Lại nói về Pháp nhẫn

Về pháp nhẫn, hay nói đơn giản hơn là học chữ nhẫn theo kiểu thế gian, thì đây cũng là cách giáo dục để ngăn ngừa sự nóng giận hướng tới sự an lành, nhưng để thực hiện được nó (nhẫn) thì không hề đơn giản và phải có sự rèn luyện ý chí một cách công phu.


Chữ nhẫn trong tiếng Hán thường có những kết hợp như nhẫn nại, nhẫn nhịn, nhẫn nhục…và đã trở thành những cụm từ Hán Việt quen thuộc đối với người Việt chúng ta.

Người viết bài này, chẳng giỏi giang tiếng Hán, nhưng hồi trẻ đã nghe các cụ triết tự chữ “nhẫn” và nói rằng: Chữ nhẫn gồm hai chữ đó là chữ đao và chữ tâm mà hình thành. Chiểu theo tượng hình, ta thấy chữ đao nằm ở bên trên, đè lên chữ tâm (ám chỉ nếu con người không nhẫn nhịn, nổi sân (giận dữ) thì ắt đao kiếm sẽ kề cổ mà tổn hại thân tâm.

Trong nhà Phật có nhiều pháp tu, ai cũng nghĩ đến pháp tu ‘hoành tráng’ như tu Thiền, tu Tịnh, tu Mật ít người nghĩ tới tu pháp nhẫn. Nói về pháp tu này, đức Phật và các Tổ thầy đều cảnh báo: ‘Tu gì thì tu, nhưng coi chừng gió nghiệp (bát phong) bất thình lình thổi tới: cơn sân hận bùng cháy nó thiêu đốt tất cả rừng công đức cũng nên…Ý Tổ thầy muốn nhắc chúng ta đừng coi thường pháp nhẫn này.

Với tập khí tiêu cực nhiều đời, nhiều kiếp, ai dám nói rằng, tôi không bao giờ và không khi nào nóng giận, tôi kiên nhẫn đến hết mình…

Chính vì Bát phong sân hận vô thường ập đến. Đó là điều bất ngờ khó kiểm soát, và khó nhẫn nại nên đức Phật và các Tổ thầy thường nhắc nhủ, mà người viết bài này, không ngần ngại nhắc lại pháp tu này, (dẫu không ít người đã đề cập) để đạo hữu chúng ta, và những ai quan tâm đến pháp tu này, thêm một lần nhẫn nại trên lộ trính tu Phật.

Thưa quý vị học Phật, nói theo HT Tuyên Hóa "Người học Phật không nên nghe nhiều Phật pháp rồi lại không chịu thực hành, mà hãy nên cung kính một cách thực tiễn. Quý vị nên tự bản thân y chiếu và cố gắng áp dụng theo những điều răn dạy của đức Phật"

Chúa Giê-Su đề xướng chủ thuyết "Ái địch" là yêu thương kẻ thù địch. Đối với người không tốt với ta, thì ta lại càng phải yêu thương người đó.

Còn Phật giáo chủ trương "Oán thân bình đẳng". Nghĩa là dù thân hay thù, mình cũng đều xem như nhau. Lòng nhân từ của chúng ta đối với ai cũng nên bình đẳng không phân biệt thân sơ, khinh trọng. Nếu người học Phật không thể thực sự hành theo, thế thì học đến bao giờ cũng chỉ là học cạn cợt bên ngoài, chứ không thể nào đạt được sự lợi ích chân thật!

Đề cập về nội dung Pháp nhẫn này, cố HT Thượng Tuyên Hóa lai khuyên rõ: "Hãy nhớ kỹ! Nhớ kỹ! Bước đầu học Phật nhất định phải tu nhẫn nhục! Cứ kể như là có người muốn giết mình, mình cũng không nên có tâm sân hận. Thậm chí là nếu so với chỗ tu hành của ‘Ông tiên tu nhẫn nhục bị chặt đứt tay chân mà không khởi tâm sân hận, chúng ta lại phải lấy tấm gương này mà tự nhủ để tiến bước".

Về pháp nhẫn, hay nói đơn giản hơn là học chữ nhẫn theo kiểu thế gian, thì đây cũng là cách giáo dục để ngăn ngừa sự nóng giận hướng tới sự an lành, nhưng để thực hiện được nó (nhẫn) thì không hề đơn giản và phải có sự rèn luyện ý chí một cách công phu. Có mấy người trong chúng ta làm được như cụ: Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Nghe như chọc ruột tai làm điếc,
Giận dữ căm gan miệng mỉm cười.


Thực tế ta thấy nhiều điều xảy ra trong cuộc sống đời thường quanh ta từ gia đình đến xã hội phần lớn cũng do nguyên nhân không biết nhẫn. Có những cặp vợ chồng già về hưu đã thuộc lớp người xưa nay hiếm mà vẫn thường xuyên bất hòa cãi vã lẫn nhau.

Người xưa đã có những lời nói về chữ nhẫn thật sâu sắc:

‘Nhẫn nhất thời chi khí, miễn bách nhật chi ưu,
Đắc nhẫn thả nhẫn, đắc giới thả giới.
Bất nhẫn bật giới, tiểu sự thành đại.
Nhất thiết, chư phiền não, giai tòng bất nhẫn sinh’.
(Nén cơn giận nhất thời, khỏi trăm ngày lo lắng.
Nhịn được thì cứ nhịn, kiêng được thì cứ kiêng,
Không nhịn không kiêng việc nhỏ hóa to.
Tất cả mọi sự phiền não, bởi không nhịn mà ra.)


Vẫn nội dung này, chúng ta hãy nghe mẩu đối thoại lý thú dưới đây nói về sự nhẫn giữa Khổng Tử và học trò Tử Trương.

Tử Trương trước lúc từ biệt Khổng Tử có xin thầy một lời khuyên để làm bí quyết tu thân, Khổng Tử nói:

Cái gốc của nết, chữ nhẫn là cao hơn cả.

Tử Trương: Tại sao phải nhẫn?
Khổng Tử: Thiên tử nhẫn, nước vô hại, chư hầu nhẫn, thành nghiệp lớn. Anh em nhẫn, nhà giầu sang, vợ chồng nhẫn, danh rỡ ràng. Bản thân nhẫn, tránh được tai ương.

Tử Trương: Nếu không nhẫn thì sao?

Khổng Tử: Thiên tử không nhẫn, nước chống rỗng. Chư hầu không nhẫn, phải chôn thây. Anh em không nhẫn, phải chia ly. Vợ chồng không nhẫn, tình nhạt nhẽo. Bản thân không nhẫn, gặp tai ương.

Tử Trương: Hay quá ! Nhưng nhẫn khó lắm thay !

Không phải người, không biết nhẫn !
Không biết nhẫn, không phải người!
(Phi nhân bất nhẫn, phi nhẫn bất nhân)


Trong giới tu hành đạo Phật cũng có một câu chuyện về nhẫn như sau: "Có hai người giầu lòng từ bi, bác ái hay cưu mang giúp đỡ người. Một ông tính nhẫn nại gọi là Năng Nhẫn, còn một ông thì nóng nảy nên gọi là Bất Năng Nhẫn. Hai ông rủ nhau đến tu hành ở một ngôi chùa cổ trong rừng. Họ phân công nhau mỗi người một ngày hương đèn và quét dọn chùa. Chùa ở trong rừng nên hàng ngày chim chóc tha rác vào làm tổ, chồn kéo nhau vào đào hang, ai đi đại tiểu tiện mất vệ sinh ông Năng Nhẫn không hề kêu ca phàn nàn, mà cứ điềm nhiên tụng kinh niệm Phật, cuối ngày dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ. Còn ông Bất Năng Nhẫn dùng một cái gậy dài thấy chim muông vào là ông xua đuổi, nên đến phiên ông không con nào dám lai vãng.

Thấm thoắt mười năm tu hành, hai ông đã trút hết trần tục. Ông Năng Nhẫn đạt quả vị Bồ tát, còn ông Bất Năng Nhẫn tuy cũng dày công tu hành, nhưng kém phần nhẫn nhục nên không được lên cõi Niết bàn."


Các Tổ thầy dạy, đã là Phật tử, chúng ta nhất định phải biết nhẫn. Nhẫn cái gì? là nhẫn nhịn những cái người ta không thể nhẫn. Có người nói: "Tôi thật là nhịn hết chỗ rồi!" Nếu chúng ta nhịn hết nổi, tức là không thể ‘hết’ được. Hết cái gì? Là hết nghiệp chướng. Nếu nghiệp không tiêu, tình chưa không, tức là còn có sinh tử. Cho nên nói: "Nghiệp bất trọng, bất sanh Ta-bà. Ái bất đoạn, bất sanh Tịnh độ". Chừng nào nghiệp tận, tình không, đến lúc đó chúng ta mới hết sinh tử và được giải thoát thật sự.

Người tu hành nên có công phu tu nhẫn nhục. Nhẫn đói, nhẫn khát, chịu gió, chịu mưa, chịu nóng, chịu lạnh, đến nỗi phải nhẫn sự chửi mắng, và nhẫn cả sự đánh đập. Những cảnh này đều là thử thách, dù gặp nghịch cảnh như thế nào đi nữa, chúng ta cũng nên tiếp nhận với tâm lý "nghich lại thuận thọ". Chúng ta đừng để cảnh giới xoay chuyển, hoặc dựng cờ trắng mà xin hàng phục. Người xưa nói: "Việc nhỏ mà không nhịn tức sẽ làm hư chuyện lớn". Nhẫn nhịn là bảo vật vô giá: ‘Nhịn giây lát, gió yên sóng lặng ; lui một bước, biển rộng trời xanh’.

Đức Phật Thích Ca còn tại thế, có một hôm Ngài đi ngang qua bờ sông và thấy một con dã can (thuộc loài lang sói) muốn ăn thịt con rùa. Nhưng con rùa thì rút đầu, thụt cả chân tay vào trong cái mai, rồi nó nằm yên không động đậy một lúc thật lâu. Dã can vì không có tâm kiên nhẫn nên nó bỏ đi, còn rùa nhờ có lòng nhẫn nại mà bảo tồn được sinh mạng. Đức Phật nói với Tôn giả A Nan rằng: "Người tu hành cũng nên như vậy". Bậc cổ đức nói, "Gần đây tôi mới học được cách của con rùa, lúc nào đáng rút đầu thì hãy rút đầu."

Trong lúc nóng giận mà chúng ta nhịn được, thì ta sẽ miễn lo âu cả trăm ngày, nếu người ta chửi mình, xem như mình đang thưởng thức một bài hát đang thịnh hành. Nếu có người đánh mình, xem như mình đi đường vô ý va vào cột cửa. Nếu chúng ta quán tưởng như thế, dù là giáo mác gì cũng tự nhiên biến thành ngọc lụa. Nếu không, ngọn lửa vô minh nổi cơn lôi đình sẽ bốc cao ba trượng, mà phát thành một trận đại chiến. Kết quả hai bên đều bị thương, không những tổn thương tình cảm, mà còn mất cả nhân cách và bị người ta chê bai là mình thiếu điềm tĩnh.(HT.Tuyên Hóa)

Bài học về chữ nhẫn thật vô cùng sâu sắc, nó có ý nghĩa thực tiễn trong quan hệ ứng xử của mỗi người, nếu trong cộng đồng từng cá thể biết nhẫn thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, xã hội sẽ văn minh và lịch sự hơn. Tất nhiên ngày nay chúng ta không thể hiểu nhẫn một cách cực đoan là dĩ hòa vi quý hoặc thủ tiêu đấu tranh để cho những hiện tượng tiêu cực có cơ hội phát triển.

Bài viết: "Lại nói về Pháp nhẫn"
Nguyễn Đức Sinh - Vườn hoa Phật giáo

Tài liệu tham khảo:

Bước đầu học Phật Cố HT.Thích Thiện Hoa –( Nxb.TpHCM-2001)

Ca dao tục ngữ: Vũ Ngọc Phan – (Nxb-Khoa học xã hội 1982)

Bài: Tản mạn về chữ nhẫn – Thế Anh - (Tạp chí nghiên cứu Phật học số 1.2001)