Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật là việc không phải dễ làm

Từ khi Ðức Phật thành đạo cho đến ngày hôm nay, đạo của Ngài đã được lan tỏa khắp nơi như một sức sống tâm linh nhằm giải quyết những bế tắc của tâm thức con người, giúp họ vượt lên trên mọi chấp trước để chấm dứt khổ đau.

Lời của Phật là những nền tảng đầy đủ ý nghĩa cho cuộc sống.

Lời giảng của Ngài là một phương pháp để đem hạt giống bồ đề tâm gieo vào đất lành. Suy nghĩ, chiêm nghiệm lời của Ngài là, cách thức đi tìm nơi chốn để gieo và chăm sóc cho hạt giống được nẩy mầm sinh trưởng.

Đây cũng là một điều nhắc lại hình ảnh của Ngài đã làm sau khi đã nhận rõ về sự vật hiện tượng xuất thế gian qua sự giác ngộ. Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp bằng cách dùng ý niệm và ngôn từ để chuẩn bị cho việc truyền đạt tư tưởng mà Ngài muốn thuyết giảng.

Việc chuyển pháp luân như là một hành động nắm bánh xe xoay, tạo thành một vòng quay không ngừng, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà những người duy trì cho sự chuyển động không ngừng của bánh xe này, chính là những người đang đi tìm đạo, theo bước chân của Ngài.

Nhờ vào việc làm này, mà từng lời, từng chữ, từng ý nghĩa diễn đạt của Ðức Phật đã đi vào lòng người bằng sự hiểu biết và cách ứng dụng để có một đời sống an lạc giải thoát giác ngộ.

Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật là việc không phải dễ làm. Bởi vì phải tự, sống, chiêm nghiệm, kiểm chứng, xác thực bằng bản thân cá nhân của mình trước, cho đến khi cảm thấy điều đó là Đức Phật nói đúng, thì đem chỉ cho người khác, để đạt được thành qủa giống như cái đã làm.

Muốn duy trì và trao truyền lời của Đức Phật phải là người có tâm nguyện làm việc không vì danh lợi, không vì sự yên ổn cho bản thân riêng mình, mà mục đích chỉ vì muốn cho Phật pháp trường tồn, chánh pháp được truyền bá khắp nơi, đem lại sự an lạc hạnh phúc cho muôn loài.

Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật là sự trình bày vấn đề cho người nghe thâu nhận và áp dụng, tùy theo trình độ, hoàn cảnh sống của họ để thấu đạt giáo điển mà nỗ lực tu hành.

Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật qua Bát Chánh Đạo đi vào hành động sinh hoạt của mình và mọi người hằng ngày được chân chính để rồi tinh tấn vượt mọi trở ngại mà thành tựu trong đời tu hành.

Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật là một nhiệm vụ thiêng liêng và quan trọng mà bất cứ người nào đang đi tìm đạo, cũng phải có vai trò đóng góp. Duy trì và trao truyền lời của Đức Phật đã chứa đựng một ý nghĩa bao hàm tất cả các lĩnh vực trong mọi sinh hoạt của đời sống con người, và có thể áp dụng đem lại hiệu quả nhất định trong mọi lứa tuổi, giới tính hay chủng tộc.

Ngày xưa các vị sư đã theo bước chân của Đức Phật mà đi giảng khắp nơi đang cần nhu cầu học hỏi giáo lý. Ngày nay các vị sư được may mắn hơn có những ngôi chùa để làm nơi thuyết giảng mà không cần xuôi ngược. Do đó các vị trụ trì tăng hay ni nên dùng thời thời gian thắng được, mà tập trung vào việc phát triển tâm linh và thể nghiệm Phật pháp, bằng khả năng không chỉ giảng pháp qua những lời nói, mà còn giảng bằng chính hành động của thân và ý của mình, như thực hiện cách thức hành trì tụng kinh, bái sám và qua tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Không phải giảng pháp không giỏi, là không duy trì và trao truyền lời của Đức Phật được. Bất cứ tu sĩ, cư sĩ đều có thể đóng góp cho sự nghiệp này qua sự bắt nguồn từ tâm nguyện cùng nhau tu tập, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm sống chung trong môi trường tâm linh.

Để ngôi chùa phát huy được vai trò tích cực trong sự duy trì và trao truyền lời của Đức Phật thì ngôi chùa phải có những chương trình sinh hoạt cụ thể, để thích hợp cho từng lứa tuổi, cho mọi thành phần có thể tham gia một cách dễ dàng vào các chương trình tu học hay những sinh hoạt khác nhau bên cạnh.

Đến hay trở về với những lời của Đức Phật dạy là : Đến để mà Thấy chứ không phải đến để mà Tin. Tuy nhiên, giữa chữ Đến và chữ Thấy vẫn còn một niềm tin. Nếu không có niềm tin thì đức Phật không nói phần Tín, đầu tiên trong ngũ căn và ngũ lực thuộc 37 phẩm trợ đạo.