Tôi điều hành công ty dựa trên triết lý từ bi của Phật giáo

Có người nói với tôi rằng, trong cuộc đời có những người rất lạ, họ đem đến những nguồn năng lượng tích cực và cảm hóa những người xung quanh không phải bằng những giáo lý đao to búa lớn mà chỉ bằng cách sống, tâm thiện. Và có lẽ TGĐ Nguyễn Thanh Việt là người đem đến cảm giác này cho người đối diện...


Cuộc trò chuyện bên ấm trà được pha rất kỳ công của vị chủ nhà Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐQT– TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng hạ tầng & Giao thông (Intracom) đã khiến bao sự căng thẳng, mệt mỏi trong tôi như tan biến.

“Thiền trà”...

Tôi gặp doanh nhân Nguyễn Thanh Việt tại Bệnh viện Phương Đông, phòng ốc quá nhiều nên tôi “lạc đường” mãi mới tìm được lối ra. Phòng của vị Chủ tịch HĐQT nằm trên tầng 13, nhìn xuống toàn cảnh khu phố đẹp, nhiều cây xanh và thoáng đãng. Mùi trầm hương tỏa ra dịu nhẹ khiến người bước vào có cảm giác bình an, nhẹ nhõm...

Tôi vẫn thường có ý nghĩ, doanh nhân rất bận với công việc nên nếu chớp được cơ hội phỏng vấn họ thì không lan man chuyện trò mà phải tranh thủ hỏi thật nhiều để khai thác thông tin cần thiết.

Thế nhưng, với Nguyễn Thanh Việt lại khác, người bắt đầu câu hỏi là ông, ông hỏi thăm công việc của tôi, cuộc sống gia đình, giống như một người bạn lớn lâu ngày không gặp. Ông cũng không tạo cho tôi cảm giác của sự bận rộn, vội vã khi thong thả ngồi bên bàn trà, bật nước và bắt đầu pha ấm trà mời khách.

Cái cách pha trà kỳ công, điệu nghệ trong một tâm thái rất bình thản khiến tôi có cảm giác người ngồi trước mặt mình như một nghệ nhân về lĩnh vực này. Ông bảo rằng, “thưởng trà” giúp con người bình tâm trở lại sau những áp lực công việc, đó còn có thể gọi là “thiền trà”. Rót mời tôi một chén trà, ông lại rót riêng vào một tích trà khác và nói rằng, trà này pha cho vợ ông đang họp với nhân viên phòng bên cạnh, làm việc nhiều chắc cần được phục vụ một tách trà thơm.

Ông mời vợ đến lo phần trang trí, thiết kế thêm cho Bệnh viện đa khoa Phương Đông vì có bàn tay phụ nữ, sẽ có những tinh tế, ấm áp hơn cho một nơi “cứu người” như thế này. Những điều nhỏ nhất cũng cần phải học và chén trà không chỉ là để uống mà để cảm nhận cả những yêu thương.

Cơ duyên đến với đạo Phật

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh, gia đình có truyền thống làm cách mạng, ông Việt lại lớn lên trong thời bao cấp, xã hội chủ nghĩa nên giá trị sống, nhân sinh quan đều khác với bây giờ.

Ông nhận xét: “Lúc đó, người ta sống, làm việc chỉ để cống hiến. Nhưng từ năm 1990, cơ chế thị trường làm thay đổi những giá trị sống xưa cũ, quan hệ con người thay đổi.”

Là người nghiên cứu rất nhiều quan niệm Khổng giáo, Đạo giáo, Lão giáo… nhưng khi đất nước bước vào thời kỳ cơ chế thị trường, những giá trị tưởng chừng như vĩnh hằng đều thay đổi. Ông nghĩ: Vậy có gì không thay đổi?

Giai đoạn những năm 90, ông hay gặp một người bạn là Nhà văn. Anh em hay trao đổi về các vấn đề triết học, tôn giáo văn học… ông được bạn tặng một cuốn cuốn kinh tựa là Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

“Tính tôi ham đọc sách, cứ có cuốn nào là phải đọc bằng hết nhưng đọc không hiểu gì cả. Mỗi năm lại lôi ra đọc lại, nhưng vẫn không hiểu. Đọc 6 năm liền vẫn không hiểu, mà cái mình không hiểu thì càng muốn đọc. Sau này tôi nghiên cứu được biết, đây là cuốn kinh khó nhất trong Phật giáo” – ông kể.

Sau đó, ông gặp Hòa Thượng Thích Thanh Từ (Thiền phái Trúc lâm Yên Tử), được nghe thầy giảng thì mới giác ngộ được những triết lý, chân lý trong cuốn kinh. Phật dạy con người ta sống với chính bản thân mình. Ông giác ngộ, đây chính là con đường mình sẽ theo tu tập. Từ đó, ông theo đạo Phật.

Ông tự nhận xét rằng, từ khi giác ngộ con người mình thay đổi 180 độ, đạo Phật dạy người ta khi làm việc tốt đừng nhìn thấy mình đang làm việc tốt, đừng nhìn cái mình đang cho người khác, phải nhìn thấy cái lớn hơn giá trị bản thân mình thấy được và nhẹ nhàng cho đi bằng cái tâm chính thiện. Đó là con đường để ta hòa quyện tâm mình với tâm Phật.

Từ việc bản thân giác ngộ những giáo lý đạo Phật để sống và làm việc hạnh phúc, ông đã thành lập đạo tràng Cửu Hoa Sơn với mong muốn: “Khi có gì hay ho thì việc đầu tiên mình muốn là chia sẻ cho người thân, mà người thân gần nhất là nhân viên. Bởi tôi muốn mọi người hiểu được tinh thần cũng như triết lý của lãnh đạo và công ty từ đó trong mỗi công việc sản phẩm Intracom tạo ra đều gửi tâm vào trong đó. Tâm ở đây là tâm phật trong bản thân mỗi người và cả tập thể Intracom.”

Hạnh phúc là được phục vụ người khác

Tôi tò mò và có ý định “phản biện” về điều ông tâm đắc: “Mục tiêu cuối cùng của cuộc đời tôi là hạnh phúc được phục vụ người khác”... Nhưng khi trò chuyện thì quả thực tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi quan điểm này. Cuộc sống hay kinh doanh đều cần có từ khóa “hạnh phúc” nhưng hạnh phúc được phục vụ người khác thì dường như chẳng dễ gặp trong cuộc sống nhiều bộn bề này – tôi đã nghĩ như thế trước khi gặp ông.

Nguyễn Thanh Việt có lẽ “nắm bắt” được những ngờ vực ấy nên ông cặn kẽ giải thích một cách rất giản dị theo nhiều cấp độ. Đầu tiên đó là dưới góc độ của người kinh doanh, ông cho rằng, nghề kinh doanh là nghề phục vụ người khác, muốn việc kinh doanh được hiệu quả, thành công thì sự hài lòng của khách hàng là điều quan trọng nhất...Thái độ phục vụ người khác chu đáo, ngõ hầu từ đấy sẽ đem lại lợi nhuận và điều được nhất chính là “chiếm được lòng tin” của khách hàng.

Trên thực tế, mọi người đều muốn thu nhập cao, doanh nghiệp đều muốn có phát triển nhưng lại chưa có văn hóa phục vụ. Và quan điểm này rất cần thay đổi tư duy đã thành một thói quen không mấy tích cực trong môi trường kinh doanh nước ta.

Và rõ ràng là, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh, ở một cấp độ cao hơn chính là việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội. Với những người đứng trên người khác thì suốt đời chạy theo tìm kiếm hạnh phúc mà không bao giờ thấy, với những người sống khiêm nhường, đặt lợi ích của người khác lên trên, sống vì mọi người, biết đủ thì hạnh phúc tự đến...

“Khi anh phục vụ tốt, đem lại rất nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời, lẽ dĩ nhiên anh cũng có phần, dù là phần nhỏ thôi nhưng lại không kém vinh dự và đó chính là hạnh phúc rồi...” - doanh nhân Nguyễn Thanh Việt tâm sự.

Có lẽ vì thế, ông Việt xây dựng và phát triển kinh doanh gắn liền với Phật giáo. Phật giáo đánh giá cao việc cống hiến cho cộng đồng đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó cũng là mục tiêu mà ông cũng như tập thể Intracom luôn hướng đến.

Còn cấp độ cao nhất chính là cấp độ tôn giáo. Ở cấp độ này, ông khiêm nhường bảo rằng, đó là mục tiêu của cuộc đời ông. Tôn giáo trong Phật giáo là tâm hồn vô ngã, vị tha. Con người khổ vì bản ngã của chính mình, khi mình giác ngộ được toàn phần “bỏ tất cả, được tất cả” thì mới “đắc đạo”.

Khi mình còn thấy mình, thấy người, còn thấy khổ khi phải phục vụ người khác, còn thấy tự ái việc này việc khác... thì tâm chưa giải thoát. “Mục tiêu phấn đấu của tôi không phải là nhiều tiền, nhiều dự án, giúp được nhiều người vì “nhiều” cũng chỉ là hữu hạn mà mục tiêu cuối cùng của tôi là quên mình đi. Làm được điều đó rất khó,  phải thực tập, tu tập từng ngày và dù con đường ấy nhiều gian nan nhưng tôi luôn tâm niệm đó là lẽ sống”...

Một tiếng “thưởng trà” với rất nhiều tư liệu cho bài viết, nhiều bài học cho riêng mình nhưng chỉ nên bàn về “hạnh phúc” ở đây để mở ra nhiều điều thú vị cho những câu chuyện khác nữa.

Mùi trầm hương trong căn phòng vị doanh nhân ấy như bám vào cả tâm tưởng của người được thưởng thức cho đến tận khi ra về. Khi cánh cửa phòng mở ra, tôi thấy rất nhiều người trẻ tuổi đang ngồi chờ bên ngoài, có lẽ họ đợi được vào phỏng vấn xin làm việc.

Tôi chợt nghĩ, đó sẽ là những người rất may mắn khi được làm nhân viên ở đây, với một “ông chủ” có tâm có tài, một tập thể được nuôi dưỡng bởi một văn hóa “hạnh phúc là được phục vụ người khác”.

Bài viết: "Tôi điều hành công ty dựa trên triết lý từ bi của Phật giáo"
Hà Vân/ Vườn hoa phật giáo