Từ điển phật học

Tìm kiếm theo chữ cái
Tất cả a b c d e f g h i k l m n o p q r s t u x y z

TÂM

Trong đạo Phật, khái niệm Tâm được diễn đạt bằng nhiều danh từ khác nhau:
 
1. Trong thuyết ngũ uẩn (x. từ năm uẩn) thì sắc uẩn bao gồm tất cả các sắc pháp, còn thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn bao gồm tất cả tâm pháp. Đó là theo thuyết ngũ uẩn, một trong những thuyết xưa nhất và căn bản nhất của thì tất cả các hành động tâm lí không ở ngoài cảm thụ (Ph. Sensations), tưởng tượng, tri giác (Ph. Perceptions), hành dục (Ph. Voitions) và thức phân biệt, hay biết (Ph. Conscience discriminative).
 
2. Trong thuyết 12 nhân duyên, ở chi Danh sắc, danh đại biểu cho tâm pháp, sắc đại biểu cho sắc pháp. Vì sao gọi tâm pháp là danh? Bởi lẽ các tâm pháp không có hình tướng như sắc pháp, cho nên chỉ có thể dùng tên để gọi chúng mà thôi.
 
3. Trong tông Duy Thức, những hoạt động tâm lí được phân tích cặn kẽ hơn và được bao gồm trong hai nhóm hoạt động chính, nhóm tâm vương và nhóm tâm sở. Nói hoạt động của Tâm vương và Tâm sở theo Duy Thức tông, nói tất cả mọi hoạt động của tâm. Hoạt động của tâm vương là hoạt động chủ đạo. Hoạt động của tâm sở là hoạt động phụ thuộc của tâm vương. Vương, nghĩa là vua. Còn sở là sở hữu. Tâm sở có nghĩa là những pháp sở hữu của tâm vương.
 
Duy Thức tông phân biệt có tám tâm vương và 51 tâm sở. Nói tóm lại, thứ nhất, đạo Phật không quan niệm tâm lí là một cái gì thuần nhất, giản đơn theo kiểu như khái niệm linh hồn… thứ hai, đạo Phật xem tâm pháp thuộc pháp hữu vi, nghĩa là những pháp sinh diệt, có tạo tác chứ không phải như khái niệm một linh hồn linh thiêng bất tử theo như một số tôn giáo khác quan niệm.
 
Nếu định nghĩa tâm một cách khái quát nhất thì trong các kinh điển Phật giáo, chữ tâm thường được dùng theo sáu nghĩa:
 
1. Nhục đoàn tâm: quả tim vật chất, làm chức năng bơm máu đi khắp cơ thể.
 
2. Tập khởi tâm: tức là thức thứ 8 (đệ bát thức; S. Alaya vijnana), Hán dịch là Tạng thức (x. tạng thức) là toàn bộ tâm thức, cơ sở của mọi hoạt động tâm lí.
 
3. Tư lương tâm: Tư lương là đắn đo, suy nghĩ. Tâm thức tư lương là tâm thức thứ bảy (Mạt na thức). Tác dụng của nó là liên tục, không phút nghỉ dừng, chấp thức thứ tám (Tạng thức) là Ta (cái ta riêng biệt). Thức thứ bảy là khái niệm mà Tâm lí học phương Tây chưa từng biết. Vì tác dụng của nó là chấp ngã, cho nên nó là cơ sơ của những phiền não cơ bản xoay xung quanh cái Ta, ngư Ngã si (si mê về cái Ta), ngã kiến (thấy sai lầm có cái Ta riêng biệt), Ngã ái (đam mê yêu thương cái Ta), và Ngã mạn (đặt cái Ta cao hơn tất cả). Một từ khác dùng để chỉ tâm thức thứ bảy là Ý, chỉ tướng trạng của thức này là sinh diệt nối tiếp nhau không bao giờ bị gián đoạn (có bao giờ ta quên ta là ta đâu!). Đồng thời, thức thứ bảy là nơi nương tựa, nơi y chỉ của thức thứ sáu (ý thức) cho nên sách Phật cũng gọi thức thứ bảy là Ý căn (căn năng của ý thức).
 
4. Liễu biệt tâm: Ý thức và năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tị thức, thân thức) có tác dụng duyên với ngoại cảnh bên ngoài và phân biệt nhận thức chúng.
 
5. Kiên thực tâm: chân tâm, cái tâm không hư vọng, đó là Phật tính, cái mầm mống giác ngộ vốn sẵn có trong mỗi chúng ta.
 
6. Tinh yếu tâm: như nói Bát nhã Ba la mật đa tâm kinh. Tâm ở đây nghĩa là cái tinh yếu, cái cốt lõi. Bộ kinh Bát nhã rất dài có đến 600 cuốn (Hán dịch) nhưng một cuốn kinh nhỏ là Bát nhã ba la mật đa tâm kinh đã thâu tóm được toàn bộ tinh hoa của bộ Bát nhã trong hai ba trang sách, cho nên gọi là Tâm kinh.