Hà Nội: Lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương

Tối 19/9/2018, Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức (1888- 2018); kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm chùa Hương (1958-2018) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn- Chùa Hương diễn ra long trọng tại quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt cho quần thể Hương Sơn - chùa Hương.Ảnh: Vân Quảng Tâm
 
Tới dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Thiếu tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; về phía Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ Tịch TT HĐTS TƯGHPGVN ; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự GHPG VN, T/p Hà Nội; Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa TWGHPGVN; Thượng tọa Thích Minh Hiền – Phó ban Văn hóa TƯ GHPG VN, Trụ trì Tùng Lâm Hương Tích và đại diện Ban trị sự Hội Phật giáo TP Hà Nội cùng chư tôn đức, tăng ni, phật tử trong cả nước và nhân dân huyện Mỹ Đức tới dự.


Đại diện Ban trị sự Hội Phật giáo Việt Nam và TP Hà Nội dự lễ trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho quần thể Hương Sơn - chùa Hương. Ảnh Vân Quảng Tâm

 
Mở đầu buổi “Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương” là màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc được giàn dựng, hoành tráng đẹp mắt, tái hiện văn hóa truyền thống của vùng đất Phật chùa Hương. Chương trình được dàn dựng công phu với sự tham gia của 500 nghệ sỹ và nhân dân địa phương…

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, với thực cảnh quy mô lớn được thực cảnh trên mặt nước thiên nhiên với gần 100 con đò chở người và hoa đăng tạo nên bức tranh sống động về con người, cảnh sắc Hương Sơn. (Sân khấu do nhà hàng Mai Lâm Phật tử Chùa Hương chịu trách nhiệm thi công).


Chương trình nghệ thuật chào mừng buổi lễ Ảnh: Vân Quảng Tâm

 
Khu quần thể di tích Hương Sơn - Chùa Hương bao gồm chùa, động thờ Phật, đền thờ thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa gắn với sự tích, nơi tu hành đắc đạo của công chúa Diệu Thiện, tục gọi là “Phật Bà Chúa Ba” ứng thân Bồ Tát Quán Thế Âm là công chúa từ Ấn Độ sang Việt Nam tu hành 9 năm đắc đạo thành Phật (Vào đầu thế kỷ đầu tiên của Công nguyên) để diệt trừ cái ác, báo hiếu cha mẹ, phổ độ chúng sinh (Ngày Phật Đản là ngày 19 tháng Hai hàng năm). Người tìm ra động Hương Tích, dựng nên Thảo Am –Thiên Trù là do ba vị Hòa thượng thời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) kế tiếp xây dựng.

Sau đó vào nửa thế kỷ XVII thời Lê Trung Hưng, Hòa thượng Tần Đạo Viên Quang Chân Nhân đã đã chấn hưng cõi Phật Hương Sơn. Vào tháng 3 năm Canh Dần (1770) Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tuần du Trấn Sơn Nam đã vào động Hương Tích thắp hương vãn cảnh và đề lên vách đá cửa động 5 chữ: “Nam Thiên Đệ Nhất Động” tức “Động đẹp nhất trời Nam”. Nhưng mãi đến năm 1896 Niên hiệu Thành Thái năm thứ 8 mới chính thức mở hội lớn. Trịnh Sâm là người đã đưa vị thế động Hương Tích trở thành một di tích lớn. Những năm 1947, 1948, 1950, khu vực chùa Thiên Trù bị Pháp đốt phá và ném bom hủy thành đống tro tàn, đổ nát.

Đến nay quần thể di tích Hương Sơn - Chùa Hương đã trải qua 11 đời tổ sư, luôn được tu bổ và sửa chữa vẫn giữ nguyên giá trị về lịch sử và danh thắng, luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước về thăm quan trẩy hội Chùa Hương…

Lễ hội Chùa Hương kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm kéo dài lớn nhất cả nước đã thu hút hàng triệu lượt du khách thập phương về tham quan chiêm bái. Gần 6 thế kỷ qua, Chùa Hương đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc, tín ngưỡng đạo Phật mang màu sắc Việt Nam. Mỗi dịp xuân đến, lòng người xốn xang đã thôi thúc những con người xa xứ trong và ngoài nước, cùng thiện nam tín nữ và các phật tử trở về miền đất Phật, dâng nén tâm hương tỏ lòng thành kính, hòa cùng đất trời, thiên nhiên để cầu cho quốc thái, dân an, gia đình được ấm no hạnh phúc.

Phát biếu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết: Với chặng đường 130 năm thành lập huyện Mỹ Đức, 10 năm hợp nhất huyện về với Thủ đô Hà Nội, huyện Mỹ Đức đã đóng góp sức người sức của cho các cuộc chống giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước…

Cùng với việc giữ gìn, phát huy giá trị di tích danh thắng trên địa bàn, trong những năm qua, nhân dân huyện Mỹ Đức không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân tăng từ 6,6 triệu đồng/người năm 2008 lên 34,1 triệu đồng/người vào năm 2017; hạ tầng cơ sở về giao thông, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tại buổi lễ: “Mỹ Đức là vùng đất cổ, nơi có bề dày về lịch sử - văn hóa và truyền thống cách mạng rất đáng tự hào. Sau mở rộng địa giới hành chính theo NQ15 ngày 01/8/2008 của Quốc hội khóa 12, cùng với các huyện, thị xã của tỉnh Hà Tây, huyện Mỹ Đức đã trở thành 1 trong 30 đơn vị hành chính thuộc Thủ đô Hà Nội. Với lịch sử 130 năm xây dựng và trưởng thành, nhân dân huyện Mỹ Đức đã sáng tạo nên đời sống văn hoá đa dạng, đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm bề dày văn hoá, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội; đã bảo tồn và phát huy tốt các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, đồng thời đã nỗ lực cố gắng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của huyện.

Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính đã trở thành Thủ đô có diện tích lớn, đa dạng phong phú về địa hình, cơ cấu dân số, văn hoá xã hội. Đặc biệt là sự giao thoa và cộng hưởng của lịch sử văn hoá Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến với văn hóa xứ Đoài, trong đó có các danh lam thắng cảnh và hệ thống các di tích lịch sử có giá trị. Điều đó đã làm cho Hà Nội cũng là nơi có số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đứng đầu cả nước; trong đó, nhiều di tích đã được UNESCO vinh danh, được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ quyết tâm bảo vệ, phát huy giá trị để phát triển nơi đây không chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch văn hóa tâm linh đối với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mà còn là địa chỉ giáo dục về lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, TP. Hà Nội sẽ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát huy giá trị xứng tầm với di tích Quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận”…


Khu quần thể di tích Hương Sơn – Chùa Hương đã từng đón nhiều vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước về thăm. Đặc biệt cách đây tròn 60 năm, ngày 18/5/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Chùa Hương. Cố nhà báo lão thành Mai Thanh Hải đã ghi lại lời căn dặn của của Người: “Chùa chiền là nơi để tu luyện lòng nhân ái, đâu phải là nơi gieo rắc những điều mê tín lạc hậu. Chùa Hương là nơi cảnh đẹp, ta phải biết quý trọng mà gìn giữ, vun đắp cho con cháu mình được thưởng thức, thêm yêu quê hương đất nước.

Phải chăm lo việc chỉ đạo việc khôi phục khu vực Chùa Hương, nhất là phải có sự vun trồng đạo đức con người làm cho mọi người đi thăm Chùa Hương thêm yêu đất nước quê hương, giúp nhau vượt qua nghèo đói và khó khăn để cùng được sống yêu thương, no ấm, lành mạnh…Cần xây lại chùa, cần trồng thêm nhiều cây cho mát, nhưng quan trọng hơn hết là xây đạo đức lối sống với nhau đoàn kết, thuận hòa, chăm lo cho hạnh phúc của gia đình và cho mọi người chung quanh mình”…


Tới nay khu di tích Hương Sơn – Chùa Hương luôn được thường xuyên chăm lo giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị quý báu của cha ông để lại. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với thắng cảnh Hương Sơn – Chùa Hương.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch quốc gia đặc biệt tới lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức và nhà chùa.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao lẵng hoa chúc mừng cho huyện Mỹ Đức. Ảnh: Vân Quảng Tâm
 
Bài viết: "Hà Nội: Lễ đón nhận di tích quốc gia đặc biệt Chùa Hương"
Minh Xuân – Vân Quảng Tâm