nào, thu hút hàng triệu lượt người tham gia, sau một thời thực hiện “bài phong đả thực”.

Thế nhưng sự hồi sinh nhanh chóng ấy trong bối cảnh của một xã hội chưa định hình rõ nét về triết lý tôn giáo và tín ngưỡng, mù mờ ranh giới giữa Phật giáo và Lão giáo hay các đạo thờ mẫu, thờ thần… khiến cho những lễ hội truyền thống phát sinh nhiều mặt tối. Đó là cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí là loạn đả để giành cho bằng được “lộc Phật, lộc thánh, ấn đền Trần”, hay là những buổi cầu vong, gọi hồn, đồng cô bóng cậu… đến cả những hành vi ngô nghê như sờ tay vào bia đá, vào đầu tượng thánh…

Các cơ quan quản lý văn hóa dù có băn khoăn nhưng cũng tỏ ra bất lực. Người ta “sợ” phải ra những quyết định cấm đoán hành chính vội vàng dễ tạo ra hiệu ứng ngược.

Đã có lần trên báo này chúng tôi đề cập đến việc này trong một bài viết, với một tiêu đề phụ “Đức Phật và Sacombank”, nói rằng khi người ta cúng Phật, người ta gửi tiết kiệm “lòng tin”, mong thu lại chút gì lợi lộc như may mắn, tiền tài, thăng quan tiến chức… hy vọng “lấy lãi” từ ông Phật.

Rồi đến lượt nhà chùa cũng mang tư duy kinh tế, như sự kiện một ngôi chùa ở Hà Nội thu 150.000 đồng mỗi tín đồ để dâng sao giải hạn. Chúng ta có thắc mắc không khi trên bầu trời có hàng tỷ ngôi sao. Đức Phật dạy rằng có tam thiên thế giới, nghĩa là lũy thừa ba lần 1.000 các tiểu hành tinh, mà các thầy bói ở Trung Quốc quy về chín sao: Thái bạch, Thái âm, Thái dương, La hầu, Kế đô, Thủy diệu, Thổ tú, Mộc đức và Vân hớn.


Rồi tùy theo tuổi mà mỗi năm có một vì sao chiếu mệnh. (Các thầy tử vi thì dùng 108 ông sao). Và họ giải thích ví dụ như sao La hầu là một hung tinh thuộc hành Hỏa trong hệ thống cửu diệu của niên hạn. Khi gặp sao này người ta thường gặp điều không may. Và thế là phát sinh ra chuyện giải hạn.

Đáng buồn là một bậc tu hành có trách nhiệm của chùa nói trên khi được phỏng vấn trả lời rằng “150 nghìn đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho Phật tử trong 12 tháng suốt một năm. 150 nghìn chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất “hạ” rồi; và thầy nhấn mạnh “Cầu an dâng sao là tín ngưỡng dân gian từ hàng ngàn năm nay. Nếu nhà chùa để cho người dân tự nguyện đóng góp thì sẽ rất lộn xộn, không công bằng cho các Phật tử”. Như vậy thầy đã nhầm lẫn giữa cầu an và dâng sao, vô tình hay hữu ý?

Vì sao mê tín?

Tình trạng này chỉ có ở Việt Nam hay là phổ quát trên thế giới? Tạp chí Live Science dẫn lời Stuart Vyse, giáo sư tâm lý học tại Cao đẳng Connecticut cho biết:

“Trong một cuộc thăm dò ý kiến năm 2007, có 13% người Mỹ cảm thấy khó chịu khi ở trên tầng thứ 13 của khách sạn, 9% sẽ yêu cầu chuyển sang phòng khách nếu cần”. Ông cho rằng “Gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu tự chủ. Con người luôn muốn được tự chủ tốt hơn trong các hoàn cảnh bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm chúng ta cảm thấy an toàn hơn”. Mê tín dị đoan tồn tại phổ biến và đa dạng trong các nhóm người khác nhau, từ các bộ tộc cổ xưa thường dùng bùa chú để đạt được mục đích riêng, đến những người hiện đại, vận động viên, người nổi tiếng.

Có thể dễ dàng liệt kê một số người nổi tiếng có niềm tin kỳ quặc như họa sĩ Pablo Picasso luôn lưu giữ móng tay và lọn tóc của mình, nữ diễn viên Jennifer Aniston luôn bước lên máy bay bằng chân phải đầu tiên, và Cameron Diaz gõ vào mặt gỗ suốt cả ngày… Hoặc trong giải bóng đá thế giới, có huấn luyện viên luôn giữ thói quen mặc một màu áo (thậm chí một chiếc áo có “màu” chiến thắng) khi ra sân. Nhưng kết quả đã rõ, HLV Joachim Low của đội tuyển Đức giữ nguyên màu áo vô địch 2014 lại bị loại ngay vòng ngoài World Cup 2018!

Theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, mê tín không phải là sự ngẫu nhiên phát sinh mà có nguồn gốc phát xuất cụ thể. Có hai nguồn gốc mê tín:

“Mê tín do tâm mong cầu: Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ kết quả tốt hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai. Nghe nói có ông đồng bà cốt nào đó linh ứng, nói quá khứ vị lai rất trúng, họ liền muốn tìm tới hỏi han. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy trăm, mà biết việc làm của mình thành công hay thất bại thì an ổn biết mấy…

Mê tín do tâm sợ hãi: Sợ hãi là gốc sinh ra mọi mê tín. Một gia đình nọ tiếp tục xảy ra đôi ba người chết “bất đắc kỳ tử”, những người còn lại đâm ra hoảng hốt, nghe đâu có thầy bùa thầy chú giỏi liền đi rước về ếm đối để mình khỏi bị chết trùng. Chính vì sợ hãi mà những người này sanh mê tín… Hoặc có người sợ vận xui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao cúng hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng dán lầu kho, xe cộ, giấy tiền giấy bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty… Mọi sợ hãi đều là cội nguồn của mê tín”. (Thích Thanh Từ)

Những nhà xã hội học thì cho rằng về bề mặt, đó là vấn đề văn hóa; nhưng sâu xa hơn, đó là sự thiếu hụt của vốn xã hội - niềm tin vào sự công bằng, bình đẳng xã hội cũng như niềm tin giữa con người với nhau. Người ta tranh giành sự ưu đãi tưởng tượng của thế lực siêu nhiên bởi không tin rằng chỉ với năng lực cá nhân, họ có thể đạt được thành công và thịnh vượng như mong muốn.

Ai cũng muốn nhận được sự may mắn từ thần linh, bởi lo sợ những bất trắc từ hệ thống xã hội nhiều bất cập, bởi cảm thấy bất an trong một xã hội nhiều biến cố, thay đổi bất thường, có những hiện tượng làm giàu “siêu nhanh”, không cần tài năng và trí tuệ, có những sự việc không thể hiểu bằng lý trí, người ta tìm đến thế giới vô hình, cầu mong sự phù hộ, che chở.

“Đáng buồn là ngay cả những người cần niềm tin vào liêm chính và công bằng xã hội nhất - những công chức nhà nước - lại là một lực lượng tín ngưỡng đáng kể trong các lần thăm viếng đền chùa hay lễ hội. Gần như năm nào các cơ quan nhà nước cũng phải ra thông báo yêu cầu công chức hạn chế đi lễ chùa chiền, và đặc biệt là không sử dụng xe công hay “du xuân” trong thời gian làm việc”.

(Nguyễn Khắc Giang - Buôn thần bán thánh - Thời báo Kinh tế Sài Gòn 15/2/2019).

Nhu cầu tâm linh ngày càng lớn thì theo đúng luật cung cầu, xu hướng đầu tư vào các “khu du lịch tâm linh” cũng như chùa chiền ngày một tăng. Ở một số địa phương, vào chùa bị thu phí như trường hợp chùa Yên Tử ở Quảng Ninh. Thương mại hóa làm giảm đi tính tôn nghiêm của tín ngưỡng, tạo ra tình trạng xô bồ, bát nháo, như bán thịt rừng, đánh bạc, kinh doanh chung quanh chùa.

Đã và đang diễn ra những tranh luận về việc nên hay không nên có những khu du lịch tâm linh bao la và “hoành tráng” như vậy. Có người bảo vệ quan điểm này nói rằng làm như vậy mới mau phục hưng đạo pháp, tạo phong trào quần chúng theo tôn giáo, và lần hồi họ sẽ hướng về cái thiện, không ít thì nhiều còn hơn là để trắng hay rơi vào tình trạng “vô tôn giáo” như trước đây. Nhưng có người băn khoăn khi người ta không đi vào cốt lõi của vấn đề là phục hưng Chánh pháp phải đi từ chỗ xây dựng Tăng chúng hiểu đạo, thực hành nghiêm mật chứ không thể xem là nơi vui chơi giải trí. Làm như hiện nay, e rằng “Tăng chẳng ra Tăng, chúng không ra chúng” sẽ hủy hoại Chánh pháp! Cuộc tranh luận sẽ là vô tận nhưng mong mọi người hãy trở lại với những điểm căn bản trong giáo pháp của Đức Phật.

Đi tìm Chánh pháp?

Quan điểm nhà Phật khi nói về ảnh hưởng các vì sao là rõ ràng:

Chờ đợi các vì sao
Kẻ ngu hưởng điều lành
Điều lành chiếu điều lành
Sao trời làm được gì?
(Kinh Tiểu bộ, Tiền thân Nakkhatta, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Kinh Tăng chi bộ ở phẩm Cát tường, thuật lại rằng một thời Đức Thế Tôn trú ở Ràjagaha; tại đấy, Ngài gọi các Tỷ-kheo và dạy rằng:

“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi sáng tốt đẹp”.

“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi trưa tốt đẹp”.

“Các loài hữu tình nào, này các Tỷ-kheo, vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, các loài hữu tình ấy, này các Tỷ-kheo, có một buổi chiều tốt đẹp”.

(Kinh Tăng chi bộ, phẩm Cát tường, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch)

Hòa thượng Thích Giác Toàn giảng: “Việc tốt xấu không có ngày giờ, xấu tốt là do hành động, lời nói, ý nghĩ nơi tự thân của ta; do chúng ta đặt cho nó tên gọi mà thôi. Quan trọng hơn hết, người đệ tử Phật cần hiểu rằng tất cả những việc tốt xấu đều do nhân duyên, nghiệp quả mà mình đã gieo tạo trong kiếp hiện tại và những kiếp quá khứ, nay hội đủ yếu tố thì chúng trổ quả…”. (Khóa tu “Một ngày an lạc” tại chùa Phổ Quang năm 2010)

Chúng ta hiểu theo nhà Phật, luật nhân quả luôn xảy ra vì đó là “luật”, khách quan và công bằng. Những gì xảy ra cho chúng ta không có gì là bất ngờ hay ngẫu nhiên. Đức Phật dạy: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. (Kinh Trung bộ I)

Một thống kê cho biết những người có trình độ văn hóa cao, nắm vững kiến thức khoa học kỹ thuật, thì không tin vào những chuyện mê tín. Tâm lý con người nếu yếu đuối hay đang khủng hoảng thì rất dễ tin chuyện hoang đường, huyễn hoặc. Người nào học, tu và hiểu đúng giáo pháp của Đức Phật thì sẽ không rơi vào tình trạng “duy… siêu hình” như hiện nay.

Nói đến niềm tin theo đạo Phật, Phật dạy “Chớ vội tin một điều mà chỉ vừa mới được biết; chớ vội tin một điều chỉ vì được nghe nói hay đồn đại bởi nhiều người; chớ vội tin một điều chỉ vì nó được viết trong các kinh sách; chớ vội tin một điều chỉ vì nó được đảm bảo bởi danh tiếng của các bậc tiền bối; chớ vội tin một điều chỉ vì nó thuộc về truyền thống, bởi vì “truyền thống” đã bị “tam sao thất bản” qua nhiều thế hệ”.

Chúng ta phải, sau khi nghe, suy ngẫm và chứng nghiệm thấy rằng điều đó là đúng. Chúng ta phải kiểm chứng, tức là dùng trí tuệ. Một là kiểm chứng bằng tri thức khoa học. Thứ hai là kiểm chứng bằng suy nghiệm dưới hình thức triết học và ba là kiểm chứng bằng trực giác là thiền định mà chỉ các vị đắc quả A-la-hán hay hơn nữa mới có trình độ này.

Giáo sư Trần Ngọc Ninh nhấn mạnh: “Không có một tôn giáo nào mà nhấn mạnh nhiều về nhân trí như thế. Trí theo đạo Phật đã phá bỏ sự tối tăm nguyên thủy, tức sự vô minh ở đầu mọi nhân duyên. Trí là kết quả của sự vận dụng những tinh lực tuyệt đối trong sạch vào sự hiểu biết. Trí là bước cuối cùng của con đường tu tập theo tám pháp chân chính. Trí là sự thật chân như “. (Trần Ngọc Ninh - Đức Phật giữa chúng ta - 1972)

Và với trí tuệ, xem như “gươm báu chặt đứt phiền não”, chúng ta bước vào học Phật để đoạn trừ lậu hoặc, những thứ làm nhiễm ô tâm hồn ta.

Cội nguồn của phiền não là luyến ái, chấp thủ. Chúng ta thấy mọi vấn đề rắc rối trên mặt đất này có nguồn gốc từ những niềm vui đến từ giác quan. Vì nó mà người ta tạo dựng gia đình và những thành viên trong đó phải làm việc để kiếm tiền nuôi dưỡng bản thân và duy trì niềm vui ấy. Và cũng vì những niềm vui hay khoái lạc ấy ấy mà người ta tranh cãi bất hòa gây nên gia đình đổ vỡ, hàng xóm không hòa thuận với nhau, các quốc gia phát sinh hiềm khích thậm chí dẫn đến chiến tranh. Những khoái lạc hay niềm vui dựa vào cảm giác (theo nhà Phật là ngũ căn) ấy đem lại nhiều vấn đề tàn phá thế giới này, khiến con người đánh mất nhân tính, trở nên hung bạo và vô nhân đạo.

Thiền sư Sayadaw U Pandita sau khi phân tích nguồn gốc của khổ đau đã kết luận “Tuyệt vời làm sao khi những đau khổ dằn vặt tâm trí ta và thân ta chấm dứt ở Niết-bàn (Nibbana). Bởi lẽ sự vắng mặt của khổ đau khiến chúng ta vinh danh niềm hạnh phúc, vì một đặc trưng của niết-bàn là không còn đau khổ… Ai chỉ đường cho chúng ta đến chỗ hạnh phúc tuyệt vời ấy? Chính là Đức Phật…

Trong tiếng Pali, Đức Phật được gọi là Samma Sambuddha. Samma có nghĩa là toàn thiện, toàn chân, toàn mỹ và Đức Phật là hiện thể duy nhất hiểu được đặc tính của muôn pháp như bản chất nó thực là. Tiếp đầu ngữ Sam có nghĩa là cá nhân chính mình. Buddha có nghĩa là đấng giác ngộ, Đức Phật giác ngộ do chính tự thân mình. Người không đạt được quả vị Phật từ đấng siêu nhiên nào, hay dựa vào bất cứ ai…

Trong tiếng Pali, nibbana còn gọi là viraga. Có nghĩa là không có bụi và ô nhiễm. Tâm hồn chúng ta thường xuyên bị tấn công bởi tham sân si, kiêu mạn, ghen tỵ , ích kỷ… Trong tâm trạng ấy làm sao hy vọng tâm mình sẽ “tịnh hóa”, trong sáng và hồn nhiên. Niết-bàn là chốn không còn độc tố. Đó lã cõi bình yên tuyệt đối (perfect security - khema) Để có thể trải nghiệm hạnh phúc “tinh tuyền ấy”, chúng ta phải thực hành giới, định, tuệ. Nỗ lực hành trì chánh nghiệp, chánh ngữ và chánh niệm khiến ta có thể hiểu và cảm nhận Niết-bàn”.

(Sayadaw U Pandita - In this Very Life - Translated by Venerable U Aggacitta, Sukhi Hotu Dhamma Publications, 2007)

Nơi niềm tin an trú

Vậy thì tìm đâu ra nơi không có bụi và ô nhiễm ấy? Phải rèn luyện nơi nội tâm mình. Niềm tin phải an trú nơi Chánh pháp. Nói như Hòa thượng Thích Trí Quảng: “Chúng ta tin Phật, áp dụng lời Phật dạy, dù nghèo hay giàu, nhưng biết thì nhân phước này tạo thêm phước khác. Chưa có phước thì biết tạo phước nhỏ, hay không có phước cũng không bận tâm, ăn một ngày bao nhiêu mà lo. Phật tử giàu hay nghèo cũng vậy, lấy tâm an lạc và sức khỏe làm chính và lấy lời Phật xây dựng cuộc sống chúng ta ổn định cho đến nâng lên Hiền thánh, thì xã hội chúng ta sống trở thành thiên đường trần gian”.

(Thích Trí Quảng - Chánh tín mê tín - www.http. giacngo online)

Nhưng nều con người ta chưa đủ mạnh mẽ để an trú niềm tin ngay trong lòng mình thì phải nhờ tha lực. Nếu không phải là chùa? Phật tử tìm đến chùa để ký gởi niềm tin tâm linh. Thiền sư Nhất Hạnh viết: “Chùa là quê hương tôn giáo của người Phật tử, vì vậy hình bóng của ngôi chùa phải là một hình bóng thân yêu và dịu hiền trong lòng người Phật tử. Quê hương ta có những ngôi chùa thật đẹp thật trang nghiêm mà khi nói đến ta thấy lòng ta rung động… nhưng những ngôi chùa như thế bây giờ còn ít lắm…”. Còn phải kể đến “Vị tu sĩ hướng dẫn chương trình tu học ở chùa cũng phải có trình độ văn hóa cao để có thể thống nhiếp đại chúng…”.

(Thích Nhất Hạnh - Đạo Phật hiện đại hóa, 1965)

Vị tu sĩ ấy phải hiểu Chánh pháp, và để quần chúng cũng hiểu Chánh pháp như mình, “điều chỉnh niềm tin” của đại chúng. Giải pháp hữu hiện nhất hiện tại là tăng tính giáo dục của các chùa, các tự viện. Tăng chúng phải quyết tâm tu tập vì trong tâm thức của mỗi người còn bao phiền não nhiễm ô. Làm được điều ấy là thực hành phẩm hạnh của một người con Phật biết an trú trong một quả vị an lạc hạnh phúc. Khi thân già bệnh yếu không hề sợ hãi, dẫu cuộc đời có thăng trầm cũng không lo lắng, vì biết đó là quy luật nhân quả trong nhiều đời và ngay trong đời này. Bỏ các nghiệp xấu quấy, quyết làm các điều thiện lành chính là tạo nền tảng tốt cho chính mình trong đời này và đời sau.

(Thích Giác Toàn - bài dẫn trên)

Thế thì phải xây dựng lại niềm tin từ những người hướng đạo, những Tăng sĩ. Mái chùa phải là nơi trong sáng bình yên để hoằng dương Chánh pháp, để tín đồ có thể nương náu ký gửi niềm tin trước khi họ đủ tri thức và nghị lực tin nơi chính mình. Đó mới là điều mong muốn của một xã hội chánh tín.
 

Bài viết: "Nơi an trú niềm tin"
Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 317 15-3-2019