TP.HCM: Lễ húy nhật lần thứ 39 cố HT.Thích Trí Hải

Sáng nay, 19-7, tại chùa An Lạc (Q.1, TP.HCM), môn đồ tổ đình Tế Xuyên tại miền Nam thành kính làm lễ húy nhật lần thứ 39 ngày cố HT.Thích Trí Hải viên tịch.

 

Chân dung HT.Thích Trí Hải

Nghi thức tưởng niệm tổ chức trang nghiêm theo truyền thống nghi lễ thiền môn đất Bắc. Chư tôn đức Tăng Ni thuộc sơn môn Tế Xuyên và các sơn môn khác tại TP.HCM đã vân tập tại chánh điện tụng kinh và cầu nguyện giác linh cố Hòa thượng. Sau thời kinh của đại chúng, chư sơn đã làm lễ tiến giác linh cố Hòa thượng tại tổ đường chùa An Lạc.

Cố HT.Thích Trí Hải là một danh Tăng trong phong trào chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX của miền Bắc. Ngài sinh năm 1906 tại Hải Hậu, Nam Định. Năm 17 tuổi, ngài xuất với HT.Thích Thông Dũng, chùa Mai Xá (Hà Nam). Năm 20 tuổi, Hòa thượng được Bổn sư cho thọ giới Tỳ-kheo và theo học hạ suốt 5 năm.


Chư tôn đức Tăng Ni tụng kinh cầu nguyện

Là một người với tư chất thông minh, ngài đã dùng mọi phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Năm 19 tuổi (1925) Hòa thượng đã cùng với một số vị Tăng trẻ thành lập Đoàn Thanh niên Tăng lấy tên là Lục hòa Tịnh lữ. Năm 1932 Hòa thượng cùng với chư Tăng và cư sĩ Phật tử thành lập Ban Phật học Tùng thư để nghiên cứu, phiên dịch và ấn hành kinh sách với mục đích truyền bá giáo lý.

Năm 1934 nhận thấy phong trào chấn hưng Phật giáo toàn miền Bắc cần phát triển sâu rộng, Hòa thượng đã cùng với chư Tăng và Phật tử có đạo tâm, uy tín tiếp nhận chùa Quán Sứ làm trụ sở trung ương và thành lập Hội Phật giáo Bắc Kỳ. Nhận thấy chùa Quán Sứ không đủ điều kiện của một trung tâm hoằng pháp, giáo dục và xứng tầm một trụ sở trung ương của phong trào chấn hưng Phật giáo, năm 1936 Hòa thượng quyết định đại trùng tu xây dựng mới và tự tay phác họa bản vẽ sơ thảo với quy mô kiến trúc kiểu mới. Hòa thượng đã vận động xây dựng chùa Quán Sứ trong diện mạo mới còn tồn tại đến ngày nay. Cũng trong năm này Hòa thượng thành lập Tăng học đường tại chùa Bồ Đề (Long Biên) và tạo mãi 50 mẫu đất ruộng để có nguồn kinh tế tự túc cho Phật học đường.

Trong suốt những năm sau, Hòa thượng cùng với các ngài Tuệ Tạng, Tố Liên, Cư sĩ Thiều Chửu… mở các trường học, lớp giáo lý để đẩy mạnh phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1951, Phật giáo 3 miền họp tại chùa Từ Đàm (Huế) thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam. HT.Thích Tịnh Khiết được cung thỉnh làm Hội chủ. HT.Thích Trí Hải được đại hội suy cử làm Phó Hội chủ.

Năm 1952, Giáo hội Tăng già Việt Nam được thành lập tại chùa Quán Sứ; đại hội đã suy tôn HT.Thích Tuệ Tạng làm Thượng thủ và suy cử HT.Thích Trí Hải làm Trị sự trưởng.

Năm 1954, Hòa thượng về Hải Phòng vận động xây dựng chùa Phật giáo Hải Phòng. Và đây cũng là nơi lưu trú ngài đến cuối đời.


Nghi thức Tiến giác linh

Ngoài thời gian dấn thân cho phong trào chấn hưng Phật giáo, với các Phật sự tạo dựng và kiến thiết cơ sở cho Phật giáo, Hòa thượng còn dành nhiều thời gian cho công tác phiên dịch, trước tác, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cao. Hòa thượng cũng dành thời gian viết hơn 200 bài báo cho các tờ báo Đuốc Tuệ, Tinh Tiến, Phương Tiện…


HT.Thích Thanh Tùng đọc lời tưởng niệm Tổ sư và tác bạch cúng dường trai Tăng

Năm 1979, sau khi vào miền Nam thăm các đệ tử tại chùa An Lạc và các học trò tại các ngôi tự viện, ngài trở về Bắc và lưu trú tại chùa Phật giáo Hải Phòng. Thuận theo vô thường, Hòa thường đã viên tịch vào ngày 7-6-Kỷ Mùi, thọ 74 tuổi, 54 hạ lạp.

Cố HT.Thích Trí Hải được đánh giá là một trong những vị cao Tăng trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo nửa đầu thế kỷ XX, với những đóng góp to lớn bậc nhất trong nền lịch sử Phật giáo nước nhà. Ngài được hàng hậu học xem là một bậc long tượng chốn thiền môn với đầy đủ đức tính “đạo, học, hạnh, nghị”.

Bài viết: "TP.HCM: Lễ húy nhật lần thứ 39 cố HT.Thích Trí Hải"
P.Đăng - V.Giang/ Vườn hoa Phật giáo