Cạnh tranh không có nghĩa là dành giật

Người bình thường đều có thể hiểu được sự cạnh tranh, đó là việc cùng với đối phương giành lấy những thứ không phải của mình, để biến nó thành của mình, đây là “Sự cạnh tranh mang tính động vật”.


Sự cạnh tranh mà nhân loại hướng tới không phải là cướp đoạt những thành quả nỗ lực của người khác mà là dùng nỗ lực của chính mình để đạt kết quả mong muốn, thậm chí là kết quả tốt hơn đối phương.

Đây chính là tinh thần tích cực của Bồ tát, “cạnh tranh tích cực”, “cạnh tranh lành mạnh”, tức sự cạnh tranh hợp lý, công khai, công bằng. Mục đích của cạnh tranh không phải là đánh đổ người khác để giúp mình thành công mà là làm những chỗ người khác vẫn chưa làm tốt, làm tốt hơn chỗ người khác không thể hoặc làm không tốt, làm thế nào để có những cống hiến nhiều hơn người khác.

Có một người mẹ vì con trai mình quá lười biếng, không thích học hành cầu tiến, ngày ngày chỉ thích chơi điện tử, liền mắng con: “Con thật không có tiền đồ gì cả, lười biếng như vậy, mẹ sẽ đưa con đến chùa đi tu!”

Con trai cô sau khi nghe xong, đã chạy đến chùa chúng tôi, cậu cho rằng khi trở thành Hoà thượng cả ngày sẽ không phải làm gì và cho rằng người không cần phải đi học, không muốn làm việc, chỉ muốn chơi bời thì tốt nhất là đi tu.

Thực ra, làm Hoà thượng như tôi rất bận rộn, từ nhỏ đến giờ đều rất bận, tôi bận không phải vì việc tranh tiền, tranh địa vị của người khác, mà ngược lại tôi còn làm cho họ có tiền, có danh, có địa vị, làm cho họ có nhiều học vấn hơn, hạnh phúc hơn.

Đó không phải là việc giành lấy cho mình mà là cống hiến cho người khác, nhưng vẫn cần phải nỗ lực, cần phải trả giá.

Tôi không bao giờ nghĩ mình cần nổi tiếng, cũng không nghĩ sẽ nói những điều trên phương tiện thông tin để mọi người đều biết, nhưng do kết quả của sự nỗ lực, địa vị tự nhiên đã đến với tôi. Mọi thứ khác tự nhiên cũng theo đó mà đến.

Nhưng tôi không phải độc chiếm lấy lợi ích, mà tôi chia sẻ với mọi người, giống như quả cầu tuyết vừa lăn vừa lớn. Lợi ích không phải là của cá nhân tôi, mà đã trở thành lợi ích chung của mọi người, đó mới chính là giá trị đích thực của cạnh tranh. Trong rất nhiều kinh Phật, ví như “kinh Pháp Hoa”, “kinh Địa Tạng”, “kinh Kim Cương” đều đã từng xuất hiện quan niệm “so sánh”.

So sánh là làm việc này tốt hơn việc kia, công đức này lớn hơn công đức kia, thân phận này tốt hơn thân phận kia. Tóm lại, đó chính là cạnh tranh, nhưng không phải là sự cạnh tranh với người khác mà chính là cạnh tranh với mình.

Làm như vậy không phải là thể hiện mình, cạnh tranh như vậy không chỉ đem lại lợi ích cho mọi người trong xã hội, mà cũng là sự rèn luyện và chuyển hóa chính mình, có thể giúp mình trưởng thành nhanh hơn, mạnh hơn và toàn diện hơn.

Trong Phật giáo, cạnh tranh là “tiến lên”, là nỗ lực không ngừng, là dùng sức mạnh của mình để tạo ra nhiều lợi ích cho người khác.

Vì vậy, đừng hiểu lầm cạnh tranh là của riêng cá nhân, cũng không nên hiểu rằng cạnh tranh là cướp đoạt, lừa lọc, nếu không, cạnh tranh không những không có lợi cho mình, mà còn tổn hại tới người khác, chúng ta nên cạnh tranh lành mạnh, vì hạnh phúc của mọi người mà không ngừng nỗ lực.