Mặt trái của rượu bia

Trong thời gian học ở Ấn Độ (2011 - 2016), tôi thấy ở đó không hề có quán nhậu như ở Việt Nam, chỉ có rất ít những quầy rượu bia nhỏ. Người dân đến mua đem về nhà uống. Trong những ngày lễ tôn giáo, các quầy rượu bia phải đóng cửa không được phép bán. Báo, đài không hề có quảng cáo rượu bia.


Lệ thuộc rượu bia rất nguy hiểm

Gần đây Quốc hội đề xuất Dự thảo luật phòng chống tác hại của rượu bia. Luật này quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn khác, bao gồm: kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu bia; kiểm soát việc cung cấp rượu bia; giảm tác hại của rượu bia; bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đây là một dự luật vô cùng đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự không đồng tình.

Những ý kiến không đồng tình nhìn chung đều xuất phát từ lý do lợi nhuận, lợi ích kinh tế như ngành bia đang nộp cho ngân sách khoảng hơn 45.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế thì rượu bia cũng gây nên thiệt hại kinh tế khoảng 65.000 tỷ mỗi năm. Cho nên nếu chỉ xét trên phương diện lợi ích kinh tế thì việc tiêu thụ rượu bia vẫn có hại nhiều hơn là có lợi. Nhưng đó không phải là điều chúng ta muốn nói tới ở đây. Điều chúng ta muốn nói là rượu bia đã tác động tiêu cực đến đời sống của con người như thế nào.

Nếu quả thật rượu bia đem đến cho con người nhiều hệ lụy, làm cho cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội không lành mạnh thì dù có lợi ích kinh tế bao nhiêu đi nữa chúng ta cũng không cần. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp của hàng trăm bệnh, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội. Đó là chưa kể những phi vụ, hợp đồng đen đa phần đều diễn ra bên tiệc rượu. Chúng ta không thể nào đem tính mạng, sức khỏe và lối sống lành mạnh để đổi lấy lợi nhuận kinh tế.

Những người (thường là những người có quyền lợi gắn liền với ngành công nghiệp này) phản đối dự luật phòng chống tác hại của rượu bia, ngoài lý do kinh tế ra còn viện thêm yếu tố văn hóa. Nghĩa là người Việt dùng rượu như một thứ lễ trong những sự kiện trọng đại như cúng ông bà, lễ cưới, lễ tang, đám giỗ để cho buổi lễ thêm phần trang trọng. Nhưng nếu dùng rượu như một thứ lễ thì có cần phải tiêu thụ nhiều và quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện truyền thông vào những giờ vàng như hiện nay hay không?

Theo thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì mức độ tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam trong 10 năm trở lại đây đã tăng gấp 2 lần. Trong đó 80% nam giới và 36,5% nữ giới trong độ tuổi 14-25. Tiêu thụ rượu bia như “hũ hèm” như thế thì lễ gì? Hơn nữa, nếu cho đó là văn hóa, phong tục của người Việt thì đó chính là hủ tục cần phải bỏ. Chẳng phải miếng trầu đã từng là “đầu câu chuyện” trong tập tục của người Việt hàng ngàn năm đó sao. Bây giờ không ai ăn trầu nữa nhưng chúng ta vẫn có thể bắt đầu câu chuyện một cách bình thường. Chúng ta cũng cần phải thay đổi quan niệm cho rằng có rượu bia thì mới có tình nghĩa. Thực tế cho thấy ngược lại rằng chính rượu bia là nguyên nhân gây mất tình nghĩa giữa anh em hay bạn bè với nhau.

Hơn hai ngàn năm trước, Đức Phật đã thấy tác hại của rượu nên đã cấm hàng đệ tử sử dụng. Giới rượu là một trong năm giới căn bản mà người Phật tử tại gia nào cũng phải nghiêm trì. Trong kinh Trung A-hàm, Đức Phật dạy rằng: “Phàm người uống rượu có 6 điều lỗi: 1. Mất của, 2. Sinh bệnh, 3. Gây gổ, đánh nhau, 4. Mang tiếng xấu, 5. Khởi tâm sân, si, 6. Trí tuệ ngày càng lu mờ”. Chi tiết hơn, trong kinh Phân biệt thiện ác sở khởi, Đức Phật chỉ ra 36 lỗi của người hay uống rượu như sau:

1. Người uống rượu say, con chẳng kính cha, tôi chẳng kính vua; vua tôi cha con không còn kẻ trên người dưới,

2. Nói năng phạm nhiều lầm lỗi,

3. Say rượu thường nói nhiều lời, nói lời không cân nhắc gây hiềm khích, mất lòng, mất đoàn kết,

4. Nói chuyện không giữ gìn ý tứ, không tế nhị, không biết kiềm chế, đem cả những việc riêng tư cần giấu kín của mình và người khác ra mà nói,

5. Say rượu thì mắng trời chửi đất, xúc phạm Thánh hiền, chẳng biết kiêng cữ,

6. Say rượu nằm giữa đường không thể về nhà, có cầm giữ vật gì thì quên mất,

7. Say rượu đi đứng không đàng hoàng, trông thật khó coi trong mắt người khác,

8. Say rượu không còn tỉnh táo dễ bị sa hầm sụp hố, hoặc ngủ bờ ngủ bụi bị nhiễm phong sương mà sinh bệnh, thậm chí chết đột ngột,

9. Say rượu dễ bị té xe, té ngựa mang thương tật, có khi đi bộ cũng té ngã,

10. Mua bán bị nhầm lẫn, dễ đụng chạm với mọi người,

11. Say sưa bỏ phế công việc làm ăn, chẳng lo sinh sống,

12. Tiêu hao tài sản của cải gia đình,

13. Bỏ bê cha mẹ, vợ con,

14. Chẳng biết tôn trọng ai, chẳng kể nề nếp gia đình, chẳng sợ pháp luật,

15. Say rượu cởi bỏ áo quần ngoài phố chợ, đánh mất tư cách, tác phong,

16. Say rượu đi bậy vào nhà người, lôi kéo vợ con người khác, nói năng bậy bạ,

17. Say rượu gây sự, đánh nhau với người khác, với chòm xóm láng giềng,

18. Say rượu la lối, quậy quạng làm kinh động hàng xóm,

19. Say rượu giết quấy gà heo,

20. Say rượu đập phá nhà cửa, đồ đạc,

21. Say rượu coi rẻ người nhà, không biết tôn trọng ai, nói năng hành xử ngang ngược,

22. Làm bạn với phường ác nhơn, thích tụ tập với kẻ xấu không có tư cách, đạo đức,

23. Xa bỏ bậc hiền thiện,

24. Khi tỉnh rượu, thân thể như đau bệnh,

25. Say rượu ói mửa làm người khác gớm ghê, vợ con phải cực nhọc,

26. Say rượu không tỉnh táo, gặp phải nguy hiểm cũng chẳng đề phòng, né tránh,

27. Say rượu rồi thì không còn kính kinh sách Thánh hiền, chẳng kính Sa-môn, đạo sĩ gì cả,

28. Say rượu dễ dẫn đến hành vi dâm loạn,

29. Lúc say rượu như người điên, ai thấy cũng tránh xa,

30. Say như người chết chẳng còn biết gì cả,

31. Bị nhiều chứng bệnh do rượu gây ra,

32. Thiên thần tránh xa không phò hộ,

33. Những bạn bè là hiền nhân, trí thức ngày càng xa dần,

34. Say sưa nghiện ngập chẳng những đánh mất tương lai sự nghiệp mà còn dễ sinh tâm trộm cướp vì cần tiền bạc để tiêu xài, hưởng thụ,

35. Sau khi chết bị đọa địa ngục khổ sở trăm bề, cầu sống chẳng yên mà cầu chết cũng không được,

36. Hết thời hạn ở địa ngục thì sinh làm người ngu si ám độn.

Uống rượu không chỉ có hại cho cuộc sống trong hiện tại mà còn mắc quả báo ở đời sau. Trong kinh Tăng nhất A-hàm (tập I, phẩm Ngũ giới), Đức Phật dạy rằng: “Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào đã thực hành, thực hành nhiều rồi chịu tội súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Nếu sinh trong loài Người thì cuồng, ngu si, hoặc, chẳng biết chân, ngụy như là uống rượu. Này các Tỳ-kheo, nếu có người tâm thích uống rượu, chỗ sinh ra không có trí tuệ, thường chịu ngu si.

Như thế, này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ uống rượu. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này! Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào hơn pháp này: đã thực hành, thực hành nhiều rồi hưởng phước trong loài Người, hưởng phước trên Trời, chứng được Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Đó là không uống rượu. Này các Tỳ-kheo, nếu có người chẳng uống rượu, sinh ra liền thông minh không có ngu dốt, biết rộng nhớ nhiều, ý không nhầm lẫn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!”.


Khoa học gần đây đã chứng minh rằng người mẹ hoặc cha mà có thói quen uống rượu thì những đứa trẻ sinh ra sẽ có những biểu hiện như đầu nhỏ, chiều cao và cân nặng dưới mức trung bình, tăng động, chậm phát triển trí tuệ và gặp phải những vấn đề về tư duy, ngôn ngữ, chuyển động và các kỹ năng xã hội, có vấn đề về thị giác, thính giác, khuyết tật khả năng học tập và trí tuệ, mắc các bệnh tim mạch, dễ thay đổi tâm trạng… Nếu một đứa trẻ sơ sinh được chẩn đoán mắc chứng rối loạn bào thai do rượu (FASD) mặc dù người mẹ không bao giờ uống rượu, thì có thể do lỗi của người cha. Có đến 75% trẻ em bị chứng FASD có cha nghiện rượu.

Khi tôi học ở Ấn Độ (từ năm 2011 đến 2016), tôi thấy ở Ấn không hề có quán nhậu như ở Việt Nam mà chỉ có rất ít những quầy rượu bia nhỏ. Người dân đến đó mua rồi đem về nhà uống. Trong những ngày lễ tôn giáo thì các quầy rượu bia phải đóng cửa không được phép bán. Báo, đài không hề có quảng cáo rượu bia. Có những bang như bang Bihar chẳng hạn, từ ngày 5-4-2016, chính quyền cấm mua bán và uống rượu như một biện pháp làm giảm bạo lực gia đình, nạn lạm dụng và đói nghèo. Thủ tướng Chính phủ Ấn Độ Narendra Modi đã ca ngợi quyết định này và gọi quyết định cấm này là một “bước dũng cảm” cho sự thay đổi xã hội.

Lợi ích của rượu bia thì quá ít, trong khi tác hại của chúng thì quá nhiều. Chúng ta có nhiều cách để làm kinh tế. Tôi tin rằng dù không có ngành công nghiệp rượu bia thì đất nước vẫn phát triển, thậm chí còn phát triển tốt hơn. Làm sao không tốt cho được khi cả nước, từ lãnh đạo cho đến dân thường luôn luôn có đầu óc tỉnh táo, minh mẫn và sáng suốt. Một xã hội lành mạnh là một xã hội không có rượu bia. Không uống rượu bia còn để bảo vệ cho thế hệ con cháu được khỏe mạnh. Và còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp về mặt tinh thần khác nữa do việc không uống rượu bia mang lại.
 
Bài viết: "Mặt trái của rượu bia"
Thích Trung Hữu/ Vườn hoa Phật giáo