Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

A DA MỤC KHƯ QUỐC

A DA MỤC KHƯ QUỐC
 
阿耶穆袪國
 
A-da-mục-khư (S: Ayomukhì).
 
Một quốc gia ở Trung Ấn Độ thời xưa. Vị trí nước này ở vùng Baiswara của châu Oudh , về phía nam sông Hằng ngày nay.
 
Theo Đại Đường Tây Vực Ký 5, chu vi nước này khoảng từ 2400 đến 2500 dặm. Thủ đô ở gần bờ sông Hằng (Căng-già), chu vi hơn 20 dặm. Phong tục của nước này rất mộc mạc, con người thuần hậu. Trong nước có 5 ngôi già lam, tăng chúng hơn 1.000 vị tu học theo Chánh lượng bộ của Tiểu thừa. còn có hơn 10 đền thờ trời và nhiều tôn giáo khác cùng lưu hành. Về phía Đông Nam thủ đô không xa, bên bờ sông Hằng có một ngôi tháp do vua A-Dục dựng, cao hơn 200m. Ngày xưa có lần đức Phật thuyết pháp ở đây trong ba tháng, bên cạnh tháp còn dấu vết tòa ngồi và vết chân của 4 đức Phật thời quá khứ.
 
Theo truyền thuyết, trước kia tại nước này có luận sư Buddhadasa soạn luận Đại Tì-bà-sa của Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ. Bồ tát Vô Trước đã học luận Du-già Sư Địa, Đại Thừa Trang Nghiêm, Trung Biên Phân Biệt với bồ tát Di Lặc trong rừng cây Đại Am-một-la ở phía Tây Nam thủ đô nước này. Bồ tát Thế Thân được sự khuyến hóa của bồ tát Vô Trước mà qui hướng Đại thừa và soạn hơn 100 bộ luận Đại thừa cũng ở tại nước này.
 
Theo: Đại Từ Ân Tự Tam Tạng Pháp Sư Truyện 2; T. Watters: On Yuan Chwang; S.N Majumdar: Cunningham s Ancient Geography of India .