Bốn phương pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc

Đức Phật khi chưa xuất gia Ngài vốn là một Thái tử, có địa vị quyền uy, vợ đẹp con ngoan, văn võ song toàn,... mẫu người như Ngài là điều lý tưởng ai cũng mơ ước có được.

Cũng nhờ những nhân duyên đó Ngài sớm gặp được minh sư truyền trao giáo pháp, từ lý luận học được áp dụng đi sâu vào đời sống thực nghiệm nội tâm ngài đã giác ngộ và thuận duyên hoằng truyền giáo pháp. Ngài đã giảng dạy các đệ tử tại gia nếu chưa tu học theo đi theo lộ trình đó. Cụ thể nhất là bài kinh bốn pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc trong trong đời sống thực tại. Kinh Tăng Chi BK I. Ch.V, Phẩm Ba Pháp.
 
 
 
Thế Tôn nói với trưởng giả Cấp-Cô-Độc.

- Này gia chủ, có bốn loại hạnh phúc mà người gia chủ thích hưởng thụ dục lạc có thể đạt được, tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Thế nào là bốn? Đó là hạnh phúc do sở hữu, hạnh phúc do hưởng thụ, hạnh phúc do không bị nợ nần, hạnh phúc do không bị kết tội.

1 - Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do sở hữu? Ở đây, người gia chủ sở hữu tài sản thâu hoạch được do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp. Khi người ấy suy nghĩ,”Ta sở hữu tài sản thâu hoạch được do nỗ lực năng động… tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp’’, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do sở hữu.

2 - Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do hưởng thụ? Ở đây, người gia chủ sở hữu tài sản thâu hoạch được do nỗ lực năng động, tích lũy được bằng sức mạnh của cánh tay, kiếm được bằng mồ hôi nước mắt, tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp, người gia chủ hưởng thụ tài sản và làm những việc công đức. Khi người ấy suy nghĩ “Ta sở hữu tài sản thâu hoạch được do nỗ lực năng động… tài sản chơn chánh đạt được đúng pháp. Ta hưởng thụ tài sản và làm những việc công đức, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do hưởng thụ”.

3 - Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do không bị nợ nần? Ở đây, người gia chủ không mắc nợ bất cứ ai ở bất cứ mức độ nào, nhỏ hay lớn. Khi người ấy suy nghĩ ‘Ta không mắc nợ bất cứ ai ở bất cứ mức độ nào, nhỏ hay lớn’, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do không bị nợ nần.

 4 - Này gia chủ, thế nào là hạnh phúc do không bị kết tội? Ở đây, vị đệ tử đã thành tựu được đức hạnh trong sạch về thân, khẩu, ý. Khi vị ấy suy nghĩ, Ta đã thành tựu được đức hạnh trong sạch về thân, khẩu, ý, người ấy cảm nhận được niềm hoan hỷ. Đây gọi là hạnh phúc do không bị kết tội”. Đây chính là con đường giữ gìn giới và luật, tôn trọng tuân hành luật lệ hiện hành của xứ sở đó, biết vâng giữ trân quý giới pháp đã thọ, vì giới có công năng sinh ra định, từ định mà có tuệ.

 “ Hạnh phúc do sở hữu”.

Tài sản có được dựa trên nguyên tắc “chánh nghiệp” nghĩa là tài sản có được. không phải do: buôn bán vũ khí, buôn bán động vật còn sống, buôn bán thịt, hành nghề lầu xanh, buôn bán các chất gây nghiện, buôn bán thuốc độc. Ở đây ta thấy được rằng: đức Phật không ngăn cấm hàng đệ tử tại gia sở hữu tài sản, địa vị, sắc đẹp... Và ta thấy rõ các đệ tử của Ngài có những vị rất thành đạt giàu có như doanh nhân Cấp Cô Độc, quyền uy, dũng mãnh như vua A-xà-thế... Trong 37 phẩm trợ đạo thì 8 lần đức Phật khuyên chúng đệ tử phải tinh tấn. Phấn đấu cùng tận khả năng, trí lực, sức lực... nhằm tạo ra nhiều tài sản, trí tuệ giúp ích cho mình và người...

 “ Hạnh phúc do hưởng thụ”.

Đức Phật dạy, “cái khổ lớn nhất của con người không phải do thiếu ăn, thiếu mặc, làm con trâu, con bò, kéo cày, kéo xe, chưa chắc là khổ; bị đoạ làm súc sanh, quỷ đói, chưa chắc là khổ, mà cái khổ lớn nhất của con người là vô minh, mê muội, không biết lối đi mới thật là khổ...”.

 Những cái khổ thiếu ăn, thiếu mặc, đói rét, hay con trâu, con bò kéo cày, hoặc làm quỷ đói, cho đến khi trả hết nghiệp khổ thì cũng có ngày thoát ra khỏi, còn chúng ta sống trong vô minh mê lầm mà không biết lối đi, không biết được sự thật của cuộc đời mới là khổ.

“Tửu bất mê nhân, Nhân tự mê”
(Rượu không làm mê người
Chính người tự mê rượu)


Rượu bản chất nó chỉ là nước, nó không ác, cũng không thiện.. nếu bản chất nó ác, hại người thì ai uống vào cũng là nạn nhân bị hại như nhau không khác. Của cải vật chất, danh vọng, địa vị... cũng thế, bản chất nó là thanh tịnh, không ác, không thiện. Ác hay thiện chính do đối tượng sử dụng nó có thích hợp hay không thôi. Nếu dùng tài sản đó, địa vị, chức quyền, sắc đẹp... có được chìm sâu vào con đường hưởng thụ dục lạc quá sức, tạo bao ác nghiệp, như dâm dục, sát sanh... thì hiện đời khổ não, sau khi chết đọa vào xứ khổ cùng.

Nhưng nếu “Với tài sản thâu hoạch được đúng pháp như thế, tự mình tạo được hạnh phúc, an vui và giữ gìn sự an vui cho mình một cách đúng đắn. Người ấy giúp cha mẹ, cho vợ con, giúp cho bạn bè, đồng nghiệp, giúp người hầu, nhân công và người giúp việc, hiến tặng bà con, còn chuẩn bị để đối phó với những mất mát có thể xảy ra do hỏa hoạn hay lụt lội, do nhà vua, các băng cướp hay những kẻ thừa kế thù nghịch.

Hơn nữa, này gia chủ, với tài sản thâu hoạch đúng pháp như thế, vị Thánh đệ tử thiết lập sự cúng dường cao thượng cho các vị Sa môn, Bà-la-môn, những vị từ bỏ kiêu mạn và phóng dật, những vị an trú trong nhẫn nhục và nhu hòa, hết lòng tự nhiếp phục mình, từ an tịnh mình, và tu tập hướng đến chứng đắc Niết Bàn – đó là sự cúng dường thuộc về thiên giới, kết quả là đem lại hạnh phúc hiện tại và mai sau dẫn đến cõi thiên”.

 “Hạnh phúc do không bị nợ nần”

Nghĩa là mình phải biết cân bằng cuộc sống? Chủ biết rõ lợi tức và chi tiêu của mình, không hoang phí cũng không keo kiệt, chi tiêu vượt quá mức. Cần thiết lập sự bảo vệ và canh giữ tài sản thâu hoạch để ngăn cản nhà vua hay bọn cướp đoạt mất tài sản này, ngăn cản ngọn lửa không thiêu rụi, lụt lội làm trôi mất, và những kẻ thừa kế đáng ghét đoạt mất tài sản.

Sở dĩ Tài sản được tích lũy bị tiêu tan dẫn đến nợ nần như vậy là do: “cung phụng cho phụ nữ (người tình), uống rượu, đánh bạc, và kết bạn với kẻ xấu. Cũng giống như trường hợp một cái thùng nước lớn có bốn lỗ chảy ra và bốn lỗ chảy vào, nếu người ta đóng bốn lỗ chảy vào và mở bốn lỗ chảy ra, và không có đủ số lượng nước mưa đổ vào, thì điều mong đợi sẽ xảy ra là lượng nước mưa trong thùng sẽ giảm chứ không tăng, như vậy là bốn nguồn này làm tiêu tan tài sản”.

 “Hạnh phúc do không bị kết tội”

Người trì giới như đi trong đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của báu, như bệnh được lành, như người tù được thả, như kẻ đi xa được về nhà... Giới là hàng rào bảo vệ cho ta khỏi đi vào hầm hố nguy hiểm. Giữ thân mạng để tu tập, Nương vào thân này tu tập làm các phước đức, trí tuệ. Khi có trí tuệ soi sáng rồi thì dù ở cao nguyên nghèo khó, hay đô thị vinh hoa, xa lệ đài cát... ta vẫn ung dung tự tại như thường, còn không có trí tuệ dẫn đường dù ở nhà to, xe lớn....vẫn khổ như thường.

Người không có trí tuệ cũng ví như người mù ở trong ngôi nhà sang trọng giàu có, đủ tiện nghi vật chất. Nhưng vì mắt mù nên những vật dụng kia chỉ làm cản trở bước chân thêm thôi. Còn như người mắt sáng ở trong ngôi nhà đó thì những đồ dùng tiện nghi kia sẽ giúp cho họ thêm thăng hoa hơn trong cuộc sống. Như giới và định phải có tuệ soi sáng.

 Và đây cũng chính là trí tuệ của người con Phật, nhận thức, xác định rõ hạnh phúc, an vui, khổ đau, bất hạnh... không phải do định mệnh hay một đấng toàn năng nào đó sắp đặt. Mà chính do ta không tin vào đức Phật, không tin vào khả năng tự thân ta, không có ý chí phấn đấu, nỗ lực vươn lên, không biết sử dụng tài sản mình đang có, mình phung phí tiêu hao sức lực, trí tuệ, tài sản... không thấy rõ các pháp là duyên sinh, theo quy luật vô thường, biến chuyển. Không biết đường đi lối về tự tâm mình nên cứ bôn ba tìm cầu van xin mãi để rồi lạc bước.

“Lang thang làm kiếp phong trần mãi mãi,
Ngày cách quê hương muôn dặm đường”.

 (Vua Trần Thái Tông)

Nay may mắn gặp được chánh pháp ráng tu học tinh tấn, thanh lọc ba nghiệp thanh tịnh, thoát vòng luân hồi khổ đau, hiện đời được an lạc, sau khi chết được sanh về cõi an lành.

Bài viết: "Bốn phương pháp đưa đến an lạc, hạnh phúc"
Tâm Thủ/ Vườn hoa Phật giáo