Gửi em, cô gái đang có ý định vứt bỏ con mình

Em hẳn là đã quá mệt mỏi rồi, đã quá đau khổ và cô đơn nữa, bởi nếu em nói ra được với một ai đó có thể bao dung và chỉ cho em thấy con đường sáng, thì em đâu thể tiếp tục giữ ý định vứt đi đứa con của mình.


Có lẽ em còn quá trẻ và ít trải nghiệm để hiểu về giá trị của tình yêu trong mối tương quan với trách nhiệm. Có lẽ em cũng sinh ra và lớn lên trong một môi trường hoàn toàn vô Thần mà chẳng tin những gì gọi là báo ứng, luân hồi, nên càng không thể hiểu được sự thiêng liêng của sinh mệnh có được tấm thân người. Có lẽ em cũng chưa thấu hiểu giá trị của việc hy sinh và lo sợ trước một tương lai u ám bị phê phán, đàm tiếu.

Nhưng em biết không, cuộc đời mỗi con người không phải chỉ là để sống sao cho sướng thân mình, theo ý thích và điều mà mình cho là tốt. Bởi nếu chỉ như vậy, bố mẹ em có thể sẽ chẳng yêu thương em đủ để cho em cuộc sống này, người yêu có thể cũng chẳng yêu em đủ để không phụ bạc em, bạn bè em có thể cũng chẳng đủ nghĩa tình mà giúp đỡ em lúc hoạn nạn, người dưng qua đường càng chẳng đủ lòng trắc ẩn mà làm những việc thiện lương cho người khác, trong đó có em… Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến cảm nghĩ của mình, mong muốn của mình, nỗi khổ của mình, thì thế giới này đã đi tới chỗ diệt vong rồi.

Em biết không, có một cuốn sách nhỏ của tác giả người Nhật Kawamura với tựa “Thế giới này nếu chẳng còn mèo”, kể về một anh bưu tá đột nhiên nhận được tin mình bị ung thư giai đoạn cuối, anh chỉ có thể sống được vài ngày nữa. Đột nhiên có một con quỷ xuất hiện và mang lại cho anh cơ hội sống lâu thêm với điều kiện mỗi ngày anh phải xoá đi một thứ để đổi lại một ngày được sống.

Lần lượt anh xoá bỏ những thứ như điện thoại, phim ảnh, đồng hồ, để rồi khi mất đi điện thoại, anh nhận ra tình yêu của anh vốn dĩ chẳng cần tới thứ công cụ luôn dính trên tay mỗi con người hiện đại này. Phim ảnh biến mất cũng để anh nhận ra người mình nên trân trọng hiện hữu ngay bên cạnh. Đồng hồ biến mất để anh nhận ra gia đình là nơi bình yên nhất. Mỗi vật tưởng chừng là thứ không thể thiếu, là điều quan trọng trong cuộc sống bỗng chốc trở thành phù phiếm, mộng ảo, nó thật sự không quan trọng như anh vẫn nghĩ và bám víu vào trước khi phải chuẩn bị cho cái chết.

Và cho tới khi con quỷ yêu cầu anh phải xoá bỏ loài mèo trên thế giới, anh đã quyết định xoá bỏ bản thân mình. Bởi anh đã hiểu một điều vô hình nhưng quan trọng, là sự hy sinh của bản thân để cho những giá trị tình cảm tốt đẹp được tồn tại. Và rằng, cái chết không đáng sợ, sự mất mát không đáng sợ, việc phải đương đầu với những thứ khiến ta chao đảo cũng không đáng sợ… Chẳng phải mọi thứ bám víu đều là nhỏ bé, không cần thiết cho tới khi ta nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống.

Đó là chỉ sống thôi thì không có ý nghĩa gì. Sống thế nào mới là điều cuối cùng làm nên giá trị cuộc sống của ta.

Saigo Takamori đã từng viết trong lời di huấn thứ 26 của mình rằng: “Yêu mình, hay nói cách khác, chỉ cần biết có mình, còn người khác thế nào cũng được là việc tồi tệ nhất”.
Bởi “tử tế không vì người” (thành ngữ Nhật Bản: Nasake wa hito no tame narazu – Trích: Con đường dẫn tới thành công bằng sự tử tế, Inamori Kazuo), vì tử tế cuối cùng lại mang lại điều tốt đẹp cho mình mà thôi.

Em không tin ư? Đừng nói em chưa bao giờ làm những điều tốt đẹp cho người khác, dù rất nhỏ bé. Đừng nói em không thấy hạnh phúc khi thấy sự hài lòng ở những người được em giúp đỡ. Cũng đừng nói em chưa bao giờ thấy biết ơn và thoả mãn khi được người khác làm những việc tốt đẹp cho mình. Và có thể chưa nhìn thấy, nhưng em hãy tin rằng, việc tốt như chiếc bu-mê-răng khi được ném đi sẽ quay trở về với người ném nó. Em mang tâm thái thiện lành nghĩ cho người khác để giúp ai đó, họ sẽ hạnh phúc và mang tâm trạng biết ơn đó đi làm điều tương tự cho người khác nữa, cứ thế điều tốt lan toả, xã hội được truyền cảm hứng và trở nên tốt đẹp hơn.

Thế nên, cuộc sống của con người chỉ ý nghĩa khi chúng ta biết nghĩ tới người khác và yêu thương người khác đủ để hy sinh lợi ích của mình.

Người xưa dạy rằng, con người là một tác phẩm của tạo hoá, được sinh ra từ Thiên Địa, mà Thiên Địa ấy cũng do một Pháp lý siêu việt của vũ trụ vận hành mà ra. Chữ Pháp (法) ấy do chữ Thuỷ (nước) và Khứ (đi đến, tới) tạo thành. Thuỷ là tượng trưng cho sự luân chuyển, đủ đầy, sự hy sinh bởi tính chất viên dung khiêm nhường của nước (nước luôn chảy chỗ trũng, nước luôn chấp nhận các dòng chảy hoà vào mình bất chấp đục trong), nước cũng tượng trưng cho sức mạnh không ngăn cản nổi của tạo hoá khiến ai rơi vào dòng chảy mạnh cũng chỉ có thể buông xuôi theo dòng.

Thế nên chữ Pháp ấy chỉ ra rằng vạn vật tới được với thế giới này, hiện hữu là nhờ sức mạnh vĩ đại và bao dung của Pháp vũ trụ. Chúng ta cũng là một phần trong đó, không thể tự định đoạt được việc tồn tại cũng như huỷ diệt của bản thân. Chỉ có thể theo dòng, thuận theo Đạo, thuận theo Pháp vũ trụ là cách duy nhất không thể cưỡng cầu.

Con người phải lấy “Kính Thiên ái nhân” làm mục tiêu tu thân. Vì Thiên Địa sinh ra ta, kính Thiên là lẽ tất nhiên, Thiên Địa cũng lại từ bi với tất cả sinh mệnh trong đó, thì ái nhân cũng là việc ta phải làm để thuận theo Đạo.

Cũng lại có câu “quân tử học Đạo tắc ái nhân” nghĩa là người học Đạo để hiểu được nhân sinh thế thái thì chắc chắn phải yêu thương người.

Cách đây gần 70 năm, học sinh đi học còn được dạy rằng:

“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’, tức là công bình; ‘Làm hay cho người’, tức là nhân ái”.

“Lẽ công bằng chỉ bắt mình không được phạm đến tính mệnh người ta, chớ lòng nhân ái thì có thể khiến mình phải bỏ thân mà cứu người” – (Trích: Luân lý Giáo khoa thư).

Hay trong Luận Ngữ, Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, cái gì mình không muốn thì chớ làm cho người.

Vậy thì trân quý sinh mệnh của người khác chẳng phải vừa là công bằng vừa là nhân ái hay sao, là biết không làm điều mình không muốn cho người khác hay sao, cũng là Kính Thiên ái nhân là gì. Mà sinh mệnh này lại là đứa con ruột thịt của em đó, cô gái. Xét về lý hay tình thì cũng là nên cho sinh mệnh đó được quyền sống.

Em có thể sẽ phải hy sinh rất nhiều, chịu đựng rất nhiều, có thể tương lai sẽ hoàn toàn thay đổi theo hướng em không muốn, viễn cảnh vẽ ra bằng cách tư duy thông thường sẽ có thể u ám và đầy đau khổ. Nhưng đó là sự hy sinh cao cả nhất mà không cần ai đó công nhận, là điều chắc chắn sẽ không làm em hối tiếc khi nhìn lại, là cách con người nên sống và dũng cảm để bảo vệ đạo lý làm người.

Và con em, chắc chắn sẽ mang trong mình tấm lòng biết ơn và lương thiện để tiếp tục lan toả những điều tốt đẹp cho cuộc sống. Đó là ý nghĩa cuộc đời em, là những giá trị lớn lao hơn rất nhiều những danh vọng, bám víu mà em đang tưởng là quan trọng.

Với em, quyết định giữ lại một sinh mệnh bé bỏng, đáng thương và xoá bỏ những quan niệm, truy cầu về lợi ích tương lai của mình… chắc hẳn phải dễ dàng hơn quyết định phải xoá bỏ loài mèo của anh chàng bưu tá trong câu chuyện. Nói dễ hơn bởi giờ đây chẳng phải nó đã quá hiển nhiên rồi: đó chính là công bằng và nhân ái, là kính Thiên ái nhân, hơn nữa quyết định của em đâu có đe dọa đến sự sống chết của bản thân như anh chàng bưu tá nọ!

Chỉ là em hãy nhìn ra xa hơn, lạc quan hơn và tin tưởng hơn, cũng là coi nhẹ hơn và buông bỏ những so sánh thiệt hơn cho bản thân mình. Bởi bản thân mình thật ra cũng không quan trọng lắm nếu nhìn từ góc nhìn của tạo hoá, chúng ta sống chỉ là để giúp khẳng định thêm sự bao dung, từ bi của tạo hoá mà thôi.

Bài viết: "Gửi em, cô gái đang có ý định vứt bỏ con mình"
Thuần Dương/ Vườn hoa Phật giáo