Phật tử Myanmar xuất gia gieo duyên trong dịp Tết cổ truyền

Trong khi nhiều người ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á chào đón Tết cổ truyền Phật giáo trong lễ hội té nước thì các Phật tử ở Myanmar xem đây là dịp để tham gia vào các hoạt động tâm linh. Rất nhiều nữ giới đã đến chùa xuất gia gieo duyên trong tuần nghỉ Tết cổ truyền.


Gia đình và bạn bè đến tham dự lễ xuất gia gieo duyên của người thân ở Yangon 

 
Các hoạt động chào đón Tết cổ truyền được gọi là Thingyan trong tiếng Myanmar, nghĩa là “sự thay đổi” từ năm cũ sang năm mới. Người dân Myanmar tham gia lễ hội té nước với hy vọng rửa sạch bệnh tật, điềm xấu, họ tắm mình trong nước cầu nguyện cho hòa bình, sức khỏe, hạnh phúc và thịnh vượng.

Tết cổ truyền không chỉ tràn ngập niềm vui mà còn là cơ hội để người dân bày tỏ thành kính với Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) như tụng kinh, nghe pháp, tắm Phật và cung kính các vị trưởng lão. Ngoài ra, rất nhiều thiếu nữ và phụ nữ tuổi trung niên dành tuần Tết truyền thống tham gia xuất gia gieo duyên, bày tỏ tâm nguyện hướng đạo và trải nghiệm nếp sống tu viện.
 
Nữ Phật tử với nhiều độ tuổi và tầng lớp xã hội có thể xuất gia gieo duyên 7 ngày trong lễ Thingyan 

Trong ngày đầu tiên của Tết cổ truyền, những người phụ nữ tham gia xuất gia gieo duyên và gia đình họ đã đến diện kiến các Tu nữ hàng trưởng lão để được ban phước lành trước khi cạo tóc và đắp y. Một số phụ nữ cảm thấy khó khăn trong việc cạo tóc nhưng đó là một phần trong trải nghiệm đời sống xuất gia.

“Việc cạo tóc khi xuất gia nhắc nhở chúng ta mái tóc không giúp người tu tiến đạo. Khi còn mái tóc, chúng ta thường để ý việc làm đẹp mái tóc và thân thể, khi mái tóc bị cắt đi, chúng không còn giá trị gì nữa” - theo giáo sư Yuzana Nyani, giảng sư tại trường Đại học Quốc tế Phật giáo Nam truyền.

Giải thích ý nghĩa trọng đại của việc xuất gia gieo duyên, bà chia sẻ: “Nói đến Thingyan, mọi người thường nghĩ đến lễ hội và té nước, nhưng niềm vui đó chỉ là giải trí tạm thời. Còn với Ni chúng, việc xuất gia làm Tu nữ là quý báu. Chúng tôi thực sự bình yên”. 

Đời sống nữ tu sĩ Phật giáo không hề đơn giản mà phải nghiêm trì giới luật, thiền định và ăn chay. Venus, 10 tuổi, xuất gia tại Ni viện Yangon (hay Rangoon), chia sẻ ngày đầu tiên là khó khăn nhất vì cô thường cảm thấy đói. Nhưng ngày hôm sau thì tốt hơn, cô tự hào rằng mình đã có thể “an định” trong ngày hôm sau. May Thet Chayay, 12 tuổi, cũng xuất gia tại Ni viện Yangon hy vọng cô có thể báo hiếu cha mẹ mình từ việc xuất gia gieo duyên.

Số lượng phụ nữ xuất gia gieo duyên trong tuần Tết Thingyan tăng lên mỗi năm. Khi được hỏi về nguyên nhân, giảng sư Daw Vijjesi của Ni viện Yangon giải thích: “Vì nhiều người tin rằng xuất gia làm Tu nữ là bình yên và trở thành tu sĩ là việc làm thoát tục, cao quý và có ý nghĩa. Đó là niềm hoan hỷ mà mỗi người phải tự trải nghiệm”.
 
 
Buổi lễ bắt đầu khi các vị Tu nữ thuyết giảng và những người xuất gia gieo duyên cầu nguyện 
 
Phụng sự Phật pháp với tư cách là Tăng, Ni là lý tưởng của mỗi Phật tử Myanmar vì việc thế phát xuất gia là một cách tạo phước đức và bước gần hơn đến Niết-bàn, nơi không còn sự khổ đau.

Khi mọi người trên khắp cả nước đón Tết cổ truyền Thingyan với niềm vui hội hè và những hình ảnh của lễ hội té nước được đăng lên mạng xã hội, quý Tu nữ ở Yangon đón Tết cổ truyền với lòng mến đạo và bình yên trong tâm hồn.
 
Venus, giữa, và các sư phụ của cô, Daw Vijjesi, hình trái, và giảng sư Yuzana Nyani