Chủ đề trung tâm Vesak 2014: Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ

Được sự chấp thuận của chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Vam cùng với sự phối hợp tổ chức của Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản (Vesak) lần thứ hai tại cố đô Hoa Lư, Trung tâm Phật giáo Tràng An, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Đại lễ Vesak hay còn gọi đại lễ Tam hợp là lễ hội văn hóa Phật giáo trên toàn cầu được hội đồng Bảo an LHQ công nhận vào ngày 15/12/1999 là lễ hội văn hóa tôn giáo thế giới, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại của đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết bàn. Đại lễ Phật đản LHQ được tổ chức lần đầu tiên tại New York vào năm 2000. Tính đến nay đã qua 11 lần tổ chức, Việt Nam là nước thứ hai sau Thái Lan vinh hạnh đăng cai tổ chức sự kiện trọng đại này. Đây là cơ hội để Phật giáo Việt Nam giới thiệu về những di sản văn hóa của dân tộc, truyền bá những lời dạy cao quý của đức Phật về bình đẳng, từ bi, hòa hợp và hiểu biết vì lợi ích của nhân sinh. Đây là sự kiện quan trọng góp phần tích cực, nêu cao tinh thần tương tác, giao lưu văn hóa Phật giáo cũng như các giá trị đạo đức tâm linh giữa các quốc gia và cộng đồng Quốc tế trên toàn thế giới.

Đại lễ Vesak lần này, BTC quyết định lấy chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ” với 5 diễn đàn hội thảo khoa học qua 5 chủ đề thiên niên kỷ như sau:

1. Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội (Buddhist Response to Sustainable Development and Social Change)

2. Hồi ứng của Phật giáo đối với việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường (Buddhist Response to Global Warming and Environmental Protection).

3. Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh (Buddhist Contributions to Healthy Living)

4. Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn (Peace-building and Post-Conflict Recovery)

5. Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học (Buddhist Education and University Level Curriculum)

Đây là năm chủ đề mang tính thời đại, gắn liền với truyền thống và văn hóa Việt Nam. Điều này cho thấy sự đóng góp to lớn của đạo Phật Việt Nam vào trong dòng chảy của lịch sử dân tộc cũng như toàn thế giới mà đại Hội đồng LHQ đang quan tâm.

Với 5 chủ đề trên, BTC đã nhận được trên 300 bài tham luận khoa học từ các học giả, nhà nghiên cứu của các nước trên thế giới gửi về và đã xuất bản các tập sách dưới dạng song ngữ Việt – Anh. Điều đó cho thấy các chủ đề BTC chọn lựa mang tính xã hội rất cao, cũng chứng minh một điều rằng, tư tưởng và triết lý đạo Phật có khả năng đóng góp to lớn vào công cuộc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cho sự phát triển của toàn thế giới ở tương lai.

1. Đối với chủ đề “Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội” đã thu hút số số lượng lớn người thực hiện tham gia nghiên cứu. Theo đó, vai trò của Phật giáo về tính bền vững và thay đổi xã hội ở tương lai tốt hơn đã trở thành điều kiện nồng cốt mà mọi người, mọi giới đang quan tâm.

Giáo sư K.T.S. Sarao đã nhấn mạnh vấn đề  “Những cản trở trong phát triển bền vững và thay đổi xã hội: Phê bình của Phật giáo về chủ nghĩa tư bản hiện đại và toàn cầu hóa”. Ông chỉ ra sự vắng mặt về nguồn tri thức Phật giáo sẽ là vấn đề nhức nhối trong việc phát triển con người và xã hội. Ông chứng minh rằng Phật giáo rất hữu dụng cho sự phát triển bền vững của quốc gia và quốc tế, bởi Phật giáo đã nhuần nhuyễn với các học thuyết tôn trọng thiên nhiên, bình đẳng giới, cân bằng giữa kinh tế và xã hội, bất bạo động, tình thương giữa mọi loài.

Với các nhà nghiên cứu như Eich S. Nelson, tiến sĩ Mukesh Kumar Verma, Dipti Mahanta, Chandan Kuma,… đều đưa ra những dẫn chứng để khẳng định giáo lý của đạo Phật đã đóng góp nhiều trong việc phát triển bền vững và thay đổi xã hội. Điều quan trọng là cách ứng dụng và thực hành trong đời sống cộng đồng như thế nào, để đạt đến hiệu quả tối ưu nhất.

Bàng bạc trong kinh điển nhà Phật, những giáo lý dạy về phương cách bình ổn xã hội, phát triển đời sống hạnh phúc cho con người luôn là mục tiêu hàng đầu mà đức Phật hướng đến. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều nhà nghiên cứu thế giới công nhận Phật giáo trở thành tâm điểm trong việc phát triển bền vững và thay đổi xã hội toàn cầu hóa trong tương lai.

2. Với chủ đề “Hồi ứng của Phật giáo đối với việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường”. Bảo vệ môi trường sống không phải là vấn đề mới được đặt ra, nhưng nó luôn là vấn đề cấp thiết cho toàn nhân loại. Thữ nhìn về quá khứ, những hậu quả, những di chứng, những tang tóc của sự tàn phá môi trường đã đưa cuộc sống con người đi đến ngõ cụt. Không phải ngẫu nhiên mà những cơn động đất, sóng thần, lốc xoáy, bão lũ, các căn bệnh nan y, ngặt nghèo, sự kiện trái đất nóng lên từng ngày đã để lại những hậu quả khôn lường cho con người, cướp đi hàng ngàn sinh mạng. Những điều đó buộc chúng ta phải thức tỉnh, phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cánh vận động để tìm ra những giải pháp thích hợp nhất, đảm bảo an toàn cho đời sống con người.

Đức Phật từ khi đản sinh, thành đạo cho đến lúc nhập niết bàn, cuộc sống của Ngài luôn gắn bó với môi trường sống thiên nhiên. Ngài đản sinh bên gốc Vô ưu, thành đạo dưới cội Bồ đề và nhập diệt bên cây Ta la song thọ. Ngài cũng đã dạy con người cách trừ diệt tham sân si, giữ gìn năm giới, thực hiện tinh thần bình đẳng, từ bi, bao dung, chia sẽ trong tình thần tuệ giác soi chiếu. Giáo lý đạo đức Ngài rao giảng không ngoài việc cổ xúy một đời sống trong lành, hạnh phúc cho con người. Đạo Phật đã và đang thực hiện nhiệm vụ của chính mình trong việc giảm thiểu đến mức cuối cùng trong việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường sống, điều này có thể thấy Phật giáo xứng đáng là tôn giáo tốt nhất mà thế giới đã công nhận.

3. Một trong những vấn đề quan trọng của mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của hội thảo LHQ (MDGs) 2014 chính là điều “Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh (Healthy Living)”. Một cuộc sống lành mạnh, không bệnh tật, khổ đau, an ổn về tinh thấn, bình yên về thể chất. Điều mà Phật giáo sẽ hướng đến trong hội thảo Vesak 2014 này là làm sao để cải thiện điều kiện sống cho con người, mang đến sức khỏe cường tráng, tinh thần lạc quan và giải phóng những mối đe dọa có ảnh hưởng đến quyền được sống và hạnh phúc của con người. Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ chính là toàn cầu hóa cải thiện điều kiện sống cho con người, thành lập những hiệp hội uy tín để bảo vệ hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại. Các Giáo sư, Tiến sĩ, Học giả, Nhà nghiên cứu đã bỏ nhiều công sức trong các bài tham luận trình bày tại Hội thảo. Giáo sư Kapila Abhayawansa đã viết tham luận với chủ đề: “Đóng góp của Phật giáo cho xã hội lành mạnh đối với những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”. Ông nhấn mạnh rằng đức Phật đã chủ trương giảng dạy đạo đức không ngoài mục đích mang hạnh phúc đến cho cá nhân và toàn xã hội. Con người có thể giải nguy sự nghèo đói của mình bằng kinh tế, nhưng kinh tế lành mạnh nhất không ngoài pháp môn “chánh mạng” của đức Phật. Tin rằng, khi thế giới thật sự lưu tâm đến giáp pháp của đức Phật thì sẽ không khó để tìm ra câu trả lời cho việc tìm thấy lối sống lành mạnh cho toàn cầu. Đó mới thật sự là đóng góp của đao Phật về lối sống lành mạnh nhất cho con người.

4. Đạo Phật được thế giới ca tụng là đạo của hòa bình với tinh thần từ bi và trí tuệ soi chiếu. Do vậy, mục tiêu “Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn” là một trong những đề án then chốt của đại lễ Vesak 2014. Phật giáo với tinh thân vô ngã, vị tha, từ bi, bất bạo động, lịch sử đã chứng minh điều đó qua những gì đạo Phật đã đóng góp hữu ích cho cuộc đời.

Giáo sư Damien Keown đã nghiên cứu rõ “Vai trò của sự cảnh cáo trong con đường xây dựng hòa bình của Phật giáo”. Vì theo ông, Phật giáo có sự tương quan mật tiết với chủ nghĩa hòa bình. Dựa trên nhiều kinh điển của đạo Phật, đặc  biệt là kinh sách của Phật giáo Nguyên thủy, về các phương pháp chính trị mà đức Phật đã dạy cho các vị vua về cách an dân, tránh xung đột, mâu thuẩn, chiến tranh,… chỉ cần chấp nhận lời dạy đạo đức trong kinh tạng Nguyên thủy, là một chiến lược để xây dựng hòa bình và khắc phục mọi mâu thuẩn.

Các giáo sư Siddharth Singh, Mark Owen, Rajitha P. Kumara,… đều cho rằng, Phật giáo mang đầy đủ các yếu tố chủ đạo đưa đến hòa bình lâu dài, đó là; tôn trọng đạo đức, thay đổi thái độ, phát triển rộng rải ý thức xã hội và thiết lập những lý tưởng cao đẹp hơn. Điều đó cho thấy, tìm sự hòa bình, tránh xung đột, mâu thuẩn từ những lời đức Phật dạy là việc làm đúng mà hiệu quả rất cao.

5. Giáo dục là thành phần tối quan trọng trong việc hướng đời sống con người đạt đến chỗ vĩnh cửu bình an và vĩnh hằng hạnh phúc. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới không ngừng thay đổi hệ thống giáo dục với kỳ vọng sẽ có một chương trình đào tạo hoàn mỹ hơn cho con người. Và trong khi thực hiện MDGs, nhiều người đã hiểu ra rằng đạo Phật có một hệ thống giáo dục vô cùng hoàn mỹ, tại sao không thể đóng góp một vai trò nào đó trong việc đào tạo nên một thế hệ con người có trách nhiệm. Đó là lý do để chủ đề “Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học” được thực hiện như là giải pháp cho những vấn đề về hiệu quả và đạo đức trong hệ thống giáo dục quốc gia trên toàn cầu.

Giáo dục Phật giáo như một hệ thống cải cách giáo dục cấn thiết cho tương lai của mỗi quốc gia. Nền tảng đạo đức của gia đình hạnh phúc và tình thân ái trong xã hội, sự đấu tranh vượt qua mọi mâu thuẩn trong xã hội bằng phương pháp hòa bình và sự trỗi dậy của lòng từ bi, bất bạo động đóng vai trò quan trong trong các phương pháp giáo dục Phật giáo đương đại.

Giáo sư tiến sĩ Padmasiri de Silva đã nói: “Tích hợp việc thực hành Thiền vào chương trình ở bậc đại học; thúc đẩy sự khoan dung và đồng cảm trong bối cảnh đa văn hóa và đa tín ngưỡng”. TT. Polgaswatte Paramananda lại dùng phương pháp luận để phân tích về cách thức dạy chánh pháp của đức Phật thông qua các ví dụ quan trọng để làm sáng tỏ các vấn đề đạo đức trong giác dục Phật giáo. TT. Dilbhada Maharjan cũng hi vọng về cách giáo dục của Phật giáo nếu được thực hiện thành công thì chúng ta có thể xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định.

Mùa Vesak 2014 được tổ chức trọng thể tại Việt Nam với một Hội thảo Khoa học mang tầm Quốc tế, đó là những vấn đề đang được mọi giới quan tâm “Phật giáo góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ”. Rõ ràng, thế giới đang nhìn vào Phật giáo để tự điều chỉnh, để thay đổi cách nhìn, cánh nghĩ, cách hành động, làm sao cho thế giới trong tương lai tốt hơn, đẹp hơn, hoàn thiện hoàn mỹ hơn. Điều đó cho thấy, Phật giáo rất cần thiết, rất quan trong cho thế giới của chúng ta như thế nào. Tin rằng, với những gì mà chúng ta đang cố gắng thực hiện, sẽ được câu trả lời tích cực ở ngày mai, một thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.


Tiểu Bình