Vesak 2014: Hội thảo khoa học “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”

Hôm nay 9/5/2014, đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2014 được tổ chức lần thứ hai tại Việt Nam đã bắt đầu phiên làm việc hội thảo khoa học với nhóm chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”, tại 5 giảng đường chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Hội thảo khoa học đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, tri thức, các học giả, đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Đã có hơn 300 bài tham luận khoa học được các học giả trên thế giới nghiên cứu và được in thành 2 cuốn sách song ngữ (Anh – Việt). Nội dung Hội thảo khoa học lần này xoay quanh 5 chủ đề và BTC đã chia thành 5 diễn đàn trình bày tham luận theo các nhóm chủ đề như sau:

Chủ đề diễn đàn 1 có nội dung: “Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội” (Buddhist Response to Sustainable Development and Social Change). Diễn đàn này cung thỉnh HT. Thích Thanh Nhiễu làm chủ tọa, GS.K.T.S. Sarao & TT. Thích Đức Thiện điều phối chủ đề: “phương diện kinh tế”, TS. Jeff Wilson & ĐĐ TS. Thích Giác Hiệp điều phối chủ đề: “phương diện xã hội”, PGS. Dipti Mahanta & TS. TN. Liễu Pháp điều phối về “phương diện bình đẳng giới tính”.

Diễn đàn 2: “Hồi ứng của Phật giáo đối với việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường” (Buddhist Response to Global Warming and Environmental Protection). HT. Thích Trí Quảng làm chủ tọa và GS. Francois Chenet & TS. Khanh T. Tran điều phối chủ đề: “các vấn đề khái niệm”, GS Bikiran Prasad Barua & TT. TS. Thích Giác Hoàng điều phối chủ đề: “các vấn đề thực tiễn”.

Diễn đàn 3: “Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh” (Buddhist Contributions to Healthy Living). HT. Thích Quảng Tùng làm chủ Tọa và GS. H. S. Shukla & TS. TN Huệ Liên điều phối chủ đề “Kinh tế học Phật giáo” và “các phương diện tâm lý về lối sống lành mạnh”, ĐĐ. Kirama Wimalatiss & TS. Đỗ Thúy Hà điều phối về “Kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu tình huống và phân tích về các quốc gia”.

Diễn đàn 4: “Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn” (Peace-building and Post-Conflict Recovery). Diễn đàn này cung thỉnh HT. Thích Thiện Nhơn làm chủ tọa, TT. Bhante Chao Chu & TS. Jenny Ko Gyi làm điều phối viên chủ đề “Cách tiếp cận khái niệm về nghiên cứu hòa bình học Phật giáo”, TK. TS. Sumama Siri & TT. TS. Thích Minh Tuệ điều phối viên chủ đề “Nghiên cứu tình huống và phân tích về các quốc gia”, TT. TS. Thích Nhật Từ & ĐD. Polgaswatte Paramananda điều phối viên chủ đề “phương pháp lý thuyết”.

Diễn đàn 5: “Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học” (Buddhist Education and University Level Curriculum). Nhóm Hội thảo này cung thỉnh HT. Thích Bảo Nghiêm làm chủ tọa, GS. Padmasiri de Silva & TT. TS. Thich Viên Trí điều phối chủ đề “Nghiên cứu tình huống và phân tích về các quốc gia”, TT. TS. Yuan Ci & TK. Tapan Barua điều phối chủ đề “Nghiên cứu tình huống và phân tích về các quốc gia” phiên tiếp theo.

Hội thảo đã làm việc xuyên suốt từ sáng đến chiều. Phiên thảo luận ở mỗi diễn đàn rất sôi nổi, nhiều câu hỏi được các đại biểu đặt ra, nhiều phiên tranh luận giữa các vấn đề không ngớt. Tất cả vì muốn có một giải pháp tối ưu nhất để “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ”.

Đặc biệt, ở diễn đàn 4, trong chủ đề: “Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn”, TT. Thích Đức Thiện, Tổng thư ký BTC đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2014 tại Việt Nam đã phát biểu về vấn đề biển đông giữa Trung Quốc và Việt Nam. Thượng tọa đã thay mặt GHPGVN kêu gọi lãnh đạo đảng, nhà nước Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền của đất nước Việt Nam, đưa giàn khoan HD-981 và các tàu dịch vụ dầu khí thăm dò thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đạo Phật và các nhà cầm quyền Quốc tế đang cố hết sức để tìm ra giải pháp tối ưu giúp thế giới được sống trong hòa bình, thạnh trị. Không lý do gì chúng ta hủy hoại cuộc sống bình yên này để gieo vào đời sống của người khác hiểm họa khổ đau, chiến tranh, tang tóc. Việt Nam đã nếm đủ rồi sự tàn khóc của chiến tranh, chúng tôi luôn tôn trọng chủ quyền của các nước, tôn trọng hòa bình và thiết lập tình hữu nghị giữa đôi bên. Xin hãy tôn trọng!


Bài: Tiểu Bình - Ảnh: Ngộ Dũng - Võ Văn Tường - Nguyên Vương