Khai quật bất hợp pháp các di tích Phật giáo

Khi phiến quân Taliban bị trục xuất ra khỏi khu vực Tây bắc Swat của Pakistan, nhiều người nghĩ rằng đó sẽ là điều tốt đẹp cho khu vực di sản Phật giáo cổ xưa này, vốn đã từng là mục tiêu tấn công của phiến quân.


Tuy nhiên, mối đe dọa mới đã nổi lên cho địa danh có từ nhiều thế kỷ nay từ những cuộc khai quật bất hợp pháp của các nhà khảo cổ nghiệp dư và các băng nhóm tội phạm - đang giành quyền cạnh tranh để khai quật những di tích có giá trị hàng triệu đô-la ở nước ngoài này.

"Đây là lịch sử của chúng tôi bởi vì trong quá khứ chúng tôi cũng là những Phật tử. Đây là di sản văn hóa và tương lai của một quốc gia được dựa trên các di sản văn hóa", ông Abdul Azeem, Phó Giám đốc Cơ quan Khảo cổ Pakistan ở Islamabad nói.

Chứng tích nghệ thuật và văn hóa Phật giáo có thể được tìm thấy hàng tá tại các địa điểm ở Tây bắc Pakistan, trong sự tương phản rõ rệt với quá khứ đầy khoan dung của nó là nanh vuốt của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Phe Taliban đã tìm cách xóa sạch các dấu vết của nền văn minh Gandhara đã tồn tại 2.000 năm trước, giai đoạn Phật giáo rất phát triển trong khu vực tiểu lục địa.

Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan rất thù địch với các di sản tiền Hồi giáo và muốn xóa bỏ nó. Ở Afghanistan, họ đã phá hủy hai tượng Phật điêu khắc khổng lồ vào năm 2001.

Hành động này được lặp đi ở Pakistan vào năm 2007, khi phiến quân cho nổ tung khuôn mặt của Đức Phật được khắc trên một tảng đá 1.500 năm tuổi trong khu vực Jahanabad Swat, và đã bị lên án ở cả trong và ngoài nước.

"Sự hủy hoại tượng Phật của Taliban là một mất mát lớn đối với di sản của chúng tôi. Sau đó họ còn gửi máy bay ném bom tự sát tấn công Bảo tàng Swat trong hoạt động quân sự năm 2009", Azeem nói.

Cuộc tấn công đã buộc các cơ quan có thẩm quyền phải di chuyển các kho báu khảo cổ quý hiếm từ Swat đến Islamabad. Chúng đã trở về tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa trong năm nay và được đưa trở lại bảo tàng.

Sự phá hoại cũng đã đánh trúng vào ngành công nghiệp du lịch của khu vực một thời phát triển. Hình ảnh Đức Phật cao 6 mét là một trong những điểm thu hút chính đối với du khách trong và ngoài nước từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan trước khi quân nổi dậy kiểm soát khu vực này vào năm 2007.

Ngoài việc phá hủy các hệ thống di tích, Taliban cũng đã cho ngừng việc đào bới tại các địa điểm ở Swat để giữ cho quá khứ không phải Hồi giáo này khỏi bị chôn vùi.

Cuộc tấn công của quân đội năm 2009 đã quét sạch phiến quân và các bước thực hiện nhằm phục hồi các địa điểm bị hư hỏng và công trình điêu khắc Jahanabad đang được khôi phục bởi một nhóm các nhà khảo cổ Ý. Nhưng không có biện pháp gì được thực hiện nhằm kiểm tra các cuộc khai quật bất hợp pháp đang được khởi động lại.

"Tôi nghĩ rằng việc đào bới bất hợp pháp các cấu trúc lịch sử đã gia tăng sau sự sụp đổ của phe Taliban. Trước đây, Taliban đã cấm và nghiêm trị những ai dính líu đến nó", ông Nasir Khan, một quan chức cao cấp tại Bảo tàng Taxila, một trong các kho lưu trữ chính các hiện vật của thời kỳ Gandhara, cho biết.

Sự thờ ơ của các quan chức, vấn đề tham nhũng và địa thế núi non đã làm cho các cuộc khai quật nhỏ và bí mật trở nên dễ dàng.

Azeem cho biết chính quyền địa phương thời hậu Taliban không chia sẻ lòng căm thù các di tích lịch sử tiền Hồi giáo với các phiến quân.

"Yếu tố tham nhũng có thể không được loại trừ nhưng không nên có sự đồng lõa chính thức trong các cuộc khai quật bất hợp pháp", ông nói. "Các quan chức biết rằng đó là điều trái pháp luật và họ nên có hành động chống lại những người dính dáng đến nó".

Người ta cho rằng cư dân địa phương và bọn trộm cướp bên ngoài đã tham gia vào việc khai quật trái phép. Hiện vật bị đánh cắp được bán và được gửi đến cảng miền nam Karachi.

Các đầu nậu quốc tế cùng tham gia với bọn buôn lậu sau đó vận chuyển các di tích hiếm hoi này tới châu Âu hoặc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Cảnh sát ở Karachi đã chặn một chiếc xe tải hôm 8-7, thu hồi hơn 300 hiện vật và bắt giữ hai người đàn ông.

Các cơ quan chức năng sau đó đã đột kích một tòa nhà trong quận Korangi của thành phố và bắt giữ một số lượng các hiện vật nhỏ và hai thùng chứa các tác phẩm điêu khắc khổng lồ nặng hơn 5 tấn.

Qasim Ali Qasim, giám đốc Sở khảo cổ học tỉnh Sindh, cho biết các hiện vật thuộc về thời đại Gandhara, nhưng tuổi chính xác của chúng sẽ được xác định sau khi phân tích.

"Các hiện vật thu hồi được thật sự là vô giá, nhưng ước tính trên thị trường chúng có giá trị hơn 10 triệu USD", ông nói.

Shabir cho biết cảnh sát điều tra ban đầu cho thấy mối liên kết giữa những người sống ở Islamabad và những người sống vô luật lệ của tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa lân cận, nơi mà phần lớn các địa điểm đều thuộc vào thời kỳ Gandhara, bao gồm cả những tàn tích của Swat.

An ninh được cải thiện kể từ khi phiến quân bị đuổi ra khỏi nơi đây đã làm tăng số lượng người đến tham quan những thung lũng phủ đầy thông và các ngọn núi đầy tuyết trắng của Swat.

Việc lật đổ Taliban có thể đã bảo tồn các di tích khỏi sự phá hoại tôn giáo nhưng nó cũng đã dẫn đến sự gia tăng việc những người đang tìm kiếm vận may săn tìm các hiện vật quý hiếm.

"Bây giờ tất cả mọi người đều có thể đến đó mà không hề bị kiểm soát", ông Nasir Khan thuộc Bảo tàng Taxila nói.