Gặp gỡ vị giám đốc mê thiện nguyện

Giữa bộn bề của cuộc sống, ít ai đổ nhiệt huyết, công sức và tận tâm với từ thiện đến sống còn như anh. Trên cương vị giám đốc điều hành của công ty thời trang, Lê Nguyễn Ngọc Anh (pháp danh Khả Anh) vẫn dành trọn tâm huyết khi làm chủ nhiệm Câu lạc bộ 14 chữ với các hoạt động thiện nguyện từ tâm hướng Phật.

Lê Nguyễn Ngọc Anh hiện đang là giám đốc điều hành của một công ty thời trang.

Bén duyên với từ thiện khi còn nhỏ

Bố mẹ vốn là những Phật tử thuần thành, nên Ngọc Anh (sinh năm 1984) đã thấm nhuần những triết lý của đạo Phật, hiểu về sự đồng cảm và sẻ chia với những người khó khăn ngay từ nhỏ. Người con quê Triệu Sơn (Thanh Hóa) được theo chân cha mẹ tham gia các hoạt động xã hội. Ngọc Anh chia sẻ: “Cứ đi, gặp, tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh, tôi nhận ra rằng khi mình còn cơ hội, có đủ điều kiện thì cần có trách nhiệm hơn với những người xung quanh".

Đam mê từ thiện ngấm vào trong máu, suốt quá trình học tập, làm việc của mình anh luôn tích cực tổ chức những hoạt động vì cộng đồng. Dù rất bận rộn với vai trò của một giám đốc điều hành, anh luôn sắp xếp thời gian tối đa cho các hoạt động từ thiện. Không chỉ đơn độc từ thiện, anh còn muốn lan tỏa và khơi dậy tấm lòng trắc ẩn từ các bạn trẻ. Vì vậy, CLB "Hà Nội 14 Chữ" (Câu lạc bộ Hà Nội Thích đi chùa tụng kinh - phóng sinh - phát cơm từ thiện) do anh thành lập năm 2012 được coi như mối nhân duyên thiện lành.

Đồng hành cùng CLB là Đại Đức Thích Lệ Minh (Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam) - Chứng minh đạo sư hiện nay của CLB. Theo anh: “Nếu có một tổ chức thiện nguyện xã hội có hướng đi rõ ràng và những mảng hoạt động từ thiện thiết thực thì tổ chức đó mới có sức lan tỏa. Từ đó có thể ứng dụng phần nào nhân cách sống thiện lành vào trong cuộc sống hiện tại. Chúng tôi bắt đầu dựng xây mô hình CLB Hà Nội 14 Chữ từ những mục tiêu đơn giản".

Đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn

Việc làm thiện nguyện từ tâm hướng Phật của Ngọc Anh đã lôi cuốn được nhiều bạn trẻ cùng tham gia. Số tiền từ thiện cho các hoạt động xã hội xuất phát từ sự đóng góp của anh, thành viên trong CLB và kêu gọi nhiều nhà tài trợ khác. Biết bao chương trình, hoạt động thiết thực được anh hướng đến nhằm hỗ trợ cuộc sống cho những người bất hạnh, những mảnh đất ở điểm địa đầu của tổ quốc.

Tại Bệnh viện E và Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cuối tuần nào cũng rộn ràng tiếng cười. Hình ảnh người dáng mảnh khảnh của anh cùng các bạn trẻ đến bệnh viện chăm sóc, cắt tóc, tắm gội, nấu cơm phục vụ những bệnh nhân tâm thần đâu còn xa lạ. Mọi người dành ngày cuối tuần nghỉ ngơi, còn niềm vui của anh được sẻ chia, hỗ trợ những người gặp hoàn cảnh bất hạnh.

Ngọc Anh điềm đạm nói: “Mặc dù đã tổ chức rất nhiều chuyến thiện nguyện trên hầu hết các tỉnh vùng cao phía Bắc, nhưng có lẽ các bản làng vùng cao thuộc tỉnh Hà Giang là nơi mà chúng tôi quan tâm, băn khoăn và trăn trở nhất về sự thiếu thốn vật chất, khắc nghiệt của thời tiết cũng như việc đi lại khó khăn".

Thực hiện tâm nguyện đó, không quản trời lạnh cắt da, đường đèo chênh vênh khó đi, Ngọc Anh cùng thành viên trong CLB vẫn miệt mài  mang “Áo ấm” đến với các em nhỏ ở xã Xín Cái, Thượng Phùng (Mèo Vạc), Sán Sả Hồ, Ngàm Đăng Vài, Nậm Khòa (Hoàng Su Phì). Vào năm 2013, chuyến đi mang nhiều cảm xúc nhất đối với anh là đến với các em học sinh vùng cao xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì).

 
Anh Ngọc Anh trao tặng những chiếc áo ấm cho các học sinh vùng cao xã Nậm Khoà, Hoàng Su Phì, Hà Giang. 

Với ba lần ngược xuôi, sự gian nan để đến đúng điểm trường, Ngọc Anh mang đến từng đôi dép, từng quyển vở, những chiếc áo ấm giúp hỗ trợ các em nhỏ điều kiện tiếp cận con chữ. Không thể quên được ánh mắt rực sáng, tiếng cười giòn tan của các em nhỏ khi được đón trung thu đầy đủ. Những ca sĩ được mời từ Hà Nội cùng hát vang bài ca quê hương, đất nước dưới sự đón chào nồng nhiệt của các em. Đây những lần ít ỏi các em vùng cao được rước đèn ông sao, phá cỗ đêm rằm trung thu.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo Khả Anh: “Quà mình tặng các em sẽ dùng hết, nhưng nếu để lại cho các em một ngôi nhà bán trú để tránh mưa, tránh nắng, tránh cái không khí lạnh khắc nghiệt nơi vùng cao thì có lẽ sẽ ý nghĩa hơn nhiều". Đây là động lực để anh cùng các thành viên trong CLB tích cực vận động, kêu gọi sự hỗ trợ để thực hiện được dự án nhà bán trú Mường Pồn (Điện Biên).Vượt qua các những khó khăn, trong 6 tháng ngắn ngủi anh đã đứng ra vận động được 600 triệu đồng để thực hiện dự án.

Tháng 1.2015, nhà bán trú được CLB bàn giao và sử dụng và quản lý của nhà trường. Công trình nhà bán trú mang ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần không chỉ với thầy trò học sinh nơi đây mà với cả những người đã chung tay đóng góp. Ngọc Anh luôn tin rằng những tình thương này sẽ luôn hiện hữu, đem lại hơi ấm cho các em học sinh vùng cao trong những mùa đông lạnh giá.Trong tâm anh không lúc nào nguôi câu nói của đạo Phật: “Đời không đạo đời không có nghĩa - Đạo không đời đạo sống với ai”. Vì vậy, san sẻ yêu thương, mang lại tiếng cười đến trẻ em vùng cao, những người khốn khó như một trách nhiệm của Ngọc Anh với cộng đồng. Với anh: “Sống sao cho ý nghĩa ngày mà mình đang còn cơ hội sống, làm tốt việc của mình và giúp đỡ được nhiều nhất đến người xung quanh".

Hoa Lê