Nếu còn một ngày để sống

Trên con đường dài vô định của đời người, sẽ có đôi lúc chúng ta nhìn lại những chặng đường đã qua để rồi bất giác nhận ra những khoảng lặng trong tâm thức. Tựa như cánh chim mỏi mệt giữa dòng, điều giá trị nhất còn sót lại có lẽ là sự hối tiếc vô ngần bởi thời gian ngắn ngủi còn lại liệu có đủ để ta sống tốt, để hồi ức, để gắn nối nhịp yêu thương khi tất cả vẫn chưa quá muộn màng.


Chắc hẳn ai trong chúng ta đều có những khoảng thời gian bồng bột, tham đắm, chạy theo những giá trị tưởng chừng như hữu dụng nhưng thật ra là hư ảo, là vọng tưởng, chỉ đáp ứng cho cái tôi ích kỷ, nhỏ nhoi trong cuộc sống này. Thời gian ấy, ta chẳng từ chối bất kỳ một cuộc chơi nào, và sự đua đòi không bao giờ là dừng lại. Hễ bạn bè có được món chi là bằng mọi giá ta phải có được món ấy, thậm chí đòi hỏi giá trị phải cao hơn, sang hơn, đắt đỏ hơn từ xe cộ, điện thoại hay những món đồ xa xỉ. Tất cả chỉ để xứng đáng với hai từ “đẳng cấp” mà xã hội tự phong cho những ai dám từ bỏ tất cả để đắm mình vào thú vui dục lạc. Nhưng ta đâu biết rằng, danh xưng ấy có thật sự mang lại ý nghĩa gì cho cuộc đời này hay lại biến chính mình trở thành nô lệ cho sự ganh đua, tật đố từ lúc nào chẳng biết. Chính điều ấy dần dần làm chúng ta đánh mất tình yêu thương và niềm tin từ mọi người xung quanh, trong khi họ luôn quan tâm chia sẻ với ta, nhưng chẳng bao giờ nhận được sự hồi đáp.

Cuộc sống là những chuỗi dài của những gì đã trôi qua, và quá khứ của chúng ta sẽ có những lỗi lầm khiến mình phải hối tiếc, day dứt từ việc sống buông thả, ham chơi. Nhưng đến bao giờ chúng ta mới kịp nhận ra sự buông lung, phóng túng và bất chấp mọi thứ của mình? Chúng ta đâu hay biết rằng, những cuộc vui ấy đã được đánh đổi bằng những công lao khó nhọc của cha, hay những lo toan từ tâm tư của mẹ. Và khi mình vấp ngã, mắc sai lầm, thì ai là người bên cạnh an ủi, động viên và tạo thêm sức mạnh để ta vượt qua? Phải chăng là cha, là mẹ, người đã chăm sóc những vết thương trên thân xác khi ta mê đắm trong những trò đùa nguy hại; là chính bạn hữu xung quanh ta đồng hành, cùng tâm sự, chia sẻ lúc ta gặp những đau buồn trong cuộc sống này? Thế nhưng, có lẽ họ là những người mà ta đã quên đi, chẳng bao giờ nghĩ suy dù chỉ là một lần trong ý thức.

Nếu đánh đổi lại khoảng thời gian buông lung, phóng túng ấy, có lẽ chúng ta đã làm được nhiều điều tốt đẹp hơn bao giờ hết, dù chỉ là dành một chút thời giờ ngắn ngủi để gọi điện thoại về nhà và lắng nghe, chuyện trò, thăm hỏi mẹ cha hay sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh, cơ nhỡ trong xã hội này, bắt đầu từ việc góp sức cho những công việc thiện nguyện... Thế nhưng, chúng ta đâu nhận ra khi bản thân sống buông thả, ham chơi, thì chính mình đã đốt cháy khoảng thời gian của cuộc đời, và cả tuổi thanh xuân cũng chìm dần vào những tháng ngày rong ruổi với những việc làm vô ích. Đến lúc nhìn lại, có lẽ mọi thứ đã đổi thay. Ước mong níu kéo lại nhưng tất cả đã xa tầm tay khi mái tóc đen ngày nào của mẹ cha giờ đây đã pha thêm nhiều sợi bạc, phai dấu theo màu thời gian như gieo vào lòng ta sự dày vò tột cùng với câu hỏi đánh thức tâm can: “Mẹ cha đã già rồi ư? Con đã làm được điều gì cho người?”, hay nỗi niềm từ sự thật về tuổi đời mình đã không còn nhiều thời gian cho sự chia sẻ, yêu thương và làm việc có ích cho xã hội. Và rồi những thứ mà ta đã dùng cả thanh xuân, thời tuổi trẻ và những giá trị vô giá của cuộc sống, để đánh đổi cho việc thỏa mãn nhu cầu vật chất tầm thường, tham đắm, ham chơi ấy, có để lại được gì hữu ích trong cuộc đời mình hay chỉ còn là sự tiếc nuối.

Dòng thời gian cứ mãi trôi, như dòng chảy theo lẽ vô thường. Có bao giờ ta tự hỏi lòng mình, nếu thật sự chỉ còn một ngày để sống, chúng ta sẽ suy nghĩ gì và làm gì trước sự hữu hạn của đời người. Chắc hẳn đa số chúng ta sẽ mong muốn được trở lại quá khứ để thay đổi, sửa chữa những sai lầm của bản thân. Thế nhưng, điều ấy sẽ chẳng thể nào hiện hữu được, bởi lẽ thời gian trôi đi có trở lại bao giờ? Tâm trạng của chúng ta khi ấy có lẽ chỉ còn vang vọng những lời than trách và sự tiếc nuối trong tâm thức: “Giá như con đừng phí thời gian vào những việc vô bổ ấy, tham đắm vào những cuộc chơi không có giá trị gì!”; “giá như con lắng nghe nhiều hơn những lời cha mẹ nói để hiểu nhiều hơn về sự hy sinh của hai đấng sinh thành!”; “giá như bản thân suy nghĩ chín chắn hơn để không phải nói ra những lời cay nghiệt, làm tổn thương những người đã dành tình cảm, sự quan tâm cho cuộc đời mình”… Vì cuộc sống này vô thường lắm, chỉ trong cái chớp mắt có lẽ chúng ta đã không còn được thấy những người thân thương bên cạnh, và sẽ chẳng còn kịp để nói với họ những lời yêu thương chân thành từ trái tim mình. Vậy nên, khi nhận thức được rằng, nuối tiếc về một điều gì đó đã mất đi thì dễ, nhưng để nhận ra và trân trọng những gì đang có sẽ khó hơn rất nhiều, thì chúng ta phải sống tốt, sống đúng trong từng phút giây hiện tại dù chỉ còn một ngày duy nhất trên cõi đời này, để không phải day dứt về sau, như chính sự hối tiếc về những lỗi lầm vì sự tham đắm, ham chơi trong quá khứ.

Những điều hiện hữu trong giây phút hiện tại, mà ta có thể cảm nhận và yêu thương, thật sự đơn giản lắm. Đó là khi gia đình và những người thân bên cạnh ta, bạn hữu ta, anh em ta, mọi người xung quanh ta luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, an vui. Hay đơn giản chỉ là khi ta còn được nhìn thấy mẹ và những giọt nước mắt lăn dài trên mi mắt người, tưởng chừng như trách móc nhưng chan chứa tình yêu thương mỗi khi con trở về nhà sau khoảng thời gian dài xa vắng; được nghe những tiếng “khóc nấc” như trẻ thơ của mẹ với mục đích là chỉ để giữ con ở lại nhà khi con muốn đi xa. Đó cũng là điều giản đơn khi ta vẫn còn được thấy cha khỏe mạnh, lo việc vườn tược ở sau nhà, và cùng ngồi để thưởng thức những món ăn chay bình dị mà con dành cả tâm tư để nấu trong những dịp về thăm quê. Những câu chuyện chia sẻ về gia đình, định hướng tương lai từ anh chị mình, hay một câu hỏi thăm sức khỏe, một lời động viên vững bước trên con đường mình đã chọn từ bạn hữu thân thương, cũng sẽ là một niềm vui, niềm hạnh phúc trong giây phút hiện tại, và là động lực để chúng ta bước tiếp trên những chặng đường tu học của mình sắp đến. Và còn nhiều điều đơn giản nữa mà trong giây phút hiện tại chúng ta phải biết trân trọng, bởi lẽ một khi đã mất đi rồi thì sẽ không còn cơ hội để một lần được thấy, được nghe, được cảm nhận những giá trị chân thật từ cuộc sống này.

Trước những giá trị vô giá ấy, chúng ta phải thực tập an lạc trong từng phút giây hiện tại qua việc chú ý từ ý nghĩ (ý), lời nói (khẩu), cho đến hành động (thân) của mình trong quá trình tu học của bản thân, cũng như trong các mối quan hệ xã hội, để mang lại niềm vui, sự an lạc và hạnh phúc cho mình và mọi người. Đây cũng một bài học quý giá mà đức Phật đã chỉ dạy trong bài kinh Nhất Dạ Hiền Giả (kinh Trung Bộ):

“Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai lại chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây”.

Vì vậy, cho dù chỉ còn một ngày để sống trong cuộc đời này, khi còn sức khỏe và đủ trí tuệ sáng suốt, thì chúng ta hãy cố gắng làm những việc tốt, việc lành, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Đừng vì những phút bồng bột của tuổi trẻ hay chỉ vì sự cao ngạo của bản thân, mà phí thời gian vào những việc vô ích, để sau này phải hối tiếc về những gì đã trải qua trước sự hữu hạn của đời người.

Bài viết: "Nếu còn một ngày để sống"
Thiện Tâm/ Vườn hoa Phật giáo