Thêm một điều đáng suy ngẫm mùa Phật đản 2561

Sau thông tin về việc UBND xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP. HCM), ra văn bản 531/UBND “không được” trang hoàng cờ Phật giáo, pano mừng Phật đản ngoài khuôn viên cơ sở các tự viện trên địa bàn đã gây ra một sự phản ứng từ Tăng Ni và Phật tử địa phương.

Tình trạng này cũng đã xảy ra ở một số địa phương như tỉnh Quảng Nam, TP. Đà Nẵng… Các cấp quản lý chính quyền cũng đã có những động thái tiếp xúc làm việc với chư tôn đức và rút lại văn bản trên. Có thể nói đây là một thái độ cầu thị và tiếp thu những sai sót trong công tác quản lý; đặc biệt là công tác quản lý tôn giáo.
 

Người dân ở Gia lai treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo mừng Đại lễ Phật đản

Sự việc tưởng chừng như sẽ hạn chế xảy ra thêm ở các địa phương khác, để cho mùa Phật đản PL.2561 được hoan hỷ một cách trọn vẹn. Tòa soạn Báo Giác Ngộ lại được phản ánh thêm về một trường hợp xảy ra ở một tỉnh Tây Nguyên. Văn bản số 119/SNV-BTG của Sở Nội vụ phúc đáp công văn số 32/CV-BTS của BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai về việc Tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ, do ông Hồ Hải Tần - Phó Giám đốc sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo ký 18-4-2017.

Công văn này thông báo cho BTS việc treo cờ Phật giáo: Phải thực hiện theo Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể: "Trong khu vực Lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ lễ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thơi gian tổ chức lễ hội". Vì vậy đề nghị Ban trị sự GHPGVN tỉnh treo Quốc kỳ, cờ Phật giáo tại các cơ sở tự, viện trong khoảng thời gian tổ chức lễ hội; việc treo cờ Tổ quốc phải cao hơn cờ Phật giáo. 

Thực hiện Thông bạch của TƯGH về việc tổ chức Phật đản PL.2561, BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai đã có văn bản trình bày kế hoạch tổ chức Phật đản, trong đó có việc treo cờ cần liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để được sự hỗ trợ và giúp đỡ.

Tuy nhiên, sự đề nghị này đã bị Sở Nội vụ mà ở đây là Ban Tôn giáo tỉnh - cấp quản lý trực tiếp về tôn giáo - bác những yêu cầu chính đáng từ phía BTS cũng như Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Có thể về mặt quản lý, Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai đã viện dẫn lý do “không chấp thuận” khi áp dụng Thông tư 15 quy định về tổ chức lễ hội.

Đây là thông tư hướng dẫn Nghị định số 103/2009/NĐ-CP Ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Tuy nhiên, từ những năm qua việc treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên tự viện cũng như tư gia Phật tử đã tạo ra một nét đẹp văn hóa. Việc áp dụng một điều được quy định “Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội” để “không chấp thuận treo cờ Phật giáo”, liệu có hợp lý?

Qua tìm hiểu ở tại một số địa phương của tỉnh Gia Lai, chúng tôi đều nhận được sự bức xúc và cả phản ứng từ phía Tăng Ni và Phật tử khi đề cập đến sự “không chấp thuận” cho treo cờ trong văn bản quản lý này. Bởi những năm qua cờ Phật giáo được treo ở các ngã đường và tư gia Phật tử để thể hiện lòng tôn kính.

Đặc biệt là từ năm 2008, khi Chính phủ Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc thì việc treo cờ Phật giáo được các tự viện trang trí bên ngoài khuôn viên một cách chính thức, với sự hỗ trợ và giúp đỡ của các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương. Tư gia Phật tử cũng được khuyến khích treo cờ Tổ quốc và Phật giáo nhân ngày lễ Phật đản. Đây là một nét đẹp không chỉ trong lĩnh vực Tôn giáo Phật giáo mà còn là văn hóa, biểu thị cho “nếp sống văn minh” của một xã hội hiện đại.

Chúng tôi đem vấn đề này trao đổi với TT.Thích Thiện Thống, Phó Tổng Thư ký HĐTS kiêm Chánh Văn phòng Ban Thường trực HĐTS phía Nam (VP II), Thượng tọa cho biết TƯGH mà cấp quản lý ở đây là VP II chưa nhận được sự việc này từ phía Chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, dù bằng văn bản hay điện thoại. Vì thế TƯGH không có thông tin để làm việc với chính quyền địa phương, nhằm có biện pháp bàn bạc, tháo gỡ. Thượng tọa cũng đề nghị BTS có những khó khăn trong công tác tổ chức Đại lễ Phật đản nên chủ động báo cáo, phản hồi để có được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ TƯGH.

Chia sẻ với GN, một vị giáo phẩm tại thị xã An Khê thuộc tỉnh Gia Lai đã bộc bạch: “Khi nhận được văn bản của Sở Nội vụ từ BTS GHPGVN tỉnh, bản thân chúng tôi rất ngỡ ngàng; riêng Phật tử tại địa phương họ rất phản ứng. Vì nhiều năm qua việc treo cờ Phật giáo nhân Đại lễ Phật đản đã thành một "thói quen", nó tạo ra một không khí lễ lạt sinh động và màu sắc vốn dĩ rất hiếm hoi tại vùng cao nguyên trầm tĩnh này.

Bản thân các Phật tử cũng thấy hụt hẫng vì họ không được phép treo cờ và tỏ ra bức xúc khi nói với chúng tôi về Đại lễ Phật đản năm nay. Theo chúng tôi, việc các tự viện có treo cờ Phật giáo ngoài khuôn viên tự viện cũng là hình thức trang trí nhằm làm đẹp thêm cho đường phố nhân một đại lễ - một sự kiện lớn. Việc đó không những là nét đẹp văn hóa mà còn là sự biểu hiện các chính sách về tôn giáo của Nhà nước.

Với Phật tử, việc treo cờ là sự biểu hiện tình cảm tôn giáo đối với Đạo mà họ tín ngưỡng; việc này đã được Pháp luật thừa nhận và quy định, không ai có quyền cấm sự biểu hiện tình cảm tôn giáo đối với các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận trong tư gia của mình. Chúng tôi có trình bày lại những bức xúc của chúng tôi và Phật tử địa phương cho Chư tôn đức BTS. Chư tôn đức có nói sẽ đem việc này trình bày cho TƯGH. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một thông tin mới nào, dù ngày chính thức của Đại lễ Phật đản đã cận kề…”.


Thiết nghĩ, việc áp dụng cứng nhắc văn bản pháp luật về Quy chế hoạt động văn hóa mà ở đây là Thông tư hướng dẫn về tổ chức lễ hội, phần nào tạo ra một sự phản ứng tâm tư nguyện vọng bày tỏ tình cảm tôn giáo của người dân, đối với các tổ chức tôn giáo có pháp nhân pháp lý. Chưa kể trong Thông tư 15 tại Điều 3 quy định về “Các loại hình lễ hội” lại không có điều khoản nào quy định “Lễ hội tôn giáo” trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

Tại điều 3 của Thông tư 15 có 4 khoản triển khai “Các loại hình lễ hội quy định tại khoản 1 Điều 17 Quy chế hoạt động văn hóa bao gồm:…”; hoàn toàn không có một điều khoản nào quy định, triển khai cho khoản 2 Điều 17 của Nghị định 103/2009/NĐ-CP quy định về “Lễ hội Tôn giáo do tổ chức Giáo hội hoặc chức sắc chủ trì…”. Việc áp đặt Đại lễ Phật đản vào một khái niệm “Lễ hội” chung trong Điều 3 để điều chỉnh; rồi áp dụng Điều 8 “Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội” của Thông tư 15 để Sở Nội vụ “Không chấp thuận cho treo cờ Phật giáo tại tư gia Phật tử và những nơi khác không phải là địa điểm tổ chức Đại lễ…”, phải chăng là cách làm máy móc và đầy áp đặt?

Mong rằng, qua các hiện tượng như thế này, Giáo hội Trung ương và địa phương cần làm việc với chính quyền tỉnh Gia Lai để điều chỉnh lại công văn hướng dẫn. Nhằm tránh tình trạng áp đặt, diễn dịch các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý. Tăng Ni và Phật tử tỉnh Gia Lai đang chờ vào sự “chấp thuận” được treo cờ Phật giáo trong Đại lễ Phật đản năm nay theo đúng tinh thần của các quy định pháp luật cũng như chủ trương và chính sách của Nhà nước về công tác tôn giáo.