Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường

Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP.

Trước tình trạng đó, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại nước ta đã cùng ngồi lại thảo luận và ký vào cam kết chung phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Đó là nội dung của cuộc họp diễn ra ngày 15-4-2016 tại trụ sở Trung ương MTTQVN ở Hà Nội.
 
Quang cảnh buổi họp lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại trụ sở UBTƯMTTQVN ngày 15-4 

Cuộc họp diễn ra bởi sự chủ trì của ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; ông Eivind Ather, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA) cùng đại diện các tổ chức thuộc 14 tôn giáo tham dự.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo - Dân tộc của Trung ương MTTQVN cho biết, với mục đích nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự đóng góp tích cực của chức sắc các tôn giáo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tháng 12 năm 2015, Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” thu hút sự tham gia của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo trong cả nước được tổ chức tại thành phố Huế thành công tốt đẹp về nhiều mặt. 

Lần đầu tiên, một hội nghị toàn quốc về phát huy vai trò, trách nhiệm liên đới của các tôn giáo đã bàn bạc và đi đến thống nhất hành động bằng Tuyên bố cam kết chung của các tôn giáo và bằng một Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ký kết. Điều này đã mang một dấu ấn lịch sử, biểu thị sự đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam để cùng với Nhà nước, MTTQVN chăm lo cho sự phát triển bền vững của đất nước, cũng như nhiệm vụ của Việt Nam đối với công việc chung của toàn cầu.

Tại hội nghị lần này, Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gồm 22 thành viên. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Lê Bá Trình làm Trưởng ban; hai Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Trương Thị Ngọc Ánh.

Ông Lê Bá Trình đã trình bày kế hoạch hành động phối hợp. Theo đó, sau hội nghị đã ra mắt Ban Chỉ đạo định hướng lộ trình thực hiện chương trình phối hợp từ tháng 5 và tháng 6-2015 tiến hành khảo sát, hỗ trợ một số mô hình điểm của Phật giáo và Công giáo ở Huế, Hà Nội, Hải Phòng để đánh giá thực trạng, nhu cầu, khả năng đáp ứng các thế mạnh sở trường của các mô hình đã tham gia chương trình. 

Trong tháng 6 và 7-2016 khảo sát mô hình điểm tại TP.Hồ Chí Minh và khảo sát, đánh giá nhu cầu để xây dựng mô hình điểm trong đồng bào Phật giáo, Hồi giáo, Bà-la-môn, tập huấn cho các chức sắc, nhà tu hành một số tôn giáo về ứng phó với biển đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường. Tháng 11-2016, Ban Chỉ đạo sẽ giám sát việc thực hiện chương trình phối hợp và hoạt động của các mô hình điểm tại Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Thuận, An Giang, TP.Hồ Chí Minh. 

Tháng 12-2016, Ban Chỉ đạo sơ kết 1 năm thực hiện chương trình phối hợp. Từ năm 2017 - 2020, cứ 6 tháng một lần tổ chức rà soát, sơ kết việc thực hiện. Hàng năm tổng kết việc thực hiện trong năm vào dịp những ngày lễ trọng của tôn giáo hoặc ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Năm 2020 tổ chức tổng kết từ địa phương đến Trung ương.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc triển khai chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của tôn giáo cũng như trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Hoạt động bảo vệ môi trường phải dựa vào nhân dân, nhưng nhân dân cần hình thức để tổ chức. Vì vậy, sự tham gia của các tôn giáo vào vấn đề này thể hiện tinh thần, trách nhiệm và chắc chắn sẽ có các mô hình tốt để thực hiện. 

“Cần căn cứ vào đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán của từng tôn giáo, từng địa phương để xác định nhiệm vụ, phương án cụ thể thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện linh hoạt, chú trọng đến việc tạo điều kiện, môi trường để tín đồ của các tôn giáo phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng sự đồng lòng, nhất trí trong việc thực hiện các nội dung, giải pháp để tạo được sức mạnh chung và đạt kết quả tốt”, ông Nhân nhấn mạnh.

Để công việc bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, MTTQVN và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành bộ tài liệu về quyền và nghĩa vụ công dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để các tổ chức, cá nhân tôn giáo có kế hoạch cụ thể, triển khai việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ trong sinh hoạt tôn giáo phù hợp đối với mỗi tôn giáo. 

Cùng với đó là mỗi tôn giáo, xã phường có được những mô hình nhân dân tự quản bảo vệ môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các địa bàn dân cư phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mỗi tôn giáo và mỗi vùng miền để người có đạo lẫn không có đạo có thể tham gia thực hiện. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đề nghị chức sắc của 40 tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi bảo vệ môi trường cho người dân tại cộng đồng dân cư.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các đơn vị liên quan và lãnh đạo các tổ chức thuộc 14 tôn giáo đều thể hiện quyết tâm cao, cam kết chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Các đại biểu cho rằng, tất cả các tôn giáo đều trong nhân dân, vì vậy, tôn giáo tham gia vào vấn đề biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. 

 
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN đề nghị các tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục 
phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi bảo vệ môi trường cho người dân tại cộng đồng dân cư

HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cho rằng, trong thực hiện cần đề cao và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về môi trường và biến đổi khi hậu tới Tăng Ni, Phật tử và mọi người dân. Các tôn giáo với giáo lý của mình hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng có truyền thông về vấn đề này thì chắc chắn sẽ thấm vào mỗi Phật tử và sẽ được chuyển tải ra toàn thể nhân dân. Cần phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng từ lý thuyết đến thực hành. Làm thế nào để người dân nói chung và chức sắc, tín đồ nói riêng có những hiểu biết về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và những hành vi nào trong sản xuất, tổ chức cuộc sống hàng ngày sẽ góp phần làm cho ô nhiễm môi trường tăng cao, là những tác nhân gây nên biến đổi khí hậu cần phải tránh và có các giải pháp giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở các địa bàn dân cư.

Theo HT.Thích Thiện Nhơn, cần xây dựng những mô hình riêng cho đô thị và nông thôn. Chẳng hạn, ở đô thị cần tuyên truyền cho người dân bài  trừ các hủ tục lạc hậu, không đốt vàng mã sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Ở ĐBSCL thì xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với hạn hán và tình trạng nhiễm mặn.Đánh giá cao sự vào cuộc của Mặt trận, các tôn giáo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cam kết cung cấp đủ tài liệu, cơ chế để nâng cao hiểu biết của nhân dân về luật pháp bảo vệ môi trường cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu, mối quan  hệ nhân quả giữa con người và tự nhiên, về đạo đức của con người trong chấp hành luật pháp bảo vệ môi trường… Cùng với đó sẽ có quỹ để nhân rộng các mô hình cũng như khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong lĩnh vực này.

 
Chu Minh Khôi