Tái bút cho một cái tút

Tôi chỉ nhân tình cờ đọc lời tựa một cuốn sách, phát động cho mọi người phong trào đọc kinh, thông qua hình ảnh của thầy phương trượng chùa Hoằng Pháp. Vậy mà, không hiểu sao nhiều người không tùy hỉ với thành quả của thầy mà lại thích soi vào khía cạnh nào đó.


Chẳng hạn như:

- Tu sĩ tới 60 tuổi mới đọc kinh Nikaya là muộn, khi kinh này được dịch từ trước 1975.

- Trụ trì một ngôi chùa lớn như vậy mà 60 tuổi mới đọc Nikaya. Vậy trước đó tu gì?

- Hình như không được có lý lắm - 60 tuổi mới đọc Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh được yêu cầu cho cả Nam và Bắc Tông. Không biết thầy học gì trước khi thọ giới?

Tôi không thích cách "đặt vấn đề" như vậy, và lẽ ra tôi cũng không trả lời, vì tôi cũng chẳng biết gì nhiều về thầy. Hihi…

Tôi nhớ ngày xưa hay lên chùa Hải Đức chơi, thỉnh thoảng có nghe nói về một người phụ nữ nào đó tên "Cô Bảy" (hay cô Ba gì đó), mà ai từng tu nơi đây cũng nhớ người đó. Bà nấu cơm cho bao nhiêu thế hệ trong chùa ăn và học kinh này điển kia, chắc giờ bà cũng già và chết. Không ai đặt một câu hỏi, sao ở chùa, nấu cơm bao nhiêu năm mà bà không thành Sư bà. Hình như bà không biết chữ, dù ở ngay Phật Học Viện và hầu cơm hằng ngày cho bao nhiêu người sau này khá nổi tiếng.

Qua một người thầy học trò của thầy Chân Tính, tôi được biết hiện giờ chùa Hoằng Pháp có trên dưới 150 Tăng sĩ, rất quy củ, sinh hoạt nghiêm ngặt và được tạo điều kiện học hành. Người đã nói chuyện với tôi là một Tăng sĩ 25 tuổi, không xài điện thoại, khi cần thì mượn xài cho công việc và xong việc thì thôi. Chùa Hoằng Pháp là chùa Bắc Tông, nhưng thầy Chân Tính đã cho thay công phu sáng Thủ Lăng Nghiêm bằng Kinh Pháp Cú. Học trò của thầy được cho đi các chùa Nam Tông học Pali, A-tỳ-đàm. Tôi được biết có vị đã sang Miến tu thiền, và thầy Chân Tính không có gò bó họ giữa Nam hay Bắc. Tôi nghe kể chùa Hoằng Pháp thỉnh chư Tăng đến dạy Nikaya nhưng không mời thỉnh dạy Tịnh độ, và chuyện niệm 6 chữ thì bây giờ được xem như một đề mục, dành cho những người đã quen nếp xưa thôi. 

Chùa còn có dao động 300 - 500 cư sĩ tới chùa sinh hoạt tu tập y như người tu. Mỗi khóa tu như chúng ta thấy là cả ngàn đến ngàn rưỡi, thu hút rất nhiều những thanh thiếu niên.

Giữa một đất nước không phải là quốc giáo, với nền tảng tông phái dị biệt, và trong điều kiện kinh tế hiện nay nữa, giữ được sự hài hòa và phát triển như vậy thật không hề đơn giản. Và chùa Hoằng Pháp còn có vài cơ sở khác nữa. Với chừng ấy thành quả, thì tôi nghĩ đến tuổi 60 mà Thầy ấy vẫn đạt được tâm nguyện thì đáng kính phục. 

Tôi hỏi người tu sĩ trẻ học trò của thầy, sao có băng giảng trên mạng mà quí thầy vẫn cần những sách ghi chép này. Câu trả lời làm tôi giật mình bởi bấy lâu bị cuốn và cái công nghệ đa phương tiện (multimedia) mà tôi quên mất: Mọi người vẫn thích đọc hơn, có chùa, có kinh sách, còn giữ gìn được văn hóa đọc.

Ở cái tuổi 60 không hề trẻ nữa, với cái cơ ngơi sự nghiệp hoành tráng như vậy, lẽ ra có thể nhàn hạ thẳng lưng kê cao gối mà ngủ, Thầy lại vẫn giữ lời thề đã phát nguyện từ ba mươi năm trước (1998) nhập thất và đọc trọn bộ kinh Nikaya; đây thể hiện một hy hiến cho Phật giáo, và là thân giáo cho những thế hệ về sau, ít nhất là giữ gìn văn hóa đọc. Chỉ có tự mình nghiền ngẫm đọc kinh điển thì mới thẩm thấu được lời Phật, nhất là giữa cái thời đại bao nhiêu thứ văn hóa phẩm bủa vây chúng ta dưới mọi hình thức truyền thanh, truyền hình, internet...

Thay vì đặt những câu hỏi không lợi lạc gì, chúng ta phải nhìn thấy nỗ lực vô cùng của thầy và kính phục, và tri ân. 

Đó là những gì tôi biết, tuyệt đối không queo com những câu hỏi mang tính tiêu cực nữa. Thấy là xóa!

Bài viết: "Tái bút cho một cái tút"
Anna Dao/ Vườn hoa Phật giáo