Nơi nương náu của những phụ nữ bất hạnh

Khuất sau con đường khúc khuỷu tỉnh lộ 10 (P.Tân Tạo, Q.Bình Tân), hơn 23 năm nay chùa Bình An đã trở thành mái ấm đong đầy yêu thương, nơi nương tựa của người già neo đơn, trẻ mồ côi, phụ nữ bị bạo hành và những mảnh đời bất hạnh.

Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi về đây, sống dưới mái ấm này, nỗi đau của họ dần được xoa dịu, chữa lành bằng những yêu thương. Nơi cánh cửa từ bi này, giờ đây họ cảm nhận được giá trị của bản thân và tìm lại niềm hạnh phúc.

Mái ấm cho người già, trẻ nhỏ

Trên đường tìm đến chùa Bình An, hỏi thăm những người dân sống lâu năm gần khu vực này, họ đã kể cho chúng tôi nghe rằng, nhờ có tình thương của NS.TN Tùng Tín, trụ trì chùa Bình An và SC.TN Huệ Bình, Phó trụ trì chùa chịu thương, chịu khó mà các cụ già neo đơn, mấy chị em phụ nữ bị chồng ngược đãi, bạo hành và những đứa trẻ bị bỏ rơi may mắn được chùa cưu mang có cuộc sống ấm êm, không phải vất vưởng đầu đường, xó chợ.

“Ngày xưa đầu tiên chùa nuôi các cụ già neo đơn, tới nhận nuôi trẻ mồ côi người ta bỏ ở cổng chùa, rồi mới tới cưu mang phụ nữ bị bạo hành. Thời kỳ những năm 1995 cực lắm, chùa không điện, không nước, muốn có lá lợp chùa để nuôi người già neo đơn, các sư cô phải lội bộ đi mười mấy cây số, vào bưng biền đốn lá, đi ghe chở về. Qua ba mùa lợp lá mới đến lợp tôn, xây tường như bây giờ”, ông Hoài, di cư miền Nam đến khu vực này sống từ năm 1975 cho biết.


Phía bên trong dãy phòng dành cho những cụ già neo đơn là nơi dành riêng cho các chị em bị chồng, con bạo hành...

NS.TN Tùng Tín, trụ trì chùa Bình An cho biết: “Mái ấm nuôi người già thành lập theo ý nguyện của SC.TN Huệ Bình. 25 năm trước, SC.Huệ Bình đi học ở chùa Vĩnh Nghiêm, thấy các cụ già đi bán rau để mưu sinh nên thương quá, rồi phát tâm đòi nuôi. Tôi hỏi ‘lấy gạo đâu mà nuôi’ thì Sư cô thưa ‘thầy cho con nuôi đi, con đi xin gạo nuôi’. Lúc đầu đắn đo lắm vì chùa cũng nghèo nhưng đến khi thấy người già không nơi nương tựa, sống vất vưởng tội quá, cầm lòng không đặng nên tôi đồng ý cưu mang”.

Ni sư cho biết thêm, cứ thế, người ta bỏ trẻ con trước chùa, “Mình nghĩ mình không cứu thì ai cứu nó nên ôm vô nuôi luôn. Rồi vài năm sau, các chị em phụ nữ bị chồng bạo hành, đánh đập, không tiền bạc, không nơi nương tựa đến xin tạm lánh. Chùa bỏ mặc, làm ngơ không đành, vậy là thầy trò mở rộng thêm cánh cửa…”.

Và là địa điểm tin cậy của phụ nữ bị bạo hành

Dẫn chúng tôi đi xem khu nhà dành cho các chị em bị chồng, gia đình bạo hành đến tá túc, NS.TN Tùng Tín kể: “Phụ nữ đến tá túc thường có nhiều hoàn cảnh và nguyên nhân mà xuất phát từ cuộc sống gia đình không hòa hợp, không hạnh phúc, bị đánh đập, ruồng rẫy. Cho nên, chị em bị bệnh hay khờ, khùng gì chúng tôi cũng nhận, tội nghiệp là nhận vào nuôi”.

Thấy các sư cô bước qua hành lang, bà Tâm bị tâm thần nhẹ cười tươi, ánh mắt cứ dõi theo. Ni sư hỏi bà bao nhiêu tuổi, bà Tâm cười tươi bảo: “Tuổi con bò, không có nói xạo”. Nghe bà Tâm nói, các cụ ở giường kế bên ai cũng cười vui. “Lúc tuổi con mèo, lúc tuổi con bò, mà được cái là ai hỏi chuyện cũng trả lời, không có quạu, không có cộc, hồn nhiên lắm”, bà Đầm, 94 tuổi sống cùng bày tỏ.
Bà Bích Thịnh, vừa chạm 60 tuổi nhưng có lẽ vì trải qua nhiều tổn thương tâm lý nên trí nhớ không còn minh mẫn.

Bà bị khờ, không nói chuyện được, nhưng ai bắt chuyện, bà liền có những biểu cảm. Được SC.TN Huệ Bình hỏi thăm, bà Thịnh thích thú ra mặt, nũng nịu như đứa trẻ, sẵn sàng ôm Sư cô khi được cho phép. Nhắc đến hai từ “về nhà” là bà Thịnh phản ứng mạnh và chỉ muốn ở chùa thôi. “Ở đây ai cũng được thương nên ai cũng thích. Sư thương, bạn thương, mấy cháu nhỏ cũng thương. Ở nhà chỉ có bị chửi, nếm khổ đau, chứ đâu biết mùi hạnh phúc như ở đây”, một cụ bà chia sẻ.

Hỏi ra mới biết, vì thương mọi người đến đây nương náu và để tiện cho việc sinh hoạt của các cụ già với các chị em có con nhỏ, Ni sư trụ trì và Sư cô bàn với nhau, đánh liều vay 800 triệu của Phật tử, xây thêm phòng bằng gạch sạch sẽ, thoáng mát, trang bị đầy đủ tiện nghi cho mọi người sinh hoạt. Khi chúng tôi đắn đo, lấy tiền đâu trả khoảng tiền đã vay?

SC.Huệ Bình trải lòng: “Hàng tháng chùa có nấu đồ chay bán các ngày rằm, vía và nấu bánh giò đi bỏ mối. Số tiền cố định phải chi hàng tháng nuôi dưỡng 60 cụ già, 30 em nhỏ trong độ tuổi ăn học và các chị em đến xin tá túc, nương nhờ, chi phí hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa kể, nếu có ai bệnh, ai qua đời thì số tiền phải vượt hơn số đó. Nhờ “xắn tay áo làm kinh tế” như vậy mà các khoản vay giờ đã trả hết và có tiền lo cho mọi người. Tất cả là nhờ có... cái bếp”.

Khi chúng tôi xuống bếp, cũng là lúc mọi người chuẩn bị thức ăn theo đơn đặt hàng của các chủ sạp bán đồ chay ở các chợ. Phật tử biết chùa nuôi cụ già, các em mồ côi, chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nên sản phẩm gì từ chùa làm ra cũng giới thiệu nhau ủng hộ, lấy mối buôn bán.

Ngày chay là hầu như người nào sống ở chùa có sức khỏe cũng xuống bếp, chung tay phụ việc. Người nhặt đậu, xào nhân, lau lá gói bánh, người nấu đồ la-ghim… Bếp nóng, mồ hôi lã chã nhưng mọi người lúc làm vui vẻ, không khí ở bếp vui như ngày Tết.

Vừa thao tác xào nhân làm bánh, chị Thanh, 34 tuổi, quê tận Sóc Trăng cho biết, chị trốn gia đình chồng lên chùa Bình An ở được 3 năm nay. “Mừng lắm. Ở đây mẹ con tôi có cuộc sống bình yên, ai cũng thương yêu, đùm bọc hai mẹ con, cảm giác đây là gia đình, mái ấm.

Trước đây, một ngày sống với chồng là một ngày ở trong địa ngục, bị chồng bạo hành, đánh đập mấy lần, chết đi sống lại, gia đình chồng hất hủi, những ngày tháng đó đắng cay đến mức chỉ biết cầu xin ơn trên độ trì để sống được mà nuôi con.

“Từ khi đến chùa thì tôi mới được sống lại, sống như một con người đúng nghĩa. Con của tôi được các Sư cô cho đi học, phía trước là tương lai tươi sáng. Hàng ngày, tôi phụ chùa nấu ăn, phụ chăm sóc các cụ già sống cùng, được làm việc có ích cho mọi người, cuộc sống hiện tại tôi mãn nguyện, không mong gì hơn”, chị Thanh rưng rưng nói.

Không riêng gì chị Thanh, tiếp xúc với các chị đã từng đến đây nương nhờ, ai cũng bày tỏ cảm thấy an tâm, hạnh phúc hơn ở ngôi nhà của chính mình. Ai cũng vậy, nhắc đến cuộc sống lúc trước là ám ảnh, là nước mắt chảy, là muốn quên đi. Hiện tại, họ có được nơi nương tựa chốn thiền môn như thế này, họ có được hạnh phúc, sự tự tin mà trước đây chưa từng.

Năm 2012, khi biết được các Sư cô nuôi dưỡng, cưu mang những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hội phụ nữ quận Bình Tân chọn đây là địa điểm tin cậy cộng đồng của quận. Điều đó có nghĩa, số lượng chị em phụ nữ có hoàn cảnh “cá biệt” đến chùa xin nương tựa sẽ tăng thêm, nhưng NS.TN Tùng Tín và SC.TN Huệ Bình bày tỏ hoan hỷ.

“Người ta khó, có duyên mới tìm tới. Chúng tôi biết chúng tôi không đơn độc, mà luôn có nhiều tấm lòng, nhiều vòng tay chung sức. Cứ làm điều thiện, làm điều tử tế, sống sẻ chia với đời, làm đẹp cho đạo thì luôn có sự an bày”, SC.TN Huệ Bình lạc quan.

“Ngoài việc kết hợp với nhà chùa tư vấn tâm lý cho các chị em, những chị em có hoàn cảnh bị bạo hành, không chốn nương thân, Hội Phụ nữ sẽ giới thiệu đến chùa Bình An tá túc. Năm nào cũng có ít nhất một, hai chị em phụ nữ đến chùa tạm lánh. Chùa Bình An mở rộng vòng tay, đón nhận và chăm sóc các phụ nữ bị bạo hành, đó là hành động nhân văn, góp phần chung tay cho an sinh xã hội.

Vào chùa, các chị em khi được chia sẻ, họ sống tích cực, tâm trí trở nên bình yên hơn và có những đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng như: chăm sóc những cụ già neo đơn cùng sống tại chùa, chăm sóc các bé mồ côi đang được chùa nuôi dưỡng. Cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn rất nhiều ở nơi thiền môn”, bà Bùi Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Bình Tân cho biết.
 
Bài viết: "Nơi nương náu của những phụ nữ bất hạnh"
Khánh Vi/ Vườn hoa Phật giáo