Bài học của Park Hang Seo và U23: Khi bạn mắc sai lầm, luôn có một người bọc lót đằng sau

Xem những màn trình diễn đầy tự tin, xông xáo mà bình tĩnh của các cầu thủ Việt Nam tại giải đấu U23 AFC 2018 vừa qua, người hâm mộ hẳn đã nhận ra có điều gì đó rất khác ở các cầu thủ trẻ. Đó là sự tự tin và một tinh thần đồng đội tuyệt vời hơn bao giờ hết của bóng đá Việt Nam.


Được biết, ngay từ những ngày đầu nhận vị trí huấn luyện viên trưởng của tuyển U23, ông Park Hang Seo đã nhắc các cầu thủ U23 Việt Nam phải luôn sẵn sàng sửa sai cho đồng đội.

Tinh thần đồng đội, dựa trên sự tin tưởng và vị tha luôn là sức mạnh bí mật nhưng vô cùng lợi hại của mọi tập thể, đặc biệt là trong bóng đá, một môn thể thao đối kháng và mọi cầu thủ đều quan trọng như nhau. Ông Park rất hiểu điều đó, ông muốn các học trò của mình không những luôn sẵn sàng sửa sai cho đồng đội, mà ở chiều hướng ngược lại, còn phải luôn an tâm rằng sẽ có người hỗ trợ mình bất kỳ lúc nào.

Giới yêu bóng đá thường có câu rằng “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Điều đó phần nào nói lên rằng trong sự nghiệp cầu thủ, không phải lúc nào phong độ của bạn cũng ở đỉnh cao. Không một cá nhân nào là luôn hoàn hảo.

Đặc biệt trong các trận đấu quan trọng, khó khăn, sức ép tinh thần lên các cầu thủ là rất lớn. Họ có thể mắc sai lầm, thậm chí là sai lầm ngớ ngẩn và những pha xử lý bóng lập bập, không chắc chắn. Nếu cứ thi đấu với áp lực tinh thần lớn như vậy, thì mọi tài năng đều khó có thể phát huy và phô diễn tối đa.

Phá bỏ thứ áp lực cố hữu nhưng rất khó đột phá đó, huấn luyện viên Park Hang Seo truyền cho các học trò của mình một bí quyết đơn giản từ việc thay đổi lối tư duy của các cầu thủ. Khi bạn biết rằng, sẽ luôn có người sẵn sàng sửa sai, bọc lót cho những sai lầm của mình, áp lực lên tinh thần của bạn sẽ giảm bớt rất nhiều. Và bù lại, bạn phải luôn quan sát và cố gắng hết sức để “đỡ” cho các đồng đội của mình khi cần.

Trong những trận đấu đầy cam go ở Thường Châu, các cầu thủ U23 Việt Nam đã bọc lót cho nhau rất tốt với thế trận phòng ngự chắc chắn. Rất hiếm khi, người xem cảm thấy tin tưởng và bớt lo lắng mỗi khi bóng chuyền về phần sân của đội Việt Nam như những trận gần đây. Đó là nhờ sức mạnh bí mật và cũng là phương án giải tỏa áp lực rất hữu hiệu của ông Park.

Khi bức tường thành trước cầu môn Việt Nam – Bùi Tiến Dũng đón trượt bóng trong tình huống băng ra, nguy cơ bị thủng lưới là rất cao do bóng đã lăn vào vị trí dứt điểm thuận lợi của đội bạn. Ngay lập tức Đình Trọng xuất hiện và cản phá đường đi của bóng ngay trên vạch vôi.

Khi Xuân Mạnh xử lý bóng lỗi và để bóng lăn vào chân đội bạn đang đứng trước khung thành chỉ vài mét, hậu vệ Đình Trọng lại một lần nữa chạm bóng kịp thời, cứu cho đội nhà một bàn thua trông thấy.
Việc tin tưởng nhau, sẵn sàng sửa lỗi cho nhau, ý thức tuân thủ chiến thuật tốt và sự thấu hiểu trong một đội cũng sẽ khiến các cầu thủ bớt phải tiêu hao sức lực không cần thiết. Ngoài bài tâm lý giúp các cầu thủ không còn tự ti về tầm vóc và thể lực của mình, đây chính là cách tiết kiệm sức để U23 có thể đương đầu với các đối thủ mạnh hơn.

Tác giả nổi tiếng người Mỹ Patrick Lencioni từng viết: "Hãy nhớ rằng làm việc nhóm bắt đầu bằng việc xây dựng lòng tin. Và cách duy nhất để làm điều đó là vượt qua được nhu cầu tự phòng thủ khỏi mọi tổn thương trong mỗi người chúng ta".

Tin tưởng người khác, vì thế không chỉ có nghĩa là không phán xét, chê trách khi họ phạm lỗi và cho họ những cơ hội mới. Mà nó còn là việc bạn phải bước qua được cảm giác xấu hổ và ngại phạm lỗi khi làm việc trong một nhóm. Bởi bạn tin rằng, sẽ không có ai phán xét bạn, oán giận, quy trách nhiệm cho bạn. Một tập thể tốt sẽ luôn cùng nhau chịu trách nhiệm và cùng nhau chia sẻ thành công.

Và để có thể sẵn sàng sửa lỗi cho đồng đội của mình, bạn phải đủ vị tha để chỉ tập trung vào việc sửa lỗi mà không phân tán tinh thần vào việc oán trách và nghĩ đến những kết quả xấu từ cái lỗi đó.

Huấn luyện viên bóng rổ Mike Krzyzewski cũng đã từng chia sẻ như thế này: "Luyện tập cùng đồng đội chính là nét đẹp trong môn thể thao của chúng tôi, nơi mà bạn có thể hoạt động năm người như một. Bạn sẽ trở nên vị tha".

Nhìn từ bóng đá trẻ nước nhà, nhiều người dân Việt Nam đang được truyền một cảm hứng mãnh liệt về sự kiên cường và tinh thần cống hiến không hối tiếc. Thế nhưng một bài học cũng không kém phần sâu sắc và quan trọng là sự phối hợp khi làm việc nhóm, hết mình vì tập thể.

Không biết từ bao giờ, người Việt Nam được gắn cho một cái mác chung là có hiệu quả làm việc nhóm kém. Từ cái thời bao cấp, làm việc trong hợp tác xã với lối tư duy “cha chung không ai khóc”, ấn tượng về tập thể của người Việt là cào bằng. Thế nên không cần phải cố gắng quá, ôm đồm quá, cũng chẳng dại mà hy sinh quá nhiều lợi ích của bản thân. Bởi lợi ích của tập thể kiểu gì cũng sẽ được chia đều, có cố quá thì cũng chỉ nhận lại bằng người khác thôi.

Người Việt dần co lại, lo giữ cái lợi của bản thân mà quên đi cái lợi của tập thể. Từ cái cầu thang trong khu tập thể, cái sân chơi chung ở trước nhà, nếu nó có bẩn thì cũng không liên quan tới mình vì tuần này chưa tới phiên nhà mình dọn dẹp. Tới cái pantry ở văn phòng lịch sự (khu ăn uống nhỏ với đầy đủ dụng cụ pha chế theo mô hình tự phục vụ ở các văn phòng làm việc, nơi các nhân viên giải lao), cốc chén dù được ghi tên cũng bị dùng chung rồi thất lạc, bã trà đổ đầy vào bồn rửa dẫn đến tắc nước, cà phê, nước bị đổ xuống sàn cũng chẳng ai lau khiến mốc cả thảm…

Người ta cũng mang cái tâm thái bo bo giữ lợi cho bản thân đi khắp mọi nơi, ở mọi tình huống. Từ cái sân vận đồng đầy rác sau một buổi trình diễn ca nhạc, tới phố đi bộ đầy xác hoa sau ngày đầu tiên khai mạc đường hoa Tết. Từ cái bã cao su dính dưới ghế ngồi trong rạp chiếu phim, tới cái nhà vệ sinh công cộng bẩn thỉu vì chẳng cần phải giữ gìn nó khi sẽ có rất nhiều người cùng dùng chung.

Một khi bạn không thể nghĩ tới người khác, không đặt mình vào vị trí người khác để cảm nhận, thì không thể có được sự vị tha và thấu hiểu, cảm thông. Càng không thể tin tưởng người khác vì nghĩ ai cũng có thể chỉ nghĩ tới bản thân như mình.

Đó là hai điều không thể có trong một tập thể mạnh mẽ. Nó làm suy yếu niềm tin và kích động sự phán xét.

Tài năng như Ronaldo cũng phải bất lực nhìn đội bóng của mình thua cuộc khi đồng đội không hỗ trợ và tin tưởng anh. Những tập thể nhiều anh tài với cái tôi to lớn đều có sự liên kết lỏng lẻo và không tập trung được sức mạnh như những tập thể mà mọi cá nhân đều đặt quyền lợi của tập thể lên trên hết.

Những quốc gia có cùng xuất phát điểm như chúng ta nhưng lại bứt phá trở thành các cường quốc mang tầm thế giới như Nhật, Hàn đều nổi tiếng với tinh thần làm việc tập thể đầy cống hiến. Bởi họ biết khi tập thể có lợi là họ cũng sẽ có lợi và là cái lợi bền vững hơn nhiều cái lợi cá nhân đạt được nhờ chà đạp lên quyền lợi của người khác và của tập thể.

Từ những gì đội tuyển U23 Việt Nam đã thể hiện trên những sân bóng quốc tế đầy khó khăn. Mỗi người chúng ta chắc đều có thể thấy được sức mạnh tới từ việc sẵn sàng sửa sai cho đồng đội và tin tưởng họ. Muốn thế, bạn phải đủ vị tha và khiêm nhường. Quên đi bản thân để có được tập thể hùng mạnh, quốc gia hùng mạnh, đó có thể là điều nhiều người Việt đang cần.

“Người tài giỏi sẽ chiến thắng trò chơi, nhưng tinh thần đồng đội và trí óc giành chức vô địch” – Michael J. Jordan.