Rùa hoa: thú vui thiếu nhân văn của giới trẻ

Khi làm bất kì một hành động nào chúng ta thật sự cần phải suy nghĩ chín chắn, cân nhắc tới hậu quả có thể xảy ra để không tốn thời gian, tiền bạc cho những việc làm vô nghĩa


Rùa hoa” hay còn gọi là “rùa mini”, “rùa vẽ” đang là từ khóa khá hot trên mạng xã hội đối với những bạn trẻ muốn tìm kiếm một loài vật nuôi nhỏ bé, dễ thương. Tuy nhiên, việc buôn bán loài rùa sặc sỡ này đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối và cảnh báo của dư luận.

“Sốt” trào lưu nuôi “rùa hoa” trên mạng xã hội

Những ngày qua, trên facebook nở rộ trào lưu nuôi “rùa hoa” trong giới trẻ. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì những chú rùa mini giờ không mang chiếc mai thô cứng mà đã được tô vẽ hoa văn bắt mắt “không đụng hàng”. Theo hình ảnh được đăng tải, “rùa hoa” hay là “rùa mini” - đúng như tên gọi có kích thước rất nhỏ, có thể nằm lọt trong lòng bàn tay. Rùa được người bán hàng quảng cáo với lời mời chào rất hấp dẫn “rùa không ăn uống trong vòng 1 tháng cũng không chết”. Và giá tiền của mỗi con dao động từ 40.000 - 60.000đ.

Thông tin về “rùa hoa” được giới thiệu rất chi tiết, kĩ lưỡng từ tập tính, cách chăm sóc đến giá thành. Nhưng tuyệt nhiên giống loài của “rùa hoa” không được cung cấp, người bán chỉ khẳng định: “Không phải rùa tai đỏ!”.

Sơn màu lên mai rùa - hành động đáng lên án

Với những hình vẽ bắt mắt, sinh động, đơn giản có thể là hình bông hoa cúc, hoa đào... còn cầu kì hơn là hình ô tô, biển cả, các nhân vật hoạt hình... “rùa hoa” đang thu hút sự quan tâm lớn của những bạn trẻ thích sống ảo. Nắm bắt tâm lý của nhiều người muốn “độc, lạ”, nhiều cửa hàng còn nhận vẽ chân dung khách hàng trên mai rùa và giá tiền cũng đắt hơn những mẫu có sẵn với hình vẽ đại trà.
 
Đọc bình luận tại các diễn đàn online, tôi thấy phần lớn người mua là con gái vì họ thường thích những thú cưng bé nhỏ, dễ thương nay lại thêm hình thù bắt mắt thì khó ai “cưỡng lại được”. Ngoài ra, “rùa hoa” còn được mua bởi những bà mẹ có con nhỏ. Họ thường chọn mua rùa vì rùa nhỏ, hiền, không gây nguy hiểm cho con trẻ, lại dễ nuôi. Có mẹ còn đặt mua 10 con rùa với yêu cầu vẽ những nhân vật hoạt hình mà con yêu thích, để con tự nuôi như một món quà sinh nhật.

Tuy nhiên, với giá bán chỉ từ 40.000đ thì loại sơn được vẽ trên mai rùa không thể an toàn được; bởi một lọ sơn móng tay hữu cơ có giá tới tận 200.000đ. Chắc chắn đây là loại sơn được bán trôi nổi ngoài chợ, chứa nhiều hóa chất độc hại. Và trẻ con nếu tiếp xúc với các loại sơn này sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Khi các em chơi với rùa, tay các em thường mân mê sờ lên các hình vẽ và hóa chất từ lớp sơn ấy sẽ dính lên tay. Nếu phụ huynh không để ý rửa tay hay trông cẩn thận thì hóa chất độc hại sẽ dính vào thức ăn khi các em bốc tay hoặc khi mải chơi, các em nhỏ thường có thói quen ngậm tay.

Thú chơi “rùa hoa” còn nhận phải sự tranh cãi gay gắt từ cộng đồng mạng khi người bán không chỉ sơn lên mai mà thậm chí đầu, chân và đuôi rùa đều bị vẽ lên cho “ton - sur - ton”. “Chỉ vì tiền mà sơn hết cả lên thân rùa để bán hàng. Đúng là hành vi độc ác, thiếu kiến thức lẫn thiếu văn hóa” - độc giả Đ.Phúc bức xúc viết.

Như vậy, việc sơn màu lên mai rùa không chỉ gây nguy hiểm cho chính con vật mà người mua khi tiếp xúc với hóa chất độc hại từ loại sơn rẻ tiền có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. 

“Rùa hoa” là loại rùa tai đỏ, xâm hại môi trường sinh thái

Liên quan đến “rùa hoa” đang gây tranh cãi trên mạng xã hội, trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ “rùa học” Hà Đình Đức khẳng định đây chính là rùa tai đỏ. Loài rùa nằm trong danh sách các loài rùa xâm hại của Việt Nam, bị cấm buôn bán và thả ra môi trường.

Vào năm 2011, chính PGS.TS Hà Đình Đức đã phải lên tiếng cảnh báo người dân không thả rùa tai đỏ xuống Hồ Gươm vì chúng gây hại đến nhiều sinh vật, tận diệt nguồn thức ăn của Cụ Rùa. Thời điểm đó, có nhiều người đã chụp được hình ảnh rùa tai đỏ đang bám trên lưng Cụ Rùa đang mang bệnh. Chính sinh vật ngoại lai này được cho là tác nhân gây bệnh và gặm nhấm những vết thương trên cổ, mai Cụ Rùa khiến nó càng thêm nghiêm trọng

Với đặc điểm sinh sôi nảy nở rất nhanh, sống dai và cực kì phàm ăn, rùa tai đỏ không khác gì vấn nạn ốc bưu vàng từng hoành hành ở Việt Nam những năm trước. Ngoài việc phá hoại môi trường, loài rùa này còn có thể mang vi khuẩn salmonella, loại gây bệnh thương hàn cho người.

Thú nuôi rùa bắt đầu du nhập vào nước ta từ khoảng 10 năm trước. Nhưng lúc đó số lượng người bán còn ít, phải đến vài năm trở lại đây, mọi người mới bắt đầu quan tâm tới việc tìm nuôi rùa. Bởi không giống các loài thủy sinh như cá hay tép cảnh, rùa là vật nuôi có thể mang theo đi khắp nơi để “khoe” với bạn bè. Tuy nhiên, rùa được chọn nuôi thường là rùa núi vàng, rùa sao Ấn Độ, rùa lá mata mata... Đây đều là các loài rùa cảnh dễ nuôi, màu sắc đẹp, hiền lành và thuận tiện khi nuôi trên cạn. Thức ăn chủ yếu của chúng là rau xanh, củ quả và các loại cỏ.

Tuy nhiên, các giống rùa trên đều thuộc hạng quý nên mua bán trên mạng phải có giấy phép và giá bán khá cao từ vài trăm đến vài triệu đồng tùy thuộc vào kích thước và độ đẹp của mai. Chính vì lý do này nên các bạn trẻ đổ xô đi mua “rùa hoa” với giá rẻ mà không biết đây là loài rùa tai đỏ vô cùng nguy hiểm.

Không nên gieo nhân “sát” vào tâm hồn trẻ thơ

Gõ tìm kiếm “rùa hoa” hay “rùa mini” trên facebook, tôi tìm đọc bài viết của các vị khách sau khi mua chúng về. Bên cạnh bức ảnh sống ảo đầy lung linh, tôi thấy buồn khi lướt xuống những dòng bình luận. Sau khi mua về cho con chơi một thời gian, những hình vẽ trên mai rùa mờ dần, rùa cũng lớn không còn vẻ đáng yêu như trước nên các em nhỏ không còn hứng thú. Và một người mẹ đã bảo con mình ném rùa vào sọt rác vứt đi, “khi nào mua con khác chơi tiếp”.

Không biết từ bao giờ động vật đã bị con người đem ra làm thứ để mua vui như vậy. Theo tôi, việc dạy trẻ tự tay giết hại sinh mạng của các con vật từ nhỏ không hề tốt chút nào. Bởi những năm tháng đầu đời, trẻ em cần được hướng thiện, học những kiến thức đúng đắn, bổ ích. Những tri thức tích lũy được từ nhỏ sẽ ảnh hưởng tới nhân cách và hành động của các em khi trưởng thành.

Như một mầm cây, nếu bạn chăm sóc, yêu thương và nói những lời tốt đẹp thì chúng sẽ lớn nhanh và tươi tốt. Ngược lại, nếu bạn đổ vào các chất độc hại thì chúng sẽ chết ngay lập tức. Và những lời nói và hành vi bất thiện mà người lớn dạy cho trẻ em chính là thứ độc dược ấy.

Rùa tai đỏ đã được các nhà khoa học nhận định là giống loài nguy hại từ rất lâu rồi. Nhưng vì không tìm hiểu kĩ mà chúng ta nhập chúng về, để chúng sinh sản và bán một cách ồ ạt. Hoặc có thể vì lợi nhuận trước mắt mà chúng ta “tặc lưỡi” làm ngơ coi như không biết. Để rồi khi đã “chơi chán, nghịch chán” thì chúng ta thẳng tay vứt chúng vào thùng rác, thả ra hồ hay tìm cách để tận diệt chúng với lý do bảo vệ môi trường sinh thái. Chính sự vô trách nhiệm và thiếu nhận thức của con người đã làm ảnh hưởng tới sự cân bằng sinh thái chứ không phải lỗi từ một con rùa. 

Không nhập, không nuôi, không mua, không bán thì sẽ không phải giết hại. Thật đáng tiếc khi một điều đơn giản như vậy chúng ta lại không thể hiểu. Tuy có trí tuệ và thông minh hơn muông thú nhưng con người cũng giống như những chúng sinh khác, vẫn bị chi phối trong vòng quay vô tận của sinh tử luân hồi. Và dù có sự hiểu biết lớn hơn loài thú thì cũng không cho phép con người chúng ta có quyền tự do sát hại chúng.

Từ ngàn xưa, đức Phật đã thấu rõ mối tương quan tương duyên chặt chẽ của muôn loài trên quả địa cầu này, Phật giáo đã dạy chúng ta bảo vệ sự sống của muôn loài, không được hủy diệt bất cứ loài nào một cách tùy tiện. Một bài kệ trong kinh Pháp cú đã nói rõ điều này: “Tất cả chúng sinh sợ bạo lực, tất cả chúng sinh sợ cái chết, tất cả chúng sinh yêu quý sự sống, tất cả chúng sinh hãy đặt mình trong vị trí của người khác, để không thích giết và không còn giết, không tán đồng sự giết”.

Một trong những lý do khởi nguồn của an cư kiết hạ - truyền thống ngàn đời của Phật giáo là do mỗi mùa mưa tới, nhiều loài côn trùng, bò sát sinh sôi nảy nở. Vì lòng từ bi, thương tưởng đến các sinh vật nhỏ bé sinh trưởng trong mùa mưa nên đức Phật muốn các đệ tử quay về một trú xứ để tránh giẫm đạp, gây hại cho chúng sinh.

Ngoài ra, hoàn toàn khác với các tôn giáo khác, Phật giáo khẳng định tất cả chúng sinh đều có Phật tính bình đẳng và tất cả đều có thể thành Phật. Và chắc chắn rằng thế giới này không được tạo ra để cho riêng loài người thụ hưởng lợi ích. Nhất là theo định luật nhân quả, nghiệp báo, tùy theo nghiệp đã tạo tác mà con người có thể tái sinh làm vật và loài vật có thể tái sinh làm người. Như vậy, đối với Phật giáo, theo quy luật tái sinh trong mắt xích luân hồi, con người và muông thú là một phần của cùng một chuỗi hình thành tạo nên sự hiện hữu của muôn loài trên quả địa cầu này.

Vì vậy, một trong các giới cấm căn bản theo đạo Phật, đệ tử phải tuân thủ triệt để giới ngăn cấm gây hại hoặc giết chết bất cứ chúng sinh nào. Vì như đã nói, tất cả chúng sinh đều có sinh mạng, đều yêu quý sinh mạng và không muốn chết. Cho nên, chúng ta cần nuôi dưỡng tâm từ bi đối với muôn loài.

Hơn nữa, nghiệp sát là nguồn gốc của tất cả khổ đau và là mầm mống căn bản của bệnh tật, thọ mạng ngắn ngủi và chiến tranh, cũng như dẫn đường tái sinh vào thế giới xấu ác sau khi bỏ thân mạng này.

Chẳng những không sát hại sinh mạng các loài, theo lý tưởng cao nhất của Phật giáo, cần làm việc thiện lành từ đời này sang đời khác để chấm dứt nỗi khổ niềm đau cho tất cả chúng sinh, chứ không phải chỉ cứu giúp riêng loài người. Đức Phật là tấm gương điển hình về việc Ngài xả thân cứu độ loài vật trong vô số các truyện nói về tiền thân của Phật khi Ngài hành Bồ Tát đạo. Tiêu biểu như trong một kiếp quá khứ, Phật đã hi sinh thân mạng của mình để cứu sống một con cọp cái và hai con cọp con đang đói, bị mắc kẹt trong tuyết.

Trong cuộc sống, thực hiện giáo pháp Phật để nuôi dưỡng lòng từ bi đối với các loài vật, đệ tử Phật nên ăn chay và phóng sinh chim, cá... để chúng được hưởng thụ sự tự do. Thấu hiểu lời dạy của đức Phật, mỗi người phật tử không nên mua động vật về để vui chơi, giam nhốt và giết hại chúng, cụ thể ở đây là thú chơi “rùa hoa”. Chúng ta nên phản đối những trào lưu không tốt và hướng mọi người quay về bến bờ thiện giác.

Thiết nghĩ, khi làm bất kì một hành động nào chúng ta thật sự cần phải suy nghĩ chín chắn, cân nhắc tới hậu quả có thể xảy ra để không tốn thời gian, tiền bạc cho những việc làm vô nghĩa. “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Mong sao mỗi người sẽ luôn có trách nhiệm với từng hành vi nhỏ của bản thân để không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.

Rùa tai đỏ hay còn gọi là rùa vạch đỏ - tên gọi này xuất phát từ hình dáng bên ngoài: hai viền màu đỏ ở ngay phía sau mắt, đây là một loại động vật ăn tạp hung dữ, chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác và là loài xâm lấn.

Rùa tai đỏ mới sinh chỉ dài khoảng 1 cm, khi trưởng thành khoảng 15 cm, chiều dài tối đa khoảng 25 cm (chiều dài này được tính theo độ dài từ điểm đầu của mai đến điểm cuối của mai rùa). Chúng có thể sống đến 40 - 70 năm, tùy vào môi trường sống.

Chúng được xếp hạng gần cuối trong số 206 động vật xâm hại môi trường. Khi thoát ra môi trường, chúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa do khả năng tàn phá của mình. (Theo wikipedia)

 
Bài viết: "Rùa hoa: thú vui thiếu nhân văn của giới trẻ"
Tuệ An/ Vườn hoa Phật giáo
--------------

Tham khảo:

http://kenh14.vn/no-ro-trao-luu-ban-rua-mini-du-mau-tren-mang-xa-hoi-nha-rua-hoc-ha-dinh-duc-len-tieng-canh-bao-20180730222925006.chn

https://giacngo.vn/nguyetsan/2016/04/06/57D2D9/

https://thanhnien.vn/gioi-tre/trao-luu-nuoi-rua-lam-thu-cung-cua-gioi-tre-sai-gon-739068.html