Đừng lấy lợi nhuận để đổi lấy nỗi đau của đồng loại

Mỗi năm Việt Nam có 126.000 ca mắc bệnh ung thư được phát hiện mới, 94.000 người mắc bệnh này tử vong. Và đó là nỗi ám ảnh cho bất cứ ai, giàu hay nghèo, là người sống trong gia đình hay xuất gia, không ai chắc rằng “án treo” đó không có tên mình và người thân của mình.


Đã có quá nhiều lời cảnh báo về nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của căn bệnh vốn được dân gian gọi là “nan y” này. Đó là vì lòng tham, chạy theo lợi nhuận bất chấp hậu quả; cổ xúy tiêu dùng rượu bia, sự thiếu kiểm soát các loại thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm; khai thác thiên nhiên quá độ, ô nhiễm môi trường sinh thái, lối sống lệch lạc, v.v…


Trong khi cái đau của căn bệnh hiểm nghèo này đã và đang dày xéo thể xác hàng trăm ngàn người mắc phải, đẩy hàng triệu người thân rơi vào sự khủng hoảng, mất mát khó lấy gì để bù đắp, thì gần đây, thông tin về việc Cục Quản lý Dược trong vụ cho nhập lô H-Capita chữa ung thư là thuốc giả như một quả bom phá hủy niềm tin vào các cơ quan chức năng giám sát và quản lý về y tế vốn đã có nhiều sự vụ làm chao đảo lòng người.

Chuyên gia thì cho rằng H-Capita là thuốc giả, trong khi các nhà quản lý ở cấp Bộ lại biện hộ trước dư luận rằng không phải như thế, bởi “hàm lượng hóa dược” có trong H-Capita chữa được bệnh ung thư! Sự biện hộ đó cũng đã được vạch trần là nói dối vì lợi nhuận (như báo chí đã phân tích).

Hàm lượng hóa dược tương đương không có nghĩa là có sự tương đương về điều trị, thậm chí có những loại thuốc có thành phần hóa dược giống nhau nhưng công dụng thực tế lại khác xa nhau.

Cái giống như thật không bao giờ là sự thật. Cái mạo danh, cái giả thì càng không đến thể là cái thật. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng thấy được điều đó, đặc biệt là những bệnh nhân, thân nhân người bệnh, nhất là trong các trường hợp mắc phải căn bệnh ung thư, “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ mong sao được thuyên giảm.

Bệnh là một trong những nỗi đau ám ảnh của đời người. Quá nhiều câu chuyện ảm đạm liên quan tới ngành y tế, lòng tham đã khiến một số người trong ngành này không làm chủ tâm mình, đánh mất y đức - đức tính thiêng liêng mà cả xã hội gửi gắm tin tưởng. Ai từng vào bệnh viện, sẽ thấy được nỗi khổ của vô thường. Lẽ ra, đó là môi trường cho lòng trắc ẩn, tình thương đâm chồi nẩy lộc, ra hoa kết trái, của những sẻ ngọt chia bùi trong lúc khốn khó. Xin đừng biến nơi đó trở thành thị trường béo bở để làm tiền.

Kiếm lợi nhuận trên nỗi đau của người bệnh cùng thân nhân trong hy vọng giành giựt sự sống từng giây phút, bao che cho việc làm đó là một nghiệp xấu, tội ác.

Dư luận và các nhà chuyên môn đã lên tiếng, và đã có quá nhiều cảnh báo. Người đứng đầu Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo làm nghiêm trong việc truy cứu trách nhiệm liên quan tới việc nhập khẩu lô thuốc H-Capita, trở thành điểm nóng của xã hội trong thời gian qua. Mong rằng, việc làm này cần dứt khoát, và cần có biện pháp lâu dài và căn cơ nhằm kiểm soát, giảm thiểu tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ảnh hưởng tới nỗi đau của hàng triệu người dân.

Cần những biện pháp thiết thực để lấy lại niềm tin, đừng để người dân nghĩ rằng lợi ích của một nhóm người nào đó còn cao hơn cả pháp luật, để rồi niềm tin vào công lý - yếu tố làm ổn định xã hội sẽ bị lung lay, mai một.