Xin đừng xem thường việc độ đám

Bỏ nghi lễ đối với người sơ cơ học đạo khác nào bắt con thơ dứt dòng sữa mẹ thiêng liêng mang linh hồn dân tộc qua từng giai điệu vùng miền, không những vậy, những lời pháp ngữ được trùng tuyên đều là “ý tổ sư từ Tây Trúc sang”, thì ai có quyền bác bỏ? Trong khi, gia đình đang hữu sự rối ren, sự hiện diện của chư tăng là rất cần, mang lại năng lượng bình an cho tang quyến. Thử hỏi một việc nhỏ như thế, ta cũng không làm được, thì sao có thể thăng toà thuyết pháp.


Trên face đang lan truyền một đoạn Clip, được quý giảng sư giảng về việc đi cúng đám, với khuyên chân thành đừng lấy tiền tín chủ. Thầy dạy: "Cơm ăn, áo mặc của quý thầy từ đâu, tại sao đến lúc Phật tử lâm chung lại đặt thêm một vấn đề nữa. Phật tử đâu để quý thầy lỗ đâu. Trọn đời thầy không bao giờ đi cúng đám, nếu có thầy cũng chẳng lấy tiền”. Tuy ý, chỉ nhắm vào nội bộ tăng đoàn, nhưng được đưa lên mạng, cho dư luận Share vô tội vạ.

Với những lời chỉ trích quý thầy một cách nặng nề, miệt thị, giựt tít của dân cư mạng. Vì cứ nghĩ chư tăng đi đám nhận cúng dường là sai. Đó là một việc đau lòng. Càng đau hơn nữa, khi quý sư Nguyên Thủy đăng đàn thuyết pháp dạy rằng Phật chỉ hộ niệm cho người lúc còn sống, như kinh Độ Người Hấp Hối, Đức Phật sai ngài Xá Lợi Phất đến thuyết pháp độ ông trưởng giả Cấp Cô Độc, trước khi từ giã cõi đời. Còn những việc lo độ ma chay, cúng cầu siêu 49 ngày, độ vong sau khi chết, theo ý kiến riêng sư là phi pháp.

Chính những phát ngôn như thế sẽ làm hoại đi tín tâm của người Phật tử sơ cơ. Hoặc gây chia rẽ tăng già, làm cho ngoại đạo có nguy cơ phỉ báng. Tại sao, quý thầy không có cái nhìn bao dung hơn, trong khi mỗi vị tăng ni, xách đãi đi cúng là đang giữ gìn giáo pháp? Đã cùng “Từ thân quyết chí phi tri, ý dục đẳng siêu hà sở”, thì đâu ai dại gì lìa bỏ Bồ đề tâm để cho mình trở nên thấp kém.

Đồng ý là việc hoằng dương giáo pháp, phải nhờ đến các bậc cao tăng có nghiên cứu, dịch thuật, giảng kinh, thuyết pháp để duy trì giáo nghĩa, tuy nhiên, không ai có quyền phủ nhận vai trò của nghi lễ trong việc hoằng pháp độ sanh. Trong khi phương tiện ấy, mang một sức sống mãnh liệt, trong lòng dân tộc.

Có ý kiến cho rằng, nhu cầu Phật tử bình dân rất hạn hẹp, hàng tăng sĩ Việt Nam chỉ cần biết hai nghi lễ cầu siêu, cầu an để ứng phú đạo tràng là đủ. Chính vì vậy, không ít các vị giảng sư, thiền sư lại xem nghi lễ là tệ trạng làm nên thời mạt pháp. Theo các vị, chỉ cần chánh pháp được giảng, còn người chuyên tu là có thể duy trì mạng mạch truyền đăng của chư tổ.

Tuy nhiên, ngọn đèn thiền của chư tổ phải đâu chỉ là một tiếng hét xé toạc càn khôn, lạnh buốt thái hư, chỉ được thắp sáng trên rừng thiêng, núi thẳm; hay chỉ lưu xuất bất tận qua từng trang kinh, được giảng giải lưu truyền; mà còn được biểu hiện sinh động qua từng câu kinh tiếng kệ trầm ấm du dương mang điệu hò dân tộc, ôm non sông đạo pháp vào lòng, thâm nhập vào đời phụng sự chúng sanh.

Bỏ nghi lễ đối với người sơ cơ học đạo khác nào bắt con thơ dứt dòng sữa mẹ thiêng liêng mang linh hồn dân tộc qua từng giai điệu vùng miền, không những vậy, những lời pháp ngữ được trùng tuyên đều là “ý tổ sư từ Tây Trúc sang”, thì ai có quyền bác bỏ? Trong khi, gia đình đang hữu sự rối ren, sự hiện diện của chư tăng là rất cần, mang lại năng lượng bình an cho tang quyến. Thử hỏi một việc nhỏ như thế, ta cũng không làm được, thì sao có thể thăng toà thuyết pháp.

Chẳng lẽ, đợi đến lúc gia đình Phật tử có đám tang, quý thầy chỉ đến ngồi thiền lim dim đôi mắt hay chỉ tổ chức một thời thuyết linh hoặc mặc kệ cho tang quyến làm gì thì làm với lý do thời Đức Phật không có, thì chắc chắn nguy cơ cải đạo càng lớn. Bởi hiện nay, ngoại đạo luôn lập một lực lượng hùng hậu, đến thăm và kịp thờ cải đạo những nhà Phật tử có đám tang nếu không có chư tăng hướng dẫn.

Từ đó, mới thấy được sự hy sinh thầm lặng của quý tăng ni, chỉ với tiếng mõ, lời kinh sâu lắng đã đem đạo vào đời khắp ngõ hẽm thôn cùng. Đi cúng đối với quý tôn đức là trách nhiệm để giữ gìn niềm tin đối với Phật tử, nhân cơ hội đó chia sẻ niềm đau mất mát lớn lao trong gia đình họ bằng cách hướng dẫn họ quy y tam bảo, cúng dường trai tăng, làm phước hồi hướng cho tiên vong, để gắn kết với tăng đoàn. “Nhất tăng đáo, nhất Phật lai”.

Quý thầy xem cúng đám làm Phật sự, thì cớ sao phải nặng lời? Đồng ý là hiện nay đã phát sanh ra hiện trạng giả danh tu sĩ nhân cơ hội gia đình thí chủ mất để làm tiền. Nhưng đó chỉ là vài cá nhân mạo nhận thiếu tu, chứ đâu thể nào quy hết trách nhiệm cho tăng đoàn. Nếu thật bậc tu hành, chẳng ai nỡ lòng nào buôn kinh, bán Phật để đổi lấy chén cơm. Vì đó là sĩ nhục lớn. Vì hàng xuất sĩ là “Thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh”.

Nhưng khuyên quý thầy không nhận cúng dường, thiết nghĩ là điều không cần thiết. Vì sao? Nếu không nhận tịnh tài tang quyến dâng cúng thì quý thầy tiền đâu để đổ xăng đi? Chưa kể là theo đúng lẽ gia đình tín chủ trước đó phải đến tận chùa thưa thỉnh. Việc quý Phật tử cúng dường bao nhiêu là tuỳ tâm. Đó là cơ hội cho họ gieo giống ruộng phước điền. Có đâu vì cố chấp mà lỡ đi việc lành của tín thí. Hơn nữa,nếu quý thầy không nhận, thì gia đình họ càng thêm áy náy.

Tuy nhiên, đã cúng dường thì sau đám, rất mong quý Phật tử đến chùa tạ lễ đàng hoàng. Hoặc chí ít tại đám, cũng phải đủ lễ nghi phép tắc. Không được quý thầy vừa tụng kinh xong, dúi tiền vào tay liền, đó là xúc phạm lòng tự trọng của chư tăng. Vì quý thầy đến để tròn trách nhiệm với tín thí, chứ không phải vì ít tiền tiêu vặt. Đó là bổn phận.

Bài viết: "Xin đừng xem thường việc độ đám"
Chí Ngu