Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

MA

MA; S và P. Mara
Giết hại, chướng ác, làm não hại thân tâm, làm tổn hại công đức, phá hoại trí tuệ. Có bốn loại ma”
 
1. Ma phiền não: tham, sân, si v.v… làm não hại thân tâm.
 
2. Ấm ma: (năm ấm) sắc, thọ, tưởng, hành, thức làm cho chúng sinh bị mê hoặc, chấp nhầm là có cái ta (x. ấm).
 
3. Tử ma: ma chết, cắt đứt mạng sống con người, khiến cho sự nghiệp tu hành bị gián đoạn.
 
4. Tha hóa tự tại thiên ma: cõi trời thứ sáu của Dục giới. Ở đây, có Ma vương hay Ma Ba Tuần chủ trì, chuyên làm các việc ma sự, gây trở ngại cho sự nghiệp tu hành và làm việc thiện. Cg, thiên ma.
 
Người bình thường có thể nhận thức được phiền não ma, tử ma, ấm ma, nhưng thiên ma thì không nhận thức được, do cảnh giới của người và cảnh giới của thiên ma khác nhau.
 
MA; A. to handle
Cầm bằng tay, xoa. Một từ hay được dùng để phiên âm từ chữ Sanskrit.
 
MA; A. to rub
Mài, bôi.
 
MA BA TUẦN; S. Papyan
Tên gọi khác của Ma vương. Hán dịch nghĩa là ác giả, sát giả: kẻ ác, kẻ giết hại.
 
MA CẢNH
Cảnh ma giới, không thuận lợi đối với sự nghiệp tu hành và làm các thiện pháp.
 
MA CHƯỚNG
Chướng ngại do các loài ma gây ra, ngăn trở sự nghiệp tu hành, làm các điều thiện.
 
MA CUNG
Cung điện của ma vương trên cõi trời Tha hóa tự tại.
 
“Ma cung hồn quản thậm,
 
Phật quốc bất thắng xuân.”
 
(Trần Nhân Tông)
 
Dịch:
 
“Cung ma quản rất chặt,
 
Nước Phật xuân không cùng.”
 
(Thơ Văn Lý-Trần tập II, tr. 454).
 
MA DÂN; S. Marakayikas; A. Mara’s people.
Dân chúng ở cõi trời Tha hóa tự tại.
 
MA DUYÊN
Những duyên xấu do ma phiền não, ma ấm, ma chết và các loài ma khác đem lại.
 
MA ĐÃNH
Xoa đỉnh đầu. Khi một đại đức, một tăng sĩ xoa đầu hay sờ đỉnh đầu một người, nghĩa là vị tăng sĩ ban phước lành cho người đó.
 
MA ĐẠO
Con đường của ma (con đường ác, bất thiện).