Bogor Botanical, Indonesia: Trải nghiệm thiền cùng tăng thân Làng Mai

Chư tôn đức tăng già Phật giáo bản địa và tăng thân Làng Mai, những thanh thiếu niên phật tử tu viện Vihara Buddhasena, Bogor tổ chức kỷ niệm Đại lễ Vesak PL.2560, dịp này Pháp sư Dharmavimala, thầy Bhante Nyanabhadra và tăng thân Làng Mai tổ chức buổi trải nghiệm thiền hành trong khu vườn nhiệt đới Bogor Botanical, thành phố Bogor, Indonesia. Sự kiện này được diễn ra ngày 04/06/2016.

Pháp sư Dharmavimala chia sẻ rằng: “Sự kiện trải nghiệm thiền hành trong khu vườn nhiệt đới Bogor Botanical để giới thiệu về Phật giáo giáo Bogor, phương pháp thực hành thiền định theo sự hướng dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. 
 

Hơi thở chánh niệm là một phép thực tập căn bản trong truyền thống thiền. Không mấy ai thành công trên con đường thiền tập mà không đi qua ngưỡng cửa này. Thực tập hơi thở có ý thức là mở các cửa chỉ và quán để đi vào thế giới của định và tuệ. Thiền hành là phép tập thiền rất đơn giản và dễ chịu. Chúng ta phối hợp hơi thở với bước chân. Khi thở vào, chúng ta có thể bước hai hoặc ba bước, tùy theo nhu yếu của hai lá phổi ta. Thở ra cũng như thế. Chú tâm vào lòng bàn chân, đi từng bước vững chãi, thực sự tiếp xúc với mặt đất và đi thật tự nhiên. 

Chúng ta có thể đi thiền nhiều lần trong một ngày. Khi di chuyển đi đâu, chúng ta cũng có thể tập đi thiền được. Thiền đi giúp chúng sống từng giây phút thực tại. Khi đi, chúng ta cần giữ im lặng. Nếu cần nói gì, thì hãy dừng chân. Khi vô sự, đi thiền sau vài mươi phút chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và an vui hơn, rất cần thiết để chúng ta đạt tới sự vững chãi và thảnh thơi".

Pháp sư Dharmavimala tuổi Nhâm Dần, nay 54 tuổi, thế phát xuất gia với Trưởng lão Hòa thượng Ashin Jinarakkhita, người góp phần hồi sinh Phật giáo Indonesia. Pháp sư Dharmavimala từng là Giám đốc Phật giáo Ekayana (Ekayana Buddhist Centre). 

Thập niên 90 cuối thế kỷ 20, pháp sư Dharmavimala sang Làng Mai, Pháp quốc cầu pháp y chỉ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Từ đó pháp sư Dharmavimala truyền bá tư tưởng đạo Phật hiện đại hóa (Actualised Buddhism), đạo Phật dấn thân, đạo Phật ứng dụng qua dòng tu Tiếp Hiện tại Indonesia.

Ông Bima Arya Sugiarto, thị trưởng thành phố Bogor hiện diện trong sự kiện khai mạc chương trình trải nghiệm thiền hành vì hòa bình (Peace Walk). 

 

Khoảng gần 300 cư sĩ phật tử tham gia sự kiện này. Bắt đầu buổi trải nghiệm thiền hành trong khu vườn nhiệt đới Bogor Botanical, thầy Bhante Nyanabhadra chia sẻ rằng: “Những người tham gia chương trình trải nghiệm thiền hành vì hòa bình (Peace Walk), từng bước chân an lạc, hòa nhịp cùng hơi thở chánh niệm. Ý thức rõ rệt từng bước chân ta xúc chạm với mặt đất hòa nhịp cùng với hơi thở. Hít vào ta bước chân trái, chân phải, chân trái. Thở ra ta bước chân phải, chân trái… chân phải… và cứ đều đặn như thế. Khi ấy ta sẽ cảm nhận được sự an lạc thảnh thơi trong từng bước chân đi. Thực tập thường xuyên đến một lúc nào đó ta sẽ thấy:

Hạnh phúc là khi biết buông
Là không tham đắm vui buồn thế gian
Hạnh phúc chân thật dịu dàng
Bước chân tĩnh lặng mênh mang đất trời.


Chánh niệm là sự tỉnh giác, biết rõ hoạt động của thân, của tâm và những gì quanh ta như nó đang là mà không khởi tâm phân biệt.

 

Và cứ thế trong chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ nhận ra sự chuyển hóa trong tâm ta. Ta không còn thái độ tiêu cực trong cuộc sống. Ta sẽ cố gắng sống tốt hơn theo lời Phật dạy. Ta sẽ thương yêu mọi người quanh ta hơn. Nhân cách ta ngày càng hoàn thiện hơn và đó chính là sự nhiệm mầu của quán niệm hơi thở”. Trong thiền hành tại khu vườn nhiệt đới Bogor Botanical, các hành giả thưởng thức không khí trong lành, bầu trời trong mát dụi, những áng mây bay bãng lãng, những hàng cây xanh ngút ngàn hòa với tiếng chim hót lếu lo, cảm giác thật sảng khoái khi kết thúc buổi thiền hành với những tiếng chuông mầu nhiệm.
 
Vân Tuyền