Lễ tắm Phật trong Tết cổ truyền của các nước Đông Nam Á

Vào giữa tháng 4, các quốc gia theo đạo Phật ở khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar lại nô nức đón năm mới với nhiều hoạt động đặc sắc khác nhau. Trong đó, tắm Phật là một trong những nghi lễ quan trọng và không thể thiếu tại các quốc gia này.


 
Tại Việt Nam, cùng với tết Nguyên Đán, còn có Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hay còn gọi là “Mừng năm mới” của đồng bào dân tộc Khmer. Lễ tết này thường diễn ra trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng 4 Dương lịch (tức đầu tháng Chét của người Khmer).

Trong giai đoạn này các nước Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar cũng tổ chức làm lễ vào năm mới nhưng thời gian chênh lệch nhau một vài ngày. Tùy theo mỗi quốc gia mà tên gọi cũng khác nhau, ở Thái Lan gọi là Songkran, ở Lào gọi là Bun Pi May, Campuchia cũng gọi cùng tên với người Khmer Nam Bộ, tức là Chôl Chnăm Thmây, còn ở Myanmar thì gọi là Thingyan.

Mặc dù nghi lễ Lễ tắm Phật trong Tết cổ truyền ở mỗi quốc gia lại có tên gọi và những tập tục rất riêng mang đậm văn hóa mỗi vùng. Tuy nhiên, đều mang ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính đối với đức Phật và đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ, cầu mong một năm mới nhiều may mắn và an lành sẽ đến.

1. Lễ tắm Phật cầu an của người Khmer (Việt Nam)

Theo quan niệm truyền thống của đồng bào Khmer, ngày lễ chính của Tết Chôl Chnăm Thmây được gọi là ngày Lơng săk - ngày lễ tắm Phật. Trình tự lễ trong ngày lễ chính sẽ bắt đầu bằng việc phật tử vân tập về chánh điện chùa Khmer, chuẩn bị đồ lễ, thức ăn, dâng nước, hoa, thắp nến và làm lễ dâng hoa cúng dường Đức Phật tại Phật điện.

Các vị sư, chư tăng, phật tử làm Lễ bái Tam Bảo, tụng kinh Tam Bảo, sám hối trước Đức Phật. Với đức tin sâu nơi Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), Lễ bái Tam Bảo cầu mong sự tiến bộ, lợi ích, sự an vui lâu dài của mọi người và trong lễ, chư tăng sẽ ban phép 3 quy 5 giới, tụng kinh cầu an, kinh hộ trì tới gia quyến, ban nước phép cho phật tử, ban Pháp bảo cho phật tử.
 
Các nhà sư và Lãnh đạo BQL Làng VHDL các DTVN thực hiện nghi thức tắm Phật
 
Tiếp đó là nghi thức tắm Phật tại chánh điện. Theo quan niệm, nghi thức tắm Phật để tỏ lòng biết ơn Đức Phật, đồng thời gột rửa mọi điều không may mắn của năm cũ, bước sang năm mới mọi sự như ý. Các nhà sư sẽ dùng nước tinh khiết có ướp cánh hoa thơm ngát tắm cho Đức Phật, cùng với nghi thức đó, các nhà sư, chư tăng, phật tử thành tâm khấn nguyện cầu mong Đức Phật, chư thiên gia hộ cho mọi người được dồi dào sức khỏe, cuộc sống an lành, đạt được những điều ước nguyện. [1]
 

Các phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật 

 
2. Tắm Phật trong lễ hội Songkran (Thái Lan)

Vào những ngày này, các ngôi chùa đều được trang trí với hoa và cờ từ sớm. Các bức tượng Phật được đặt ngoài hiên trong bồn nước hương với những đóa hoa muồng hay hoa phong lan trang trí trên mình tượng và dưới chân. Các cội bồ đề và vị hộ pháp cũng được trang trí bằng hoa. 
 

 
Sau nghi lễ dâng hương trong chùa, ai cũng thành tâm tưới nước thơm hay nước tinh khiết lau chùi tượng Phật, tỏ lòng thành kính và cầu may mắn cho năm mới.
 

 
Nghi thức tắm Phật giản đơn nhưng rất thành kính. Phật tử xếp hàng lần lượt đến trước tượng, cúi lạy để tỏ lòng thành kính rồi cầm chiếc gáo nhỏ múc nước hương thơm rưới lên tượng Phật. Ba gáo nước tắm Phật là lúc gột rửa cho ba ác nghiệp của bản thân trong hành động, lời nói và ý nghĩ. Khi tắm Phật cũng là lúc thành tâm nhất. Theo thứ tự trong gia đình, người lớn tuổi làm trước, rồi đến con cái và các cháu.

3. Lễ hội tắm Phật tại Lào

Tắm Phật - nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật, là một hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết Bunpimai ở Lào. Vào những ngày này, chùa chiền được trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Tượng Phật được rước ra đặt ở sân để người dân thực hiện nghi lễ tắm Phật. Họ cung kính vẩy nước thơm lên các bức tượng. Nước thơm này được chế từ nước, nghệ, dầu thơm và cánh hoa đoọc khun (hoa bò cạp vàng), loài hoa vàng duyên dáng nở rộ khắp nơi trên đất Lào đúng dịp Bunpimai. [2]
 
 
 
Người Lào tin rằng lễ hội này mang lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người.

4. Tắm Phật trong lễ hội Chual Chnam Thmey (Campuchia)

Lễ tắm Phật là một trong những nghi lễ được tổ chức vào ngày cuối cùng (Lơm săk) của ngày hội Chôl Chnam Thmey của người dân Campuchia.
 

 
Ngày này, người dân sẽ dâng cơm và làm lễ tắm Phật. Sau khi nghe thuyết pháp, đến chiều người dân sẽ đốt đèn, dâng lễ vật, đưa nước có ướp thơm đến tắm tượng Phật nhằm gột rửa mọi điều không may của năm cũ, đón năm mới. Sau đó, người dân đến đón các nhà sư tới nghĩa trang để thực hiện lễ cầu siêu cho những người đã khuất. Sau khi kết thúc ai về nhà nấy, tắm tượng Phật ở nhà và dâng cỗ chúc phúc đến ông bà, cha mẹ.

5. Tắm Phật trong lễ hội té nước Thingyan (Myanmar).

Lễ tắm Phật tại Myanmar được diễn ra vào ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ. Mọi người lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, chuẩn bị nước thơm và hoa. Vào buổi chiều, người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo, cầu mong sức khỏe và hạnh phúc cho cả năm. 
 

 
Sau đó, họ rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.
 
Hồng Yến - Vườn hoa Phật giáo

Chú thích
[1] - Trích theo http://vinaculto.vn/vn/village/32/sub/221/don-tet-co-truyen-chol-chnam-thmay-cua-dong-bao-khmer-tai-lang.aspx
[2] - Link: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/anh/le-hoi-tam-phat-tai-lao-2131042.html