Buddha bar được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận?

Nơi đã cấp giấy phép hoạt động cho hộ kinh doanh cá thể nhà hàng quán ăn Thái (B.V.D.D.H.A) là Ủy ban Nhân dân Q.2, giấy phép cấp đầu tiên vào năm 2004.


Quán bar này đăng ký ở Q.2 một đàng, ở Cục Sở hữu Trí tuệ và quảng bá một nẻo... - Ảnh: Hà Phương

Tuy nhiên, cũng tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của “quán ăn Thái” này lại có cả tụ điểm quán bar và thịt nướng với biển hiệu là “Buddha”. Như ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Q.2 Nguyễn Phước Hưng khẳng định chính quyền quận không hề cấp giấy phép cho quán bar Buddha, vì “gây tranh cãi tôn giáo”.

Vậy ở cùng một địa chỉ mà có tới 2 đơn vị, “quán ăn Thái” thì chỉ hiện diện bằng cái bảng nhỏ gắn bên ngoài, còn thực tế là “Buddha bar - grill”, từ ngoài cho tới vào bên trong, cả thông tin chính thức trên fanpage, website chính thức, tất tần tật đều là “Buddha bar”!

“Buddha bar” với thiết kế như đã quảng bá và thấy trên các phương tiện thông tin, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tại quyết định số 126377, ngày 9-6-2009.


Đăng ý ở Cục Sở hữu Trí tuệ là... B.U.D.D.H.A (VN) - Ảnh chụp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Chủ sở hữu không ai khác mà chính là hộ kinh doanh cá thể quán ăn Thái, nhưng những ký tự viết tắt phụ chú lần này không phải là B.V.D.D.H.A mà chính xác là B.U.D.D.H.A (Buddha, chữ V đã hiện nguyên hình thành chữ U)!

Danh mục sản phẩm kèm theo được định nghĩa tại giấy chứng nhận nhãn hiệu này là dịch vụ vũ trường, dịch vụ nhà hàng ăn uống, dịch vụ cung cấp thực phẩm và đồ uống, dịch vụ quầy bán rượu…

Nhãn hiệu được đăng ký sở hữu trí tuệ không phải là Buddha bar - grill (bar và đồ nướng) mà được “dích dắc” thành “Buddha bar - café”, cùng chính xác một địa chỉ số 7 đường Thảo Điền, khu phố 2, phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM.


Mô tả trong giấy chứng nhận của Cục Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ

Đến đây, không cần nói gì thêm, chúng ta dễ dàng thấy được những kỹ xảo lạng lách, sự không thống nhất khi đăng ký nhãn hiệu với chính quyền cấp quận (Ủy ban Nhân dân Q.2) một đàng, đăng ký bảo hộ về nhãn hàng với Cục Sở hữu Trí tuệ một nẻo.

Không biết từ ngày cấp giấy phép hoạt động từ năm 2004 cho tới nay, nhà chức trách địa phương, cụ thể là Ủy ban Nhân dân Q.2 đã có bao giờ kiểm tra nơi này và thấy những điều khuất tất kỷ xảo như thế không?

Từ năm 2011, qua thông tin bạn đọc, Báo Giác Ngộ cũng đã cử phóng viên điều tra, xác minh thực tế, và có tới 3 bài phản ánh những ý kiến bức xúc của Tăng Ni, Phật tử, cả ý kiến phản đối của chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội.


Thông tin trên website về các dịch vụ của nơi này - Ảnh chụp màn hình ngày 30-3-2020

Bà Thư Trần (Trần Thị Duy Thư), người đại diện của quán ăn Thái, đồng thời cũng cho biết là chủ của quán bar này đã biết loạt tin bài phản ánh, từng đến tòa soạn báo để giãi bày và hứa điều chỉnh, thay đổi (tuy nhiên bà đã không làm đầy đủ như đã hứa) gần 9 năm trước; nhưng không lẽ Ủy ban Nhân dân Q.2, chính quyền địa phương lại không hay biết, cứ để cho quán bar với tên gọi làm tổn thương tín ngưỡng của người Phật tử này tồn tại mười mấy năm qua, bất chấp truyền thống văn hóa, cả dư luận?

Cho đến khi nơi đây được phát hiện và xác nhận là "ổ dịch Covid-19" lớn nhất tại TP.HCM đã bị phong tỏa, với 13 ca dương tính SARS CoV-2 và gần 200 người nghi nhiễm, "Buddha bar" liên tục được xướng danh trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận phản ứng lại dấy lên đầy bức xúc.
 
Bài viết: "Buddha bar được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận?"
Ng.Huân/ Vườn hoa Phật giáo