Gieo trồng ba hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo

Hơn bao giờ hết tuổi trẻ cần được dìu dắt về mọi mặt, nhất là về cuộc sống tâm linh. Phật giáo là một tôn giáo lớn, đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ cho sự hòa bình, hưng thịnh, nhân cách con người.


Trong kinh điển Phật giáo, chúng ta thường được nghe những cụm từ “ba” chữ đi liền với nhau như: Phật - Pháp - Tăng (Ba Ngôi Báu); Giới - Định - Tuệ (Tam Vô Lậu Học); Tín - Hạnh - Nguyện; Văn - Tư - Tu; Bi - Trí - Dũng; Hoà - Tin - Vui … những con số “ba” trong Phật giáo có thể xem như là “sự vận hành”; là phương thức để “hành trì”; công phu để “tu tập”; đó chính là nền tảng “huân tu” trong lĩnh vực giáo dục của Phật giáo.

Ta có thể lựa chọn bất kì một cụm từ nào để làm nền tảng tu học cho chính bản thân mình, rồi từ đó chúng ta mang nền tảng đó vào cuộc sống. Trong kinh điển của Phật giáo, nền tảng cho sự giáo dục đạo đức con người để đi đến tiến trình giải thoát chính là Giới - Định - Tuệ.

Ba phương thức để làm nền giáo dục tuổi trẻ Phật giáo ngày nay đó là:

Phải tạo một nền tảng Phật giáo vững chắc và thực hành giá trị cốt lõi của nền tảng đó

Hãy chọn bất cứ giá trị nào trong các pháp môn như: Tam Quy - Ngũ Giới; Tứ Vô Lượng Tâm (Từ - Bi - Hỷ - Xả); Bát Chánh Đạo; Tứ Nhiếp Pháp; Lục độ…để “hành trì tu học”, thì đó mới là nền tảng vững chắc. Sự thánh thiện này sẽ mở cửa cho một nền giáo dục nhân bản, hoàn thiện và thích đáng hơn.

Cần phải có một môi trường tốt cho tuổi trẻ. Tuổi trẻ cần có những “sân chơi” hay “điểm đến” lành mạnh. Chúng ta cần tạo ra một nền tảng bất thối chuyển; một điểm tựa vững chắc; thì chúng ta sẽ có một tương lại rạng ngời, một hướng đi mới, một môi trường sinh hoạt lành mạnh cho giới trẻ. Và cứ thế, chúng ta tiếp tục vận hành sự tu học và hành trì những giá trị cốt lõi đạo đức đó, thì nền tảng giáo dục của Phật giáo làm cho tuổi trẻ ngày càng thêm vững mạnh.

Chuyển hóa và thay đổi cách nhìn của mình

Trong kinh Pháp Hoa có dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm tạo tác...”, sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức. Chỉ thay đổi cách nhìn của mình không thôi cũng đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn. Tuổi trẻ như một tờ giấy trắng, nên phải tạo cơ hội và huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắn để nhằm chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ.

Albert Einstein có nói: “Only a life lived for others is a life worthwhile”. Tức cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất. Chúng ta phải chuyển hóa, thay đổi trẻ em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi” thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”. Dạy cho trẻ em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha. Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.

Vì vậy ai trong chúng ta cũng phải tự chuyển hóa chính mình trước qua tư tưởng, suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Có thể là những việc làm thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như giúp đỡ những người bệnh tật, giúp giảm các nạn nghèo đói, làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi trường, khí hậu, chăm lo người già, hướng dẫn thiếu nhi học tập đạo đức...có như thế giáo dục mới có hiệu quả.

Thực hành, đặt ý tưởng vào hành động

Ai trong chúng ta, từ cá nhân đến tổ chức, cũng đều có những ý tưởng, ý kiến hay và đẹp. Những ý kiến này cần được dung hòa, khai triển, rồi đưa vào thực tập. Sự thí nghiệm nào cũng là bước đầu cho sự tiến bộ của nhân loại nên đạo Phật của chúng ta có phương thức “tùy duyên, bất biến” là vậy!

Khi thấy những nơi khác có tổ chức các khóa tu học, hội thảo, khóa niệm Phật, thiền hành... được thành công, thì mình cũng nên học hỏi và mang về thử nghiệm, hòa nhập ở bối cảnh địa phương của mình nếu cho phép. Sau những lần tổ chức, rút ra được kinh nghiệm và sẽ được cải tiến và phát triển thêm.

Có thể nói, tuổi trẻ là tuổi đầy nhiệt huyết và cần sự nâng đỡ của người lớn, hầu góp phần phát triển nhân cách và đạo đức với ba phương thức, ba hạt giống đó là: (1) Xây dựng và phát triển một nền tảng giáo dục Phật giáo vững chắc và thực hành những giá trị cốt lõi. (2) Chuyển hoá và Thay đổi nhận thức của mình để hướng thiện và (3) Thực hành, đặt ý tưởng vào hành động thực tiễn là những phương pháp cụ thể để triển khai những giá trị giáo dục trong Phật giáo. Bằng những giá trị cốt lõi của Phật giáo như: Bi Trí Dũng, Tam Vô Lậu Học hay phương diện Văn Tư Tu, Tài Đức Trí... chúng ta có thể gieo hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo, nhằm chuyển hóa và nâng đỡ tuổi trẻ có một hướng đi thánh thiện, thành đạt và có giá trị xứng đáng trong cuộc sống để giúp mình, giúp đời và nối tiếp con đường của đức Như Lai.


Bài viết: "Gieo trồng ba hạt giống lành cho tuổi trẻ Phật giáo"
Minh Chính/ Vườn hoa Phật giáo