Thực tập cách sống độ lượng, bao dung và tha thứ

Hãy thực tập tâm ta rộng lớn như đại dương. Đại dương cũng rộng lớn, bao la và sâu thẳm. Ta nên sống có chiều sâu hơn, có hiểu biết hơn và do đó dễ dàng thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm của người khác.


Thực tập buông xả theo lời Phật dạy có giá trị trị liệu rất lớn. Cách đây nữa tháng, tôi có đọc một bài báo viết về vụ ly dị khá hiếm của một đôi vợ chồng trí thức, vợ là tiến sĩ, chồng cũng tiến sĩ, mỗi người làm việc trong một lĩnh vực khác nhau. Bà vợ quá kỹ lưỡng, ông chồng thì quá xuề xòa. Ông chồng là nhà báo. Nhà báo thì hay hút thuốc, uống cà phê, đôi lúc cũng có bia rượu. Tính ông cẩu thả, hút thuốc ở đâu thì quăng đầu thuốc ở đó, uống bia đâu thì bỏ chai ở đó. Bà vợ thì ngược lại, làm công việc của một nhà quản trị nên rất ngăn nắp, trình tự. Ông chồng viết xong bài báo thì ngả luôn người ra, ngủ khò khò. Bà vợ thì khó tính, nằm kế bên ông chồng ngủ khò khò thì đã phiền não, thức dậy đi vòng vòng rồi thấy cái bàn của ông thì thấy mọi thứ bề bộn quá. Bà xếp lại cho gọn gàng, ông chồng vừa thức dậy bà cằn nhằn luôn: “Ông là tiến sĩ chứ đâu phải là con nít mà phải để tôi nhắc nhở ông nhiều quá vậy? Ông là cha trong gia đình này mà còn tệ hơn đứa con trai của chúng ta nữa”. Ông chồng nghe tự ái, cãi lại: “Cô đừng có trịch thượng với tôi. Tôi viết báo người ta tán dương, ca tụng. Chỉ có cô là coi tôi không ra gì mà thôi”.

Trong câu chuyện này, nếu ta học được tính bao dung ở trong đạo Phật thì mọi chuyện sẽ không đến nỗi căng thẳng như vậy. Ta nên tập buông xả. Hãy xem thói quen cẩu thả của người chồng là giới hạn cá tính cố hữu để không đòi thay đổi. Ta có thể giúp chồng dọn dẹp, thu vén, nhưng giúp xong đừng có kể công. Quan tâm để rồi bới móc khiếm khuyết của người khác càng dẫn đến nhiều đổ vỡ.

Hai vợ chồng trong câu chuyện kia cuối cùng làm đơn ra tòa. Khi được hỏi, ông chồng nói: “Vợ tôi lúc nào cũng tìm ra lỗi của tôi để trách móc, tôi lúc nào cũng bị ứng xử như một kẻ tội phạm. Tôi thà sống một mình còn hơn sống với bà ấy”. Bà vợ đáp trả: “Trời ơi, trong nhà tôi chịu đựng bao nhiêu rồi, ra tòa ông ấy còn tấn công tôi như thế thì làm sao tôi chịu đựng nổi? Xin tòa hãy cho ly dị sớm”. Tòa giải hòa, bác đơn ly dị, quyết định sẽ tiếp tục hàn gắn thêm một năm nữa rồi sẽ xử lại. Câu chuyện kết thúc ở đó.

Chúng ta thấy, mấu chốt vấn đề ở đây là tâm hẹp hòi, không rộng lượng. Khi biết sống bao dung thì chúng ta sẵn lòng làm mọi việc giúp đỡ người khác. Là Phật tử, chúng   ta hãy quan niệm mình là một vị Bồ tát, hoặc hãy nghĩ rằng “Tôi có mặt trên cuộc đời này để làm những việc khó”. Để làm được những việc khó, phải có sức chịu đựng, có lượng hải hà, có tầm nhìn xa, có mối quan tâm đến hạnh phúc cho tất cả, chứ không phải cho riêng mình. Với một tâm như thế, khi có cơ hội giúp ai đó, ta không kể công.

Nếu người vợ trong câu chuyện trên đây cứ lẳng lặng giúp chồng dọn dẹp thì rồi người chồng sẽ dần nhận ra là vợ mình cao thượng quá, vợ mình lý tưởng quá, vợ mình tốt đẹp quá, cho nên cũng phải cố gắng bắt chước cô ấy một phần nào. Trước kia bừa bộn 10 phần thì nay người chồng sẽ dần thay đổi, chỉ còn 5-7 phần. Tức là hai bên đều phải nỗ lực, một bên không nên đào sâu thêm những điểm bất toàn của người khác, bên còn lại cũng phải tự nâng mình lên chút xíu để hai bên tiến gần tới nhau, ít ra cũng một 8 một 10.

Hãy học cách hướng tới vầng thái dương để quên đi bóng tối, tức là suy nghĩ lạc quan, tích cực, tin tưởng vào  sự chuyển hóa, tin tưởng vào những nỗ lực tích cực. Chỉ để ý những điểm bất toàn của người khác là biểu hiện của một tâm lượng hẹp hòi. Hãy thực tập quán ta là đại địa và biển khơi. Đại địa, tức đất mẹ, rộng lớn vô cùng và bao dung ôm vào lòng tất cả, từ những thứ quý giá như kim cương, vàng, bạc cho tới rác rưởi mà không than thở một lời. Con người đã khai thác thiên nhiên này một cách cạn kiệt, nhưng mẹ Trái đất vẫn nhẫn nại nuôi ta, che chở ta.

Hãy thực tập tâm ta rộng lớn như đại dương. Đại dương cũng rộng lớn, bao la và sâu thẳm. Ta nên sống có chiều sâu hơn, có hiểu biết hơn và do đó dễ dàng thông cảm và bỏ qua những lỗi lầm của người khác.

Cũng có thể tập quán ta là hư không. Khi đó, mọi biên giới, rào cản sẽ tự biến mất, chỉ còn một lòng bao dung và thảnh thơi mêng mông và vô biên. Với tầm nhìn tiêu cực, chúng ta không thể phát huy được tiềm năng Phật tính trong mình, trong khi bản chất của Phật là vĩ đại, là rộng lượng, là vô biên.

Trong cuộc sống, lối ứng xử quá khắt khe, hẹp hòi làm ta mất đi bạn bè. Nước quá trong thì không có cá bơi lội tung tăng, nước phải hơi đục thì cá và các loài thủy tộc mới có thức ăn, mới sống được an toàn.
Nói gọn lại, thực tập cách sống “chín bỏ làm mười” mang lại nhiều lợi lạc cho ta và cho tha nhân.

Bài viết: "Thực tập cách sống độ lượng, bao dung và tha thứ"
Thượng tọa Thích Nhật Từ/ Vườn hoa Phật giáo