Con người là chủ nhân của nghiệp

Thành thật luận, phẩm Nghiệp Tướng nói: “Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Những gì do thân tạo tác gọi là thân nghiệp...; tích tập thiện ác do lời nói gọi là khẩu nghiệp...; tâm quyết định giết hại chúng sanh lúc ấy tích tập thiện ác gọi là ý nghiệp”.


Trong kinh Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Đức Phật dạy rằng: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra; nghiệp là quyến thuộc, là nơi nương tựa”. Như thế, sự hiện hữu của mỗi con người đồng thời là sự hiện hữu của nghiệp thiện và bất thiện từ (vô lượng kiếp) quá khứ. Mỗi con người cá thể là điểm trung tâm của nghiệp; ngoài mỗi cá thể ấy sẽ không có bất kỳ một cái nghiệp nào được bàn đến.

Thành thật luận, phẩm Nghiệp Tướng nói: “Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Những gì do thân tạo tác gọi là thân nghiệp...; tích tập thiện ác do lời nói gọi là khẩu nghiệp...; tâm quyết định giết hại chúng sanh lúc ấy tích tập thiện ác gọi là ý nghiệp”.

Thân nghiệp:

Phạn ngữ Kya-karman, Pàli Kya-kamma là một trong ba nghiệp, chỉ cho những nghiệp tạo từ thân, có thể chia làm ba loại: thiện, ác và vô ký; ác nghiệp của thân tức chỉ cho sát sanh, trộm cướp, tà dâm; trái lại là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, tức là thiện nghiệp của thân, không thiện không ác và không cảm được năng lực của quả báo thì gọi là thân nghiệp vô ký. Thân nghiệp lại phân biệt thành Biểu nghiệp và Vô biểu  nghiệp. Biểu nghiệp chỉ cho những động tác được biểu thị bên ngoài, như quơ tay hay lắc chân...Vô biểu nghiệp chỉ cho những nghiệp không biểu thị bên ngoài mà chỉ nhấn mạnh vào tự tánh ngăn ngừa những điều ác, đình chỉ những việc thiện. 

“Tiểu Thừa thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ nói hai nghiệp chung là Tư kỷ nghiệp. Chủ trương Biểu Nghiệp dùng hình sắc làm thể; Vô biểu nghiệp lấy Vô biểu sắc làm thể. Kinh bộ thì chủ trương dùng tư Tâm sở làm thể, Vô biểu nghiệp dùng chủng tử làm thể. Đại thừa Duy Thức cũng dùng những phát động của thân và ngữ làm nghiệp thể, chủ trương Biểu nghiệp Vô biểu nghiệp đều là giả lập, chẳng phải là thật hữu, tức gọi Biểu Nghiệp chính là những biểu thị của những động thái bên ngoài,và những biểu thị những tác động giả lập của sự sanh diệt, Vô biểu nghiệp chính là những sự giả lập được tác tạo từ  Tư tâm sở. Thành Thật Tông thì lập Nghiệp thể làm phi sắc phi tâm pháp.

(Chúng Sự Phân A-Tỳ-Đàm Quyển 5;  Câu Xá Luận Quyển 1, 13; Thành Duy Thức Luận Quyển 1; Đại Tỳ Bà Sa Quyển 113; Thuận Chánh Lý Luận Quyển 33; Thành Thật Luận Quyển 7; Câu Xá Luận Quang Ký Quyển 13; Thành Duy Thức Luận Thuật Ký Quyển 2; Đại Thừa Nghĩa Chương Quyển 7; Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Quyển 3, phần cuối)”. 

Chỉ xét riêng về thân nghiệp thì cũng có nhiều quan điểm và chủ trương khác nhau. Chính ngay trong đời sống con người, thì thân đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo Nghiiệp của con người. Chính những hành vi từ thân thể con người mà đã tạo ra nhiều ác nghiệp. Sát hại sinh mạng hay cắt đứt đời sống của chúng hữu tình, được xem như là một việc làm tạo Nghiệp trực tiếp. Tuy sự tạo nghiệp ấy trước hết phải được tác động từ sự suy nghĩ, nhưng sự suy nghĩ có trở thành hiện thực hay không là do thân thực hiện. Chính do Nghiệp báo sát hại mà chúng sanh phải chịu những quả báo thật thê thảm trong vòng luân hồi. Không những con người bình thường mà chính những người có khả năng trong tu tập khi phạm vào vào tội Nghiệp sát hại vẫn chịu những quả báo thật khủng khiếp, chẳng hạn như chuyện của Ngộ Đạt quốc sư, đã mười đời làm cao tăng nhưng vì nghiệp sát hại vẫn phải chịu quả báo.

Trộm cắp cũng vậy, chính vì mang tội trộm cấp mà chúng sanh trong nhiều đời phải chịu kiếp sống hèn hạ, hoặc phải chịu trong những loài thú phải chịu những khổ sở của thân xác.

Không giết hại chúng sanh mà phải đem lòng từ ra cứu vớt chúng sanh, không gian tham trộm cắp còn biết đem tài sản vật chất ra bố thí giúp đở mọi người, không tà  dâm mà còn trinh bạch thủy chung. Chuyển hoá những hành động xấu phát xuất từ thân trở thành những hành động đẹp, có ích cho người cho mình. Chính hành động chuyển hóa nầy tích cực góp phần làm cho Thân được thanh tịnh ngay trong đời sống hiện tại và tương lai. 

Khẩu nghiệp:

Phạn ngữ Vikkarman. Hành động của miệng, tức lời nói diễn đạt nội tâm, một trong ba nghiệp. Khẩu nghiệp có hai: Biểu nghiệp và Vô biểu nghiệp. Về điều này Đại thừa và Tiểu Thừa chủ trương khác nhau.

“Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, cho ngữ biểu nghiệp dùng âm thanh làm  thực thể, Vô biểu nghiệp là thật sắc. Luận Thành Thật cho Ngữ biểu nghiệp là danh thanh giả lập, Vô biểu nghiệp là phi sắc, phi tâm. Kinh bộ và Duy Thức chủ trương Ngữ biểu nghiệp là thanh âm giả lập, lấy “Tư” do ngữ nghiệp phát khởi làm thể. Vô biểu nghiệp cũng là giả lập, lấy thiện hoặc công năng khởi bất thiện hoặc công năng bất thiện hay ngăn thiện trong “Tư” chủng tử làm thể”. (Phần chúng sự, Luận a tỳ đàm 5, Luận Câu Xá 1,13; Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận 3, Luận Đại Tỳ Bà Sa 113, Luận Thành Thật 7; Luận Thành Duy Thức 1; Thành Duy Thức Luận Thuật Ký 2, phần đầu; Đại Thừa Nghĩa Chương 7).

Khẩu nghiệp cũng đóng vai trò quyết định trọng việc tạo nghiệp. Từ nơi miệng có thể tạo ra những ác nghiệp làm cho chúng sanh phải chịu những quả báo khổ đau, nhưng cũng từ nghiệp khẩu này làm cho chúng sanh thành tựu những công hạnh. Nếu như một người có được lợi khẩu thì nếu như dùng lợi khẩu đó để tạo những vấn đề phước thiện, nhằm tạo phước cho mình và cho người thì khẩu nghiệp đó là lợi khẩu tốt cho đời sống thăng hoa con người.

Cũng câu nói, có lúc làm cho người ta thăng hoa và an lành nhưng cũng lời nói mà làm cho người ta phải tan nhà mất nước. Nếu như lời nói như thế thì thật tai hại cho mình và cho người.

Quả báo của khẩu nghiệp cũng không cùng tận, có những quả báo phải chịu đựng trong loài súc sanh, chịu những nỗi thống khổ của thân thể, bị người ta kinh tởm hay xua đổi…Và có những quả báo của khẩu nghiệp trong đời này làm cho người ta được những thanh âm vi diệu, mỗi khi phát ra lời nói hay ngôn ngữ được nhiều người thương mến, làm lợi lạc cho nhiều người.

Ý nghiệp:

Phạn ngữ  Manas-Karman, một trong ba nghiệp, có ý nghĩa là nghiệp nương vào Tâm vương, nghiệp có ý nghĩa tạo tác, nói rộng ra thì bao hàm hết thảy những động tác hành vi thiện, ác hoặc vô ký. Luận Câu Xá quyển 13: “Suy nghĩ được gọi là ý nghiệp, bởi vì suy nghĩ có ý nghĩa tạo tác, khiến tâm vương tạo tác thiện, ác, hoặc vô ký… cho nên  ý nghiệp tức đồng nghĩa với tư (suy nghĩ). Lại, y cứ Thành Duy Thức Luận Quyển 4 đề xuất, Tư có thể chia làm ba loại: Thẩm lự tư, quyết định tư, động phát thắng. Trong đó Thẩm lự và quyết định cùng tương ưng với nhau mà tạo tác gọi là ý nghiệp. Ngoài ra, căn cứ vào Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Đa Kinh Quyển 7 ghi rằng, ý nghiệp có đầy đủ hai loại tâm sau: 1- Tâm tinh tấn, tức phát tâm bồ đề tu tập nghiệp lành mà xa rời hếât thảy những tâm biếng lười; 2- Tâm thối chuyển, tức đối với pháp lành không thể tiến tu, hoặc chỉ tạm thời phát tâm tu hành rồi sanh tâm thối thất”. 

Ý nghiệp thật bí nhiệm và thầm kín vô cùng. Một hành động được biểu hiện qua thân và khẩu đều do sự tác động của ý cả. Nếu như không có sự chỉ đạo của ý thì mọi hành động đều không tác thành. Nếu như một hành động nào đó được tác thành mà không có sự tác động của ý thì đó không hẳn là sự tác thành nghiệp như đã tìm hiểu ở phần định nghĩa, tức là nghiệp là một hành động có tác ý. Mặt khác, tất cả những toan tính trong cuộc sống thường nhật, tất cả đều do ý chủ đạo. Cũng chính từ ý nghiệp mà con người có những hành động khác nhau từ đó dẫn đến sự thọ sanh khác nhau.

Từ những ý nghĩa thầm kín sâu xa, con người có thể hình thành những công trình vĩ đại để lại cho nhân loại những di tích, những mưu đồ tham vọng có khi họ cũng chôn vùi tận trong tâm khảm hàng chục năm trời, cho đến khi có nhân duyên thời tiết đủ thì những toan tính thầm kín kia sẽ bộc phát. Nếu như không làm chủ được ý nghiệp con người có thể tạo nghiệp ác bất cứ lúc nào. Nhận thức trong vấn đề chuyển hóa ý nghiệp thật là một việc làm không phải dễ, nó đòi hỏi con người cần có những công phu đích thực. Nếu không những dấy động của tâm thức không thể nào nhận biết được.   

Bài viết: "Con người là chủ nhân của nghiệp"
Minh Chính/ Vườn hoa Phật giáo