Người Thích nữ qua hình ảnh Tổ mẫu Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di

Lễ tưởng niệm Đức Tổ mẫu Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di là một truyền thống tốt đẹp của Ni giới trong toàn quốc, và được các Phân ban Ni giới các tỉnh luân phiên đăng cai tổ chức hàng năm.

Chúng ta có nhiều lý do để làm lễ tưởng niệm Tổ mẫu. Trong bài viết này, tôi xin được nói về người phụ nữ nói chung và hàng Thích nữ nói riêng qua hình ảnh của Đức Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di.


Ni giới PG Việt Nam
 
Đức Kiều-đàm-di tên đầy đủ theo Pàli ngữ là Mahàpajàpati Gotami. Hán ngữ phiên âm Ma-ha Ba-xà-ba-đề, nghĩa là Đại Ái Đạo, sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu-ly, một nước nhỏ đối diện với Ca-tỳ-la-vệ, con của vua Thiện Giác, em của hoàng hậu Ma-da. Sau khi hạ sanh Thái tử Tất-đạt-đa được bảy ngày, hoàng hậu Ma-da qua đời, Kiều-đàm-di trở thành di mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng thái tử khôn lớn. 

Khi chưa làm hoàng hậu, không có tài liệu nào ghi Đại Ái Đạo ganh tỵ với chị về ngôi vị hoàng hậu. Và trước lúc lâm chung, chính hoàng hậu Ma-da đã “cậy em em có nhận lời” bà thay hoàng hậu lo cho vua Tịnh Phạn và nuôi nấng thái tử.

Bà vì thương chị mình và muốn làm tròn tâm nguyện của chị nên mới nhận lời gởi gắm chứ không phải ham cái địa vị mẫu nghi thiên hạ. Chính vì thế mà sau khi đã hết bổn phận đối với chồng con, bà đã không hề lưu luyến hoàng cung mà xin Đức Phật cho bà được xuất gia để lo phần tâm linh của mình. 

Bà cũng có con với vua Tịnh Phạn, đó là ngài A-nan-đa, nhưng bà vẫn coi thái tử Tất-đạt-đa như con ruột. Chính vì vậy mà Đức Phật đối với bà có lòng biết ơn sâu sắc. Sau khi bà viên tịch, đích thân Đức Phật cúng dường xá-lợi và bảo Tôn giả A-nan-đa dựng tháp cho bà. Có thể nói Đại Ái Đạo chính là điển hình về người phụ nữ Đông phương nói chung, cần cù, chịu khó, khoan dung, độ lượng, hy sinh, vị tha và  luôn làm tròn bổn phận đối với gia đình.

Bà Đại Ái Đạo cũng là một điển hình về lòng quyết tâm cầu đạo. Như chúng ta đều biết, trong dịp Đức Phật về Ca-tỳ-la-vệ lần thứ hai khi vua Tịnh Phạn qua đời, bà đã ba lần cầu xin Đức Phật cho phép xuất gia, nhưng cả ba lần đều bị khước từ. Khi Phật rời hoàng cung để đến Tỳ-xá-ly, bà cùng 500 Thích nữ của thành Ca-tỳ-la-vệ, vượt suối băng rừng để tìm đến nơi Phật đang cư trú xin xuất gia cho bằng được. 

Chúng ta tưởng tượng, một đoàn người toàn phụ nữ khuê các cành vàng lá ngọc, đã chẳng ngại khó khăn gian khổ, vượt qua chặng đường đầy cát bụi chông gai với hình thức đầu trần chân đất để thể hiện quyết tâm xuất trần, thật sự là một hình ảnh vô cùng ấn tượng và xúc động lớn lao.

Và nhờ sự quyết tâm đó, lòng thành đó mà Đức Phật đã cho phép người nữ được xuất gia. Việc làm này của Đức Phật thật sự là tiên phong trong lịch sử tôn giáo. Vì thời cổ đại, thân phận của phụ nữ không chỉ nhỏ bé mà còn bị cho là kém phẩm chất, không thích hợp cho việc tu hành, vốn được coi là cao thượng, chỉ dành cho nam giới và tầng lớp trên.

Lòng quyết tâm cầu đạo của bà Đại Ái Đạo không chỉ thể hiện qua những biểu hiện bên ngoài mà còn qua việc tuân thủ Bát kỉnh pháp. Bởi vì đối với bà, được xuất gia và thực tập Chánh pháp là điều quan trọng nhất, cần thiết nhất. Đừng nói chỉ có tám pháp, cho dù nhiều hơn nữa bà cũng chấp nhận, vì chúng không cản trở gì đối với sự tu tập. Gần đây, do phong trào bình đẳng giới tính, có những tranh cãi về việc Bát kỉnh pháp có phải do Đức Phật nói hay được đưa vào sau này, do đó nên tiếp tục thực hành hay hủy bỏ? 

Tôi cho rằng, dù ai nói ra cũng không quan trọng, quan trọng là chúng có giúp gì cho sự tu tập hay không. Có thể coi Bát kỉnh pháp như là một sự nhắc nhở về hạnh khiêm cung của Đức Phật hay chư Tổ dành cho Ni giới, do bản chất của người nữ không được kiên định như người nam. Điều này chính Đức Phật đã nhiều lần đề cập, những ai có nghiên cứu giáo pháp đều không thể phủ nhận.

Từ khi xuất gia, Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo chỉ biết phục tùng Đức Phật và tu tập theo lời Phật dạy, cũng như bà đã dạy các Tỳ-kheo-ni khác tuân thủ hạnh nhu hòa khiêm cung ấy. Không có tài liệu nào ghi rằng bà muốn đấu tranh đòi quyền bình đẳng với chư Tăng. Nhờ vậy mà bà mau chóng chứng đắc Thánh quả, trở thành vị lãnh đạo tối cao trong hàng Ni giới, được Đức Phật và chư Tăng kính trọng. Trưởng lão Ni Đại Ái Đạo sống hơn 90 tuổi mới nhập Niết-bàn. Bà nhập Niết-bàn trước Đức Phật gần ba tháng, vì “không nỡ nhìn thấy Như Lai diệt độ”

Đức Phật đứng trước đại chúng đã tán thán công hạnh của bà như sau: “Này chư Tỳ-kheo, các ông đừng nên xem thường Tỳ-kheo-ni Đại Ái Đạo là người nữ. Tuy là thân nữ nhưng lại có đức tính trượng phu, là người có đức hạnh cao cả, xứng đáng làm gương cho Tăng đoàn mai sau”. Theo tác giả Khả Triết trong Các bậc long tượng trong Phật giáo, Đức Phật đối trước đại chúng tán thán đức hạnh của bà là vì muốn hàng nữ giới sau này hãy noi theo tấm gương sáng của bà mà tu học, nhất là tấm gương về Bát kỉnh pháp (Nxb Tôn Giáo, 2011, tr.66).

Lễ kỷ niệm Tổ mẫu là việc đáng nên làm, vì bất cứ bậc vĩ nhân nào cũng cần được tôn vinh. Tuy nhiên, làm lễ kỷ niệm phải thật sự có ý nghĩa, mang lại lợi ích thiết thực. Nói cách khác, hiệu ứng gì sẽ xảy ra sau buổi lễ, hay là chỉ như cơn lốc lướt qua rồi mọi việc lại đâu vào đó, không có gì thay đổi trên thực tế.

Như trong kinh Tiểu dụ lõi cây, Đức Phật đưa ra một ví dụ về người tìm lõi cây. Nhưng “thật sự người này không biết lõi cây, không biết giác cây, không biết vỏ trong, không biết vỏ ngoài, không biết cành lá. Người này muốn được lõi cây, tìm cầu lõi cây. Trước một cây lớn, đứng thẳng, có lõi cây, người này bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng rằng đó là lõi cây. Và người này không đạt mục đích mà lõi cây có thể thành tựu”.

Cũng như thế, chúng ta cần biết đâu là cốt lõi của lễ tưởng niệm, nếu không thì chỉ làm mất thời gian và công sức mà thôi. Càng không nên hiểu lầm rằng lễ tưởng niệm như là một cách để phô trương thanh thế.

Cuộc đời của Tổ mẫu là tấm gương sáng cho tất cả mọi người, chứ không phải chỉ riêng gì phụ nữ và chư Ni mà thôi. Khi chưa đi tu, ngài đã làm tròn bổn phận mà không cầu danh vị. Đến khi xuất gia rồi thì ngài chuyên tâm vào việc giải quyết vấn đề “sanh tử sự đại” và giáo dưỡng Ni đoàn. Còn những vấn đề “màu mè hoa lá hẹ” ngài không hề quan tâm. Trái ngược với Tổ mẫu là hình ảnh của Đề-bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa lúc nào cũng ganh tỵ và tranh hơn thua với Đức Phật, cả trước và sau khi hai người đi tu. Vấn đề sanh tử là quan trọng mà Đề-bà-đạt-đa không lo giải quyết, lại rất thích làm lãnh đạo và chia rẽ Tăng đoàn.

Chúng ta làm lễ tưởng niệm Đức Tổ mẫu Đại Ái Đạo Kiều-đàm-di một mặt để tri ân người đã mở ra con đường mà nhờ đó người nữ được xuất gia làm Sa-môn, được tu tập theo đạo giác ngộ giải thoát; mặt khác là để học theo tấm gương đạo hạnh mà người để lại, chứ không phải tổ chức cho long trọng để chứng tỏ rằng Ni giới cũng không thua gì chư Tăng, để yêu cầu bỏ Bát kỉnh pháp, đòi quyền bình đẳng.

Những điều này không đem lại lợi ích cho sự tu tập giải thoát mà chỉ làm tăng thêm tham sân si mạn mà thôi, không phù hợp với đạo hạnh cao vời của Tổ mẫu. Cho nên việc mà các vị lãnh đạo Ni giới ngày nay cần làm là phát triển đạo hạnh và đời sống tâm linh cho thật cao vời, đồng thời giáo dưỡng Ni chúng, làm cho đời sống tu hành của tất cả chư Ni đều được hạnh phúc, an lạc; sách tấn, động viên các thế hệ Ni trẻ tiếp nối sự nghiệp tu hành và hoằng dương Chánh pháp như Đức Tổ mẫu xưa đã làm. Đó mới là ý nghĩa chân chính nhất của lễ tưởng niệm vậy.