Dấn thân, phụng sự - Tinh thần Phật tử đài loan thế hệ mới

Phân loại một đống lớn quần áo đã qua sử dụng và các mặt hàng gia dụng, Hsiao Hsiu-chu là hình ảnh của một Phật tử thời đại mới.Vị Phật tử đã nghỉ hưu 63 tuổi này từng thực hành tôn giáo bằng việc đi chùa cầu nguyện, nhưng bây giờ bà tình nguyện bỏ ra 7 ngày 1 tuần làm việc tại một trung tâm tái chế để gây quỹ cho Hội Từ Tế Đài Loan.


Phục vụ, chia sẻ, giúp đời... theo tinh thần Phật dạy, bằng lòng từ bi của người học Phật

"Tôi không có thời gian để đi chùa. Cầu nguyện không phải là việc quan trọng lắm. Đến đây mỗi ngày cũng giống như cầu nguyện", bà Hsiao nói.

Đây không phải là cách mà hầu hết mọi người thực hành Phật giáo thực hiện. Đức tin của họ thường tập trung vào việc cầu nguyện để được bình an trong cuộc sống hiện tại và có một cuộc sống tốt hơn trong kiếp sống sau.

"Theo Phật giáo, làm lợi ích cho bản thân thôi là không đủ, bạn cũng phải làm lợi ích cho người khác. Chúng ta nên cố gắng giúp đỡ nhiều người được thuyên giảm khổ đau", trụ trì Hsin Bao thuộc  Phật Quang Sơn Đài Loan nói.

Nhưng Đài Loan đang dẫn đầu một phong trào yên tĩnh mà mạnh mẽ, làm biến đổi nền Phật giáo truyền thống, làm nhiều Phật tử như bà Hsiao trở thành người hành động, chứ không đơn thuần chỉ là các tín đồ.

Đốt tiền giấy và nhang không được khuyến khích - điều đó xấu cho môi trường. Đi chùa được ưu tiên thấp. Thậm chí cầu nguyện quá nhiều cũng không được tán thành.

Trọng tâm ngày nay tập trung vào cái mà Đài Loan gọi là "Phật giáo nhân văn" - chăm sóc cho người khác và cho xã hội. Nó đưa người Phật tử trở về các nguyên tắc cốt lõi của Phật giáo - nói những lời tốt, suy nghĩ những suy nghĩ tốt và làm những việc tốt.

Việc thực hành này đã giúp các tổ chức Phật giáo hàng đầu của Đài Loan mở rộng theo những cách chưa từng thấy.

Hội Từ Tế - đi tiên phong trong phong trào - có 7 triệu tín đồ, trong đó có 2 triệu người ở nước ngoài.

100.000 tình nguyện viên của Hội tại Đài Loan có mặt ở khắp nơi trong trang phục áo sơ mi xanh và quần trắng. Họ tái chế chai nhựa để gây quỹ từ thiện, chăm sóc người cao tuổi sống một mình, hỗ trợ cho người nghèo và gia đình có nguy cơ, dạy kèm trẻ em và giúp ứng phó thiên tai.

Một nhóm Phật giáo Đài Loan có ảnh hưởng khác, Pháp Cổ Sơn, thường xuyên tổ chức các lớp "Phật pháp 101" để dạy mọi người cách áp dụng giáo lý vào cuộc sống.

Trong một lớp học gần đây cho khoảng 200 người, một nhà tâm lý học đã sử dụng giáo lý của Phật giáo để tư vấn cho học sinh về cách nhận biết và xử lý các cảm xúc tiêu cực của mình, và làm thế nào để đối phó với các mối quan hệ gia đình gặp khó khăn.

"Giáo lý của Phật giáo có thể được sử dụng hàng ngày và đâu là nơi tốt nhất để sử dụng chúng? Trong gia đình của bạn", Yang Pei nói với lớp học.

Phật Quang Sơn, trong khi đó, tổ chức các trại trẻ cho trẻ em.

"Các tổ chức này rất khác so với Phật giáo truyền thống", Kuo Cheng-tian, giáo sư tại Đại học Chính trị Quốc gia, nói. "Họ đề cao việc các Phật tử tại gia quản lý các ngôi chùa và các tổ chức Phật giáo (không chỉ là các nhà sư). Và họ sử dụng các Phật tử điều hành nhiệm vụ các tổ chức từ thiện".


Một đám cưới tập thể với lễ hằng thuận được tổ chức tại chùa ở Đài Loan

Hiện chưa rõ có bao nhiêu Phật tử trên toàn thế giới. Nhưng một vài ước tính cho thấy có nửa tỷ đến 1 tỷ Phật tử trên toàn cầu, làm cho nó tôn giáo này trở thành tôn giáo lớn thứ tư trên thế giới.

Điều làm Phật giáo Đài Loan độc đáo là nó nhấn mạnh vào việc giúp đỡ xã hội. Hội Từ Tế, ví dụ, đã cứu trợ sau thiên tai tại hơn 84 quốc gia, bao gồm cả ở Philippines, nơi gần đây đã giúp đỡ 50.000 hộ gia đình xây dựng lại nhà cửa bị phá hủy bởi cơn bão Haiyan.

Các hiệp hội Phật giáo lớn của Đài Loan có kênh truyền hình riêng, nhà xuất bản và cơ quan tin tức, cũng như bệnh viện và trường đại học. Họ gửi tình nguyện viên đến các trường học để dạy trẻ em về các hành vi tốt, thông qua cách kể chuyện.

Nhưng họ nói rằng họ không cố gắng để cải giáo cho những người không theo Phật giáo.

"Chúng tôi thấy bạn không cần thiết phải cải đạo; chúng tôi không nhằm truyền giáo", bà Chien Tung-yuan, một phát ngôn viên của Hội Từ Tế cho biết.

Việc thay đổi cách thực hành Phật giáo không chỉ dẫn đến sự hồi sinh của tôn giáo này tại Đài Loan, mà còn mở rộng ra nước ngoài.

Phật Quang Sơn, ví dụ, có 200 ngôi chùa trên toàn thế giới, trong đó có 20 ở châu Âu và 24 ở Mỹ, không chỉ dành cho người dân Đài Loan ở nước ngoài mà còn cho người dân địa phương.

"Ngay từ đầu, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy mọi người giúp đỡ những người đang đau khổ, một cách không có điều kiện, và không muốn đền trả lại bất cứ điều gì" - bà Chien Tung-yuan, một phát ngôn viên của Hội Từ Tế nói.

Pháp Cổ Sơn, trong khi đó, có 125 chi nhánh trên toàn thế giới, trong khi Hội Từ Tế tự hào có nhiều chi nhánh ở 48 quốc gia. Tại Malaysia, các thành viên của Hội tăng từ 100.000 lên 1 triệu hồi năm ngoái.

"Chúng tôi muốn sử dụng Đài Loan như một cơ sở để truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc đại lục và phần còn lại của thế giới", trụ trì Hsin Bao của Phật Quang Sơn cho biết.

Đài Loan cũng đang giúp Trung Quốc đại lục tái khám phá Phật giáo. Mặc dù Phật giáo có gần 2.000 năm lịch sử ở Trung Quốc, nhưng nó đã giảm bớt tầm quan trọng trong thế kỷ gần đây vì chiến tranh, bất ổn và tập trung vào hiện đại hóa.

Hàng triệu người Trung Quốc đang nghe giáo lý được các pháp sư Phật giáo Đài Loan giảng trên các đĩa DVD hoặc MP3. Họ tải về các tài liệu này từ các trang web và truyền bá trực tuyến.

Với viêc cải thiện quan hệ giữa 2 bên trong những năm gần đây, nhiều lãnh đạo và tín đồ Phật giáo của Trung Quốc hiện nay có thể đi lại tự do đến Đài Loan. Phật tử của Đài Loan cũng có thể dễ dàng truyền bá thông điệp của họ ở đại lục.

Đồng thời, với sự giàu có ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu Đài Loan, đặc biệt là người cao tuổi, họ có nhiều tiền và thời gian hơn để giúp đỡ người khác, khi tìm ý nghĩa trong cuộc sống.

***

Trở lại tại trung tâm tái chế Đài Bắc, ngày càng có nhiều bao quần áo cũ hơn đến cho bà Hsiao sắp xếp.

Bà nói việc đưa giáo lý Phật giáo vào thực tiễn đã cho bà sức mạnh để đối phó với cái chết đột ngột của mẹ bà và giúp bà cải thiện quan hệ với con cái.

“Nó đã mở nút thắt trong trái tim tôi", bà Hsiao nói. Lời khuyên của bà cho các Phật tử khác là: "Đừng chỉ tin máy móc vào lời Phật dạy, hãy làm điều gì đó để giúp đỡ người khác".

Văn Công Hưng (Theo BBC News)