Tìm lại các giá trị Phật giáo trong một xã hội vật chất

Trong tháng 6, nhiều lễ kỷ niệm được tổ chức để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật giác ngộ.

Trong một hội nghị, hàng trăm Tăng Ni và Phật tử đã thảo luận về giá trị của tín ngưỡng và những thách thức trong xã hội hiện đại. Những rủi ro của toàn cầu hóa, việc thúc đẩy một hệ thống giáo dục có khả năng hình thành những công dân tốt.
 

Đi ngược lại với chủ nghĩa vật chất đang phổ biến trong xã hội hiện đại, những tìm kiếm hão huyền về tiền bạc, của cải thế gian và cuộc khủng hoảng tinh thần ngày càng lan rộng, Phật tử Thái cho rằng "con đường giác ngộ" được chỉ ra bởi "Đấng Giác ngộ" là cách duy nhất để tạo ra "một thế giới hòa bình".

Cũng nhân dịp lễ kỷ niệm, các Phật tử muốn thúc đẩy các cuộc mít-tinh và các sự kiện nhằm tăng cường vai trò trung tâm của niềm tin và tôn giáo trong đời sống của dân tộc. Thái Lan, trên thực tế, trong những năm gần đây đã thúc đẩy một nền chính trị tập trung vào kinh tế, sự thành công của cá nhân, trong khi bỏ qua các yếu tố tâm linh và tôn giáo.

Các vụ scandal đã ảnh hưởng đến một vài tu viện, sự hòa hợp dân tộc và tình trạng học sinh bỏ học gia tăng. Đối với các nhóm và cá nhân đang tìm cách nâng cao giá trị của tôn giáo thì giáo lý của Đức Phật vẫn còn cần thiết cho hòa bình, sự hòa hợp quốc gia và quốc tế.

Từ ngày 4 đến 30-6 trên toàn Thái Lan, lễ kỷ niệm 2.600 năm ngày Đản sinh của Đức Phật đã được tổ chức. Vào ngày cuối cùng, phong trào "Vũ đài Quần chúng" đã mở một cuộc mít-tinh tại Trung tâm Phật giáo Buddhamonthon ở Bangkok với sự tham dự của hàng trăm người, bao gồm cả Tăng Ni và Phật tử.

Trọng tâm của cuộc mít-tinh là thảo luận giá trị của tôn giáo trong quá khứ và hiện tại, cùng với những cách thức nhằm khuyến khích và thúc đẩy Phật giáo trong xã hội Thái Lan. Vai trò của trường học và các cơ sở giáo dục cần được tăng cường, thúc đẩy việc học giáo lý của Đức Phật trong học sinh và giá trị của Giáo pháp đối với cuộc sống đương đại.

Có khoảng 62,8 triệu người đang sống ở Thái Lan, trong đó 10 triệu người sống tập trung ở Bangkok. Gần 95% người Thái là Phật tử, 4% là người Hồi giáo (đặc biệt ở phía Nam) và 1% theo Ki-tô giáo (khoảng 300.000 người). Vì lý do này, Thái Lan vẫn được coi là trung tâm tôn giáo của thế giới, với trên 33 ngàn tu viện và Tăng Ni trên khắp cả nước, ngay cả khi nó đang trong giai đoạn của cuộc khủng hoảng sâu về đức tin và việc thờ phụng.

Đối với nhà phê bình nổi tiếng Somchai Preeechasilp, nguyên nhân nằm ở sự phát triển về vật chất, kết hợp với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra nghiêm trọng. Toàn cầu hóa, ông nói, đã đặt ra những thách thức đối với các nguyên tắc của Phật giáo, các giá trị và đạo đức mà mọi người nên sử dụng nhằm củng cố tâm linh.

Prapapatra Niyom, Giám đốc Buddha Path School (BPS), giải thích rằng các thiết chế xã hội phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển tất cả các khía cạnh con người nơi mỗi học sinh như: vật lý, tâm thần, cảm xúc và xã hội. Cần phải phát triển hệ thống giáo dục mầm non cho trẻ nhỏ, với mục tiêu hình thành cho trẻ, những con người được giáo dục và đào tạo với một khả năng tốt nhất để đại diện cho tương lai của đất nước. Từ khi còn nhỏ, trẻ buộc phải đọc lời cầu nguyện vào buổi sáng, thiền quán về những lời dạy của Đức Phật ít nhất năm phút mỗi ngày và sử dụng nó một cách tối đa trong giải quyết các vấn đề hàng ngày.

Như trường hợp của em Saifon, mù từ khi mới sinh nhưng luôn muốn được "tỉnh sáng" bằng cách làm theo các điển hình của "Đấng Từ phụ". Hay một sinh viên cao đẳng tên là Yarnapatra Yodkaew luôn luôn ghi nhớ 3 đức tính của một người Phật tử, đó là: giữ gìn những lời dạy của Đấng Giác Ngộ, tìm kiếm sự an tĩnh trong thiền định và trí tuệ để hiểu con đường phía trước khi giải quyết một vấn đề hoặc một thách thức.